Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

jun_dat's Blog

Anh tôi,

Anh tôi

            Ngày anh ra đi theo tiếng gọi của lý tưởng đã xa lắm rồi. Bao nhiêu năm vất vả rèn luyện, tu đức rồi cũng có ngày anh đạt được điều mình mong ước. Ngày anh và sáu người khác nhận chức vụ Linh Mục là một ngày đầy nắng, mảnh đất Nha Trang xuất hiện biết bao nhiêu tiếng nói cười rộn rã mới lạ đến từ những miền quê khác nhau. Để  cảm nhận được tất cả những điều đó tôi chỉ suy ra từ những gì đang diễn ra xung quanh mình. Mẹ vui, có lẽ vui lắm lắm, vì nó chứa cả những giọt nước mắt mãn nguyện. Cha mừng, có lẽ mừng lắm lắm, vì nó không thể ẩn nấp đằng sau một khuôn mặt rạng rỡ. Anh phấn khởi, chị phấn khởi, các Dì và bà con cũng vậy. Dễ hiểu thôi, vì với những người bên Công giáo, đó là niềm tự hào không chỉ cho chỉ gia đình mà cho cả một dòng họ và những người liên quan (hơi kêu hihi).

           

      Anh vào làm giấy tờ, mới chỉ vào một tý rồi ra thôi đó, nhưng những giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt phúc hậu đầy nếp nhăn của Mẹ. Chị cũng khóc, tiếng khóc bật thành tiếng chứ không còn nghèn nghẹn ở cổ họng nữa. Và rồi cũng đến những bước chân ra đi thật sự, những bước chân nặng nề trên một khuôn mặt gượng gạo hiên ngang. Anh mất hút vào bên trong, tôi đưa vai cho Mẹ, cố dỗ dành nếu khóc thì đừng có mơ con sẽ đi theo cong đường đó nữa.

            Mẹ thương anh nhiều lắm, bởi anh là một người con có hiếu, một con người tuyệt vời, và cũng bởi vì anh là người thương  Mẹ nhiều lắm, hơn cả út nữa. Út thương Mẹ nhưng chẳng biết  hành động, út thương Mẹ nhưng chỉ dừng lại là thương Mẹ. Anh là người chăm sóc Mẹ nhiều nhất. Mẹ bị tai nạn, tết anh đi học xa về, bỏ luôn cả những cuộc chơi, ân cần bên cạnh Mẹ. Lớn ơi là lớn rồi, mỗi lần về là lại xuống giường Mẹ nằm nói chuyện tới khuya. Người ta nói không thể đáp đền hết công lao biển trời của Cha Mẹ, nhưng tôi thấy anh cũng đã gần đạt tới nó. Anh là đứa cháu bà ngoại yêu nhất, trong các đứa cháu thì chỉ có anh là tối nào sau khi đi làm về, ăn uống xong lại chạy qua ngủ với bà. Còn Mẹ là người con út bà thương nhất.

            Tôi thấy những khó khăn, vất vả của ngày hôm nay chỉ là một phần bé nhỏ của những gì ngày xưa Cha Mẹ mình đã từng trải qua, nhưng cũng nhận ra rằng, khi tiền bạc của cải nhiều lên, thì tình cảm người ta dành cho nhau lại ít lại. Đồng tiền chi phối quá nhiều thứ trong cuộc sống, và người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành lấy nó. Bởi vậy tôi thích những ngày xưa hơn, cũ hơn, lạc hậu hơn, khó khăn hơn nhưng êm đềm và bình an hơn.  

           Còn chị, chị thương anh, thương anh bởi chị và anh đã cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khổ nhất trong cuộc đời. Chị muốn anh ở lại Việt Nam vì chị biết quãng đời tiếp theo của anh sẽ vô cùng khó khăn. Ngày chị và anh vật lộn với từng miếng cơm, bát gạo đã xa rồi, cái ngày mà mở mắt ra người ta chỉ nghĩ sẽ ăn gì, làm gì, và vật lộn với ý nghĩ không lối thoát đó cũng không còn nữa … Chị không muốn anh ra đi, vì chị biết anh sẽ đi đến nơi mà những khó khăn thì kéo dài bất tận và sự cô đơn thì dường như khôn thể tránh khỏi. Anh đã chọn và đi con đường mà niềm vui của anh cũng là niềm vui của mọi người, nỗi buồn của mọi người cũng là một phần nỗi buồn của anh. Anh có một con tim và một tâm hồn “quá lớn”, với tôi, kẻ đã từng tìm hiểu trên chính con đườn đó, nhiều lúc cũng phải giật minh nghĩ về tương lai nếu tiếp tục.

                   

             Nhớ lại ngày xưa dẫy lên phong trào một số thanh niên trong làng ra đi theo chân một số các Thầy Giuse vào Nha Trang tìm đến với con đường học vấn, và anh tôi cũng không phải làm một ngoại lệ. Anh đi học khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ bé xíu nũng nịu bên Mẹ và sẵn sàng khóc khi có người khác đụng vào mình (tôi ngủ với Mẹ tới năm 11 lận). Nhưng rồi mọi chuyện chấm dứt với anh chỉ vì một lần đi chơi  bị người ta đánh nhầm hư mất chiếc xe đạp. Cha cương quyết nói không với con đường học vấn của anh. Thật ra thì Cha có nỗi khổ của Cha. Tôi không biết cảm xúc của anh lúc đó thế nào, nhưng có lẽ anh buồn nhiều lắm. Anh trai cả, gia đình nghèo, Cha đã lớn tuổi, em còn nhỏ, gia đình vào Nam lập nghiệp muộn, chỉ cần từng đó cũng đủ để đôi vai của anh sẽ không thoát khỏi gánh nặng gia đình cùng với những vất vả, truân chuyên của nó.

            Kinh tế gia đình khá hơn. Rồi bỗng dưng … Anh khóc… mấy ngày liền …khóc thật nhiều, hầu như không ăn, không uống … chỉ để được Cha gật đầu với câu nói “Con muốn tiếp tục đi học.” Kinh tế khá nhưng  chỉ mới tàm tạm, anh kế cận thì đang học lớp 10, chị gái thì không thể phụ giúp gia đình nhiều, Cha thì cũng không còn sức khỏe nữa … quả là một quyết định khó cho Cha và Mẹ. Nhưng cuộc sống có những quy luật của nó, và quy luật của sự thành công là phải luôn hướng tới những điều cao hơn, đẹp hơn, và phấn đấu cho nó. “Một khi bạn đã quyết tâm, thì những vấn đề khác chỉ là chuyện nhỏ”. Thời gian đã chứng minh tất cả. Cha nhượng bộ không lâu sau đó kèm theo quyết định anh trai kế phải nghỉ học khi đang lớp 10 dang dở.     

            Anh đi học xa đó là niềm hãnh diện của tôi và  cả gia đình. Có hai điều trong số những điều tôi thích nhất hồi nhỏ đó là Cha đi SG và anh đi học xa về. Cha đi SG về thế nào cũng có quà cho út (như Mẹ đi chợ về vậy hihi): một cây súng hay một chiếc xe dây cót … hồi đó nó làm tôi sướng điên người. Anh về thì sẽ có những ngày vui vẻ, sẽ có những chiếc kèn kết bằng lá dừa, sẽ có những buổi chơi trăng ngoài sân, sẽ có những ngày tổng động viên dọn dẹp cả nhà sạch sẽ, thơm tho và cả những lúc ngồi nắn nót tập cho tôi viết từng nét chữ đẹp. Phải công nhận ông là bậc thầy trong vấn đề này. 

            Căn nhà nhỏ bé nhưng luôn đầy ắm tiếng cười. Những căn phòng được ngăn bởi những tấm ván dễ thương có những kẽ hở đủ để những tiếng nói cười lan tỏa khắp nhà.  Gần gũi và đầm ấm khi tiếng gọi ở phòng này có thể lan qua những phòng khác; yêu thương khi sáng sớm tiếng Mẹ gọi tên từng đưa dậy cầu nguyện. Tôi nhớ Mẹ thường cất công qua tới phòng mấy anh và sẽ bắt đầu cầu nguyện ở đó (có lẽ vì không tin tưởng mấy ông này cho lắm, ai bít là sẽ ngồi dậy cầu nguyện hay nằm ngủ fèo râu). Mỗi lần như vậy là tôi lại thấy những cây “nấm chăn” mọc lên. Tiếng đọc phát ra yếu ớt nhưng những “nấm chăn” thì gật gù, lắc lư phải biết.

            Mẹ, Mẹ sẽ thương anh nhất nhà nếu không có tôi, nhưng Mẹ cũng sẽ không thương anh nhất nhà nếu không có quyết định bây giờ của tôi. Tôi gọi điện về nói với Cha quyết định của mình, và nhận được những lời động viên cùng những nhắc nhở làm tôi thấy an tâm hơn. “- Anh ơi, em quyết định rồi, tạm thời em sẽ không về Nha Trang nữa, em muốn biết rõ cả hai con đường trong tương lai, sau đó mới đưa ra quyết đinh cuối cùng”. Tôi nói chuyện riêng  với anh như vậy. Tôi đã hỏi và tham mưu một số người “trong nghề”,  nhưng chỉ nhận được những phản hồi “không nên”. Nhưng… anh tôi, anh tôi thì lại khác. Anh dành cho tôi một ít chia sẻ về cuộc sống và nói đó là quyết định của em, anh không can thiệp. Giống giống như Cha nói với tôi vậy. Anh mong tôi sẽ hạnh phúc, sẽ đững vững trên đôi chân của mình chứ không phải là làm điều mình không muốn một cách “thiếu tâm huyết’.  

            Vẫn là ánh mắt lo lắng nhớ mong đợi ngày gặp lại của Mẹ. Vẫn là những tiếng nấc nghẹn cổ khi điện thoại với thằng em trai của bà chị. Vẫn là những câu hỏi quen thuộc “Mẹ dạo này sao rồi?”, “Ba có khỏe không?” đầy ắp sự quan tâm, lo lắng của ông anh. Và tiếp theo sau đó vẫn là “Ông anh yên tâm, để thằng em này xử lý hết cho hihi” của thằng út,  lời động viên bố láo thiếu căn cứ vì tui ở SG thì cũng như ông ở Para thôi, có quan tâm được gì nhiều đâu, nhưng ít ra hy vọng cũng vơi được phần nào sự lo lắng keke.

 


bởi: MU trong Sep 24 2009, 09:00 AM

MU chẳng hiểu nhiều về cái lý tưởng cũng như niềm tự hào đó... Lần đầu tiên MU bước vào nhà thờ là lần đi lễ cùng KOP... Có nhiều cảm giác lạ lắm! (Hơi sợ nữa là khác, hok bít lúc đó KOP có nhận ra ko nhỉ?!) Nhưng MU bít MU sẽ an toàn trong bất cứ tình huống nào vì... bên cạnh MU có KOP. Lý tưởng của KOP hãy bay cao và bay xa nhé! Cho dù thế nào thì MU cũng bên cạnh và ủng hộ KOP. Forever! Sure!

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com