Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Mạnh Bình

KHAI TRƯỜNG XƯA...VÀ NAY

01 Sep, 2008

http://binhnguyen.vnweblogs.com/post/5122/89495

Tản mạn — Viết bởi binhnguyen @ 19:18

 

 

NGÀY KHAI TRƯỜNG XƯA...



..."Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lanh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học."...

 
Đọc những dòng bút tích và trích đoạn trên, hẳn nhiều người đã nhớ ngay tới truyện ngắn  "TÔI ĐI HOC" của nhà văn Thanh Tịnh. Một tác phẩm văn xuôi  đẫm chất thơ và lung linh những cảm xúc mơn man của buổi tựu trường...

Tôi còn nhớ, trong sách giáo khoa lớp một ngày xưa còn có một bài thơ -tôi không nhớ của tác giả nào- cũng tràn đầy cảm xúc của buổi tới trường mỗi độ thu sang, trong đó có những câu thế này...

" Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài đường hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn rang
Em cắp sách tới trường"...

Cái cảm giác sung sướng và hạnh phúc ấy dường như có ở tất cả mọi nơi: Từ khí trời đã bắt đầu chớm heo may, đủ để Mẹ ân cần choàng thêm cho ta chiếc áo ấm; từ những bông hoa mướp cuối giàn nhẹ rung trước con ong bay nghiêng tìm nhụy, đủ để gợi cho các cô cậu học trò thầm nhủ năm nay mình sẽ siêng năng...

Điều in đậm nhất vẫn là những lời dạy, có khi chỉ là những cử chỉ ân cần như Mẹ như Cha của các Thầy Cô với học trò dưới sân trường trước thềm năm học mới... 

Ừ! Mùa khai trường xưa sao mà thiêng liêng thế! Người cứ nao nao khi săm soi lật từng trang của cuốn sách giáo khoa còn thơm mùi mực mới, tay cứ mân mê đót quản bút lá tre và chiếc ngòi viết mới tinh còn chưa chấm mực... 

Điều in đậm  nhất vẫn là những lời dạy, có khi chỉ là những cử chỉ ân cần như Mẹ như Cha của các Thầy Cô với học trò dưới sân trường trước thềm năm học mới...

 Rồi tiếng trống khai trường đĩnh đạc âm vang!..Bao nhiêu ánh mắt trang nghiêm như thầm hứa với chính lòng mình sẽ quyết vươn lên. Dấu ấn của năm học mới, của một chặng đường mới với tất cả những thiêng liêng đã in vào tâm trí của tuổi thơ...

 5/9/07

 

VÀ..."NHẬP TRƯỜNG" NGÀY NAY...

 Khác lắm rồi!

Thầy và trò ngày nay dường như có cảm giác mất đi cái ý vị thiêng liêngcủa ngày khai giảng!

Trong nhiều năm gần đây, nhà nước đã chính thức lấy ngày 05/9 hàng năm là ngày "TOÀN DÂN ĐƯA TRẺ ĐẾN TRƯỜNG". Ngày 5/9 hàng năm cũng đã trở thành ngày khai giảng chung cho hầu hết các trường trong cả nước!

Nói "Khai trường", Khai giảng", hay "Tựu trường" thì cũng na ná như nhau; có nghĩa là: Toàn trường bắt đầu vào niên khóa mới;Thầy sẽ chính thức bước vào một năm giảng dạy mới, và trò cũng bắt đầu với một năm học mới....

Nói vậy nhưng không phải vậy!

 Hiện nay, hầu hết các trường học , các cấp phổ thông trong cả nước đã "KHAI TRƯỜNG", "KHAI GIẢNG" hay "TỰU TRƯỜNG" từ trước ngày 5/9 khá nhiều. Cá biệt có những trường, hầu như học sinh và giáo viên chỉ được "Nghỉ hè" trong tháng sáu. Tháng bảy tất cả đã tới trường, cắm đầu cắm cổ vào học để..."Kịp chương trình"?!.(Sự thể, này đã có nhiều tờ báo đề cập tới chuyện học sinh...không được nghỉ hè!).

dưới sân cờ

Cũng trong tình trạng trên, ở Tiền Giang, tất cả các  trường Trung học Phổ thông đã chính thức vào năm học mới từ 14/8/2008 (trước khai giảng đúng ba tuần lễ). Công việc trong dịp hè như học  thay sách, bồi dưỡng chuyên môn vẫn diễn ra, nếu vì lý do ấy mà lớp nào mất tiết thì thầy trò phải dạy bù, học bù...

 Giáo viên và học sinh được giải thích: Năm nay theo phân phối chương trình của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo thì biên chế năm học là 37 tuần ( Nhiều hơn 2 tuần so với mọi năm) nên phải...NHẬP HỌC sớm để kịp thời gian kết thúc năm học vào cuối tháng 5 do Bộ ấn định. Thực ra đó cũng chỉ là cách nói! Năm học 2007-2008, trường tôi cũng nhập học trước hai tuần lễ, ấy vậy mà vẫn chậm chân hơn vài trường khác trong tỉnh, nhập học từ đầu tháng Bảy cho lớp 11 và 12.

Hỡi ôi! Cái Tinh Khôi háo hức chào đón năm học mới trong ngày khai giảng thực sự đã mất! Buổi lễ khai giảng vào ngày 5/9 những năm gần đây thực sự chỉ  là một nghi thức thủ tục hành chính như đọc thư chúc mừng của các cấp từ trên xuống dưới, rồi báo cáo kết quả năm qua, hướng phấn đấu năm tới...và...TÙNG!TÙNG! TÙNG! Trống khai trường cũng là tiếng trống bắt đầu vào tiết 3 của buổi học sáng! (Ngày khai giảng chỉ nghỉ 2 tiết đầu làm lễ!)

Những buổi lễ khai giảng như trên thật rất ít đọng lại trong tâm trí của học sinh và giáo viên. Nắng, nóng và...oải vì những lời phát biểu dài dài nên sân lễ thường ồn ào mất trật tự! Thậm chí có lần, đồng chí lãnh đạo tỉnh sau khi phát biểu xong trong buổi lễ lúc ra về đã phải nhắc nhở nhà trường nên giáo dục ý thức nề nếp kỷ luật, thái độ lễ phép của học sinh...vì chúng không chăm chú lắng nghe lời phát biểu của ông! Mà quả thực, không chỉ có học sinh nói chuyện, hay giở sách giở tập ra tranh thủ xào lại bài trước khi vào tiết học, mà ngay cả giáo viên cũng thấy mệt mỏi vì những nghi thức ít thay đổi diễn ra nhiều năm nay trong lễ khai giảng!

Tình hình NHẬP HỌC như vậy nên một số giáo viên chúng tôi gọi đó là là sự ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG! Này nhé: Trường đã mở, thầy đã dạy, trò đã học chán đi rồi mới tới NGÀY KHAI GIẢNG. Thật ít thiêng liêng trong buổi lễ thành hôn nếu như đôi vợ chồng họ đã có con với nhau rồi mới làm đám cưới ! Dạy- học trước rồi khai giảng sau cũng gần giống như vậy.So sánh thế nào thì cũng là khập khễnh, nhưng cứ thấy xót tiếc khi  phải so sánh một sự thể vốn dĩ khá thiêng liêng của ngành Giáo dục với cái câu nôm na quá ư dân dã như vậy!

 Từ Bộ Giáo dục trở xuống, ai cũng biết thực trạng ngày khai giảng đã diễn như thế  trong nhiều năm nay. Vậy nhưng những người có trách nhiệm trong ngành giáo đã chú trọng hay chưa  để ngày 5/9 hàng năm thực sự dung với  ý nghĩa rất thiêng liêng của NGÀY KHAI GIẢNG?

 

Photobucket

 

NỮ SINH 11A4, TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỀU
  TRONG NGÀY KHAI GIẢNGNIÊN KHÓA 2007-2008

 

1/9/2008

MB

 


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com