Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Mạnh Bình

Ngôn ngữ Nam Bộ trongca dao, hat ru, hò lý...

Hồ Tĩnh Tâm là một nhà văn tài hoa của  vùng đất Nam Bộ. Có lẽ ngấm vào cái mạch nguồn dân dã trong những tháng ngày lăn lộn với đời lính và chan hòa với vùng đất Nam Bộ này nên dù anh là người miền Trung nhưng vốn hiểu biết về ngôn ngữ Nam Bộ lại vô cùng sâu sắc, phong phú. Xin giới thiệu cùng các em học sinh và các bạn bài viết lý thú này...

Nguyễn Mạnh Bình

ảnh hưởng của ca dao, dân ca, hát ru, hò vè Nam Bộ đến tiếng Việt thực hành và hình thành văn bản thành văn.phần 6

hotinhtam | 12 May, 2009 13:26


 hotinhtam.nharieng

Đây là một vài nhận định HTT rút ra từ quá trình thâm nhập, tiếp cận hát ru và hò tại Vĩnh Long

2.     Nhận định về giá trị nội dung và nghệ thuật ca dao, dân ca, hát ru và hò vè đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.

 

Ca dao dân ca, trong đó có các loại hình hát ru, hò vè của Nam Bộ, mà trên thực tế, nhóm nghiên cứu chúng tôi chỉ mới tiếp cận sưu tầm khảo sát tại một vài địa điểm trên địa bàn Vĩnh Long, đã cho thấy sự phong phú và đa dạng của nó, có thể nói, là không hề thua kém một vùng văn hóa ca dao dân ca nào trong cả nước, trái lại, nó còn có phần vượt trội về số lượng, về hình thức thể loại, về giọng điệu, về phong cách ngôn ngữ, về biến hình loại thể, về tốc độ chuyển ngữ cực nhanh, về hình thức trình diễn, về sự thâm nhập sâu sắc trong đời sống văn hóa cộng đồng của khu vực, văn hóa tâm linh, văn hóa tôn giáo, văn hóa ứng xủ và văn hóa lao động sản xuất của nền địa văn hóa trẻ mà đa dạng và giàu sức phát triển của vùng đất phương Nam. Người đọc, hay nói đúng hơn, là người sống trong môi trường sinh sôi phát triển của ca dao dân ca, dù ở tầng lớp nào, từ tri thức tới bình dân, hầu như với mọi lứa tuổi, mọi giới chức, đều có thể tìm thấy mình trong kho tàng ca dao dân ca Nam Bộ, đều có thể soi mình vào đó mà rút ra cho mình những bài học sống, những bài học làm người. Nhưng cái làm nên thần thái của ca dao dân ca Nam Bộ, trước hết và trên hết, không phải là ở chức năng phản ánh, chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, mà chính là chức năng thư giãn giải trí của nó. Chính người bình dân Nam Bộ, từ những hoài vọng về quê hương cố xứ ở đàng ngòai, từ cuộc sống vất vả trăm bề của thời khai hoang khẩn đất, họ đã hà hơi cho ca dao dân ca Nam Bộ sống dậy, mang được dáng vóc của vùng đất đang đòi hỏi phải đổ mồ hôi công sức để kiến tạo từng ngày. Chính là những người lao động bình dân chân lấm tay bùn, đã sáng tạo ra chính kho tàng văn hóa dân gian của họ, phản ánh tâm tư tình cảm của họ, mang tầm suy nghĩ của họ, thể hiện các hình thái ý thức trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của họ, cho nên tiếng cười và sự thông cảm cho số phận của con người, sự sẻ chia vui buồn giữa con người với nhau, được tôn vinh lên vị trí hàng đầu trong sự sáng tạo nghệ thuật rất bình dân của những tầng lớp người bình dân.

Bài ca dao sau đây là một minh chứng:

 

Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt

Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây

Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy

Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô

 

Bài ca dao ấy, không những có thể hò lên kể cho nhau nghe một câu chuyện khá là độc đáo khi đường dài chèo ghe mái trường mái đoản, hay khi đang cấy gặt trên đồng, mà còn có thể diễn xướng thành hát lý trong các Hội làng, có thể ầu ơ để ru con ru cháu. Tiềng cười rõ ràng là quán xuyến trong toàn bài ca dao, nó được bật lên ngay từ đầu bởi sự ngồ ngộ của câu chữ, vì nó đánh lừa được người nghe về thói quen tư duy một chiều  theo một bài ca dao đã khá là quen thuộc(tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây). Và cuối cùng là tiếng cười bật lên sảng khoái, khi người ta tưởng nhân vật trữ tình thề độc sẽ gieo mình vào biển thẳm tuyệt tình, ấy vậy mà tốc độ chuyển ngữ rất nhanh, đã cho thấy anh ta chẳng ngu gì mà chết: không cưới được cô Hai thì còn cô Ba, cô Bảy,.. thiếu gì.

Vẻ đẹp làm nên giá trị nghệ thuật độc đáo của ca dao dân ca Nam Bộ là ở đó, là ở sự phản ánh tính cách của những cá nhân góp phần sáng tạo ra nền văn hóa ca dao dân ca Nam Bộ.

Hãy nghe lời một chàng trai bộc bạch tình thiệt của mình:

 

Trắng như bông lòng anh không chuộng

Đen như cục than hầm biết làm ruộng anh thương

 

Vã hay nghe tâm sự da diết của một cô gái miệt vườn bên triền sông hậu:

 

Muối chua chanh mặn đường cay

Lát gừng thì đắng từ ngày xa anh

 

Mọi sự đều đảo lộn khi tình yêu xa cách tình yêu. Câu ca dao đẹp là nhờ nó nói lên được sự đau đáu day dứt trong trường tình, khiến cho thế giới này không còn là chính nó. Nỗi niềm của những người phụ nữ thời khẩn hoang, khi người yêu, người chồng bị triều đình kêu ra sung lính, có thể tìm thấy rất nhiều trong kho tàng ca dao dân ca Nam Bộ, như Lý Cái Mơn, Lý Ba Tri, Lý vọng thê… và  sau này nó được gom vào bài “Dạ Cổ hoài lang” của ông Cao Văn lầu, mà người đời tôn vinh là bản nhạc vua của sân khấu cải lương.

 

Về nghệ thuật, thiết nghĩ, ngoài tính giàu hình ảnh, tính hài hước, hóm hỉnh, tính thâm trầm sâu sắc, tính quyết liệt mạnh mẽ, với ca dao dân ca Nam Bộ, chúng ta cũng cần phải bàn tới tính nhịp điệu và tốc độ chuyển ngữ nhanh, để phản ánh sự phong phú và phức tạp của tính cách con người nơi châu thổ đồng bằng rộng lớn này.

 

Đây là hai câu ca dao bình dân, rất bình dân, nhưng nhịp điệu thơ mạnh và chuyển ngữ phản ánh tình cảm nhanh tới bất ngờ chóng mặt.

 

Bánh bò một vốn bốn lời

Anh ở nhà cứ việc ăn chơi

Để em buôn bán kiếm lời nuôi anh

 

Cứ tưởng người phụ nữ sẽ kể về chuyện làm ăn buôn bán, nhưng thực ra là cô ấy trách móc anh chồng đam mê rượu chè cờ bạc, cô ấy tỏ thái độ bất cần, mặc cho đức ông chồng muốn làm sao cũng được, một tay cô ấy sẽ quán xuyến chu tất mọi bề. Thế nhưng nghĩ cho cùng, với chiếc xuồng con và sề bánh bò, hàng ngày chèo rã bắp tay, lời lóm kiếm được là bao. Đó chính là tính cách, đó chính là bản lĩnh- tính cách và bản lĩnh phương Nam vận vào câu chữ. Đó chính là nghệ thuật nói nhanh, nói thẳng; nghệ thuật tạo sự bất ngờ khiến người nghe chới với giật mình.

 

Chúng ta hãy nghe tiếp lời một chàng trai nghèo bộc bạch sau đây:

 

Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng

Bởi gia cảnh anh nghèo nên *** nứng nửa con

 

Bày tỏ thân phận như vậy thì còn cách nào bày tỏ hay hơn nữa. Nói như vậy, người Nam Bộ gọi là nói thẳng rang, nói uỵch tẹc, chẳng cần giữ ý giữ tứ gì; bởi ý tứ mà làm gì giữa chốn hoang vu “muỗi như sáo thổi, đỉa lền bánh canh”.

 

Nghệ thuật phản ánh của ca dao dân ca Nam Bộ là dẫn ra thật nhanh tình ý, không vòng vo rào đón.

 

Mù u ba lá mù u

Vợ chồng cãi lộn con cu giảng hòa

 

Và tạo bật ngờ cho người nghe, người xem cũng là một nét đặc trưng làm nên giá trị của ca dao dân ca Nam Bộ, cho dù thoạt nghe ta có cảm giác hơi ngô nghê, như câu ca dao sau đây:

 

Chiều chiều gọt mướp nấu canh

Thấy anh qua lại bỏ hành cho thơm

Bớ nàng ơi, có chồng chưa qua giúp tình thương

 

Đọc thì như vậy, nhưng khi tham gia vào đời sống diễn xướng của nó trong sinh hoạt cộng đồng, ta sẽ thấy hết cái hay của nó, khi được hát ru, khi được hò lên, khi được giao duyên trong câu lý.

 

Chiều chiều gọt mướp cái nấu canh

Gọt muớp cái nấu canh

Thấy anh qua lợi, lợi bỏ hành à thơm mà cho thơm

Thơm mà cho thơm

Bớ nàng ơi

Có chồng chưa

Qua giúp tình thương

(Lý trái mướp)

 

 Tất nhiên ngoài nghệ thuật  gây cười hài hước, hóm hỉnh, ca dao dân ca Nam Bộ cũng có không ít những bài có phong cách thâm trầm, sâu lắng đến tận cùng cảm xúc, mà “Lý áo và quàng” là một ví dụ.

 

Đố ai kiếm được cái vẩy con cá trê vàng

Cái gan con tép bạc

Mấy vàng tôi cũng mua

Ô là ô áo vá quàng

Ồ à ì a

 

Rõ ràng xét về nghệ thuật, nếu chúng ta chỉ ghi chép rồi đọc văn bản, chúng ta sẽ không thấy hết vẻ đẹp long lanh tiềm ẩn trong ca dao dân ca Nam Bộ, mà muốn hiểu nó, chúng ta phải sống với nó, tắm mình trong đời sống diễn xướng dân gian của nó. “Bắc kim thang”, “Lý ngựa ô”… không chỉ là những khúc hát đồng dao cho con trẻ vui chơi, mà thật sự nó là những ca khúc có giá trị khơi mạch nguồn cho âm nhạc hiện đại Việt Nam ngày nay. Nếu không nắm được cái hồn của nó, chúng ta sẽ không xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Hát lý Nam Bộ giàu có tới mức, có cái gì tồn tại trong đời sống thiên nhiên, đời sống cộng đồng dân cư, là nhất định có một điệu lý về nó,  như lý con cua, lý con chuột, lý con mèo, lý con bồ toọc, lý con khỉ, lý con cúm núm, lý trái bắp, lý mù u, lý cây bần, lý cây bông, lý bánh bò, lý bánh ít, lý bình vôi, lý trống chầu, lý lu là, lý bằng răng… mà ngay cả chuyện đờn ông nửa đêm chun mùng đờn bà cũng có lý, thì ta thấy rõ rằng, không có một vùng địa văn hóa nào, lại có một kho tàng văn hóa ca dao dân ca giàu có và phong phú như vùng địa văn hóa Nam Bộ này.

 

Cám ơn cái cửa đừng kêu

Anh có vô là vô giao thiệp

Vô phân lời thiệt hơn

Lung tung bùng tá rập bùng bung

Chun vô mùng chun lộn ra

(Lý cánh cửa- Lý chun mùng)

 

Lý là vậy, Còn hò thì giàu có cũng không thể nào nói hết. Hò trên cạn, hò dưới nước, hò mái đoản, hò mái trường, hò cấy, hò gặt, hò giao duyên, hò xay lúa… ngay cả ru con, ru em cũng hò. Nghệ thuật của hò là sự phóng khoáng, thư thái hay thâm trầm, hay cao vun vút trong đường nét giai điệu, sự buông thả dàn trải, nhanh chậm đan xen trong tiết điệu, khiến người nghe lúc như bị cắt cứa mê hoặc, lúc như bị cuốn hút bay bỗng vào những tình ý mênh mênh mang mang. Ngoài ra, một nét nghệ thuật đặc sắc khiến hò mê hoặc được người nghe, người tham gia diễn xướng, chính là sự thông minh trong câu chữ của những lời đối đáp, những lời trao duyên gởi phận, giữa đồng xanh bát ngát, hay giữa vời vời sông nước lênh đênh.

 

Hò ơ…

Em nghe anh đa ngôn đa ngữ

Em đây mới hỏi thử đôi lời

Chứ từ trên ttrời xuống mặt đất bao nhiêu ngàn thước

Từ mặt đất xuống âm phủ bao nhiêu đoạn trường

Trai đa ngôn anh mà đối đặng

Thì gái thục nữ em nguyền theo không

 

Ca dao, lý và hò là vậy. Còn hát  ru lại nghiêng về giải bày tình cảm, nghiêng về nhắn gởi ân tình, nghiêng về nỗi niềm thế thái nhân sinh, khi bà ru cháu, khi chị ru em, khi mẹ ru con trong đêm hè khắc khoải một nỗi niềm u ẩn nhớ nhớ thương thương người tình xưa cũ.

 

Này đây là nỗi niềm cô gái gởi người yêu trong tiếng ru em.

 

Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn

Bao nhiêu lá rụng em thương chàng bấy nhiêu

 

Này đây là tấc lòng người mẹ nhắn nhủ cùng con:

 

Ví dầu cầu ván long đinh

cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con thi trường học mẹ thi trường đời

 

Này đây là bài học người bà ru cháu, dạy chúng ta biết sống làm người.

 

Ví dầu cá bống chặt đuôi

Tôm he bóc vỏ mà nuôi mẹ gia

Mẹ già như chuối chín cây

Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi

Mồ côi tội lắm ai ơi

Đói cơm khát nước biết người  nào lo

 

Bao nhiêu cái hay cái đẹp của ngôn từ, phải thâm nhập vào chính đời sống diễn xướng của ngôn từ trong các loại hình nghệ thuật của nó, sống thật sự trong đời sống cộng đồng làng xã của nó, chúng ta mới thật sự nhận ra vẻ đẹp thấm đẫm tình đất tình người của của cả một vùng địa văn hóa Nam Bộ thân yêu này.

 

3.     Vận dụng những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của hát ru và hò vè đồng bằng châu thổ sông Cửu Long vào việc hình thành các văn bản giao tiếp và văn bản nghệ thuật thành văn.

 

Công việc của chúng tôi khi tiếp cận đề tài nghiên cứu hát ru và hò vè Nam Bộ, chủ yếu là tìm cách thâm nhập vào đời sống diễn xướng của nó trong sinh hoạt cộng đồng, từ đó sưu tầm và hệ thống, tập hợp thành tư liệu, rồi mới nghiên cứu tìm ra cái hay cái đẹp, để ngoại khóa cho sinh viên về cách làm giàu vốn tiếng Việt thực hành trong giao tiếp và hình thành văn bản thành văn. Đây là công việc mang tính tiếp tục của đề tài này, vì nó đặt ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn khác, tức là nghiên cứu vào  chiều sâu các văn bản ca dao dân ca Nam Bộ, tìm ra cái hay cái đẹp của nó, từ đó mà học tập và vận dụng vào các chiến lược giao tiếp trong dân gian và hình thành các văn bản nghệ thuật cho cuộc sống.

Chẳng hạn như với bài vè con tôm, cái chúng ta học được và vận dụng, không chỉ là ngôn ngữ hình ảnh về các loài tôm, mà còn là bài học về thế giới đời sống tình cảm của con người; ngoài ra chúng ta còn học được cách gieo vần khi tham gia sáng tạo các loại hình văn vần, học được cách viết văn có tiết tấu nhanh và chặt, học được cách bố cục văn bản gọn và mạnh…

 

Đầu tóc chôm bôm

Là đầu con tôm tít

bắt người ăn thịt

Là ông tôm hùm

Danh tiếng lẫy lừng

Là cô nàng tôm thẻ

Chạy theo cùng lũ trẻ

Là cái bác tôm chông

Đắp đập với ngăn sông

Là anh choàng tôm sắt

 

Còn với một bài ca dao, một bài lý, một bài hò… thì chúng ta có thể học được nhiều lắm, đối với việc sử dụng tiếng Việt thực hành của chúng ta trong cuộc sống, nhưng đây lại là một vấn đề nằm ngoài phần đăng ký nghiên cứu của đề tài này- nó thuộc vào phần tiếp theo cho một đề tài nghiên cứu mới.

 

Sá chi một nải chuối xanh

Năm bảy người dành cho mủ dính tay

 

4.     Kết luận về giá trị và sức sống của hát ru và hò vè Nam Bộ.

 

Có thể nói, ca dao, dân ca, hát ru và hò vè Nam Bộ là sự giàu có, góp phần làm nên sự giàu có về nhiều mặt cho nền văn hóa mang đậm nhiều nét đặc trưng riêng của Nam Bộ. Kho tàng văn hóa giàu có và đồ sộ này, từng tồn tại từ nhiều đời nay ở đồng đất phương Nam, tham gia hình thành nên tính cách và bản lĩnh người phương Nam, khẳng định được truyền thống văn hóa phương Nam đa ngôn ngữ, đa giọng điệu, đa phong cách, đa thể loại, thế nhưng đứng trước thách thức của hội nhập, nó đang có nguy cơ bị quên lãng, nếu như chúng ta không tập trung nghiên cứu và tìm ra những giải pháp giữ  gìn và nâng cánh cho nó phát triển

 

Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm học xong sẽ là giáo viên trực tiếp tham gia đào tạo con người, nếu sinh viên không thấy được giá trị của những vốn quý văn hóa văn nghệ dân gian, tất nhiên lúc đó với tư cách là người thầy, sinh viên sẽ không truyền được cho học sinh ngọn lửa về tình yêu đối với những vốn quý của dân tộc, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, làm cho đất nước  luôn có được một nền văn hóa vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng.

 

Chính vì tất cả những điều đó, chúng tôi đăng ký tham gia nghiên cứu đề tài này, nhằm bước đầu cung cấp cho sinh viên một số kiến thức nhất định về hát ru và hò Nam Bộ tại Vĩnh Long.


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com