Đỗ Tiến
Buổi sáng, như thường lệ tôi ngồi nhâm nhi ấm trà đặc cùng đủ thứ chuyện gần chuyện xa. Từ chuyện chiếc tàu MIR sau mười lăm năm nhởn nhơ trên trời rồi đâm sầm xuống làm một giấc ngủ ngon lành trong lòng biển, đến chuyện rau muống đầu mùa giá đắt kinh khủng, những ba ngàn đồng một bó. Kể ra ngồi một mình “ẩm trà” cũng buồn. Giá có người “đối ẩm” mà tào lao một lúc… Đúng lúc đó thì lão đến. Thấy tôi, miệng lão khẽ nhếch lên: - May quá, anh đang ở nhà… Tôi băn khoăn lắm. Có bao giờ lão ra nhà tôi. Cái lão chuyên làm nghề bốc xương người, ở thì ở ngôi nhà quản trang ấy. Rót nước mời lão tôi tự nhủ phải im lặng chờ lão “xuất quân” trước. Rõ ràng không bỗng dưng con người nặng mùi âm khí này lại nhè vào thói quen ẩm trà sáng của tôi để xuất hiện. Tôi lặng thinh chờ lão “khai đao”. Bắt gặp ánh mắt lão đẩy xéo sang, tôi vội liếc lại mình. Lẽ nào lão đang ước lượng bộ khung xương của tôi vốn thích khoe khoang nổi hằn nổi vệt ra ngoài sẽ xếp đầy cái tiểu nào, loại tiểu trung hay tiểu đại theo thói quen nghề nghiệp của lão? - Anh nhà báo này, cho tôi hỏi anh việc… việc… việc… Cuối cùng lão cũng đã cất lời. Lão ra đây là để hỏi tôi. Nhưng việc gì khiến lão lúng túng thế. Tôi từ tốn rót nước vào chiếc tách của lão: - Bác hỏi việc gì ạ? - Vâng, là thế này (lão lại lúng túng) thế này… (lão gãi đầu) việc… việc… - Việc gì ạ? Lần này ánh mắt lão lao thẳng vào tôi một cách cương quyết: - Việc… ngoại tình anh ạ. Tôi giật mình tưởng nghe nhầm. Không, nhìn dáng vẻ lão không hề có ý gây sự với tôi. Hơn nữa, vợ lão hơn tôi cả chục tuổi lại đã mất gần ba năm nay. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi (lão tinh quái là thế) lão nhếch mép cười: - Tôi xem anh hay viết về lĩnh vực tâm lý, tôi muốn hỏi anh xem con người ta khi ngoại tình sẽ như thế nào thôi. Tôi buột “à” một tiếng. Thì ra lão vẫn đang cay cú chuyện lão vì nghi vợ ngoại tình nên đánh người thành thương, phải đi tù… * Mười bảy năm trước, lão Quản là chàng thanh niên có tiếng “sát cá” của làng Yên. Bố mẹ lão mất sớm để lại cho lão một chiếc thuyền và nghề làm câu dăng trên sông. Nghề làm câu dăng chỉ cần dăm cặp câu chịu khó thức đêm bám con nước thủy triều lên xuống là có cơm, có cá đò đưa qua ngày. “Chim trời cá nước” tạo hóa ban tặng cho tất cả con người. Khúc sông anh thanh niên Quản hay dăng câu vốn là một vụng cầu nổi tiếng. Dòng sông Mã sầm sập từ thượng nguồn “phi” ra cửa biển bất ngờ bị hòn núi thò chân chắn ngang gầm lên dữ dội. Nước đạp vào vách đá lùi lại, tạo nên vòng xoáy quẩn khổng lồ. Mùa nước lũ, dòng sông đỏ ngầu quặn mình kéo theo bao thứ đổ ra biển. Củi, luồng nứa, bè gỗ… Cả xác người, xác súc vật. Gặp nước cuốn những cái xác dập dềnh quay mãi, quay mãi rồi dạt vào bờ. Có những xác người nằm ba bốn ngày không thấy người thân đến nhận. Khổ cho chính quyền sở tại. Phải báo công an. Phải chi phí chôn cất. Mà dễ gì đã thuê được người chôn cất. Chẳng ai muốn mó vào những hình hài đồng loại đang rữa ra, lúc nhúc ròi bọ, bốc lên cái mùi nặng trịch suốt triền sông. Người ta sực nhớ đến anh chàng làm nghề câu dăng. Một vụ, hai vụ. Một xác, hai xác… Từ đó hễ có người chết dạt vào bờ là người ta ơi ới: “Anh Quản ơi… có phệnh kìa…”. Trông cảnh anh Quản vác những thây ma trương phềnh, rữa từng mảnh lên bờ khâm liệm có người rụt cổ lè lưỡi: - Khiếp. Cho một triệu đây cũng kiếu. Đằng này chỉ hơn trăm… Các cụ già thì gật đầu: - Tốt tốt. Làm việc nghĩa không quản công xá tiền bạc. Riêng các cô gái trong làng không ai dám nhìn. Đứng túm tụm tít từ xa, các cô bàn tán: - “Lão” ấy nom khù khờ mà tợn ghê… - Eo ơi, nghe nói “lão” ôm xác bằng hai tay chúng mày ạ. Sau nay đứa nào có phúc được “lão” ôm như vậy nhỉ. Các cô cười ré, đấm nhau thùm thụp. Chẳng biết vì thế hay còn vì cái gì khác nữa mà mãi ngoài tuổi băm anh Quản vẫn lụi khụi nấu ăn một mình. Cho đến ngày… Tin anh Quản câu được cá Vược Sũ bán gần trăm triệu đồng làm chấn động cả làng Yên. Người bảo số anh Quản đỏ. Đám thanh niên thèm thuồng: “Xe máy đấy. Nhà cửa đấy. Ông Quản đổi đời rồi…”. Người triết lý: “Linh hồn những người chết trôi về cảm ơn đấy”. Hình như anh chàng dăng câu lù khù vụt khác hẳn trong mắt các cô gái làng. Lấy anh ta, thứ nhất bỏ qua được giai đoạn phải làm dâu khép na khép nép trước mặt bố mẹ chồng. Thứ hai nom anh ta cũng hiền lành chịu khó. Điều quan trọng hơn là anh ta đã xủng xỉnh, có thể nuôi nổi vợ. Đó là lý lẽ của cô Xuyến, cô gái xinh nhất làng Yên. Đám cưới của họ diễn ra chóng vánh. Dù không ít kẻ chặc lưỡi văn hoa: “Anh Quản lại câu được con cá Vược Sũ nữa rồi”. Nhưng lần này con Vược Sũ không đem lại may mắn cho anh Quản. Cô Xuyến xinh đẹp đi với anh Quản cứ như trăng rằm mắc đám mây đen. Một người mũm mĩm trắng hồng, vắt vẻo cái đuôi mắt lá răm. Một người đen thui, râu tóc bờm sờm. Lệch ơi là lệch. Đám con trai phởn chí: “Tao cấu tay vợ nó, nó thấy mười mươi mà không dám làm gì chúng mày ạ. Lạ nhất là cái mặt đít chảo cứ thẹn đỏ lên… Há… Há…”. Rồi có chuyện. Một lần anh Quản đi câu đêm bất chợt ghé qua nhà, thấy vợ mình nằm tênh hênh trên giường. Lồm cồm phía trên một thằng đàn ông trắng trẻo, lạ hoắc. Gã đang xoa trán, vuốt má con đàn bà. Không nói một lời, lão lừ lừ đi lại. Sẵn cái điếu cày làm bằng ống nhôm cứng trên tay lão đập một cái (đúng một cái) vào chóp đầu có mái tóc sấy kiểu cách của gã đàn ông. Gã đổ sầm, quay lơ bất tỉnh. Ầm ĩ cả xóm. Công an đến, lão ngoan ngoãn đưa hai tay ra phía trước. Mặc cho cô Xuyến phân bua: “Em bị trúng gió. Anh ấy đi qua đường vực em vào cạo gió cho em”, lão hừ hứ: “Cạo gió hử… Cạo gió thế kia à?”. Mọi người bất giác nhìn vào góc giường. Cô Xuyến rúm người, cố giấu mình. Chiếc áo ngủ mỏng quá, mỏng tới mức nó không giấu được bộ ngực không có áo con cứ vồng căng ra thành bầu thành núm chọc vào mắt người ta. Cô Xuyến mất khi anh Quản đang còn trong trại giam. Ra tù, anh Quản lại lụi khụi nấu ăn một mình. Dân làng bảo anh Quản nghi oan cho vợ. Bằng chứng là cô Xuyến chẳng “đầu mày cuối mắt” với ai cho tới lúc chết. Hình như anh Quản ân hận lắm nên xin làng xây ngôi nhà quản trang bằng số tiền dành dụm được trong tù. Việc nghĩa thế ai nỡ từ chối. Làm xong nhà quản trang, anh Quản lại xin làng ở lại trông coi đèn nhang và để “nếu có nhà nào cát táng tôi làm giúp cho. Ở trong tù tôi học được nghề sang cốt. Sẽ không thiếu một đốt xương nào...”. Ra thế, người ta nhớ đến một thời anh thanh niên Quản chăm chỉ, chịu khó vớt xác người chết trôi. Tốt thôi. Anh Quản thành lão Quản làm nghề sang cốt từ đó. Chuyện mười bảy năm trước của lão là vậy. Bây giờ lão đang ngồi đối ẩm với tôi, hỏi tôi về chuyện ngoại tình. Thấy tôi ngắc nga ngắc ngứ lão lại nhênh nhếch cười: - Tưởng anh hiểu người ta ngoại tình thì như thế nào, tại sao phải ngoại tình. Nhưng thôi. Tôi chỉ xin hỏi anh một điều nữa: nếu anh bị ngoại tình anh sẽ làm gì? Ngần ngừ một lúc, tôi cố hình dung tôi đang bị ngoại tình, đang bị cắm chiếc sừng hươu to tướng trên đầu rồi trả lời lão tôi có thể tha thứ nếu nàng chỉ lỡ dại, nếu nàng vẫn thương yêu tôi. Lão thở dài: - Tôi không làm được như anh. Tôi bị mất tình thương từ nhỏ. Lớn lên, được một tí hắn lại nỡ cướp của tôi. Làm sao tôi chịu nổi? Thà cướp cái gì còn được. Tôi an ủi lão rằng tất nhiên ngoại tình là một thứ tội lỗi, song chắc gì vợ lão đã ngoại tình. Cặp mắt của lão chiếu thẳng vào tôi. Lần này nó sáng ánh lên: - Tôi sẽ biết. Sẽ biết. ít ngày nữa thôi... Lão kể một thôi một hồi những điều lão học được trong tù về bộ xương người. Bao nhiêu xương ống, bao nhiêu xương đốt. Bất chợt lão hạ giọng: - Anh biết không, đốt xương cụt của người đàn bà là chỗ lưu giữ dấu vết của người đàn ông đi qua trong đời. Một người đàn ông, đốt xương ấy nổi lên một đốm trắng, hai người thì hai đốm trắng... Tôi ngẩn người nhìn lão. Có thật vậy không hở trời, điều bí mật thiên cơ này? Tiếng lão lùng bùng bên tai tôi: - Đêm mười sáu tháng này tôi cải táng cho vợ. Nếu chỉ một đốm trắng tôi nguyện ở lại ngôi nhà quản trang suốt đời chuộc lại lỗi lầm của tôi. Nếu hơn, tôi phải đi, phải đi... nhà báo ạ... Tôi đã khắc khoải chờ cái đêm mười sáu ấy. Một phần tôi muốn được ở bên lão trong giây phút trọng đại đó của cuộc đời lão. Một phần tôi cũng muốn được tận mắt chứng kiến cái đốt xương cụt của cô gái đẹp nhất làng kia. Chuyến công tác đột ngột ở tỉnh ngoài khiến tôi lỡ làng. Hôm về, vợ tôi bảo tôi: - Lão Quản đi rồi anh ạ. Ngôi nhà quản trang ấy bỏ hoang suốt tuần nay. Tôi lên khu nghĩa trang. Buổi chiều, ánh nắng cuối cùng trong ngày nhợt nhạt, thoi thóp trên vòm những ngôi mộ. Căn nhà quản trang cửa đóng im ỉm đang bị bóng đêm lừng lững đến ngoạm dần, ngoạm dần vào cái bụng đen xì. - Hỡi lão Quản - Tôi muốn kêu lên – lão đi đâu trong đêm tối này
* *
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com