Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Mạnh Bình

SÓNG (XUÂN QUỲNH) VÀ NHỮNG TƯ LIỆU...

Tư liệu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh


Nhà thơ Xuân Quỳnh

Sóng

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau cũng thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỉ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Xuân Quỳnh

Lời bình 4 (b) [Trả lời]

Tình yêu là một tình cảm lớn lao, thiêng liêng phát triển theo những quy luật chung của đời sống xã hội và những quy luật riêng của mỗi tình yêu lứa đôi, song không dễ cắt nghĩa được đầy đủ bản chất, sự vận động và những biến hoá của tình yêu. Xuân Diệu viết:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.”
Tình yêu là tiếng nói của con tim nên cũng rất khó xác định một cách cụ thể những tiêu chuẩn của sự yêu thích. Xuân Quỳnh cũng đã nêu lên tính quy luật và không có quy luật của tình yêu:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.”
Thực ra: “Gió bắt đầu từ đâu” là có thể giải thích được, nhưng cái khó khăn hơn là phải giải thích và xác định : “Khi nào ta yêu nhau”, khi nào mặt biển nổi sóng, những con sóng của tình yêu.
Chính nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu cũng có lúc phải nhận xét:
“Tình yêu đến – tình yêu đi, ai biết.”
Tình yêu lứa đôi thường được biểu hiện bằng nhiều trạng thái tình cảm và một nỗi nhớ là một tình cảm tiêu biểu nhất. Tất nhiên trong cuộc đời khi xa cách sẽ có nhiều nỗi nhớ: con nhớ cha mẹ, bạn bè nhớ nhau… Nhưng nỗi nhớ trong tình yêu lại có những đặc điểm khá riêng biệt. Nỗi nhớ được biểu hiện với nhiều màu sắc ở trong thơ, đó chính là cái chứng tích của tình yêu đích thực.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử có một ý thơ đẹp:
“Khi xa cách không gì bằng thương nhớ”
Người xưa đã từng nhớ nhau:
“Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm.”
Rồi nỗi nhớ và trạng thái tương tư trong Truyện Kiều:
“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”
Và thơ hiện đại với nỗi nhớ của Xuân Diệu:
“Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi”.
Và nỗi nhớ trong thơ Hàn Mặc Tử:
“Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia hoá dại khờ

Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi.”
Trong bài Sóng, Xuân Quỳnh đã biểu hiện nỗi nhớ qua âm thanh của tiếng sóng vỗ suốt ngày đêm vào bờ, thao thức không ngủ được. Xuân Quỳnh đã nói lên nỗi đau da diết qua hình tượng sóng, những con sóng thao thức đập vào bờ nhưng không biết đến thời gian.
Con sóng vỗ như một tình cảm bồi hồi khao khát, như tình yêu tìm đến hạnh phúc và đến đây bài thơ xuất hiện hình ảnh của đôi bờ. Con sóng nào cũng khao khát đến bờ, hình ảnh của bến bờ như cái đích đi tới và con sóng sẽ không chơi vơi, bỏ cuộc. Xuân Quỳnh đã có những liên tưởng rất sáng tạo để nói lên một tình yêu chung thủy:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở.”
Sóng và bờ thể hiện quan hệ nam nữ trong tình yêu lứa đôi. Trước hết Xuân Quỳnh nói lên tình yêu thắm thiết như con sóng khao khát đến bờ, như tình yêu tìm đến với hạnh phúc.
Xuân Diệu trong một bài thơ tình về biển viết ở tuổi 50 nhưng vẫn dào dạt sôi nổi như tình yêu ban đầu khi ông sử dụng hình tượng sóng và bờ:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt.”
Ở ý thơ trên Xuân Quỳnh còn muốn nói là hạnh phúc trong tình yêu không dễ dàng mà đạt được, phải biết vượt qua những thử thách và khi đã vượt qua được thử thách thì tình yêu càng bền vững.
Từ không gian mênh mông tác giả trở về với thời gian. Tình yêu bao giờ cũng phải đuợc thử thách với thời gian. Xuân Quỳh đã liên hệ những con sóng đã trải qua thời gian vẫn vỗ, vẫn dào dạt và khao khát tìm đến bờ:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.”
Bài thơ đựơc kết thúc với những tình cảm riêng của tác giả mong ước được tan ra thành trăm ngàn con sóng muôn đời với biển khơi.
“Làm sao đựơc tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Xuân Quỳnh đã bộc lộ vẻ đẹp của một tâm hồn thơ nữ khao khát sống và yêu thương. Tác giả muốn nói đến một tình yêu đẹp và thiêng liêng, đắm say, chung thuỷ, độ lượng của người phụ nữ.
Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại của tình yêu hôm nay.
Bút danh Ma Long Nguồn VanHocVn.Com

Comment by Học Văn (10/28/2010 16:04)

Lời bình 4 (a) [Trả lời]

Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ nổi lên từ thời kì đầu xây dựng hoà bình với những bài thơ tươi trẻ qua phần Chồi biếc trong tập thơ Tơ tằm và chồi biếc (in chung với Cẩm Lai). Thơ Xuân Quỳnh mang nặng tình cảm thiết tha, gắn bó với cuộc đời, biết vượt lên những thử thách khó khăn để xây dựng hạnh phúc chung. Riêng về thơ tình Xuân Quỳnh có những tình cảm đằm thắm, đôn hậu, thuỷ chung. Hai bài thơ tình được nhiều người biết đến là Thuyền và biển và Sóng. Trong cả hai bài thơ tác giả dùng hình thức ẩn dụ để nói về tình yêu lứa đôi. Quan hệ giữa thuyền và biển là quan hệ của tình yêu. Biển tượng trưng cho người con gái, thuyền tượng trưng cho người con trai, quan hệ là gắn bó thắm thiết. Tuy nhiên có lúc biển nổi sóng để xô thuyền cũng như tình yêu có lúc va chạm. Nhưng rồi cuối cùng vẫn là tình yêu hạnh phúc. Trong bài Thuyền và biển, Xuân Quỳnh viết:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu”.
Xuân Quỳnh đã khéo liên hệ tạo cho mối quan hệ này nhiều sắc thái phù hợp với tình yêu đôi lứa và cũng phù hợp với đặc điểm của đối tượng miêu tả:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ.
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.”
Ở bài Sóng Xuân Quỳnh tập trung hẳn vào hình tượng sóng và qua những biến hoá của sóng Xuân Quỳnh nói lên tình yêu đôi lứa. Tất nhiên đây không phải là những con sóng cô đơn mà trong một tương quan gắn bó sóng với bờ, sóng là Em và bờ là Anh. Có nhiều hiện tượng thiên nhiên có khả năng nói lên được đặc điểm của tình yêu như ngôi sao, vầng trăng, ngọn gió, ngọn lửa. Nguyễn Đình Thi cũng hay sử dụng những biểu tượng ngôi sao, ngọn lửa, ngọn gió để nói lên tình yêu:
-“Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh”
-“Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh”
-“Anh vẫn yêu em như lữa dữ
Như gió mùa xuân quạt dịu hiều”
Nhưng dù sao mọi hiện tượng đều hữu hạn, và sóng có khả năng biểu hiện khá đầy đủ sự phong phú của tình yêu. Sóng là một hình tượng ẩn dụ vừa hoá thân vừa hoà nhập với cái tôi trữ tình. Và ở đây sóng phải góp phần nói lên tình cảm, tình yêu của một tâm hồn thơ nữ.
Sóng là một hình tượng đẹp của thiên nhiên được vận dụng để nói lên nhiều trạng thái của tình cảm và riêng với tình yêu thì con sóng phải mang một sắc thái đặc biệt. Không phải là con sóng nhỏ lăn tăn của ao vàng “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí” (Thu điếu) hoặc như sóng gợn để nói lên nỗi buồn kéo dái “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”(Tràng Giang). Bản thân con sóng cũng có nhiều trạng thái biểu hiện, khi lặng lẽ dịu êm khi lại ồn ào, dữ dội:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Con sóng cũng như tình yêu với bao khát vọng bồi hồi, khi mạnh mẽ khi dịu em, và sóng cũng phải tìm đến tận biển cả giữa đại dương mênh mông mới thực sự tìm thấy chính mình, và nhận thức được sức mạnh và những khát khao đích thực của con sóng.
Con sóng là vĩnh hằng gắn với sự vĩh hằng của biển khơi muôn đời, con sóng của ngày xưa với con sóng của hôm nay không có gì thay đổi, vẫn dào dạt, vẫn sôi nổi như tình yêu của tuổi trẻ muôn đời vẫn bồi hồi. Xuân Quỳnh đã liên hệ tình yêu của tuổi trẻ với con sóng của đại dương:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.”
(còn tiếp)

Comment by Học Văn (10/28/2010 15:55)

Lời bình 3 [Trả lời]

Về mặt nghệ thuật

Bình về giá trị nghệ thuật, GS. Nguyễn Đăng Mạnh viết: Nhịp điệu trong bài Sóng thật đa dạng, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3 (Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ), 1/2/2 (Sóng không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể), 3/1/1 (Em nghĩ về anh, em), 3/2 (Em nghĩ về biển lớn - Từ nơi nào sóng lên)... Ngoài ra, các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau thừa tiếp câu trước, tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng dào dạt:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam.
Nhóm tác giả sách Tuyển chọn... Ngữ văn cho biết: bài thơ có nhiều điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp cùng hình thức đối lập trên - dưới, thức - ngủ, bắc - nam, xuôi - ngược và với kiểu giãi bày tình bộc trực như Lòng em nhớ đến anh...giúp bài thơ thể hiện được tâm trạng của một người phụ nữ đang khát khao, trăn trở, đang da diết nhớ nhung, cồn cào ước vọng về một tình yêu vững bền chung thủy...

Comment by Học Văn (10/28/2010 15:42)

Lời bình 2 [Trả lời]

Về mặt nội dung

Trong Nhà thơ Việt Nam hiện đại: Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài Sóng thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ xa.
Tuyển chọn... Ngữ văn: có đoạn: Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ. Cùng với hình tượng em, hai hình tượng này song hành suốt tác phẩm. Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở không yên, như người phụ nữ khi yêu luôn da diết nhớ nhung, cồn cào ước vọng về một tình yêu vững bền chung thủy. Qua hình tượng sóng, tác giả phác họa được những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu: đằm thắm, dịu dàng, hồn hậu, chung thủy. Mặt khác, hình tượng sóng cũng thể hiện được nét đẹp hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, dám vượt mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc; dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian, nhưng vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu...
Những bài văn hay phân tích: Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà chị đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ này vẫn còn ấp ủ biết bao hy vọng, vẫn phơi phới một niềm tin:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Bài thơ được kết thúc ở chính cái điểm đỉnh của niềm khao khát tột độ:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng ; vừa mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa. Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuận Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giài có yêu thương của chị.

Comment by Học Văn (10/28/2010 15:40)

Lời bình 1 [Trả lời]

Hình ảnh sóng trong thơ ca vốn không xa lạ gì với người yêu thơ nên không nói là quá quen thuộc đến độ nghĩ tới sóng lànghĩ tới tình yêu.Chọn một hình ảnh không mấy mới mẻ như thế để gửi gấm ‘’Nỗi khát vọng tình yêu-Bồi hồi trong ngực trẻ’’Xuân Quỳnh đã rất tự tin vào bản lĩnh nghệ thuật của mình đủ lực phả hồn vào sóng tạo sự xuyên thấm,khắc sâu vào tâm khảm người đọc về một tình yêu đích thực.
Dữ dội ,dịu êm,ồn ào,lặng lẽ –một loạt các tính từ là thuộc tính đối sánh nhau của sóng.Thế nhưng sóng hay là hoá thân của cái tôi trữ tình vẫn ‘’không hiểu nổi mình vẫn tìm ra tận bể’’.Thủ pháp nghệ thuật lấy quen nói lạ tạo cho người đọc sự ngạc nhiên hiếu kỳ trước một cách nhìn mới ẩn tàng một sự khao khát mãnh liệt nào đó.Xuân Quỳnh phả hồn vào sóng nhưng chị không hiếp đáp ngôn từ chị trao sóng vào tay em để cả hai cùng là ẩn dụ song hành.Bằng chứng rõ ràng nhất là sau khi nêu hàng loạt dụ ngôn về sóng nhà thơ thảng thốt :’’Oâi con sóng nhớ bờ-Ngày đêm không ngủ được ‘’.Chị lại dìu em lên trang giấy’’Lòng em nhớ đến anh-Cả trong mơ còn thức’’.Người hời hợt tưởng chị rườm lời nhưng khi đã đọc được đời chị với những nếm trải đổ vỡ mới hiểu cách nói trực tiép của chị là để thoả một tình yêu phụng hiến.Biện pháp ngoa dụ tăng cấp thu hút sự đồng cảm của con người vào trạng thái hưng phấn của chủ the åta còn gặp ở Thuyền và Biển ‘’Nếu từ giã thuyền rồi-Biển chỉ còn sóng gió-Nếu phải cách xa anh-Em chỉ còn bão tố’’.Có người cho rằng Xuân Quỳnh gặp cái điều mà Xuân Diệu từng băn khoăn tự hỏi’’Làm sao cắt nghĩa được tình yêu’’.Tôi nghĩ Xuân Quỳnh có gặp nhưng rồi chị rẽ đi hướng khác.Xuân Diệu nói không thể mà có thể bởi ông đã nêu ra cái hệ quả tất yếu’’Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt –Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu’’ còn Xuân Quỳnh phủ định cái nầy để khẳng định cái kia ‘’Em cũng không biết nữa- Khi nào ta xa nhau’’.Sự độc đáo của Sóng còn ở chỗ Xuân Quỳnh tháo tung ngược xuôi phương hướng của không gian dể khắc cốt một phương hướng con người’’Dẫu xuôi về phương Bắc-Dẫu ngược về phương Nam-Nơi nào em cũng nghĩ-Hướng về anh một phương’’Xuân Quỳnh đã tuyệt đối hoá sự thuỷ chung trong tình yêu thành tấm gương soi cho bao đôi lứa.Vẻ đẹp của tứ thơ làm sáng giá bài thơ.
Sóng của Xuân Quỳnh chính là sự thăng hoa những cảm xúc trầm sâu của người nghệ sĩ.Mỗi câu thơ đều có tính độc lập nội tại trở thành mô hình tâm hòn của người sáng tác.Chỉ ở Sóng Xuân Quỳnh mới đủ lực tái tạo giọng thơ mang sắc thái cá nhân rõ nét :Chất hồn nhiên đằm thắm mà không kém phần khát khao bạo liệt.Những tố chất ấy đã tạọ Xuân Quỳnh một chỗ đứng vững chãi trong làng thơ tình Việt Nam đương đại một dáng vẻ độc đáo thật sự riêng biệt.Tài nghệ của chị là với một đề tài muôn thuở với những sáo mòn quen thuộc chị đã thành một biển sóng với những thăng hoa mới mẻ chắp cánh cho những đôi tình nhân trên đời sóng bước vào thế giới vĩnh cữu của tình yêu.

Comment by Học Văn (10/28/2010 15:36)

Tư liệu 2 [Trả lời]

Nhà thơ Xuân Quỳnh nhiều lần được giải thưởng về Văn học, trong đó phải kể đến các giải thưởng như:

Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn 1982 - 1983 (tập thơ “Bầu trời trong quả trứng”).

Giải thưởng về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam 1990 (tập thơ “Hoa cỏ may”)

Năm 2001, Nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Trước đó, nền Văn học Việt Nam có các nữ thi sĩ như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan thì đến thời kỳ Văn học hiện đại có nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, bà là đại diện tiêu biểu của Văn học nước nhà nửa cuối thế kỷ XX.

Tác phẩm tiêu biểu

- Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974);
- Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978);
- Sân ga chiều em đi (thơ, 1984);
- Tự hát (thơ, 1984);
- Hoa cỏ may (thơ, 1989);
- Thơ Xuân Quỳnh (1992 , 1994);
- Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994);
- Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung);
- Bầu trời trong quả trứng (thơ, thiếu nhi, 1982);
- Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985);
- Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi - 1981),
- Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984);
- Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986);
- Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).

Comment by Tư Liệu (10/28/2010 15:31)

Tư liệu 1 [Trả lời]

Nhà thơ Xuân Quỳnh (6/10/1942- 29/8/1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, ở xã La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây ngày nay). Bà sinh ra trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội.

Thủa nhỏ, mặc dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng bà vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp. Đến năm 13 tuổi, với sự nỗ lực của bản thân và được sự ủng hộ của gia đình bà bắt đầu thành công trong môn nghệ thuật này.

Năm 19 tuổi, bà có thơ đăng báo, không lâu sau bà đã trở thành nhà thơ chuyên nghiệp với nhiều bài viết về người phụ nữ.

Tháng 2/1955, Nhà thơ Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Thời gian này, Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài, và đã gặt gái được nhiều thành công.

Năm 1959, bà dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới tại Viena (Áo).

Từ năm 1962 - 1964, bà học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.

Năm 1967, bà kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III.

Năm 1973, bà kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, bà đã kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương.

Từ năm 1978 đến lúc mất, bà làm Biên tập viên ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Có thể nói, nhà thơ Xuân Quỳnh lànhà thơ nữ tiêu biểu của của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Thơ của bà giàu tình cảm, sâu sắc, đằm thắm và tinh tế nhưng vẫn mang đậm tính triết lý. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của bà luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của bà đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh ,...

Nhà thơ Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Trong tai nạn thương tâm đó có cả chồng bà – Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ và con trai út Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi).



bởi: Guest_minh tam_* trong Nov 10 2011, 07:36 PM

bởi: cong tu son trong Dec 12 2011, 08:13 PM

sssssong la cua pham van son 

bởi: Guest_linh_* trong Aug 3 2012, 09:22 PM

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com