Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Mạnh Bình

BÀI KIỂM TRA HK I CỦA HS GÒ CÔNG ĐÔNG

Một câu chuyện cảm động thành đề bài làm văn

TT - Ngày 27-9-2006, báo Tuổi Trẻ trong mục “Chuyện thường ngày” có thuật lại trường hợp em Trần Phú Tài, học sinh lớp 7A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM). Câu chuyện cảm động này gợi ý cho một thầy giáo ở Sở GD-ĐT Tiền Giang ra đề kiểm tra học kỳ 1 năm 2006 - 2007 cho học sinh của tỉnh mình. Và kết quả bài làm của học sinh đã nằm ngoài mong đợi của người ra đề.
Xin được phép chia sẻ với thầy giáo ra đề thi và báo Tuổi Trẻ một hạt vàng trong số những “hạt vàng” mà chúng ta thu hoạch được từ những hạt giống đã gieo trên trang giấy.
Bài làm học sinh Nguyễn Đoàn Minh Đức (lớp 10/1 Trường THPT Gò Công Đông):
Mấy hôm nay trời cứ trở lạnh. Những cơn gió thổi đến mang theo cái se lạnh của những ngày cuối đông. Nằm vùi trong chăn ấm nhưng tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ phải thức dậy từ rất sớm để phụ giúp gia đình lo toan kế sinh nhai. Lòng tôi như thắt lại. Bất chợt tôi nghĩ đến Trần Phú Tài, một cậu bé mà tôi tình cờ biết được qua một bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Hình ảnh cậu bé Tài in mãi trong tâm trí tôi về nghị lực sống, nghị lực của một con người vượt lên trên số phận.
Câu chuyện bắt đầu từ buổi trưa hôm ấy. Sau khi dùng cơm trưa xong, thầy hiệu trưởng ở lại trường để chờ cuộc họp lãnh đạo vào buổi chiều. Trưa ấy, mặt trời đổ xuống mặt đất cái nắng cháy da bỏng thịt. Cái nắng giữa lòng Sài Gòn cứ như thiêu đốt vạn vật. Từng lá cây, ngọn cỏ đứng im lìm như đang chết khát bên đường. Dưới khuôn viên trường, giờ này chẳng còn học sinh nào nữa.
Chỉ có cái nắng tha hồ nhảy nhót, đùa giỡn trên sân trường. Cái oi bức của buổi trưa hè khiến thầy hiệu trưởng phải mở toang cả hai cánh cửa sổ ở tầng hai để mong có chút gió ùa vào. Thầy nhìn xuống sân trường. Chợt thầy thấy một cậu học trò dáng người thấp bé đang đi đi lại lại trên sân trường. Qua cặp kính cận dày cộp thầy chẳng thấy rõ. Do đó thầy bước xuống tầng trệt và gọi cậu học sinh ấy vào. Đó là một cậu bé có nước da hơi ngăm đen nhưng đôi mắt sáng ngời nghị lực. Cậu mặc chiếc áo đã cũ nhưng sạch sẽ và chiếc quần xanh sờn bạc màu. Thầy cất tiếng hỏi cậu học trò nhỏ:
- Sao buổi trưa con không về nhà mà lại tha thẩn ngoài nắng thế kia? Nhà con ở đâu? Con tên gì, học lớp mấy?
Cậu bé lí nhí trả lời:
- Thưa thầy, nhà con ở quận 4. Từ trường về nhà con rất xa nên con ở lại trường đến chiều mới về. Con tên Trần Phú Tài, học lớp 7A7.
Thầy lại hỏi:
- Tại sao con không đăng ký học bán trú như bao bạn khác cho tiện việc đi lại?
Cậu học trò đáp:
- Thưa thầy, bố mẹ con đều là công nhân, làm việc vất vả từ sáng đến chiều tối mới về. Gia đình con khó khăn nên không thể kham nổi tiền học bán trú.
- Thế thì con ăn trưa ở đâu? Con có nhà người quen ở đây à?
- Thưa thầy, không ạ. Sáng nào bố mẹ cũng đưa con đến trường rồi cho con năm nghìn đồng. Một nghìn con dùng để mua xôi ăn sáng. Còn lại bốn nghìn con dùng để ăn cơm trưa ạ.
Nghe Tài hồn nhiên kể, thầy hiệu trưởng chạnh lòng khi mường tượng đến bữa cơm trưa đạm bạc của cậu học trò nghèo có lẽ sẽ chỉ có rau và cá vụn. Thầy xoa đầu Tài và nói:
- Hoàn cảnh gia đình khó khăn mà con vẫn cố gắng đến trường là rất đáng quí. Hẳn con học rất giỏi. Thầy rất vui khi có một người học trò như con. Cứ thế mà phát huy con nhé. Mà này, con làm gì mà đi lại loanh quanh giữa trưa nắng thế kia?
Tài cười nói:
- Thưa thầy, ăn trưa xong con không biết làm gì nên đi nhặt rác để trường mình sạch và đẹp hơn.
Nói rồi Tài vòng tay cúi chào thầy rồi chạy ra sân trường tiếp tục nhặt từng cái bao nilông, từng chiếc lá trên sân trường. Nắng sân trường dường như dịu lại. Thầy hiệu trưởng trở lại phòng làm việc với bao suy nghĩ nhưng niềm vui vẫn rạng ngời trên mặt thầy suốt cả ngày hôm đó.
Trong buổi sinh hoạt dưới cờ tuần sau, thầy hiệu trưởng khen ngợi, tuyên dương tấm gương vượt khó và trao cho Tài học bổng của trường. Thầy còn cho Tài được học bán trú miễn phí.
Cuối cùng người tốt cũng được đền đáp xứng đáng. Qua câu chuyện của Tài tôi nhận ra rằng: “Chúng ta chỉ mất hết mọi hi vọng khi chúng ta từ bỏ chúng”. Mặt khác, tôi nhận thấy cuộc sống này còn nhiều mảnh đời giống như Tài. Họ đang ngày đêm vừa lo toan cuộc sống vừa đến trường. Tôi mong rằng các cấp chính quyền cùng các đoàn thể quan tâm nhiều hơn đến những con người như vậy để mỗi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được sự giúp đỡ như Tài. Tôi thầm cảm ơn Tài vì em đã cho tôi nhận ra rằng mình phải trân trọng những gì đang có. Tôi sẽ hài lòng với chiếc xe đạp cũ của mình vì ngoài kia vẫn còn những cậu học trò hằng ngày phải đi bộ hàng cây số để đến trường. Tôi sẽ không đòi cha mẹ phải nấu những bữa ăn thịnh soạn vì tôi biết ngoài kia còn bao người phải ăn đĩa cơm chỉ có rau luộc và cá vụn. Tôi sẽ hài lòng với chiếc chăn cũ của mình vì biết ngoài kia vẫn có những người đang nằm co ro dưới gầm cầu...
Tài đã cho tôi bài học về nghị lực sống, nghị lực vượt qua khó khăn. Tôi tự nhủ: Hãy hài lòng với những gì mình đang có và hãy đương đầu với khó khăn rồi mình sẽ giành chiến thắng. Mai này, khi lớn lên, dù ở một vùng quê nghèo hay chốn thị thành, dù làm một bác sĩ, kỹ sư hay chỉ làm một người công nhân bình thường, tôi vẫn dành một góc nhỏ nào đó trong tâm hồn để lưu giữ những câu chuyện, những con người như Tài như một tấm gương trong suốt cho đời tôi.
Lời lẽ học trò vẫn còn đôi chỗ non nớt, vụng về, nhưng những suy nghĩ, những cảm xúc này là của một con người đang trưởng thành. Bài thi được chấm điểm 5,5/6. Giấy thi không có ô dành cho nhận xét giám khảo nhưng đối với bài thi này có sự phá lệ. Giám khảo ghi nhận xét ở cuối bài thi: “Qua bài này, cô nhận thấy em là người có tiềm năng văn chương. Nhưng điều quí nhất vẫn là cái tâm cao đẹp. Tài năng văn chương bắt đầu từ tâm. Hạnh phúc cho những người thầy có được những học sinh như em” .
Đề bài:
Báo Tuổi Trẻ ngày 27-9-2006 có mẩu chuyện như sau:
(...) Một buổi trưa, thầy hiệu trưởng lấy làm lạ khi thấy một cậu học sinh cứ cặm cụi đi nhặt từng cái bao nilông, từng chiếc lá trong sân trường bỏ vào thùng rác. Khi thầy hỏi tại sao buổi trưa không ngủ mà tha thẩn ngoài sân trường, em cho biết bố mẹ đều làm việc vất vả nhưng gia đình rất khó khăn. Đăng ký học bán trú như các bạn thì bố mẹ kham không nổi. Buổi sáng, bố mẹ đưa em đến trường và phát cho 5.000 đồng. Trong đó, 1.000 em dùng để mua xôi ăn sáng và 4.000 còn lại là cho đĩa cơm trưa chỉ toàn rau với cá vụn. Ăn xong, em ở luôn tại trường để tự ôn tập, rồi chiều bố mẹ đến đón.Và em bảo với thầy: “Ăn trưa xong con không biết làm gì nên đi lượm rác để trường mình sạch và đẹp hơn”. Cậu bé ấy tên là Trần Phú Tài, học sinh lớp 7A7 Trường Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM (...).
Đoạn trích trên không có phần mở đầu và phần kết thúc, em hãy nghĩ ra phần mở đầu và kết thúc cho mẩu chuyện này.
Bằng lời văn của mình, em hãy viết lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
NGUYỄN KIM LOAN (giáo viên Trường THPT Gò Công Đông, Tiền Giang) giới thiệu



bởi: yeuem trong Dec 30 2006, 09:23 AM

Tim Dau Bai Bao Hay The 4.gif

bởi: ducloi0623 trong Jan 2 2007, 11:31 PM

Dung' la` hay thiet Em cung~ hoc lop' 10 NDC nhung em lam bai co' dc 3/6 ha`
Ban nay viet van hay wa chac ve phai co gang hon thui

bởi: tinhtam trong Jan 10 2007, 10:44 PM

Chào thầy Nguyễn Mạnh Bình!
Đọc xong trang này của thầy, tôi cứ băn khoăn nghĩ mãi về việc ra đề môn văn ở các cấp học phổ thông.
Nói tập làm văn tức là giúp cá cem tập làm văn,viết văn. Lối dạy truyền thống của chúng ta là cứ tập cho các em viết văn theo khuôn mẫu, dứt khoảt phải có mở bài, thân bài, kết luận; và phải có ý 1, ý 2, ý 3… Riết rồi trăm bài làm giống nhau cả trăm. Một phần cũng do cách ra đề. Và rồi lúc chấm bài, chúng ta cũng y như kinh mà chấm. Do đó em nào viết khác đi là té cái oạch. Điều đó kéo dài nhiều năm, đã giết chết tư duy sáng tạo của học sinh.
Một đề văn hay là một đề biết đánh thức tư duy cá tính sáng tạo của học sinh.

Tôi kể thầy nghe chuyện này:

Tại TP Thanh Hóa, có một trường cấp 3 ra đề thi thử cho lớp 12 như sau:
Hãy bình luận về chị Sứ!
Tất nhiên là học sinh đều biết chị Sứ là ai, trong tác phẩm nào, nên hầu hết đều làm tốt bài văn của mình. Riêng có một học sinh chỉ viết bốn dòng.

Chị Sứ là chị Sứ nào?
Cớ sao thầy lại vận vào văn chương!
Em đi tìm khắp bốn phương,
Phải chăng chị Sứ ở phường Lò Chum?!

(TP Thanh Hóa có phường Lò Chum)

Giáo viên, người cho 0 điểm, người cho 10 điểm.
Vậy đấy! Ra đề như vậy thì học sinh làm như vậy. Điều đó cảnh báo chúng ta về việc ra đề.
Hẹn dịp khác lại trao đổi cùng thầy!
HTT

bởi: nguyenmanhbinh trong Jan 10 2007, 10:53 PM

Cam ơn anh. Toi thực sự DẠY Văn chứ không day điểm !

bởi: tinhtam trong Jan 10 2007, 11:07 PM

Chào thầy Mạnh Bình!
Tôi gởi thầy vài ý kiến của tôi về việc ra đề TLV cấp tiểu học để cùng tham khảo.

KHÔNG CẦN DẤU CHẤM CÂU?
Hồ Tĩnh Tâm
Bài văn này tôi đọc đã lâu trên Tuần báo Văn nghệ Việt Nam.
Đến nay không còn nhớ tên em học trò đã viết, chỉ nhớ mang máng rằng em là học trò trường thực nghiệm TP Mỹ Tho, lớp 3C, do cô Thạch Thị Liên làm Chủ nhiệm. Bài viết của em rất ít dùng dấu ngắt câu, nên khi hồi nhớ, tôi mạn phép chép theo trí nhớ của mình- chỉ coi như một bài tham khảo.
Nếu ai còn lưu giữ số báo có đăng bài này, xin làm ơn cho xin để bổ sung làm tư liệu!
Cám ơn!
HTT
Đề (cũng nhớ mang máng) đại khái thế này:
Em hãy hình dung mình là một ông lão ăn mày, để kể về một chuyện trong ngày của ông lão.
Bài làm (chỉ là bài tham khảo, không hoàn toàn chính xác)
Chuyện của ông lão ăn mày
vì tôi không có nhà cửa không có đất đai không có tiền bạc không có con cái không có bà con không có gì hết nên tôi phải đi ăn mày.
một hôm tôi đi lang thang trên con đường giữa cánh đồng đồng mà bụng đói miệng khát nhưng không có gì ăn không có gì uống bỗng tôi gặp một em bé.
tôi đứng lại và chìa tay ra.
em bé nhìn tôi rồi thò tay vào túi áo bên phải thò tay vào túi áo bên trái thò tay vào túi quần bên phải thò tay vào túi quần bên trái rồi nhìn tôi nói: ông ơi con không có gì hết.
tôi cúi xuống nhìn em bé và nói: con ơi thế là con cho ta nhiều lắm rồi.
Lời bàn:
Lập luận chặt chẽ để nêu lý do vì sao phải ăn mày- Tốt!
Ông lão không thể mở lời trước em bé là đúng; nhưng đói và khát trong lúc không có gì thì phải “chìa tay ra” xin- Giỏi!
Em bé đã chứng minh rõ ràng em không có gì- Tốt!
Câu nói của ông lão khép lại tình người giữa già và trẻ- Giỏi!
Bài viết hồn hậu một cách trẻ con mà vẫn già dặn trong lập luận và diễn đạt- Tốt!
Rõ ràng thiếu sự tham gia chặt chẽ của dấu câu ta vẫn hiểu được bài viết, đọc được thông điệp tình người.
Chấm: 10 điểm
Vậy nên xin tặng các bạn mấy câu lục bát của HTT, khi được một nữ sinh bộc bạch về lá thư sai ngữ pháp “be bét” của người yêu, mà lại làm cho HTT sướng quá chừng:
Không cần dấu chấm đâu anh
Có sai ngữ pháp mới thành tình yêu
Nhớ thương nhau nhớ rất nhiều
Câu thơ lạc lối đường chiều về thôn
Chúng mình lạc giữa môi hôn
Trăng vàng lạc giữa bồn chồn đêm thâu
Ngọt ngào trái chín trao nhau
Tình yêu lạc dáu chấm câu cả đời


bởi: nguyenmanhbinh trong Jan 10 2007, 11:37 PM

Anh lại LẠC ĐỀ từ trẻ con sang Người lớn mất rồi! Tôi thích những lời Bình của anh. Đáng lý ra để cho các em HS bình thì mới thấy Sướng! Lời bình của anh dành cho người lớn !

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com