Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

www.VõViếtTrường.vn

NHỬNG THỦ KHOA ĐẶC BIỆT

Những thủ khoa đặc biệt
14:42:46, 13/08/2008
Kim Anh - Ảnh: Phan Hậu
Một người ở một làng nhỏ tận Hà Đông, một người ở vùng cát Quảng Nam và một người ở TP.HCM, nhưng họ gặp nhau ở một điểm chung khi cả 3 cùng vượt khó tự học và vươn lên giành vị trí thủ khoa trong kỳ thi ĐH vừa rồi.

Bí quyết tự học

"Em Kim Anh là một người đặc biệt. Kỳ thi nào của trường em cũng giành vị trí cao nhất với số điểm tuyệt đối. Đây là một học sinh có lực học rất đều nên cả hai khối A, B em học rất xuất sắc", thầy Trần Ngọc Năm, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) tiết lộ, khi chúng tôi dò hỏi về địa chỉ của thủ khoa này. Từ khi thành lập, trường Nguyễn Huệ chưa có học sinh nào đạt điểm tối đa trong kỳ thi đại học. Nhưng với điểm số 29,5 (Toán: 10; Hóa: 10; Sinh: 9,5), em Đào Kim Anh đã "chính thức xác lập kỷ lục" mới tại ngôi trường này. 

Nhà Kim Anh ở một làng nhỏ thuộc thôn Đa Sĩ, Hà Đông. Ngay từ nhỏ cô bé đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tính tự lập từ người bố của mình hiện đang công tác tại Công an TP Hà Đông. "Ông nội mất sớm, bố vừa bươn chải với cuộc sống vừa phải tự học để trưởng thành. Nên với mình tự học là cách tốt nhất để có thể đi tới thành công", Kim Anh tâm sự. Trong suốt những năm học phổ thông, Kim Anh không học thêm như nhiều bạn khác mà dành hết thời gian đó để chủ động tìm kiếm tài liệu và mày mò tự học. Đã nhiều năm nay, cô nữ sinh này cũng là học sinh giỏi văn của tỉnh Hà Tây (cũ). Thời gian rảnh, cô còn viết văn, làm thơ tặng bạn bè...

Và mùa tuyển sinh ĐH năm nay, chỉ trong vài ngày gia đình cô đã nhận được hai tin vui liên tiếp. Ở ĐH Ngoại thương, Kim Anh đạt 29,5 điểm. Và cũng với số điểm ấy ở ĐH Y Hà Nội, cô bé đã giành luôn vị trí thủ khoa.

Là thủ khoa ĐH Y Hà Nội mà khi nhắc lại điểm số ở ĐH Ngoại thương, Kim Anh cứ xuýt xoa, tiếc nuối: "Ở môn thi cuối cùng (môn Hóa - PV) do em mất bình tĩnh chứ nếu không, số điểm chắc chắn đã là 30/30 rồi". Chi tiết này, trước khi chia tay chúng tôi cũng được người nhà Kim Anh xác nhận: "Cũng chỉ vì lỗi ấy mà về nhà con bé buồn bã mấy ngày liền. Cả nhà phải động viên mãi mới thấy vui vẻ lên được".

  Phan Hậu

Trượt lớp 10 là chuyện nhỏ


Mai Văn Viên thay mẹ nấu cơm - Ảnh: Dương Hoàng Anh
Tại vùng cát huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có một cậu học trò đã làm nên kỳ tích trong kỳ thi ĐH vừa qua. Đó là em Mai Văn Viên, học sinh trường THPT bán công Thái Phiên, vừa đỗ thủ khoa Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông (cơ sở phía Nam tại TP.HCM) với tổng điểm 3 môn là 28,75 (Toán: 9, Lý: 9,75 và Hóa: 10).

Viên cho biết, ngay khi thi xong và đối chiếu với đáp án, em đã có thể đoán được tương đối số điểm của mình. Hơn nữa, điểm thi 3 môn cũng khá tương ứng với điểm trung bình môn cuối năm lớp 12 của em. Cụ thể: điểm trung bình chung môn Toán đạt 9,3; Lý: 9,75 và Hóa 9,8. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, Viên đã đạt điểm tuyệt đối 30/30 ở các môn Hóa, Sinh và Toán.

Thực ra nếu ngược lại "hành trình phổ thông" mấy năm trước đó, ít ai nghĩ rằng cậu bé này có thể vươn nhanh đến như vậy. Năm học 2004-2005, Viên thiếu 1 điểm nên bị rớt lớp 10 ở trường THPT Tiểu La, đành phải vào học ở bán công Thái Phiên. "Thời gian đầu em rất buồn, mặc cảm và chán nản. Nhưng được thầy cô giáo và gia đình động viên nên em quyết tâm học tập, mong sao có thể đỗ đại học để không xấu hổ với bạn bè, dòng tộc", Viên nhớ lại. Mặc dù không đi học thêm nhưng nhờ sự tự học, tự mày mò, nghiên cứu trong sách vở, trao đổi cùng bạn bè và thầy cô nên Viên đã tiến bộ rất nhanh. Thầy Hồ Viết Ban, giáo viên dạy Toán của trường, xác nhận Viên là một học trò khá thông minh. "Tuy nhiên yếu tố làm nên thành công của em có lẽ là tính kiên nhẫn và sự cần cù, chịu thương chịu khó. Đã nhiều lần tôi phải vất vả với những bài toán hóc búa mà em mang đến hỏi", thầy Ban kể. 

Nhà Viên rất nghèo. Ba làm nông trên 2 sào ruộng, những khi nông nhàn phải bươn chải làm thuê. Mẹ Viên buôn ve chai ở TP.HCM, mỗi năm về nhà chỉ 1 đến 2 lần. Viên còn 2 em nhỏ năm nay vào lớp 10 và lớp 6. Mọi việc trong gia đình do 4 cha con kham khổ gánh vác lẫn nhau. Ngoài thời gian tự học ở nhà, Viên còn phụ ba làm ruộng, nấu cơm, kèm cặp các em học tập. Sắp tới Viên sẽ vào TP.HCM phụ với mẹ mua bán ve chai kiếm tiền trang trải thêm việc học.

Dương Hoàng Anh

Bất ngờ từ môn Văn

Huỳnh Xuân Lộc vừa trúng tuyển ĐH Y Dược TP.HCM (ngành Dược) với 30 điểm và ĐH Bách khoa TP.HCM (ngành Công nghiệp hóa thực phẩm) với 27,5 điểm.


Huỳnh Xuân Lộc cùng với ba mẹ - Ảnh: Hà Ánh
Cao 1m74, nặng 85 kg, nhưng ấn tượng mạnh ở tân thủ khoa này có lẽ ở nụ cười rất tươi trên gương mặt, sự tự tin, nói nhiều và nói cũng rất... duyên, kèm theo chút hài hước. Ngược lại hành trình của mình, Lộc kể, sau khi tốt nghiệp trường THCS Lê Văn Tám, Lộc trúng tuyển vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với chuyên ban B (Toán, Hóa, Sinh). Dù học trường chuyên, nhưng 3 năm phổ thông của Lộc trải qua tương đối nhẹ nhàng. Lộc chia sẻ: "Phải luôn tự tin, tập trung và học một cách có hệ thống. Khi học luôn để sẵn cuốn tập bên cạnh để ghi chú những lỗi sai thường mắc phải. Đến gần ngày thi, xem lại cuốn tập đó chính là lần cuối cùng bịt lại gần như tất cả mọi lỗ hổng kiến thức của mình".

Trên lớp, Lộc từng đảm nhận chức vụ lớp trưởng, phó bí thư chi đoàn, là người dẫn các chương trình do lớp tổ chức. Lộc cũng được mệnh danh là người nói nhiều nhất lớp, hài hước nhất lớp. Nhưng có lẽ, khiếu nói chuyện và sự tự tin có được ở Lộc phần nhiều tác động từ sự yêu thích môn Văn. Văn là một trong những môn đạt điểm cao của Lộc, với điểm trung bình luôn trên 8,0 điểm. Lộc thích thú: "Văn là một trong những môn học quan trọng và cần thiết nhất của chương trình phổ thông. Nó giúp rèn luyện không chỉ viết lách, câu từ mà quan trọng hơn là phát triển tư duy, cảm xúc, cách nhìn nhận vấn đề từ bên trong. Đồng thời, môn Văn cũng góp phần không nhỏ vào việc học tốt hơn các môn khác, trong đó có các môn tự nhiên, về cách logic, tư duy, trình bày". Cách học Văn của Lộc cũng khá đơn giản: tập trung nghe giảng kỹ và nắm bài ngay trên lớp, không chép lại y nguyên bài giảng của thầy cô mà diễn đạt lại theo cách hiểu của riêng mình.

Dù thích học Văn, nhưng ngay từ lớp 10 Lộc đã định hướng được ngành học và  thi của mình theo sở thích. Theo Lộc, ngành Dược là sự giao thoa giữa hai lĩnh vực hóa học và sinh học. Ước mơ của Lộc là được làm việc trong lĩnh vực điều chế thuốc, và "có thể góp một phần công sức nào đó để cho ra đời một viên thuốc mang tên Việt Nam".

HỌ RẤT GIỎI PHẢI KHÔNG CÁC BẠN.ĐÓ LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG CHÚNG TA CẦN NOI THEO

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com