1. Hãy nhớ tại sao bạn lại đi đến quyết định kết hôn. Kết hôn không phải để tranh cãi về vấn đề nên ở đâu hay trở nên stress vì những chuyện nhỏ nhặt.
Hãy duy trì óc hài hước của bạn, chăm chú lắng nghe khi vợ/chồng mình bày tỏ ý kiến, và chớ nhắm mắt, ngậm miệng khi trong lòng đầy những băn khoăn, lo nghĩ. Trong thời kỳ “điều chỉnh” này, bạn cần phải cởi mở, trò chuyện với vợ/chồng của mình càng thường xuyên càng tốt. Sự truyền đạt thông tin giữa hai vợ chồng trong năm đầu tiên dường như ở mức độ tốt nhất khi mọi thứ đối với họ còn mới mẻ và hứng thú. Thách thức trước mắt là làm thế nào để duy trì mạch thông tin theo chiều hướng tích cực như thế sau khi đã chung sống được vài năm.
2. Đây không phải là thời điểm la cà với những người bạn có thể khiến bạn “lầm đường lạc lối”, chẳng hạn như tham gia vào các cuộc ăn chơi hội họp của đám đồng nghiệp thích rủ rê bạn đi chơi sau giờ làm việc. Đúng là ai cũng muốn tự do hành động theo ý của mình, nhưng hãy nhớ rằng bạn đã hứa và cam kết chia xẻ cuộc sống với người bạn đời của mình. Trong quá trình chuyển đổi từ cuộc sống độc thân qua cuộc sống của người đã có gia đình, bạn cần phải thay đổi (từ bỏ) một vài thói quen mà bù khú với bạn bè suốt đêm là một trong số đó.
3. Bạn không nên kể những chuyện xấu của chồng/vợ mình cho bạn hay đồng nghiệp vì điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Đồng nghiệp có thể chỉ là tạm thời, chồng/vợ của bạn mới chính là cuộc đời của bạn. Nếu bạn muốn bàn luận chuyện gì với bạn bè, phải đảm bảo rằng câu chuyện không làm xấu đi hình ảnh người hôn phối của bạn. Chớ nên ngồi lê đôi mách để tránh chuyện xấu của của gia đình bị phát tán ra.
4. Hãy tạm dừng công chuyện bạn đang làm để nhìn và lắng nghe người bạn đời của mình khi họ nói. Chỉ gật gù và tiếp tục nhìn chằm chằm vào tivi hay màn hình vi tính không phải là giải pháp tốt; điều đó hàm ý bạn không để ý và cho rằng những gì chồng/vợ mình nói không quan trọng bằng một trò chơi hay một chương trình vi tính. Nghe cho có mà thiếu ánh mắt nhìn do đang bị việc khác chi phối chẳng khác nào ngụ ý rằng: “Em không đáng được quan tâm bằng mấy trò này”.
5. Đừng cố lúc nào cũng giành phần đúng. Tranh cãi những vấn đề nhỏ nhặt là không cần thiết và gây nhiều phiền phức. Chớ bắt lỗi nhau từng lời từng chữ.
6. Nếu bạn nói sẽ làm một điều gì, hãy thực hiện điều đó. Nếu đã từ chối, hãy kiên quyết không làm. Không khuyến khích bạn trở nên cứng nhắc, thiếu sự linh động, nhưng bạn phải tin và can đảm làm theo nhận thức của mình.
7. Trêu chọc không còn là trò đùa một khi điều đó xúc phạm đến người bạn đời của bạn. Nếu chồng/vợ của bạn nhắc nhở hay tỏ ý không bằng lòng, hãy lắng nghe họ và dừng ngay. Nếu chồng/vợ của bạn không nói ra bằng lời, hãy quan sát những phản ứng của họ; chúng sẽ cho bạn biết họ có sao hay không. Ở đây chung quy cũng là vấn đề tôn trọng lẫn nhau.
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com