Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

jun_dat's Blog

VietNamOi

Văn Minh Kiểu Việt Nam

Việt Nam gia nhập WTO trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ. Nếu so sánh nước ta với các nước lân cận và nhất là so với thế giới, chắc chắn phải ngậm ngùi thừa nhận ta chỉ là một kẻ tí hon. Đành rằng đất nước đã có những thành tựu đáng kể, mức tăng trưởng hằng năm đạt ở mức cao 8 – 9 %, nhưng để rồi kéo theo nó là ta đang dánh dần mất đi những giá trị truyền thống của mình. Nếu so về kinh tế, ta chẳng là ai; nếu so về văn minh, nếp sống thiết nghĩ người Việt Nam có rất nhiều điều để bàn, để nói. Năm 2008, TP HCM thực hiện nếp sống văn minh đô thị, và còn đó những bỏ ngõ, những điều mà chính ta cũng phải giật mình khi nhìn lại hình ảnh con người Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè thế giới.

Thường khi khách du lịch đến Việt Nam, người ta chỉ đến một lần. Vậy mà khi hỏi về đất nước, con người Việt Nam, họ đều bảo : “Người Việt Nam rất thân thiện, hiếu khách; đất nước của các bạn rất đẹp”. Ta không phủ nhận điều đó, nhưng hình như ta đang bị họ ru ngủ bằng chính sự tự phụ của mình. Không lẽ họ lại nói những điều chói tai gai mắt khi được hỏi, họ không nói nhưng họ hiểu rằng đất nước của họ còn đẹp hơn, con người của họ còn hiếu khách , văn minh, lịch sự hơn ; và nhiều nơi trên thế giới còn đẹp hơn chúng ta nữa, và đó là lý do họ không quay lại. Ta đang bị lối sống phương tây ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong đại bộ phận giới trẻ ngày nay. Nhưng hình như tôi thấy ta chỉ hấp thu những gì là mặt trái của họ, mặt tiêu cực còn những gì tinh hoa, văn minh thì ta lại bỏ qua :

- Người nước ngoài rất quý trọng thời gian. Họ luôn tận dụng thời gian để học hỏi, tìm tòi. Ngay cả khi đi dạo mát tôi thấy họ cũng luôn cầm sách trên tay. Còn anh Việt Nam mình rất vô tư, cái gì cũng từ từ, cụ thể là đến giờ làm việc rồi mà vẫn đầy các vị trong các coffee bar, trên đường phố, trong quán ăn…

- Người nước ngoài tự học là chính. Sinh viên ta thì cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan này nọ, khi nào cũng đợi thầy đưa cho tới mồm mới chịu ăn, thầy mà nói khó hiểu hay nói về tự học là la ó lên, và về nhà thì đâu lại vào đấy.

- Họ biểu hiện cảm xúc tự nhiên của con người, tình cảm thân mật nơi công cộng. Họ ôm hôn khi gặp mặt nhau ngoài đường, làm vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ. Ta thì ngược lại, ôm hôn thì lén lút, còn vệ sinh thì cứ thấy chỗ nào thoáng mát, tiện lợi là làm luôn.

- ….

Tôi thấy rất nhiều điều, nhiều việc mình nên bắt chước, học tập. Tại sao ta không học, không làm theo. Năm 2008, TP thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng liệu có mấy người nghe, quan tâm, và mấy người hiểu được ịch lợi mà thực hiện. Và kìa vẫn còn nhan nhản những hành động “rất Việt Nam” ở nơi công cộng:

- Một anh dân quân vẫn tự nhiên, vô tư khi xử lý “cái bí” của mình ngay bên cạnh nhà VSCC, có khi còn chơi luôn lên hàng chữ “Cam dai bay”.

- Một bịch rác bay vèo qua lan can, lướt qua đầu khách bộ hành, rớt xuống vỉa hè, cơm văng tung tóe. Đúng là rất tiện lợi và hữu ích, chẳng phải mất công đi xuống, sau đó tìm thùng rác. Ném xong thì quay vô nhà liền, chẳng ai biết, và cũng chẳng ai đủ can đảm và thừa hơi để lên nói thẳng với chủ nhà.

- Một phụ nữ ngoảnh trước nhìn sau và vội vàng lia nhanh con chuột chết ra ngoài đường, cách xa ngôi nhà mình đang ở.

- Và nhất là trong các dịp lễ hội văn hóa do nhà nước tổ chức, người dân không ngại ngần “xử” những hiện vật ban tổ chức trưng bày ra. Đã thế lại còn rất phấn khởi, ra vẻ ta đây không thua ai, đáng mặt anh hào khi làm như vậy.

Chuyện gì xảy ra vậy? Những điều bất thường, đáng xấu hổ, thiếu văn minh như vậy thì người Việt Nam ta lại cho là “bình thường thôi”. Những hành vi, cử chỉ đẹp trong cuộc sống thì lại được phán cho một câu “Đồ dở hơi”, hay dành cho một ánh mắt bất bình thường. Tôi tự hỏi xã hội này có còn tồn tại những điều tốt đẹp nữa không vậy. Thế hệ cha ông chúng ta với lịch sử vẻ vang, đáng tự hào, chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ thế lực nào, nhưng hiện tại thì trong thời bình, chúng ta_ con cháu các ngài_ lại là kẻ chiến bại đáng xấu hổ. Chúng ta để cho những điều nhỏ mọn, ích kỷ, vị lợi chiếm giữ con người mình mà quên đi những lý tưởng cao đẹp. Ta không thiếu nhân tài, nhưng ta lại thiếu những con người đủ đức hạnh sẵn sàng cống hiến; ta không thiếu những bạn trẻ nhiệt huyết đầy tài năng, sẵn sàng cống hiến nhưng ta lại thiếu một cơ chế đãi ngộ, làm vừa lòng những con người sẵn lòng nhất; ta không thiếu nguồn nhân lực, nhưng ta thiếu cơ chế đào tạo tốt để tạo ra những con người có trình độ ,hội nhập được với cả thế giới, và khi có rồi ta lại không biết sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó. Thật buồn khi đại bộ phận giới trẻ ngày nay không có lý tưởng sống cho riêng mình, hầu như thiếu đi cái tôi tự phấn đấu, tự rèn luyện, tự vươn lên trong cuộc sống. Họ chỉ muốn sống thu mình lại, ngại giao tiếp, ngại khó khăn. Họ vừa lòng với những gì mình có (mặc dù điều đó chả là gì cả), họ thích làm một con cá lớn trong một con suối nhỏ, trong khi thế giới là biển cả mênh mông. Thật lạ khi người Việt Nam lại nằm trong top ten những nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới.

Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, những con người Việt Nam chân chính. Chúng ta cần cho thế giới biết con người Việt Nam bằng cái nhìn, ánh mắt khác. Không phải đợi ra luật, bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì ta mới đội. Không phải cứ phải phạt tiền mạnh tay cho những hành động xả rác, những hành vi thiếu văn minh thì ta mới chịu bỏ. Cái cần thiết là điều đó phải phát xuất từ bên trong, ăn sâu trong tiềm thức và phản xạ ra ngoài. Rất khó! Đa số những người lớn bây giờ đã bị ô nhiễm hóa (xin lỗi nếu bắn nhầm). Họ thực hiện những hành vi kém văn minh thường xuyên khiến cho nó trở nên “bình thường thôi”, thành một phần không thể thiếu. Xã hội dường như đang bị đồng hóa, đồng hóa giữa sự văn minh và thiếu văn minh; đồng hóa giữa những cử chỉ lới nói đẹp với những cử chỉ thiếu tế nhị, lời nói suồng sã … không có ranh giới rõ ràng giữa những điều này, khiến cho họ đang làm sai mà nghĩ là làm đúng. Rồi đây thế hệ trẻ, con cái chúng ta thì sao. Nên nhớ trẻ con không hoàn toàn làm theo những gì người lớn dạy nhưng sẽ bắt chước rất nhanh những gì người lớn làm và sống. Đầu tư cho giáo dục là một kế sách lâu dài và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó ta cũng phải làm sao nâng cao tầm nhận thức của đại bộ phận người lớn, khi đó ta mới mong trở thành một đất nước phát triển, văn minh và lịch sự.

Mỗi người chúng ta hãy cố gắng sông nếp sống lành mạnh, văn minh, sống hết mình cho chính mình và cho tổ quốc .“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gi cho tổ quốc hôm nay”, đừng thắc mắc vì bỗng dưng thấy mình thành lạc loài, thành số lẻ, nếu ta thấy điều đó đúng thì cứ làm, sau này tôi nghĩ một ngày nào đó ta cũng sẽ trở thành số đông, một cộng đồng văn minh, lịch sự và phát triển.


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com