Tâm Bất An
Nếu chúng ta đồng ý là tâm có bản chất bình an bẩm sinh, bạn thử nghĩ xem cái gì đã gây bất an cho chúng ta? Xét trên quan điểm tâm bình an thì tư tưởng tự nó không tốt cũng không xấu. Chỉ khi nào khái niệm về 'tôi' và 'của tôi' nổi lên thì tâm thức mới bị lôi kéo vào xung đột. Thích và không thích mau lẹ đi theo những khái niệm chấp ngã đó. Ðây là khởi đầu của phiền toái.
Một tư tưởng tự nó không có vấn đề. Giả sử như bạn làm mất xâu chìa khóa. Nó xảy ra. Vấn đề bắt đầu khi bạn bắt đầu phê phán sự kiện bạn làm mất xâu chìa khóa. 'Tôi không thích bị mất chìa khóa. Tôi thích hơn rất nhiều nếu tôi có chìa khóa và có thể tiếp tục công việc bận rộn'. Bạn còn có thể tiếp tục suy nghĩ: 'Tại sao tôi lại vô ý quá như thế? Chắc là tại tụi nhỏ quá ồn náo' Rồi bạn đưa tư tưởng ra thành lời nói: 'Coi tụi con làm mẹ điên đầu...Mẹ quá bận bịu đến nỗi bỏ quên đâu mất xâu chìa khóa rồi'. Bạn lại có thể đưa tư tưởng và cảm xúc thành hành động bằng cách đổ xô đi tìm xâu chìa khóa.
Tất cả những sự phiền hà nầy nổi lên từ phản ứng của bạn đối với xâu chìa khóa bỏ quên đâu đó. Chúng ta hãy quay lại điểm khởi đầu của sự bực bội. Khi bạn có tư tưởng 'Tôi mất xâu chìa khóa', bạn đã không thể buông xả tư tưởng đó. Thay vào đó, bạn tức khắc nhảy vào 'thích' hay 'không thích'. Cảm xúc, xung đột và bực dọc đều phát xuất từ nhị nguyên 'thích' và 'không thích' nầy. Bạn đã tự để cho mình bị cuốn trôi đi bởi những phê phán, cảm xúc và bực bội.
Nhưng chúng ta hãy ngắm nhìn những tư tưởng trong giây lát. Chúng nó nổi lên rồi tự chúng rơi rụng. Ðó là, trừ phi chúng ta bám níu vào chúng. Nếu chúng ta để cho tư tưởng tiếp tục đi hết đời sống bình thường của chúng, chúng tự nhiên rơi rụng. Tư tưởng của chúng ta cũng phải chịu qui luật phổ quát về Vô thường (Anicca).
Những bạn chưa quen thuộc với Phật giáo cũng biết qui luật biến đổi nầy. Bạn chấp nhận nó trong nhiều khía cạnh của đời sống. Nhưng các bạn có thể áp dụng nó vào lãnh vực quan trọng nhất - tâm bạn - hay không? Bạn có thể ngắm nhìn tư tưởng và cảm xúc khi chúng vừa nổi lên trong tâm hay không? Bạn có thể để cho chúng tự nhiên tan biến đi, mà không dính níu vào chúng hay không? Hay là bạn say mê để cho cái 'tôi' bám níu vào tư tưởng hay cảm xúc của mình?
Bản chất của tư tưởng là tạm bợ, trừ khi cái 'tôi' can thiệp và không cho chúng ra đi. Bằng cách bám níu vào tư tưởng và cảm xúc, cái 'tôi' tiếp tục kéo dài quá trình cảm xúc. Chính là cái 'tôi' cố bám níu vào tư tưởng và cảm xúc và để cho chúng gây bất an.
Tâm bình an không có liên hệ gì đến cái 'tôi'. Nó không phải là bình an 'của tôi'. Khi nào bạn còn nghĩ là bạn sở hữu bình an, khi nào bạn còn nghĩ 'Tôi thích sự bình an của tôi' thì bạn chưa thực sự kinh nghiệm được tâm bình an.
Bạn của tôi, một nhà giáo dục tâm linh, nghĩ ra câu ngụ ngôn có thể giải thích được tiến trình nầy. Hãy lấy câu nói 'I like peace' (Tôi thích bình an). Nếu bạn bỏ chữ 'I' thì còn lại 'like peace' (tương tợ như bình an thôi). Nhưng nếu bạn tiếp tục bỏ luôn chữ 'like' (thích) thì tất cả chỉ còn lại 'peace' (đây là bình an thật sự). Bình an là điều có thể cảm thấy được chớ không thể sở hữu. Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm được bình an khi loại trừ được ý tưởng 'thích' hay 'không thích' về bình an.
P: Tôi nghe như là mình có thể làm cái gì để thực hiện được tâm trạng bình an nầy...chẳng hạn như chúng ta cố ý loại bỏ khái niệm về 'tôi', 'thích' và 'không thích'.
Không phải đâu, đây chỉ là một câu ngụ ngôn. Tâm bình an được thực hiện không phải bằng cách 'làm' điều gì, mà cũng không phải là 'không làm'. 'Làm' hay 'không làm' cũng chỉ là những ý niệm để bám níu, đúng không? Khi bạn buông xả được những ý tưởng về 'làm cách nào' để được tâm bình an, mình nên làm gì hay không nên làm gì - thì tâm bạn được im lặng và bạn có thể thực sự kinh nghiệm được tâm bình an. Khi nào tâm bạn còn nhảy chuyền giữa 'thích' và 'không thích' thì nó quá bận bịu nên không thể kinh nghiệm được bình an. Khi tâm được yên lặng thì bạn sẽ thực hiện được bình an trong bản chất bẩm sinh của nó.
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com