Bản in cho chủ đề

Click vào đây để xem chủ đề như bình thường

VnVista Forum _ Tiếng Anh cho công việc - English for business _ 101 Lời khuyên về making presentation

Người gửi: Tacaza Aug 8 2005, 09:57 PM

31 – Lời khuyên thứ ba mốt: Bạn có để ý rằng, người ta ủng hộ những gì mà họ giúp tạo ra?

Bạn hãy chiếm lấy sự ủng hộ cho các ý tưởng của bạn một cách tinh vi: bằng cách bảo mọi người đóng góp xây dựng ý tưởng đó. Hãy bảo với họ những gì bạn đang làm, mục tiêu của bạn là gì, sau đó bắt đầu hỏi họ nghĩ gì về chủ đề này trước khi bạn trình bày ý tưởng của bạn cho tất cả mọi người. Họ có thể cung cấp cho bạn những số liệu, thông tin, hay sáng kiến gì? Nếu kế hoạch này bị phản đối, thì theo họ cơ sở của sự phản đối có thể là gì? Nếu người khác phản ứng với kế hoạch một cách tiêu cực, theo họ giải pháp tốt thứ nhì sẽ là gì?...
Nhà Trắng cũng sử dụng phương thức này để tạo sự ủng hộ cho pháp chế của Nghị viện. Họ đi tìm những sự thật, những quan điểm đối lập và những quan điểm ủng hộ… trước khi bỏ phiếu thông qua pháp chế - chứ không phải trong quá trình bỏ phiếu.

Người gửi: Tacaza Aug 9 2005, 09:11 AM

32 – Lời khuyên thứ ba hai: Hãy cẩn thận khi bắt đầu bài nói với một câu hỏi tổng quát.

Đây là một cách mở đầu không tốt: “Hãy kể cho tôi nghe qua về công việc của bạn – những gì bạn hài lòng và những gì bạn không hài lòng?” Đầu tiên, người được hỏi sẽ không sẵn sàng trả lời câu hỏi vì anh ta không biết câu hỏi này sẽ dẫn đến đâu. Thứ hai là phần nhiều câu hỏi này có thể không liên quan trực tiếp tới vấn đề thảo luận. Nếu người nghe định trả lời câu hỏi của bạn thì họ sẽ muốn biết bạn đang dẫn dắt họ tới đâu. Nếu bạn mở đầu với một câu hỏi, hãy hỏi về một vấn đề cụ thể, và hãy nói tại sao bạn cần biết câu trả lời.

Người gửi: Tacaza Aug 10 2005, 10:18 AM

33 – Lời khuyên thứ ba mươi ba: Dẫn nguồn tin của bạn và hỏi nguồn tin của những người khác.

“Người ta” có lẽ đã trở thành một trong những từ hay được nói tới nhất trong xã hội chúng ta. “Người ta nói rằng” và “người ta cho rằng”. Nếu bạn có những nguồn tin tin cậy ủng hộ cho ý kiến, quan điểm của mình thì hãy dẫn ra. Và nếu có người nào đó phản đối bạn bằng những lý lẽ như “người ta nói rằng…”, thì bạn hãy hỏi người đó chính xác những ý kiến, số liệu, quan điểm đó xuất phát từ đâu. Nếu người đó đưa ra được nguồn tin đáng tin cậy, bạn hãy hỏi họ về những thông tin, số liệu mới nhất từ nguồn đó.

Người gửi: Tacaza Aug 11 2005, 09:32 AM

34 – Lời khuyên thứ ba tư: Hãy thay đổi cường độ cảm xúc trong bài nói của bạn.

Nếu bạn định tạo sự lôi cuốn cho bài nói của bạn, đừng bắt đầu bằng những lời lẽ hùng hồn. Hãy xem cách một ca sĩ bắt đầu bài hát bằng một giọng ca nhẹ nhàng, rồi sau đó lên dần, lúc trầm lúc bổng, lúc cao lúc thấp, lúc mạnh mẽ lúc dịu dàng, và cuối cùng lên tới cao trào trước khi kết thúc. Bạn hãy làm tương tự đối với bài phát biểu của bạn.

Người gửi: Tacaza Aug 12 2005, 09:46 AM

35 – Lời khuyên thứ ba nhăm: Hãy tăng tốc độ nói để tăng sự lĩnh hội của người nghe

Thường thì tốc độ tư duy của một người nghe nhanh gấp 6 lần tốc độ nói của người nói. Nếu bạn muốn giữ được sự chú ý của khán giả, bạn phải tăng tốc độ nói của mình. Nếu không, quá trình tư duy của người nghe sẽ bị làm chậm lại. Tất nhiên bạn không muốn nói nhanh đến mức không còn phát âm rõ ràng. Sự thay đổi tốc độ nói chính là điểm mấu chốt. Hãy nói chậm lại khi đề cập tới những thông tin kỹ thuật phức tạp, và nói nhanh khi truyền đạt những thông tin đơn giản, dễ hiểu.

Người gửi: Tacaza Aug 13 2005, 06:01 PM

36 – Lời khuyên thứ ba sáu: tăng sức mạnh lời nói của bạn gấp ba lần – bằng cách sử dụng nhóm 3 từ và điệp âm.

Một trong những bài học đầu tiên trong việc chuẩn bị bài nói là sử dụng nhóm 3 từ. Nếu bạn có thể sử dụng các từ điệp âm thì càng tốt. Chẳng hạn, nhóm 3 từ sau đã trở nên nổi tiếng: chính phủ của dân, do dân, và vì dân.
Một số ví dụ:
Máu, mồ hôi và nước mắt.
Rõ ràng, mạch lạc, súc tích
Họ muốn việc làm, họ muốn bình đẳng, họ muốn được tôn trọng.

Nếu bạn bỏ đi một phần trong bộ ba đó, câu nói sẽ mất hẳn đi trọng lượng.

Người gửi: Tacaza Aug 14 2005, 10:56 PM

37 – Lời khuyên thứ 37: Sử dụng cả những con số làm tròn và những con số chính xác

Những con số chính xác sẽ tạo sự tin cậy hơn: “Số công nhân bất đồng với chính sách tiền lương mới chiếm 51,4 phần trăm” nghe có vẻ xác thực. Mặt khác, những con số làm tròn lại được dùng để đưa ra sự ước lượng. “Hơn một nửa” thì dễ nhớ hơn là 51,4 phần trăm. Vậy bạn sẽ chọn cách sử dụng số liệu nào để vừa nhớ vừa tạo được sự chính xác? Đầu tiên hãy sử dụng các con số chính xác, sau đó, khi nhắc lại những số liệu này thì sử dụng số làm tròn.

Người gửi: Tacaza Aug 15 2005, 07:52 PM

38 – Lời khuyên thứ 38: Đừng bao giờ để các sự kiện tự chúng nói.

Những sự kiện cần phải được giải thích, diễn giải ra để chứng minh cho ý kiến của bạn. Nếu bạn không tin, hãy theo dõi một chiến dịch tranh cử nào đó, bạn sẽ thấy rằng người ta có thể lý giải các sự việc và các số liệu theo gần như bất kỳ hướng nào có lợi cho họ. Do đó, khi đưa ra các sự kiện & số liệu, hãy diễn giải chúng cho mọi người thấy rõ.

Người gửi: Tacaza Aug 16 2005, 03:05 PM

39 – Lời khuyên thứ ba chín: Hãy giúp khán giả của bạn nhớ thông tin

Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau một bài diễn thuyết dài chừng 10 phút, một người bình thường sẽ quên đi 50 phần trăm thông tin vừa nghe. Sau hai ngày, lượng thông tin nhớ được giảm xuống còn 25 phần trăm. Sau 1 tuần là 10 phần trăm. Do đó, bạn phải giúp khán giả của mình nhớ thông tin một cách hiệu quả.
Hãy sử dụng phép ẩn dụ, so sánh để làm cho các khái niệm dễ nhớ. Đưa ra những ví dụ minh họa cho những luận điểm của mình. Hãy kể cho khán giả những kinh nghiệm mà chính bản thân bạn đã trải qua. Nếu có thể hãy sử dụng các phương tiện nghe nhìn để giúp trí nhớ như bảng vẽ, máy chiếu, đồ thị, âm thanh… để tác động vào các giác quan của người nghe, làm cho họ nhớ thông tin lâu hơn.

Người gửi: Tacaza Aug 17 2005, 12:48 PM

40 – Lời khuyên thứ bốn mươi: Đừng bao giờ đọc những điểm quan trọng

Khi bạn đọc, bạn sẽ không nhìn được khán giả, trong khi ‘eye contact’ là rất quan trọng. Hơn nữa, việc đọc, chứ không phải nói ra các luận điểm của bạn, sẽ làm mất đi sự tin cậy, tính chân thực, và sự nhiệt tình trong bài nói của bạn. Người nghe sẽ có thể nghĩ rằng: Ai đã nghĩ ra những ý tưởng này? Chẳng nhẽ chính anh ta cũng không quan tâm để học thuộc chúng? Chẳng nhẽ anh ta không thật sự tin tưởng để có thể tự nói chúng ra từ trái tim? Tại sao anh ta lại sợ nhìn thẳng vào mắt khán giả mà nói những ý tưởng của mình? Anh ta có nghi ngờ những gì mà mình đang nói? Chẳng nhẽ những thông tin đó không đủ quan trọng để nhớ trong đầu?

Powered by Invision Power Board (http://www.invisionboard.com)
© Invision Power Services (http://www.invisionpower.com)