Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

dulichttc

Quên du khách sộp

Quên du khách sộp

Quên du khách “sộp”

Thị trường du lịch tàu biển được đánh giá rất tiềm năng, du khách chủ yếu là người có tiền, chịu chi nhưng ngành du lịch Việt Nam lại chưa biết cách khai thác

Trong tuần đầu năm 2016, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã đón 2 đoàn du khách trên tàu SuperStar Virgo đến Đà Nẵng, Hội An. Trước đó, những ngày cuối năm 2015, tàu biển SuperStar Libra cũng cập nhiều cảng biển Việt Nam mang theo 2.400 du khách quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, Úc…

Đón du khách qua cảng hàng hóa

Đại diện Saigontourist cho biết trong tháng 1-2016, tàu SuperStar Virgo sẽ trở lại thêm nhiều lần để đưa du khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2015, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 0,9% so với năm trước, riêng khách tàu biển đạt 170.000 lượt, tăng trưởng rất mạnh so với năm trước.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành du lịch năm 2015 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) mới đây, ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Saigontourist, cho biết du lịch tàu biển tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh những hãng tàu có hành trình đến Việt Nam vài chuyến/năm, đã xuất hiện nhiều hơn hãng tàu đi theo mùa và tuyến cố định. Gần đây, một hãng tàu lớn với sức chở lên tới 4.500 khách cũng ghé Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu cảng chuyên dụng nên phải đón tàu nước ngoài qua cảng hàng hóa hay cảng container, gây khó khăn trong việc phục vụ. Tại các cảng, hàng loạt dịch vụ tiện ích, giải trí để “giữ chân” du khách từ quầy đổi tiền, nhà hàng, cửa hàng miễn thuế và cả nhà vệ sinh… đều thiếu.

Du khách đến Huế bằng Tàu

Nghèo nàn hình thức đón du khách tàu biển. Trong ảnh: Tàu Celebrity Century đến Huế

Ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng (chuyên phục vụ khách tàu biển), cho rằng phân khúc khách tàu biển có tiềm năng rất tốt bởi gần như các điểm đến ở Việt Nam đều có thể tiếp nhận tàu du lịch, như TP HCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế… Tuy nhiên, du lịch tàu biển lại không phát triển bởi hạ tầng kém. Nhiều địa phương có cảng biển nhưng không có xe đưa rước khách, không đủ hướng dẫn viên, thiếu cả nhà hàng, nhà vệ sinh. Việt Nam vẫn chưa có nhà ga chuyên đón khách tàu biển. “Vịnh Hạ Long, ngày nào cũng có tàu biển cập cảng nhưng sản phẩm du lịch không mới, phần lớn du khách chỉ đến một lần và không trở lại” - ông Xuân Anh nói.

Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Luxury Travel, cho biết do thiếu cảng biển du lịch nên dù chi tiêu cao nhưng khi đến Việt Nam, du khách cũng không biết chi vào đâu. “Ngành du lịch trong nước chưa biết cách kiếm tiền từ du khách. Luxury Travel muốn khai thác tour du thuyền sang trọng ở Nha Trang nhưng địa phương chỉ có cảng cá, du thuyền không cập bến được. Khách tàu biển thường ở qua đêm, có đoàn chỉ dừng 1-2 ngày nên cần có sản phẩm du lịch đặc thù, chứ không thể bắt du khách đi lòng vòng rồi quay về.

Cần có hạ tầng đồng bộ

Liên quan đến việc nhập cảnh, một số doanh nghiệp lữ hành cho biết dù đã được tháo gỡ nhưng theo Luật Xuất nhập cảnh 2015, thủ tục vẫn còn gây khó cho du khách. Du khách trên tàu phải mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đơn xin cấp visa có dán ảnh, nhất là đối với những tàu có số khách lên đến 3.000-4.000 người.

“Trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh gay gắt giữa các hãng lữ hành trong và ngoài nước khai thác tour tàu biển, thủ tục nhập cảnh chưa thông thoáng đã ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Gần đây, một số hãng tàu nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam khai thác tour, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp lữ hành trong nước” - đại diện một doanh nghiệp lo ngại.

Trong khi đó, Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với phân khúc khách tàu biển từ các nước. Theo ông Phan Xuân Anh, trong khi Việt Nam chưa có nhà ga chuyên đón khách tàu biển, nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã xây dựng những nhà ga rất lớn để giành nhóm khách này như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc. Hồng Kông chuyển sân bay cũ thành nhà ga tàu biển tiếp nhận được cả ngàn tàu cùng dịch vụ hết sức phong phú.

Để cạnh tranh và giữ thị phần, Việt Nam cần sớm xây dựng nhà ga tàu biển. Địa điểm cần tính toán kỹ để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí. Hiện các hãng tàu sẵn sàng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước đầu tư, nâng cấp hoặc xây cảng cho tàu du lịch đạt yêu cầu. Đây là cơ hội cần sớm nắm bắt.

Bị doanh nghiệp ngoại lấn lướt

Dù được đánh giá rất tiềm năng nhưng với phân khúc khách tàu biển, chỉ có vài doanh nghiệp Việt khai thác được. Theo ông Phan Xuân Anh, ngay cả mảng đưa khách quốc tế vào Việt Nam qua đường tàu biển, số hãng lữ hành trong nước tham gia cũng rất hiếm trong khi Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Thụy Sĩ… đều có doanh nghiệp khai thác.

Khách tàu biển thường đi tour trong 4-8 giờ nên lịch trình phải hết sức chặt chẽ, nếu không rủi ro sẽ cao. Bảo hiểm cho đường biển cũng rất lớn, từ 2-5 triệu USD/chuyến tàu, nên rất ít doanh nghiệp nội địa có thể tham gia.

Các doanh nghiệp du lịch trong nước cho rằng ngành du lịch cần chú trọng khai thác phân khúc du lịch tàu biển - nhất là nguồn khách từ Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Úc - bằng cách gia tăng xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, sản phẩm đặc thù, nên có website về du lịch tàu biển, cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, cơ sở hạ tầng cảng biển, tuyến điểm tham quan và các sự kiện văn hóa lớn trong năm…

NLD


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com