Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Hữu Khương's Blog

Mùa gió cuối

Ào…ào…

Tiếng gió rít qua kẽ hở của tấm phên bằng gỗ me tây làm thằng Khánh đang lim dim giật mình thức giấc.  Nó tức tốc chạy ra sau hè để đem cái mớ thuốc nam mà nội nó phơi mấy bữa nay vào nhà. Nhưng dường như nó đã đi chậm một bước, ba cái cây cỏ mà nội nó uổng công đi hái ở tuốt dưới xóm Cầu đã bay tứ tung, một số còn bị rớt xuống cái mương bên cạnh. Thằng Khánh như biết tội của mình, nó vào nhà lấy cái bịch ni lông và nhặt lại mấy cây thuốc còn sử dụng được. Đã mấy tháng nay, từ ngày nội nó được lời khuyên từ một ông thầy thuốc nam, cứ vài ngày là lại bắt nó chở xuống xóm Cầu để hái thuốc. Và cũng từ đó, nó được nội giao cho cái nhiệm vụ là lấy thuốc vào nhà mỗi khi đêm đến. Vậy mà hôm nay… Chỉ tại cơn gió kia làm cho nó không biết chiều nay nói thế nào với nội. Thằng Khánh nhặt thuốc vào bao, cái dáng vẻ đáng thương như Lọ Lem phải ngồi nhặt đậu. Bỗng dưng, nó nghĩ thầm trong bụng: “Phải chăng mùa gió lại về?”

Ở cái mảnh đất nghèo của vùng sông nước Nam Bộ này, mọi sự kiện trong năm, mọi thay đổi của thời tiết đều được người dân nơi đây phân chia theo từng mùa riêng. Nào là mùa khô khi nắng chói chang làm mấy cái mương trong xóm cạn queo đến mức tụi nhỏ có thể xuống đó và tổ chức trò chơi “đám giỗ”. Nào là mùa mưa với những cơn mưa kéo dài rả rích làm mấy bà mẹ phải ru con với cái giai điệu não lòng, não ruột: “Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai…”. Thế nhưng, đối với bọn trẻ con trong xóm này, mưa nắng cứ luân phiên nhau không có gì hấp dẫn, chúng chỉ thích cái mùa mà mọi cánh đồng đã được gặt, cái mùa mà chúng có thể được tha hồ thả diều mà không sợ bị la, cái mùa mà bấy lâu nay, bọn trẻ vẫn quen gọi bằng cái tên “Mùa gió”.

Đang loay hoay với mớ thuốc nam còn sót lại, thằng Khánh bỗng giật mình khi nghe tiếng kêu lanh lảnh của nhỏ Út Mén sát bên nhà:

-        Anh Khánh ơi. Có nhà hông? Hú Hú…

Tiếng kêu của nhỏ Út như muốn đánh thức cả xóm dậy. Đã nhiều lần thằng Khánh kêu con nhỏ lại và thẳng thừng góp ý với nó rồi, nhưng không hiểu sao cái khái niệm “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” lại quá chí lí với con bé lúc nào cũng cười híp mắt này. Có khi thằng Khánh nghĩ thầm trong bụng, với cái tính như con trai và không chút gì gọi là nữ tính này, không biết sau này có thằng dại khờ nào dám “hốt” con nhỏ không nữa. Nghĩ là vậy, nhưng không biết tự bao giờ, chính con bé mà thằng Khánh cho rằng sẽ ế dài dài ấy lắm lúc cũng là niềm vui đối với nó mỗi khi có chuyện gì đó không vui và cần người để trút giận. Trong kí ức của thằng Khánh, nó luôn nhớ mãi cái ngày mà nhà con Út Mén dọn về đây. Lúc đó thằng Khánh đang học lớp sáu, cái thời mà vùng quê nghèo này không hề có điện, tối tối nhà nào cũng thắp lên ngọn đèn dầu leo lét trông đến não lòng. Chiều hôm đó, nhà bà Tám ở bên cạnh bỗng xôn xao tiếng nói cười của những người lạ. Bấy lâu nay, bên nhà ấy lúc nào cũng yên ắng, có tiếng đi chăng nữa cũng chỉ là tiếng ho của bà Tám mỗi khi trái gió trở trời, hay là tiếng radio phát mấy tuồng cải lương “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” mà những lúc có tiền mua pin, bà Tám vẫn hay nghe cho đỡ buồn. Vậy mà chiều đó, cái không khí yên ắng bỗng bị đánh tan bởi những tiếng cười nói, và có cả tiếng la hét của một con nhỏ nào xa lạ. Thằng Khánh ngày xưa vô tâm lắm, ai làm gì thì làm, miễn sao đừng có làm gì đụng đến nó là được. Thế nhưng, chính cái sự ồn ào này làm nó cảm thấy khó chịu, nó phải điều tra xem những người đó là ai, và nhất là phải biết được con bé chanh chua ấy là đứa nào mà dám đến đây và cướp đi sự bình yên của nó.

Còn tiếp...


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com