Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

myluckystar_q's Blog

Các Cung Hoàng đạo Và Các Chòm Sao Hoàng đạo

Tác giả: Trần Tuấn Tú - Thiên văn Việt Nam

Nội dung của bài viết này sẽ trình bày các khái niệm về Cung Hoàng Đạo, các chòm sao Hoàng Đạo và sự sai khác của những khái niệm trên từ lúc hình thành cho đến thời điểm hiện tại. Trong nội dung tiếp theo, cần phải phân biệt rõ hai khái niệm: Thiên Văn Học và Chiêm Tinh Học


1.1 Sự hình thành khái niệm về các cung Hoàng Đạo

Quỹ đạo của Mặt Trời trong một năm trên Thiên Cầu được gọi là Hoàng Đạo. Vùng phụ cận Hoàng Đạo về cả hai phía, mỗi phía 8o vĩ (DEC) được gọi là Hoàng Đới. Hoàng Đới được những nhà Thiên Văn phương Tây cổ chia thành 12 phần bằng nhau gọi là 12 cung Hoàng Đạo.

Điểm xuân phân được chọn là điểm đầu tiên của 12 cung Hoàng Đạo, điểm này ứng với đầu cung Aries (Bạch Dương), từ đó thuận theo thiên độ thì lần lượt đến các cung Taurus, Gemini, Cancer, Leo, Virgo, Libra, Scorpius, Sagittarius, Aquarius và Pisces. Mỗi cung có chiều rộng bằng nhau và bằng 30o. Tên mỗi cung được đặt theo tên một chòm sao nằm trong vùng trời có cung đó vào thời điểm cách đây 2000 năm

Khái niệm 12 cung hoàng đạo ngày nay chủ yếu được nhắc tới trong chiêm tinh học - Astrology. Theo chiêm tinh học, tử vi một người sẽ tương ứng với cung Hoàng Đạo chứa Mặt Trời vào ngày sinh của người đó, cụ thể như sau:
User Posted Image
1.2 Ảnh hưởng của hiện tượng tuế sai đến các cung hoàng đạo

Trục Vũ Trụ (trục đi qua Thiên Cực Nam và Thiên Cực Bắc) cũng chuyển động và vạch nên một hình nón tưởng tượng với chu kỳ là 25800 năm, hiện tượng này gọi là hiện tượng Tuế Sai – Precession.

Hiện tượng Tuế Sai khiến cho điểm xuân phân cũng dịch chuyển mỗi năm khoảng 50,256 giây (RA). Do khái niệm các cung Hoàng Đạo ra đời cách đây khoảng 2000 năm cho nên đến nay, điểm xuân phân đã lệch đi khoảng 30o, điều này có nghĩa là cung Aries sẽ tương ứng với vùng trời có chòm sao Pisces, cung Taurus sẽ tương ứng với vùng trời có chòm sao Aries… Nếu nhìn vào bản đồ sao, ta thấy điểm xuân phân (DEC =0o, RA = 0o) sẽ nằm trong vùng trời có chòm sao Pisces. Điều này có nghĩa là vào ngày 21/03, Mặt Trời sẽ không nằm trong vùng trời chứa các ngôi sao của chòm Aries mà nằm trước các ngôi sao của chòm Pisces. Tuy nhiên Chiêm Tinh Học không để ý đến điều này, những người sinh trong thời gian từ 21/03 – 19/04 vẫn thuộc cung Aries – Bạch Dương trong khi thực tế thì vào ngày 21/03 Mặt Trời nằm trong vùng trời thuộc chòm sao Pisces, ta có thể dùng các phần mềm giả lập để kiểm tra điều này.

1.3 Sự tương ứng giữa các cung Hoàng Đạo và các chòm sao Hoàng Đạo

Cách đây 2000 năm (khi điểm xuân phân còn nằm trước các ngôi sao của chòm Aries), các nhà thiên văn cổ đại chia Hoàng Đới thành 12 phần bằng nhau, mỗi phần được đặt tên theo một chòm sao nằm trong vùng trời đó. Tuy nhiên, nhìn vào bản đồ sao ta cũng thấy có sự khác về kích thước, số các ngôi sao trong 1 chòm. Có những chòm sao rất nhỏ như Aries, Cancer nhưng cũng có những chòm rất to như Pisces, Scorpius… Điều này có nghĩa là kích thước của các chòm sao không hề tương ứng với độ lớn của cung Hoàng Đạo. Năm 1922, ranh giới giữa các chòm sao đã được chính thức phân định bởi Tổ Chức Thiên Văn Quốc Tế (xem phần 1.5). Lúc này khái niệm về chòm sao – constellation không còn là "một nhóm các ngôi sao với hình ảnh sinh vật, đồ vật tưởng tượng" mà đã trở thành "một vùng trời được phân định với nhau bằng các đường biên rõ ràng". Điều này dẫn đến việc đường Hoàng Đạo sẽ đi qua vùng trời của chòm sao Ophiuchus. Xét theo quan điểm thiên văn học – astronomy (phân biệt với quan điểm của chiêm tinh học - astrology), vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, khoảng thời gian mà Mặt Trời nằm trong vùng trời của các chòm sao cụ thể như sau:
User Posted Image
(Bảng trên được trích dẫn từ trang Griffithobs)


Qua bảng trên ta thấy sự khác nhau về Hoàng Đạo giữa astronomy - Thiên Văn Học và astrology – Chiêm Tinh Học. Sự sai khác này bắt nguồn từ cả yếu tố khách quan và chủ quan:

+ Yếu tố khách quan: hiện tượng tuế sai.

+ Yếu tố chủ quan: sự phân định rõ ràng danh giới giữa các chòm sao.

(Vào thời điểm cách đây 2000 năm thì không có sự sai khác này).

Tóm lại, kết thúc phần trình bày này, tác giả xin một lần nữa nhấn mạnh sự khác nhau giữa khái niệm "Cung Hoàng Đạo" và khái niệm "các chòm sao Hoàng Đạo" giữa Thiên Văn Học (Astronomy) và Chiêm Tinh Học (Astrology).

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com