Hình ảnh người chạy xe đằng sau đưa chân vớt cái nón (mũ) của người chạy trước vừa đánh rơi là 1 hình ảnh rất đẹp của người Việt chúng ta. Dù cái nón bẩn, dù có thể người chạy sau cán qua gãy cả vành, nhưng người nhận cũng sẽ nhận lại nó với tất cả sự biết ơn và kính trọng. Khi đó,, người nhận lại cảm thấy vui...



Hình ảnh người chạy sau phóng lên trước, chỉ tay vào chân chống của người quên hoặc hét giữa đường: "Chú ơi, chân chống" là 1 hình ảnh rất đẹp mà không phải nhiều nơi trên thế giới này có được. Sự tương quan giữa con người với con người đối với người Việt là cái gì đó gần gũi và giản dị, như cách cám ơn của người được nhắc nhở vì đã quên gạt chống xe. Nếu không, có thể sẽ là 1 tai nạn kẹt xe, sẽ là 1 gia đình mất người thân... Khi đó, người được giúp cảm thấy vui...



Ai cũng phải thừa nhận con người Việt Nam có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau từ xưa tới giờ. Từ hình ảnh ông Bụt hiện ra giúp cô Tấm gặp được Hoàng tử cho đến hình ảnh cõng bạn đi học của 1 người bạn nhỏ vùng sâu. Và qua người được nhận cũng thể hiện được văn hoá của người chịu ơn bằng thái độ thành kính và những hành động đáp trả lễ độ. Điều đó thể hiện văn hoá của người Việt "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhưng thực tế có như vậy không?



Hình ảnh người đi xe khó chịu khi có người nhắc: anh vừa vượt đèn đỏ. Có bao giờ sau câu nhắc đó là 1 hành động cám ơn vì đã nhắc nhở mình làm sai chưa? Chắc hiếm.



Hình ảnh người đi sau nhưng chen trước vào thanh máy là hình ảnh thường ngày mỗi sáng kẹt thang máy. Có người nhắc: chị đến sau người ta mà. Nhưng thái độ người được nhắc là thái độ bất hợp tác và mặc kệ. Còn lầm bầm chửi người ta: Đồ nhiều chuyện...



Cũng là những hình ảnh sửa lỗi của nhau, nhắc nhở nhau. Nhưng tại sao lại có thái độ hành xử khác nhau? Câu trả lời vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đối tượng được nhắc nhở. Tự nhiên rơi nón, có người lượm dùm: cám ơn. Quên chống xe, có người nhắc dùm: cám ơn. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mình, quyền lợi mình. Vượt đèn đỏ, bị nhắc: chửi, khó chịu. Chen thang máy, bị nhắc: chửi, khó chịu. Vì khi đó, quyền lợi của mình bị người khác can thiệp, dù đó không phải là quyền hợp lý. Khi đó, quyền lợi của mình ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác...



Tâm lý con người hình thành từ môi trường mà họ sồng. Nước Mỹ với những người xếp hàng dài khi đợi được phục vụ 1 dịch vụ nào đó. Nhưng Việt Nam không làm được điều đó. Hầu hết đều nghĩ về quyền lợi của mình trước tiên. Và cái văn hoá mang ơn tưởng mang tính đại chúng thực ra chỉ dành cho quyền lợi của chính bản thân. Tư tưởng lấy của người khác làm thành cái của mình phổ biến nhan nhản. Cái đó tạm gọi là văn hoá ích kỷ, nghĩ đến bản thân trước tiên và cho mình cái quyền can thiệp cái của người khác nếu không được nhắc nhở...



Lại nói về ý thức công dân. Cho đến khi nào người chạy xe vượt đèn đỏ, có người nhắc mình mà mình quay lại mang ơn họ, cho đến khi nào xếp 1 hàng dài, ai đến trước được vào thang máy trước, thì chúng ta đã thành công trong việc xây dựng 1 nét văn hoá. Chính là cái văn hoá chịu ơn, văn hoá ứng xử mà không phải một sớm một chiều có thể xây dựng được... Cần lắm những con người có hiểu biết để hành xử như 1 người có hiểu biết. Cần lắm thay...