Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

..::Hoàng Ngọc Phượng Website::..

Vợ chồng trẻ cũng… hội nhập!

Vợ chồng trẻ cũng… hội nhập!

Bây giờ ra đường ai cũng râm ran chuyện hội nhập kinh tế, hội nhập toàn cầu... Thời WTO có khác. Thật ra, ngay chuyện hai người cũng không thoát khỏi hai từ “hội nhập”...

Theo nhận định của các chuyên viên tư vấn tâm lý, tình yêu - hôn nhân - gia đình, giai đoạn “thơ ấu” của cuộc hôn nhân - khoảng vài năm sau khi chung sống - là thời kỳ mong manh nhất, chông chênh nhất. Những bước chân đầu tiên trong con đường chung sống vợ chồng thường dẫm vào nhau rất đau. Vỡ mật sau thời kỳ trăng mật. Đó là hiện tượng trong các gia đình trẻ, khi hai cái tôi mãi vẫn chưa “hội nhập” được vào cái chúng ta.

Ngọc Khanh về nhà chồng ở tận Hóc Môn (TP.HCM). Cô muốn thuê một căn nhà nhỏ ở ngay trung tâm TP.HCM để tiện đi làm nhưng ông xã bàn lui. Không khí trong lành, mát mẻ vùng ngoại ô khiến cô công nhận quyết định của ông xã là hợp lý. Nhưng điều làm cô cảm thấy vô cùng bực bội, khó chịu là vào các ngày nghỉ cuối tuần cô muốn vợ chồng đưa nhau đi thăm thú, gặp gỡ bạn bè... thì ông xã cô chỉ thích nhậu với lối xóm. Anh bảo đó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của anh đối với láng giềng.

Theo bà Nguyễn Thị Thương - giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn - thời kỳ đầu hôn nhân tình cảm của các cặp vợ chồng vẫn trong độ nồng nàn, lạ lẫm, lôi cuốn nhau, nhưng cũng dễ làm cho người trong cuộc hụt hẫng vì thấy “người kia” không như ý mình. Tự ái và sự nông nổi của tuổi trẻ cũng góp phần khiến các đôi mới cưới quyết định chia tay trong vội vã và đáng tiếc!

Cô vợ cho rằng đó là kiểu xã giao “nhà quê” của cánh đàn ông rỗi việc, lười nhác. Anh chỉ trích kiểu sống lạnh lùng của cô: chưa bao giờ trò chuyện thân mật với mọi người xung quanh, ít quan tâm đến ai khiến bà con nghĩ rằng anh cưới cô vợ “tây quá!”. Ngày xưa yêu nhau, họ chỉ nhìn thấy tình yêu qua những nụ cười rất đẹp khi gặp nhau, những câu nói rất tình, rất ngọt dành cho nhau. Còn bây giờ, cô vợ cảm thấy xa lạ trong ngôi nhà của gia đình chồng, nhập gia mãi mà vẫn không tùy tục được. Cô mang con về nhà mẹ ruột để tránh những cuộc xung đột với ông xã.

Thái An, một kỹ sư Khu chế xuất Tân Thuận, sau khi lập gia đình vẫn không thích đời mình đổi thay đáng kể. Anh vẫn giữ khư khư mọi thói quen như hồi còn... trai tân. Với anh, “đàn ông có vợ như nhợ buộc chân”, nghĩa là sự ràng buộc rất nhẹ nhàng coi như “có mà không”. Ưu điểm lớn nhất của anh là tốt với bạn bè, trở thành rào cản gây khó khăn cho hai vợ chồng bởi cô vợ không chịu nổi ông chồng “bạn bè ới một tiếng là ra khỏi nhà”, bán cả xe máy cho bạn mượn tiền. Đồng thời mỗi lần theo vợ về thăm bố mẹ vợ, anh gượng gạo ép mình vào khuôn phép ăn nói, đi đứng... “đàng hoàng”, tính hài hước lâu nay của anh nhiều khi trở nên lố bịch trong một gia đình gia giáo. Khi đứa con trai ra đời, cứ tưởng vợ chồng sẽ gắn kết hơn, hội nhập với nhau, với gia đình hai bên nội ngoại. Không dè việc giáo dục văn hóa cho con khiến đôi vợ chồng trẻ càng thêm xa nhau. Không ai nói chuyện ai khiến họ gần như ly thân tại gia.

Không phải ngẫu nhiên khi hiện nay, trước tình hình ly hôn ngày càng nhiều, hội phụ nữ các quận huyện, các nhà văn hóa, trung tâm tư vấn, thậm chí cả các công ty... đều tổ chức các lớp học, buổi nói chuyện chuyên đề về đề tài này. Nhiều cặp vợ chồng tuy giàu kiến thức xã hội, trình độ chuyên môn cao, song lại thiếu kỹ năng “đàm phán” để đi đến những “cam kết” cần thiết trong cuộc sống chung. Tuy nhiên, từ lý thuyết bảo vệ hạnh phúc gia đình đến thực hành là một qui trình được tình yêu dẫn dắt. Chỉ riêng ở TP.HCM, mỗi năm có gần 10.000 cặp vợ chồng ly hôn, gợi lên ý tưởng cho sự ra đời Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn đầu năm 2006.

(Theo tuoi tre)

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com