Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Trang chủ

khuyennong_hoidap

Những loại nguyên liệu thức ăn dễ gây ngộ độc hoặc khó tiêu cho gà?


 

Hỏi:

Xin cho biết những loại nguyên liệu thức ăn nào dễ gây ngộ độc hoặc khó tiêu cho gà? Cách xử lý?

Nguyễn Minh Hữu, Hà Giang

Đáp:

Đậu tương, đậu xanh, đậu mèo… có chứa chất ức chế men tiêu hoá đạm (men Tripxin) làm cho gà khó tiêu. Ta phải rang chín để loại bỏ chất này trước khi sử dụng làm thức ăn cho gà.

Cám gạo chứa nhiều dầu làm cho thức ăn hỗn hợp bị lên men, vì vậy gà khó tiêu. Chỉ nên sử dụng cám mới xay xát với tỷ lệ không quá 5% đối với gà con, không quá 15% đối với gà dò và trộn cho gà ăn trong thời gian ngắn (trong vòng 1 tuần) để hạn chế thức ăn bị lên men.

Sắn khô đặc biệt là sắn khô cả vỏ có chứa axit Xianhydric (HCN) là độc tố gây ngộ độc cho gà. Ta nên sử dụng sắn đã bỏ vỏ, thái lát mỏng và phơi thật khô để làm giảm lượng HCN, chỉ nên sử dụng bột sắn cho gà nuôi thịt tỷ lệ không quá 5% trong khẩu phần ăn. 

Các loại thức ăn và nguyên liệu ôi, mốc; rau xanh ủng, úa cũng dễ gây ngộ độc cho gà.

TTKNQG





Cách tính ngày sinh của bò để có cách chăm sóc tốt nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cả bò mẹ lẫn bê non?


 
 

Hỏi:

Tôi muốn biết cách tính ngày sinh của bò để có cách chăm sóc tốt nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cả bò mẹ lẫn bê non?

Ngô Hoàng Quân, Tân Uyên, Bình Dương

Đáp:

Bò mang thai 280 ngày (hơn 9 tháng), bạn có thể tính ngày sinh của bò như sau:

- Lấy ngày phối giống bò cộng với 5 hay 7 ngày (nếu vào tháng 2 có 28 ngày) và lấy tháng phối giống cộng với 9, sẽ có ngày sinh dự kiến. Ví dụ: Bò phối giống lần cuối vào ngày 10-2-2007, thì ngày sinh sẽ là: 10 + 7 = ngày 17; tháng sinh sẽ là: tháng 2 + 9 = tháng 11 (bò sẽ sinh vào ngày 17 tháng 11 năm 2007). Bò cũng có thể sinh sớm hơn hay muộn hơn một, vài ngày so với dự kiến do đó cần theo dõi các biểu hiện của bò mẹ trước ngày sinh dự kiến từ 1 tuần đến 10 ngày.

- Biểu hiện bò sắp sinh: Khoảng 7-10 ngày trước khi sinh, bầu vú từ từ căng lên, núm vú căng cứng chứa đầy sữa, vì vậy cần chú ý theo dõi để phòng viêm vú trước khi sinh. Từ 1-3 ngày trước khi sinh, âm hộ chảy ra nhiều dịch nhờn đặc, màu trắng, đến ngày sinh dịch nhờn loãng dần. Khi quan sát thấy hiện tượng sụp mông ở 2 bên gốc đuôi, đuôi lệch sang một bên và ít cử động; trạng thái bồn chồn, hay đứng lên nằm xuống, đại, tiểu tiện nhiều lần… là bò sắp đẻ.

- Biểu hiện bò khó sinh: Rặn nhiều, vỡ ối nhưng vẫn không thấy thai ra. Nừu bê con lộ ra sau 3 giờ mà vẫn chưa ra được, hoặc bê con ló ra ở tư thế không bình thường thì cần gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.

TTKNQG


Những vấn đề cần lưu ý khi nuôi gà hậu bị?


 

 

Xin cho biết để nuôi gà hậu bị đạt hiệu quả cao cần lưu ý những vấn đề gì?

Trương Thị Mây, Hà Tĩnh

Đáp:

Để nuôi gà hậu bị đạt hiệu quả cao cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Nuôi tách riêng gà trống và gà mái.

- Mật độ nuôi vừa phải: 5-6 gà/m2 nền.

- Đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.

- Sử dụng ánh sáng tự nhiên, đảm bảo thời gian chiếu sáng 8-9 giờ/ngày đêm.

- Đảm bảo đủ số lượng máng ăn để cả đàn được ăn cùng lúc với lượng thức ăn như nhau (13 gà/máng ăn tròn có đường kính đĩa máng 50 cm máng P50).

- Cho ăn 1 lần/ngày, đổ nhanh và đều thức ăn vào tất cả các máng trong ô chuồng.

- Hàng tuần kiểm tra khối lượng và độ đồng đều của đàn gà

- Theo dõi đàn gà hàng ngày, ghi chép số liệu đầy đủ, chính xác và liên tục.


Vì sao có hiện tượng gà nuôi nhốt hay mổ cắn nhau và cách khắc phục như thế nào?


 

 
Vì sao có hiện tượng gà nuôi nhốt hay mổ cắn nhau và cách khắc phục như thế nào?

 

Hỏi: Vì sao có hiện tượng gà nuôi nhốt hay mổ cắn nhau và cách khắc phục như thế nào?

 

(Nguyễn Đức Tiến, Nghệ An)


Trả lời:
Gà nuôi nhốt thường hay cắn nhau là do:
- Thiếu đạm hoặc mất cân đối trong khẩu phần thức ăn, thiếu vitamin, chất khoáng…
- Mật độ nuôi quá dày, ánh sáng thừa, nhiệt độ và độ ẩm cao.
- Để gà quá đói hoặc quá khát.


Để khắc phục hiện tượng này cần phải:
- Bổ sung thức ăn đạm, vitamin, chất khoáng; cân đối lại khẩu phần ăn cho phù hợp.
- Giãn mật độ nuôi, che bớt ánh sáng, tìm biện pháp giảm nhiệt độ và độ ẩm.
- Có thể rắc ngô, thóc ra nền chuồng, bổ sung rau xanh, bí đỏ, cây chuối… cho gà ăn.

Lưu ý: cần tách riêng những con quá nhỏ hoặc quá to để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Cần phòng bệnh cho gà theo đúng quy trình.



VnVista I-Shine
© http://vnvista.com