Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Hoa Nắng

Chuyện cổ tích thường ngày

Mẹ tôi
Lăng Dũng


Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con đi sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ ào...

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình

Bóng nắng, bóng râm

Nguyễn Thiên Ý

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con

Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố.

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?

Trời vẫn nắng, vẫn râm...

...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

Ba
Nguyên Duy

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.

Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà ngĩ cho khỏe.

Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.

Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chár cả bờ môi.



Chị cả
Nguyên Vũ

Hai mươi tuổi. Tựa một bông hoa, chị trông rực rỡ. Thanh niên phố huyện xếp hàng những mong "rắp ranh bắn sẻ". Mọi người giục, chị cười: Còn giúp mẹ nuôi em.

Tuổi ba mươi. Chị càng đẹp, đằm thắm. Em gái lần lượt nên gia thất, chỉ còn thằng Út đi bộ đội. Lắm mối khá giả "ngấp nghé mong sao" nhưng chị lắc đầu: Còn bố còn mẹ già.

Mười năm sau. Bố mẹ về đất. Thằng Út đã hai con. Chẳng còn gì vướng bận. Song chị biết làm gì với cái tuổi bốn mươi...

Chân quêLê Đoàn


Chị Hai lên thành phố học, được gần năm. Tết chị về. Cả nhà vui lắm. Cu Tí, cái Na tròn xoe mắt nhìn chị rồi rụt rè sờ lên bộ đồ chị đang mặc.

Bữa cơm ngon hơn. Chị kể chuyện thật nhiều. "Ở thành phố thích thật", cái Na nói. Chợt cu Tí giật giật áo mẹ: "Chị Hai không bắt chước được giọng mình nữa, mẹ ơi".



Cua rang muốiĐT

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:

- Cua rang muối thật đó mẹ.

Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:

- Còn răng đâu mà ăn?!



Xót xa

Tầm Duyên


Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du loch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du loch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:

_ Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?

Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:

_ Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!

Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên.

Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu :

_ Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi !


Câu Hỏi
Nguyễn Hoài Thanh

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.



Khóc
Bùi Phương Mai

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.


Me.
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.


Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.

Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:

"Ông ơi vào ăn cơm"

Cả nhà tôi đều im lặng.

Ông nội đã mất 20 năm rồi!

Kim Liêu



Con Nuôi
Tác giả: Unknown

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói:
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy.
Một học sinh khác hỏi:
- Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời:
- Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

#########

Về hưu, tôi mở lớp dạy kèm tại nhà. Cô bé học lớp 9, chăm ngoan nhưng hơi chậm hiểu. Thôi thì lấy cần cù bù thông minh. Tôi kiên trì giảng đi giảng lại. Mỗi khi gương mặt cô bé bừng sáng vì đã hiểu, tôi thấy mọi mệt nhọc tan biến.

Mấy hôm nay, cô bé có vẻ lo ra không tập trung. Nhìn lên tờ lịch, tôi lờ mờ đọc được lý do. Cuối giờ, tôi chủ động bảo:

- Con đừng nhắc mẹ tiền học, khi nào đóng cũng được. Có điều con đừng vì chưa đóng tiền mà nghỉ học.

Cô bé thở ra như trút được gánh nặng. Ôi! Học trò của tôi...
#######


Kẻ trộm chữCháu ơi, đừng đọc sách của cô nữa, để cô bán.
Cậu bé rời hiệu sách đi đến một ngõ nhỏ. Chia cho đứa bạn khiếm thị nửa ổ bánh mì, cậu vừa ăn vừa kể…
- Sao lại chỉ có thế?
- Mới đọc đến đấy lại bị đuổi rồi. Sách cũng đã bị bán!
- Tiếc nhỉ!
- Tiền mẹ cho mua truyện hôm nay vừa ăn hết. Thôi mai đi chỗ khác đọc vậy, mình về đây.
- Đưa hộ số chổi mình vừa làm xong ra chợ cho mẹ và bảo mình ăn rồi nhé.
- Cẩn thận kẻo lại té đấy!
- Ừ ! sẽ rờ cẩn thận khi đi.
Lại Thị Thanh.


Bố là mẹ
Hữu Thành

Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”

Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.

Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:

- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?

Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.


Xa xứBùi Phương Mai


Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."


Mồ côi


Nguyễn Văn Hùng


Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…


Đi thi
Ngô Thị Thu Vân


Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”.


Vợ chồng
Tuỳ Nghi

Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy, anh lại ôm lấy chị, vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào !
Công ty phá sản. Từ cương vị gián đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh !




Cây khếtác giả: Hoàng Lan

Em tôi theo chồng định cư ở nước ngoài. Cuộc mưu sinh vất vả khiến đã lâu em không về lại quê hương. Hôm rồi, em thư về: " ... Con gửi ít tiền để ba má nâng nền nhà chống lụt! Nhưng xin đừng chặt cây khế ngoài sân. Con đã kể chuyện cổ tích " Ăn khế trả vàng " cho bọn trẻ nghe, và chúng rất muốn biết cây khế trông như thế nào ..." Xem thư, cả nhà vừa cảm động, vừa bối rối ... Qua mấy mùa nước ngập, cây khế không chịu nổi đã chết năm rồi.

Chiều qua, ba tôi khệ nệ mang về một cây khế con. Hy vọng đến lúc các cháu về thì cây đã lớn ...


Dấu lặng

tác giả: Quế Hương

Ngoại tẩn mẩn mở bảo-tàng-túi. Trong đó có mấy bức ảnh ố vàng gối đầu lên nhau. Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẵm đứa trẻ gầy nhom:

- Mẹ đấy hở bà ?
- Bà đấy. Mẹ đây nè! - Ngoại chỉ con bé trong ảnh.
- Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần!
- Lớn mới thành mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế.
- Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm, lại ăn trầu xay không ăm được kẹo.
- Làm mẹ vậy - Mẹ cười.
- Hông... Làm mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày

Im lặng. Rồi tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi



Giá mà

tác giả: Lê Di

Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .

Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!




Hai lần chờtác giả: Võ Thành An

Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?"
Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.
Ngày em ra trường niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội"
Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn
… Mẹ đâu biết đã 2 lần tôi tin một người con gái.




VnVista I-Shine
© http://vnvista.com