Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

HuuNhon's Blog

Cá bống dừa nè,.

Cá bống dừa từ lâu đã là món ăn ưa thích của người dân khắp vùng sông nước Cửu Long. Để bắt chúng người ta có thể câu hay dùng rổ để vớt những tàu mo nan, trái dừa chuột ăn, nhưng phổ biến nhất vẫn là đặt lợp hoặc ống trúm (xà di).
 
Cá bống dừa có ở khắp nơi trên các sông, rạch, thậm chí là trên các cánh đồng nước. Cá bống dừa có tập tính rất ham ăn, nước ròng thì núp trong lá cây, cỏ ước, và nhất là trong các mo nan, bẹ dừa, trái dừa bị chuột ăn rớt xuống nước, đó cũng là lí do vì sao mà người ta gọi chúng là cá bống dừa.
 
Cá bống dừa
Cá bống dừa. Ảnh: internet
 
Để bắt cá bống dừa người ta có thể câu hay dùng rổ để vớt những tàu mo nan và trái dừa chuột ăn, nhưng với những người “chuyên nghiệp”, họ sẽ dùng lợp hoặc ống trúm để đặt chúng. Lợp và ống trúm được làm bằng tre hoặc trúc. Lợp là tập hợp nhiều cộng nan tròn, dài khoảng 3cm, được bện lại với nhau theo hình ống, bên trong có hom trước và hom sau, cửa trút cá nằm sau cùng, khi đặt lợp được đặt nằm. Khác với lợp, ống trúm gồm những cộng nan dẹp được đang khéo léo tựa như một cái hồ lô, hom nằm ngay phía dưới nơi thâm trúm phình ra, cửa trút cá nằm nơi đỉnh đầu và được đặt đứng. Cả hai loại dụng cụ trên khi đặt đều có một cây cặm xuống đất được buộc cố định vào thân nhằm tránh nước trôi đi mất.
  
Mồi đặt cá bống dừa là cua, ốc và nhạy nhất là con còng. Còng có hình dáng giống như cua nhưng nhỏ hơn, có màu đỏ hoặc tím (còng gió), thường sống cặp bờ kênh hoặc các mé cỏ. Vì còng có mùi tanh rất mạnh nên cá bống rất thích, và nếu thử làm một thí nghiệm nho nhỏ giữa mồi còng và các loại mồi khác, ta sẽ thấy hiệu quả chênh nhau rõ rệt. Còng được bắt về, đập ra nhưng không nát quá, lưu ý không nên bỏ quá nhiều mồi mà nên bỏ vừa đủ sao mỗi lần thăm ta lại thêm một ít mồi mới để đảm bảo mùi tanh để thu hút cá vào.
 
Đặt cá bống dừa ta chỉ đặt vào nước lớn, lí tưởng nhất là lúc nước vừa nhá lên mé xẻo, vì vào thời điểm này cá bống rất dạng dĩ, nước đi tới đâu chúng đi đến đó và liên tục tìm kiếm thức ăn. Địa điểm đặt cá bống cũng rất dễ, ta có thể đặt cặp mé sông, mé mương, giữa lòng con rạch,… Tuy nhiên, để bắt được nhiều cá ta nên chọn những con rạch không quá sâu, nơi có lỗ mọi hoặc mương lạng với một ít cỏ, một ít tàu dừa, mo nan, lục bình,… Lưu ý là không nên đặt nơi có quá nhiều cây cối hoặc cỏ rác chật chội, vì những nơi ấy cá bống ít trú ẩn, còn nếu có cũng chỉ toàn cá nhỏ, ăn không ngon.
  
Lưu ý, khi đặt hom của các ống trúm hoặc lợp phải xuôi theo chiều nước và có thể đặt gần nhau, khoảng 4 - 5m là được. Khi đặt xong ta canh chừng 10 phút là có thể thăm, và trong thời gian chờ đợi ấy ta có thể quan sát cá ăn rất thú vị. Khi vừa đặt xuống, mùi của mồi sẽ lan theo dòng nước, do rất nhạy mồi nên cá bống sẽ nhận thấy và bơi ngược dòng tìm đến. Ban đầu chúng sẽ bơi xung quanh để thăm dò và tìm đường vào bên trong. Khi tìm được miệng hom, từng con một sẽ chui vào, chúng tranh nhau ăn làm động cả một vùng nước. Trong nhiều trường hợp, khi chúng vào quá nhiều, cộng với nền đất mền, cây cắm lại nong nên ống trúm có thể ngã ngay, còn nếu là lợp sẽ bị nước trôi đi. Do vậy, với những tình huống đó, ta phải thăm ngay vì nếu khi trúm hoặc lợp bị ngã cá sẽ hoảng hồn và chui hết ra ngoài.
 
Khi thăm ta phải lội thật nhẹ, đồng thời lấy tay bịt miệng hom lại để hạn chế cá thoát ra vì tiếng động. Nếu có cá, chúng sẽ quậy rồ rồ, nhiều khi làm hư cả hom. Khi dỡ, ta trút cá vào thùng hoặc sô, nước rộng cá chỉ vừa đủ, không nên nhiều quá vì như vậy cá rất dễ bị chết. Khi trút xong ta bóp thêm vài con còng bỏ vào, thông thường ta phải dời chỗ mới, còn nếu chỗ vừa dỡ có nhiều cá và nước chưa lên cao thì ta có thể đặt lại. Cứ như vậy, khi đặt xong ta lại chờ và thăm tiếp; riêng với những người đặt nhiều khi vừa đặt xong cái cuối cùng là có thể quay lại thăm từ đầu. Với những đứa trẻ, khi thăm xong một lượt chúng lại đọ xem cá của ai nhiều hơn, to hơn và cũng cạnh tranh nhau quyết liệt về chỗ đặt. Riêng với những chỗ đã đặt hôm trước thì hôm sau không nên đặt lại vì cá rất ít. Do đó, muốn đặt được nhiều cá cũng đồng nghĩa với việc ta phải di chuyển liên tục về địa điểm.
 
Cá bống dừa kho tiêu
Cá bống dừa kho tiêu. Ảnh: internet
 
Sau một buổi đặt, tùy gia đình mà họ có thể để cá ăn hoặc đem bán. Cá bống dừa có lợi thế là rộng được lâu nên ta có thể để ăn lâu dài. Do có ưu điểm là thịt chắc, lại rất ngọt và thơm nên cùng với cá lóc, cá, rô, cá sặc,… cá bống dừa cũng là một món khá ăn phổ biến trong bữa cơm của người Nam Bộ như: cá bống dừa kho sả, kho tiêu, kho nghệ, nấu canh tập tàng,…Nhìn chung, món nào cũng ngon và đều đậm đà hương vị quê hương.

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com