Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nếu Em Đã Quên

Tản Mạn Về Thằng Bờm

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu !

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè !

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim !

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi !

Phú ông xin đổi nắm xôi... Bờm cười !

     Nhiều người nghĩ rằng bờm là cái bờm tóc. Thằng Bờm là đứa bé con để bờm. Chữ bờm được Văn Tân định nghĩa là :
- hàng lông dài mọc trên cổ một vài giống thú
- chỏm tóc để dài, che thóp trẻ con
- nói trẻ con còn bụ sữa.
    Ngày xưa, trẻ con để chỏm tóc trên đỉnh đầu hoặc hai bên đầu đến khoảng 5,6 tuổi thì bắt đầu để tóc dài. Bé hơn, chỉ độ 2,3 tuổi thì để chỏm tóc che thóp ngừa va chạm và tránh gió. Như vậy thì thằng Bờm còn là một đứa bé con còn bụ sữa, còn để chỏm che thóp. Đứa bé độ 2, 3 tuổi. Lớn hơn nữa thì ta thường gọi là bụ bẫm thay cho bụ sữa. Một đứa bé mới 2, 3 tuổi thì chắc là chưa hiểu biết gì về giá trị của ba bò chín trâu, của ao sâu cá mè, của bè gỗ lim.v.v. Chẳng lẽ lõi đời như phú ông lại mất thì giờ làm chuyện vô ích như vậy ? Bài ca dao chỉ tượng trưng cho một cuộc phỉnh gạt, dụ dỗ trẻ con thôi à ? Hay là nó muốn nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại sự đối đầu giữa phú ông và thằng Bờm .
Để lãnh hội thể thức Tổ tiên và Cha ông chúng ta, qua bài ca dao « Thằng Bờm », đã am tường thế nào về bản sắc và lòng tự tin của con người Việt Nam, ta có thể phác họa một vài nhận xét thô thiển về tâm lý của nhân vật lạ lùng và kỳ diệu này.

    Thứ nhất, tên cậu bé là gì ? Bài ca dao không nói tới. Có lẽ trong những quan hệ tiếp xúc hằng ngày, không mấy người tìm cách gọi tên cậu cho đúng đắn làm gì. Xuyên qua nhãn hiệu « Thằng Bờm », ai ai cũng có thể nhận ra : đó là một đứa con trai, còn mang trên đầu cái bờm tóc, giống như ngàn vạn trẻ em Việt Nam khác. Ngoài phái tính của mình, được mọi người qua lại nhìn thấy, vì chưa được che giấu một cách kỹ càng, theo những kỹ cương của xã hội, cậu con trai nầy chắc hẳn còn ở trong một vị trí « vô danh tiểu tốt ». Cậu chưa thể có một chức vị, hay giá trị xã hội nào, khả dĩ đòi hỏi mọi người trong khóm phường phải cất mủ cúi chào, hay là xưng hô theo đúng lễ nghĩa thưa, dạ, xin vâng...Xuyên qua những tục lệ ăn nói, xưng hô của người Việt Nam, một cách đặc biệt vào những cơ hội chính thức như kỵ giỗ, đám đình, liên hoan... gọi ai là « thằng » có nghĩa là khinh thị, coi thường người ấy. Thằng ấy là « đồ » ăn trộm, ăn cướp, mất dạy, vô lương tâm.Tuy nhiên, trong ngữ cảnh hoặc mạch văn của bài ca dao nầy, « Thằng Bờm » chưa làm gì tai tiếng về mặt luân thường đạo lý, để bị khinh chê và đánh giá một cách tồi tệ như vậy. « Thằng » ở đây chỉ muốn xác định rằng : hắn chỉ là thằng con trai, trên dưới chừng mười tuổi, chưa có kiến thức gì bao nhiêu, đang ngày ngày chạy chơi loanh quanh đầu làng, xó chợ. Có nhiều khi, hắn còn ở thể trạng « trống không, trần truồng », nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong những lúc như vậy, hắn chỉ có vỏn vẹn một chiếc mũ trên đầu, để che nắng, tránh cảm cúm. Đương khi đó, đáng lý, nó cần có những mảnh vải khác, để che đậy những « chỗ » cần che đậy một cách kín đáo hơn.
    Thứ hai, Thằng Bờm đã làm được gì, về mặt làm người ?
Theo bài ca dao, chắc hẳn nó đã có khả năng tiếp cận những phương tiện như dao và kéo. Nó đã được cha mẹ cho phép sử dụng những đồ dùng nguy hiểm nầy. Tuy nhiên, vì « chơi dao có ngày đứt tay », cho nên Thằng Bờm không chơi dao. Nó biết dùng dao, cắt mo cau làm quạt, vào những ngày hè oi bức, khó chịu. Cụm từ « Thằng Bờm có cái quạt mo » cho chúng ta nhận biết rằng : hắn đã có khả năng làm chủ thể, tuy dù còn rất hạn chế. Chính nó là tác giả đã làm nên chiếc quạt mo. Hẳn thực, nếu ai khác đã làm cho nó, nó không thể hãnh diện và tự hào về sở hữu do mình làm ra như vậy. Của do mình làm ra mới có khả năng xác định giá trị đích thực của Thằng Bờm.
    Thứ ba, ở giữa môi trường khóm phường và xã hội, Thằng Bờm chưa thể nào đảm nhiệm những vai trò quan trọng.
Thế nhưng, trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi, giữa nó với « Phú Ông » : « Nực cười, châu chấu đá voi, « Tưởng rằng chấu ngã, ai dè voi nghiêng ». Hẳn thực, trước mặt của Phú Ông, mọi người lớn bé đều có thái độ cung kính, cất nón cất mũ, để cúi chào. Khi có chuyện cần vay mượn, hỏi han... người bình dân thường phải đến tận nhà, để chờ đợi được tiếp kiến. Thông thường, trong các làng mạc Việt Nam, tuy dù không đảm nhận những chức vụ chính thức, Phú Ông vẫn luôn luôn có chức vị, trong những nơi công cộng, như đình, chùa, lăng, miếu, hoặc trên các con đường cái quan, nơi qua lại của mọi người.Thế mà ở đây, với Thằng Bờm, Phú Ông đã có thái độ và tác phong « xin đổi ». Quan hệ hàng ngang và quan hệ qua lại hai chiều ấy diễn tả tầm quan trọng và vị trí bề thế của cậu con trai đang làm chủ nhân của cái quạt mo. Không còn bị khinh khi, coi thường, Thằng Bờm đã trở nên một chủ thể trao đổi, một đối nhân có lời ăn, tiếng nói ngang hàng với Phú Ông, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt.
    Thứ tư
, trong thể thức trao đổi qua lại hai chiều, Thằng Bờm càng tỏ ra là một « con người » đích thực, đứng đắn. Khi trao đổi, Bờm không còn được gọi là « Thằng ». Nó trở nên một « chủ thể, có nhân cách vững mạnh, với những giá trị tự lập và tự do. Trên bình diện ý thức, nó bày tỏ ra ngoài một cách tự nhiên, những khả năng « biết mình, biết người » : Tôi có thể CHO cái gì. Và ngược lại, tôi muốn NHẬN cái gì. Nói khác đi, trong quan hệ tiếp xúc và thông đạt, Bờm vừa biết lắng nghe Tình. Vừa biết coi trọng Lý. Ngoài ra, khả năng từ chối, được lặp đi lặp lại bốn lần « Bờm rằng Bờm chẳng... », khẳng định một cách rõ nét, ý chí tự quyết và tư cách « tri túc » của cậu con trai nầy. Trước tài sản, lương thực, nhà cửa và thú vui, được biểu hiện trong bốn hình tượng, là « trâu bò, cá mè, gỗ lim và chim đồi mồi », thái độ kiên định của Bờm là « VÔ TRƯỚC », có nghĩa là không tham lam, ham hố, choáng váng và loạn động, trước những hào nhoáng lòe loẹt bên ngoài của vật chất và giàu sang. Bờm không đuổi bắt những nhu cầu giả tạo. Thái độ vô trước cho phép Bờm có khả năng buông xả hoàn toàn, chỉ bám trụ vào chính giây phút hiện tại « ở đây và bây giờ » mà thôi. Chọn lựa cơ bản của Bờm là đời sống Hạnh Phúc và An Lạc, được diễn tả trong Nụ Cười của Bồ Tát Di Lạc. Không một ai, không điều gì, không một trở ngại nào... có thể làm khô héo đóa hoa nụ cười tươi mát ấy.Để trao đổi chiếc quạt mo của mình, Bờm chỉ chọn lựa một vắt xôi mà thôi. Nhưng vắt xôi có một sức nặng như thế nào, so với ba bò chín trâu, một lực lượng sản xuất rất to lớn ? Một xâu cá mè có thể nuôi sống, hằng tuần hằng tháng, một khẩu phần ở thôn quê.Một bè gỗ lim có giá trị tương đương với một căn nhà khang trang, kiên cố. Đôi chim đồi mồi có thể tạo nên những thú vui, trong địa hạt săn bắn, tiêu khiển.Về mặt vật chất và tiện nghi xã hội, vắt xôi không có giá trị ngang bằng bốn tư liệu trên đây. Thế nhưng, những sản phẩm ấy có thể mang đến được cho Bờm, một vài phút giây làm Bồ Tát Di Lạc không ? Trên bình diện khôn ngoan thông thường hay là trong địa hạt hoàn toàn duy lý, thái độ chọn lựa của Bờm có lẽ sẽ bị rất nhiều người trong chúng ta chê cười, phê phán, đánh giá là ngu dại, ngây ngô, « ăn chưa no lo chưa tới ».Tuy nhiên, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, bài học của Bờm đáng được tất cả chúng ta lưu tâm và ghi nhận một cách đứng đắn. Quan hệ chỉ thành tựu một cách hài hòa, tốt đẹp và lâu bền, khi hai đối nhân trao đổi không tìm cách thủ lợi, kéo phần thắng về mình, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài có thể cung ứng những điều kiện thuận lợi, cho phép thực hiện những ý đồ ấy.

    Trước sau như một, trong suốt tiến trình trao đổi, tiếp xúc qua lại, Bờm không chơi trò KHÔN DẠI. Bờm không lợi dụng và lạm dụng kẽ hở, chỗ sơ ý của đối phương, hay là thể thức đánh giá sai lầm của họ, vì bất cứ lý do gì. Một cách đơn phương, Bờm tôn trọng cán cân thăng bằng, giữa cho và nhận, trong lề lối xử thế và trao đổi. Một cách sáng suốt và với lập trường kiên định, Bờm đã biết chọn lựa đối tượng khả dĩ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của mình. Duy vắt xôi mới có giá trị tương đương cân bằng với cái quạt mo, do chính tay Bờm làm ra. Trong cách chọn lựa và quyết định của Bờm, nếu chúng ta không đua đòi phương thức duy lý cực đoan, do Descartes chủ trương và khởi xướng, chúng ta sẽ mở mắt bừng sáng, nhận ra sức mạnh nội tâm của một con người khôn ngoan, vừa có tình, vừa có lý. Có tình, vì Bờm đã toát ra chất người đích thực, trong cách cư xử, đãi ngộ và tiếp xúc với một con người, có « chất người » giống như mình. Có lý, vì Bờm đã có thái độ rõ ràng, sáng suốt về nhu cầu và nguyện vọng của mình. Trong quan hệ với Phú Ông, nguyện vọng ấy được ghi nhận, lắng nghe, đáp ứng và thỏa mãn.Kết quả cuối cùng là Phú Ông vẫn tiếp tục làm phú ông. Vẫn giàu có và được tôn trọng, trong phường khóm. Không một ai, không vì một lý do gì, có thể gọi Phú Ông là thằng. Khi tiếp xúc với Bờm, Phú Ông không thua cuộc, trong một ván cờ rủi may được và mất, hơn và thua. Cái thay đổi lớn lao và kỳ vĩ đã xảy ra trong con người của Bờm : đó là thái độ « Bờm cười ». Hạnh phúc là gia tài và gia sản trên con đường tìm kiếm của Bờm. Gia sản nầy còn quan trọng và quí hóa gấp bội lần, so với tình trạng giàu sang, phú quí vật chất.

    Thêm vào đó, sau lần tiếp xúc và trao đổi với Phú Ông, Bờm có một căn cước mới. Bờm trở thành một tên tuổi bất diệt, trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ một ông già, bà lão đến một em bé vừa tròm trèm, thỏ thẻ học nói tiếng Mẹ Đẻ, ai ai cũng ghi lòng tạc dạ về bài Ca Dao bất diệt và bất hủ này.















LẠ NHẤT THẰNG BỜM

Thằng Bờm lạ nhất thế gian
Không mưu danh lợi , không ham phỉnh phờ
Gia tài độc chiếc quạt mo
Phú Ông xin đổi lấy bò, lấy trâu
Quạt mo đập muỗi, che đầu
Phe phẩy gió, xua ruồi bâu, kê ngồi
Phú Ông gạ gẫm không xuôi
Bè lim, ao cá, đồi mồi ...đưa ra
Thằng Bờm ngửa mặt cười ha
Bao nhiêu thứ đó đây ta không cần
Không hám chức, không nợ nần
Sợ chi chê dại trách gàn, mặc ai !
Lời ngon ngọt để ngoài tai
Cái thằng có một không hai trên đời !
Quạt mo đổi lấy nắm xôi
Bờm ta nghĩ vậy - ăn rồi khỏi lo !
Chuyện Bờm có cái quạt mo
Cứ trông thế thái mà so nhân tình
Gọi là thằng để tôn vinh
Chứ con người ấy sống nghìn năm nay ...


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com