Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyentanthu's Blog

BỆNH VÔ SINH VÀ SẨY THAI

Bệnh thường xuất hiện ở heo nái mọi giai đoạn. Heo tơ và heo rạ có hiện tượng phủ nọc nhiều lần mà không đậu thai hoặc có đậu thai nhưng lại chết hoặc đẻ non.

I – Nguyên nhân

1. Trường hợp vô sinh

Do cơ quan sinh dục cái bị một số bệnh như: Viêm nội mạc tử cung, viêm tử cung, khối u tử cung, sẹo tử cung, viêm buồng trứng dẫn đến heo nái không động dục hoặc động dục nhưng trứng không làm tổ không được. Trong thực tế một số trường hợp heo nái ở lứa tuổi thứ 2 phủ nọc nhiều lần không đậu do lứa thứ nhất đẻ xong bị viêm tử cung bị tổn thương. Hoặc dịch mủ viêm bị đọng khô lại trong tử cũng gây cản trở đến khả năng thụ thai và làm tổ của trứng với tinh trùng.

Do rối loạn chức năng thể vàng, nên hormol Progesterol không có hoặc ít không đủ điều kiện để bảo vệ trứng và tinh trùng làm tổ vững chắc. Hoặc thiếu vitamin E làm niêm mạc cơ, mạch máu tử cung bị thoái hóa trứng và tinh trùng không làm tổ được.

2. Trường hợp sẩy thai

Do vi trùng, xoắn trùng trực tiếp tác động lên cơ quan sinh dục: Brucella, Leptospira.

Do kí sinh trùng Trichomonas gây viêm tử cung, viêm màng thai, chết thai.

Do con đực giống bị một số bệnh truyền nhiễm: Brucellosis, Leptospilosis hay kí sinh trùng Trichomonas khi phủ nọc cho heo nái sẽ gây bệnh cho heo nái.

Do ảnh hưởng gián tiếp một số bệnh truyền nhiễm: Pavovirus, dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, bệnh giả dại, bệnh cúm, bệnh lở mồm long móng. Những vi trùng hay độc tố của vi trùng tác động lên cơ thể gia súc hay trực tiếp đến thai, gây chết thai hay đẻ non.

Do chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc kém thiếu protid, glucid, lipid và các chất khoáng Ca, P, Iod, Vitamin A, D dẫn đến cơ thể bị suy nhược không đủ chất nuôi thai, thai bị chết, đẻ non.

Do ngộ độc thức ăn như: Thức ăn bị nấm mốc, thức ăn nhiều khoai mì đã chạy chỉ, khoai hà hay thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu hay độc tố của bánh dầu phộng, những chất độc này đã làm chết thai.

Do thể vàng nơi buồng trứng teo quá sớm nên lượng hormol Progesterol không được tiết ra đẻ giữ thai dẫn đến bị sẩy thai.

II – Triệu chứng

Trường hợp vô sinh: Thấy heo nái chậm lên giống hoặc đã lên giống nhưng phủ nọc nhiều lần không đậu.

Trường hợp sẩy thai, chết thai: Thấy chưa tới ngày heo đẻ, heo nái đã đau bụng, đi lại nhiều chảy nước dịch nhờn trắng đục, có máu, con đẻ ra rất yếu hoặc chết.

III – Biện pháp phòng và trị bệnh

1. Phòng trị trường hợp vô sinh

a) Biện pháp phòng bệnh

Khi bị các bệnh sản khoa như: Viêm tử cung, sót nhau phải điều trị ngay để ngăn chặn viêm nội mạc tử cung. Đồng thời phải bơm rửa tử cung cho những heo nái mới sinh để các dịch mủ viêm không bị khô lại.

Phải kiểm tra heo nọc xem có bệnh truyền nhiễm không hoặc đã phối lần nào trong ngày chưa, vì heo nọc vừa cho phối mà phối thêm làn 2 trong ngày thì chất lượng tinh trùng yếu không đảm bảo thụ thai.

Phải bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày một lượng vitamin E từ 50 – 100 mg (chích ADE 2ml/con/tháng).

b) Trị bệnh

Thuốc chích chữa bệnh cho heo nái vô sinh (chậm lên giống hoặc lên giống phủ nọc nhiều lần không đậu) ta thường dùng loại thuốc Oestrogen, ECP. Huyết thanh ngựa chửa hoặc huyết thanh ngựa chửa kết hợp với Progesterol (thuốc có tên Lutogyl).

2. Phòng trị bệnh sẩy thai

a) Phòng bệnh

Không được để nái những con heo đã bi bệnh Leptospilosis, suyễn heo, thương hàn, Brucellosis mặc dù những bệnh này đã trị khỏi. Vì vi trùng còn ở thể ẩn tính sống kí sinh ở niêm mạc tử cung, ruột hay trong mật, hạch bạch huyết… Khi heo nái có thai vi trùng sẽ tác động đến bào thai gây chết thai đẻ non.

Trước khi phủ nọc cho heo nái phải chích ngừa các loại vaccin dịch tả, tụ huyết trùng, thương hàn trước thời gian phủ nọc 15 – 20 ngày để cơ thể có miễn dịch phòng bệnh với những bệnh truyền nhiễm trên.

Trong thời gian mang thai khi heo nái bị bệnh truyền nhiễm hay các bệnh khác phải điều trị kịp thời và cẩn thận khi dùng thuốc. Riêng bệnh dịch tả và thương hàn thì nên xử lý không nên để.

Những con nái thường bị sẩy thai và bị chết thai trong những lứa trước (không phải nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm) thì sau khi phủ nọc ta phải chích thuốc dưỡng thai Progesterol liều 25mg/lần, cách 5 ngày chích 1 lần liên tục trong 1 tháng.

Trong thời gian mang thai cần bổ sung vào khẩu phần ăn một số vitamin A, D để tăng sức đề kháng của cơ thể chống nhiễm trùng nhau thai, chết thai, còi cọc sau khi sanh. Lượng vitamin A cần bổ sung cho heo nái là 2000 UI/ngày, lượng vitamin D 1000 UI/ngày hoặc chích ADE 2ml/con/tháng.

b) Điều trị bệnh

Khi heo nái có triệu chứng sẩy thai chích Progesterol 50mg/ngày, chích bắp liên tục 3 – 5 ngày.

Ngoài ra còn chích thêm vitamin C, B1, B12 và thuốc tợ tim Camphora.


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com