Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

B4 pro's Blog

giấy tờ tùy thân teen chưa quen dùng

Trong khi những dân teen thế hệ @ tự hào với tấm chứng minh nhân dân (CMND) được cấp lần đầu - bằng chứng về việc mình là người lớn, và có thể tự lập, thì cũng còn nhiều “củ chuối” tuổi teen sử dụng CMND theo kiểu điếc không sợ súng. Biết sử dụng giấy tờ tuỳ thân, nghĩa là bạn đã hiểu biết về tư pháp và bắt đầu có trách nhiệm công dân. 
 
1001 kiểu sử dụng Giấy tờ tuỳ thân
 
Dùng Giấy chứng minh nhân dân thay... tiền mặt. Để “tiết kiệm”, N. (lớp 12, trường N.C.T) quyết tâm không mang quá 10.000đ mỗi ngày, chỉ đủ để ăn sáng và gửi xe, không thêm không bớt. Có điều, N. quên tính đến chuyện bể lốp xe dọc đường, hay có những chuỵên gấp cần giải quyết như đóng tiền photo tài liệu, tiền quỹ lớp… Ban đầu anh chàng còn dè dặt, nhưng sau đó lại cực kỳ thoải mái khi đem dần chứng minh nhân dân (CMND), thẻ học sinh, thẻ… thư viện ra “thế chấp” với mấy chú sửa xe, mấy dì gửi xe... Chuộc đi rồi lại thế chấp lại, hôm nào còn tiền dư thì đi lấy, hôm nào không còn thì “cứ để đó, không đến nỗi mất đâu mà sợ”. Khổ, cái xe đạp cà xịt cà tàng cứ được dịp hư suốt, hôm thì bể bánh, hôm thì mềm ruột, hôm thì đứt thắng, nhiều đến nỗi, bạn bè đùa rằng, chắc khắp những chỗ sửa xe trong thành phố này, không chỗ nào mà N. không chìa thẻ ra.
 
Thế nào là giấy tờ tuỳ thân? “Tuỳ thân” là từ Hán Việt, có nghĩa là luôn mang theo người. Ấy thế mà...
 
Giấy tờ tùy thân, ta cất kỹ ở nhà! H. (trường N.D) lại là một trường hợp khác. Không nhớ mang theo bằng lái, không mang giấy tờ xe, nhưng lại cưỡi con Nouvo của bố đi học, H. vẫn không hề nao núng. Nhất là sau cái lần cô nàng được tha bổng không tiền phạt, không giam xe ngay khi phạm tội “tống ba” và “không giấy tờ” trên đường. H. tự tin hẳn lên vào tài ăn nói khôn khéo, lanh lợi và cực kỳ giỏi… năn nỉ của mình. Tự tin đến mức, có khi trước lúc đi đã biết chắc như đinh đóng cột rằng mình chưa đem theo giấy tờ xe, thẻ căn cước,… trong mình, nhưng cô nàng vẫn “rộng bóp”  ra khỏi nhà. “Cùng lắm là đóng tiền phạt chứ gì, đi kiểu như thế mới thích, thấy nó hồi hộp thế nào ấy”.
 
 Đúng là hồi hộp thật, vì cảnh tượng một tà áo dài “chưa đủ tuổi” cưỡi con Nouvo lướt trên đường cứ đập vào mắt mấy chú cảnh sát giao thông với tần số chóng mặt. Giờ thì đến phiên ông bố phải thay thế H., vừa phải trổ tài năn nỉ, vừa phải tốn một khỏan tiền không nhỏ để chuộc chiếc Nouvo đang “ngóc mỏ” chờ trong phòng giam xe của quận I.
 
Nhiều dân teen cảm thấy tự hào khi vào tuổi 16 được công nhận quyền công dân bằng cái thẻ CMND thật oách, cùng một số giấy tờ tùy thân khác, nhưng với nhiều dân teen khác giá trị của chúng lại được qui đổi thành những con số “bèo bọt” đến không ngờ: 500, 1000. Thậm chí, có nhiều bạn, còn không nhớ nổi cái thẻ ấy hình thù thế nào, và đã để quên nó ở đâu.
 
Giấy tờ tùy thân là một hình thức pháp lí để chứng minh cho mọi người biết họ tên, địa chỉ, nơi cư trú của bản thân bạn. Tính pháp lý của sở hữu chủ, của phương tiện lưu thông... Không có chúng, bạn không cách chi “rằng, thì, là, tại” với mấy chú công an về chuyện “cháu là ai, cháu từ đâu tới, cháu đi về đâu” của mình, và càng rơi vào thế bí khi không thể tự bảo vệ cho bản thân. Giấy tờ tùy thân, ra đời vì sự an toàn của chính bạn.
 
Không CMND - bạn đang gặp rắc rối với luật hành chính
 
H. (lớp 11, trường N.D) trong câu chuyện trên, sau cái lần phải chật vật đi chuộc xe, dù đã tỏ thái độ ăn năn hối cải thật, nhưng chắc chắn, sẽ không thể nào “khắc cốt ghi tâm” được như P.
 
Giờ đây, khi đã là sinh viên năm I của trường ĐH Nông lâm Tp.HCM, P. vẫn “buồn cười” khi kể cho bạn bè nghe về cái “lần đầu tiên” ngủ gục ở đồn công an, và thiếu chút nữa là không được đi thi Đại học, chỉ vì không mang theo giấy tờ tùy thân bên mình. Để giải tỏa xì trét trước đêm đi thi, P., anh bạn đến từ lớp 12 trường THPT VL (tỉnh Vĩnh Long) đi long bong phố xá Sài Gòn lúc 9h tối, rồi ghé vào tiệm Internet chơi Game. Đùng một cái, mấy anh công an quận I ập vào và kiểm tra toàn bộ giấy tờ tùy thân của khách. Sau khi lộn sạch túi quần trong, quần ngoài, áo khoác mà vẫn không tìm ra “miếng giấy” nào, P. đành phải “mếu máo” đi về phường. Ngồi chờ rất lâu, P. mới được về, sau khi thuyết phục được mấy chú công an và dân phòng nghe bằng những câu “chuyện ruộng, chuyện vườn”.
 
Không phải chỉ bởi P., mà nhiều teen khác, cũng đang cảm thấy “buồn cười” về câu chuyện trên. Các bạn không biết rằng, không có thẻ căn cước tức là bạn đã vi phạm luật hành chính. Những người như P., H., N., không mang theo giấy tờ tùy thân, rất dễ bị đánh đồng với những thành phần bất hảo trong xã hội. Lần vào đồn đầu tiên, P. phải ngồi cạnh với rất nhiều nhân vật sừng sỏ. Trong góc là ba thanh niên có vẻ như đang “phê thuốc”, nước mắt nước mũi  nhễu nhão chảy, mặt đỏ gay, tròng con ngươi thâm quầng, ba đôi chân bị cùm chung với một thanh sắt dài. Cạnh đó là bốn cô gái, ăn mặc cực kỳ “thiếu vải”... Về lý thuyết, cậu học trò miệt vườn chất phác P. cũng đâu khác gì những người ấy, cùng “vào đồn” với cùng “tội danh” không CMND  cả mà!
 
Nhưng trong số những trường hợp trên, không trường hợp nào “vô tư” với giấy tờ tuỳ thân bằng Đ. Vẻ ngoài bất cần, ăn mặc bụi bặm, và... ba không: không thẻ học sinh, không CMND, không giấy tờ xe. Phải nhấn rất mạnh chữ “không”, vì thực sự là Đ. không còn chúng nữa. CMND thì đã lỡ tan nát sau vài lần để quên trong máy giặt. Giấy tờ xe thì đã lỡ “thế chấp” cho phòng cảnh sát giao thông quận 5, đã hơn nửa năm rồi mà vẫn chưa đóng phạt mang về. Còn cái thẻ học sinh, thì mất lúc nào không hay. Đ. thường tự trào: “Tớ là người tự do!”. Nhưng làm “người tự do” kiểu gì mà cứ phải nhấp nhỏm khi nhìn thấy bóng các chú công an ở mỗi cái ngã tư? 
 
Không CMND - chuyện của những bạn thiếu tự lập
 
Dân teen đang ngày càng đòi bố mẹ để được tự lập, tự chủ nhiều hơn, cụ thể là được ăn mặc theo ý mình, được đi về tuỳ giờ giấc, được sử dụng xe gắn máy cho chủ động. Thế nhưng, làm chủ trước hết là cái tên thôi đã, nhiều bạn vẫn chưa làm được.
Cho đến tận thời điểm này, T. (lớp 12., trường K., Cần Thơ) không hề biết cái giấy khai sinh của mình tròn méo thế nào, dày mỏng ra sao, có bao nhiêu con mộc trên đó, làm bản sao thì phải thế nào… Tất tần tật những thứ liên quan đến hai chữ “giấy tờ”, T. đều đùn đẩy cho bố mẹ. Đợt làm hồ sơ giấy tờ thi tốt nghiệp và đại học vừa rồi, T. đã khiến cho cả nhà phải “vắt giò lên cổ mà chạy”, chỉ vì giờ chót mới “công bố” cái danh sách những giấy tờ cần bổ sung.
 
Tạm kết
 
Ngày bé, giấy tờ tuỳ thân duy nhất của bạn là tờ giấy khai sinh bố mẹ giữ hộ. Và ông bà, bố mẹ, anh chị, hàng xóm đều biết bạn là ai. Bạn càng lớn và những chuyến đi của bạn càng xa hơn. Đến trường là thẻ học sinh, thẻ thư viện. Ra ngoài xã hội là CMND, đi ra nước ngoài là hộ chiếu... Nhờ chúng, ở những nơi bạn mới đặt chân tới, dù xa lạ, người ta đã biết bạn là ai, và đối xử với bạn một cách tôn trọng, vì khi bạn dám xưng danh tức là dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
 
Và tự lập, trước hết là dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com