Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Mạnh Bình

MỘT BÀI VIẾT SÂU SẮC

Trong chuyên mục này, tôi rất vui mừng giới thiệu thêm với đồng nghiệp và các em học sinh của tôi về một bài viết của Thanh Vân, cô giáo dạy văn ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-T.p Vinh Nghệ An. Đây là một nội dung mà tôi hằng tâm đắc . Nếu có điều kiện, các bạn và các em nên ghé thăm trang Blog của Hạnh Vân: Một nhà giáo mang phong cách nghệ sĩ và rất có tâm với học trò!  Sẽ  thú và bổ ích nhiều cho các bạn!(http://hanhvan92.vnweblogs.com. )

 

M.B


VỀ VĂN BẢN & HƯỚNG KHAI THÁC BÀI THƠ

BẢO KÍNH CẢNH GIỚI SỐ 43 CỦA NGUYỄN TRÃI

                            ------------

Rồi hóng mát , thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
 Hồng liên trì đã tịn mùi hương

 Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương .  
                      
              (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H.1976, tr 453
 
           1. Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, Nguyễn Trãi là một trong những tác giả trọng tâm. Ngoài phần giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả, học sinh còn được học hai tác phẩm. Đó là Bài cáo bình Ngô Bảo kính cảnh giới số 43. Đây là những tác phẩm đã hiện diện trong chương trình ngữ văn THPT từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, cách hiểu và hướng khai thác các tác phẩm đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. sự thất lạc văn bản, sự  biến âm, biến nghĩa của các văn bản chữ Nôm, chữ Hán có thể xem là những nguyên nhân trực tiếp.Vì lẽ đó, khôi phục lại văn bản, đi tìm một cách hiểu đúng dựa trên một cái nhìn nhất quán của thi pháp học là việc làm có ý nghĩa. Nó giúp ta không chỉ hiểu đúng một câu thơ, một bài thơ mà còn góp phần hiểu đúng hơn con người và tư tưởng của ông. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề về bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43
          2. Sách giáo viên Văn 10 (chỉnh lý hợp nhất năm 2000), phần văn học Việt Nam, ở phần hướng dẫn giảng bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi,  được bắt đầu bằng việc khẳng định tâm thế "mở lòng  ra đón nhận cảnh vật"của nhà thơ"đón trong lúc rồi (rỗi rãi), trong lúc dạo chơi hóng mát, nghĩa là trong lúc sống nhàn nhã mà tâm hồn cũng thảnh thơi…"2. Từ cách hiểu đó, soạn giả viết: "Thi nhân đã đón nhận cảnh vật bằng thị giác, thính giác, khứu giác và cả bằng ấn tượng, tưởng tượng nữa. Trong cảnh có sắc (xanh, đỏ, hồng), có ánh sáng (chiều tà), có âm thanh (cầm ve). Nói chung là cảnh vật có sức sống, đang cựa quậy, đang vươn tới, trông vui mắt…"  và nữa, "từ niềm vui đó lại còn dậy lên một ước mong cũng thật cao đẹp, cũng thật nghệ sĩ: ước mong có được tiếng đàn của vua Thuấn ngày trước để ca ngợi  cuộc sống hôm nay"3. Cùng cách nhìn đó, nhưng có phần chi tiết hơn, Lã Nhâm Thìn trong cuốn Giảng văn văn học Việt nam  cũng cho rằng, "Thời gian rảnh rỗi, tâm hồn thư thái, thanh thản, khí trời mát mẻ, trong lành…Một ngày như thế trong đời Nguyễn Trãi đâu nhiều. Ông là người thân không nhàn mà tâm cũng không nhàn.Một phút thanh nhàn trong thuở ấy với Nguyễn Trãi  thật đáng quý biết bao. Quả hiếm hoi mới có một hoàn cảnh lý tưởng đến thế - cả khách quan và chủ quan - để làm thơ, để yêu say cái đẹp"4   Từ cách hiểu ấy, tác giả phát triển thêm: "Ở đây ông có được cả một ngày trường để thưởng thức thiên  nhiên với một tâm trạng lâng lâng, sảng khoái. Ức Trai giành cho mình một cái quyền Rồi hóng mát thuở ngày trường , bởi niềm mơ ước, nỗi trăn trở dày vò, mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện: dân ấm no, hạnh phúc". Qua nhiều lần thay đổi sách giáo khoa, gần đây bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi lại được chọn đưa vào phần đọc văn Ngữ văn 10 của hệ chương trình chuẩn (Phan Trọng Luận chủ biên) và hệ nâng cao (Trần Đình Sử chủ biên). So với sách giáo khoa ngữ văn trước đây, nhan đề bài thơ đã được đổi thành Cảnh ngày hè. Ngoài ra, ở câu 4 "Hồng liên trì đã tịn mùi hương" được đổi thành"Hồng liên trì đã tiễn mùi hương". Dù văn bản bài thơ đã có sự thay đổi, song định hướng khai thác về cơ bản không có gì thay đổi.          
  3. Dù đã có những khác biệt trong cách khai thác chi tiết, nhưng về cơ bản, các soạn giả đều thống nhất khi cho rằng, chủ thể trữ tình xuất hiện trước thiên nhiên trong thời gian rảnh rỗi với một tâm trạng ung dung, thảnh thơi trong ngày hè. Từ đó, các soạn giả đã đi sâu khai thác ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên đầy sáng tạo của Nguyễn Trãi, và xem đó là một biểu hiện của sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp thiên nhiên của nhà thơ. Đây là  một cách tiếp cận có ý nghĩa. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu chỉ dừng lại ở đó thì quả là chưa đủ. Với tư cách là một "bản tự thuật tâm trạng" (G.N.Pospelop), thơ trữ tình trước hết và bao giờ cũng là sự thể hiện một khát vọng được bày tỏ, được giao cảm, được sẻ chia những nỗi niềm sâu kín của tâm hồn. Chính vì vậy, để hiểu một bài thơ trữ tình, việc chỉ ra  những hình ảnh thơ độc đáo, những câu chữ cụ thể là cần thiết nhưng chưa phải là điều cơ bản. Cần phải thấy rằng, hồn cốt của một bài thơ là ở cái giọng điệu của nó. Dấu ấn tài năng, cá tính sáng tạo và những tiếng lòng sâu thẳm của thi nhân trước cuộc đời…đều được thể hiện qua giọng điệu bài thơ. Vì vậy, hiểu  bài thơ trước hết phải nắm bắt được cái giọng điệu của nó. Về  điều này, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn Văn học và học văn đã viết: "Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở cái giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất  là năng lực bắt được trúng cái giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết". Từ cách nhìn ấy, có thể thấy "chủ âm" trong giọng điều của bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 không phải là niềm vui rạo rực trước thiên nhiên trong cảnh ngày hè mà là một niềm thao thức lớn trong tâm hồn nhà thơ, một khát vọng cháy bỏng được khẳng định mình, được đem hết sức lực, tâm huyết của mình, cống hiến cho dân,
          
4. Có một thực tế là cho đến nay, trong nhiều cuốn sách, văn bản bài thơ vẫn chưa được thống nhất. Đối chiếu một số văn bản trong các sách Ngữ văn 10 và một số sách tham khảo những năm qua, chúng tôi nhận thấy có sự không thống nhất về chữ mở đầu bài thơ. Các tài liệu như Nguyễn Trãi toàn tập5, sách giáo khoa Văn 10 do Nxb Giáo Dục xuất bản hằng năm và các tài liệu đã dẫn ở trên đều ghi là "Rồi hóng mát, thuở ngày trường". Trong khi đó, ở một số tài liệu khác như Quốc âm thi tập 6, Mấy vấn đề về phương pháp dạy thơ văn cổ Việt Nam7, Văn học 10 (Hội nghiên cứu giảng dạy thành phố Hồ Chí Minh) lại ghi là  "Rỗi hóng mát thuở ngày trường". 
        
   Từ "rồi"là một từ cổ. "Rồi" cũng có nghĩa giống"rỗi"đều được hiểu là thời gian rỗi rãi. Tuy nhiên, chữ "rỗi" có vẻ hiện đại hơn so với chữ "rồi". Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. Vấn đề là ở chỗ, sự thay đổi về thanh điệu sẽ làm mất đi cái sắc màu cổ điển của câu thơ, phá vỡ cái giọng điệu rất riêng, chứa đầy thông điệp của bài thơ, một yếu tố quan trọng mà sự cộng hưởng, tương hợp của nó với những yếu tố khác trong câu thơ sẽ gợi mở nhiều điều thú vị về bài thơ. Từ cách hiểu đó, theo chúng tôi, từ rồi trong văn bản sách giáo khoa hiện nay là hợp lý. Cũng rơi vào trường hợp thiếu thống nhất về văn bản bài thơ là trường hợp chữ "tiễn" ở câu 4. Sách giáo khoa những năm trước đây được ghi là "tịn", còn sách giáo khoa hiện nay lại ghi là "tiễn". Nội dung chú giải về hai từ này hoàn toàn trái ngược nhau. "Tịn mùi hương"  được chúlà "hết mùi hương". Trong khi đó, "tiễn mùi hương" được chúlà "toả hương ngào ngạt". Từ đó, hai câu "Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương" được hiểu là, "trong khi thạch lựu ở hiên  còn đang tiếp tục phun màu đỏ, thì sen hồng trong ao đã ngát mùi hương".  Sự thiếu nhất quán về văn bản và chú thích trong các sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận ý nghĩa bài thơ của giáo viên và học sinh. Nguyễn Ngọc San trong bài Thử bàn về vấn đề phiên Nôm 8 cho rằng, chữ "tịn" cũng là hình thức cổ của "tận". "Tịn"  hay "tận" cũng đều có nghĩa như nhau.  Theo ông, ở thế kỉ XV do chịu ảnh hưởng của cách đọc cũ nên "tịn" được viết thành "tiễn". Cách phiên âm giải nghĩa của Đào Duy Anh trong Nguyễn trãi toàn tập là chính xác khi ông cho rằng, "tịn"  tức hết, cũng như "tận". Ở nông thôn Thanh Nghệ người ta còn nói tịn tức là hết. Đến tịn nơi chứ không nói tận.
         
       Theo chúng tôi, cách hiểu của ông Nguyễn Ngọc San là hợp lý. Chữ "tiễn" ở đây phải được hiểu là "hết" chứ không thể hiểu là "tỏa ngát" được. Theo cách hiểu này, hai câu Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/Hồng liên trì đã tiễnmùi hương là tả cảnh cuối mùa hạ chứ không phải là cảnh đương giữa mùa hạ. Theo lẽ thường, trong hoàn cảnh đó, cảnh vật thiên nhiên hiện ra trong con mắt nhà thơ sẽ không vui. Nhưng điều đáng nói ở đây là thiên nhiên  vào thời điểm cuối hè trong con mắt nhà thơ vẫn tràn đầy sức sống. Tất cả dường như đều muốn trỗi dậy, muốn bộc lộ hết vẻ đẹp của mình. Cây hòe trước hiên cứ như đang "đùn đùn" mà lên, đùn đùn mà toả rộng; cây lựu như đang "phun" ra những tia màu đỏ chói, như muốn cháy hết mình một lần cuối để chuẩn bị bước sang thu; Hoa sen đã "tịn" mùi  nhưng trong tri giác của nhà thơ vẫn ngát hương thơm (nói "không" là để nói "có ", nói đã "hết" nhưng trong tri giác của nhà thơ vẫn còn). 
          
 5. Bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi là một bài thơ có tính chất răn dạy, giáo huấn nhưng cũng là bài thơ trong chùm thơ nói về tâm trạng của nhà thơ trong cuộc sống nhàn dật. Đó là những bài thơ được sáng tác trong thời kỳ ông không còn được nhà vua tin dùng. Tâm trạng  ông luôn chứa đầy mâu thuẫn. Một bên là lạc thú nhàn tản, một bên là nợ quân thần cần báo đáp. Vì vậy, dù sống trong cảnh ẩn dật, nhưng lòng nhà thơ vẫn không yên. Để hiểu đúng bài thơ, không thể không lưu ý đến điều này.  
                        
        Bài thơ được mở đầu bằng một câu thơ với những tín hiệu đặc biệt: "Rồi hóng mát thuở ngày trường". Chữ "rồi" đứngđầu câu thơ tạo nên ý nghĩa nhấn mạnh thời gian rỗi rãi. Ý nghĩa đó lại được bổ sung, khắc đậm bởi ba chữ "thuở ngày trường" (Thuở- ngày- trường đều là những từ ngữ chỉ thời gian dài). Thêm vào đó, nhịp ngắt 1/5 khiến cho câu thơ có một giọng điệu riêng. Toàn bộ câu thơ gợi lên một ý nghĩa: thời gian trôi đi quá chậm!  Xét về nghĩa tường minh, câu thơ diễn tả một trạng thái  ung dung, thảnh thơi của Nguyễn Trãi trong ngày hè như nhiều người đã cảm nhận. Nhưng xét về nghĩa hàm ẩn, câu thơ không đưa đến một cảm giác thú vị nào trong việc  ngồi "hóng mát". Cũng như cách Nguyễn Trãi ca ngợi thú nhàn trong bài  Côn Sơn ca :
  
  Côn Sơn suối chảy rì rầm
 
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đã rêu phơi 
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm
 
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Tro
ng rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn.  
                     (Bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi )
       
       Chữ "nhàn" (rỗi) vẫn thường đi về trong  thơ Nguyễn Trãi, nhưng đó chỉ là cách nói. Ở Nguyễn Trãi, thân có thể nhàn, nhưng tâm không bao giờ nhàn. Câu thơ "Rồi hóng mát thuở ngày trường" hé mở một nỗi buồn, bức xúc trong tâm trạng thi nhân. Và nữa, trong cái nhìn của Nguyễn Trãi, hoa sen cuối hạ vẫn mang một vẻ đẹp riêng, một sức sống tiềm tàng. Ở một tầng nghĩa khác, ý niệm về thời gian cuối hè, và sự xuất hiện trong tri giác mùi hương của hoa sen lại ẩn chứa  một nỗi niềm bâng khuâng thao thức của nhà thơ trước sự  chuyển biến, tan phai dần của cái đẹp. Qua cách nhìn thiên nhiên đó, ta nhận rõ  sự nhạy cảm, tinh tế đến mức tuyệt vời  trước vẻ đẹp thiên nhiên của Nguyễn Trãi. Mặt khác, phẩm chất tinh thần mạnh mẽ  trong tâm hồn nhà thơ phần nào được hé lộ. Đó là nỗi khao khát đến cháy bỏng được bộc lộ mình như những cây hoè, cây lựu, cây sen… Đây cũng là một phương thức trữ tình quen thuộc trong thơ Nguyễn Trãi mà ta đã từng bắt gặp  ở bài Tùng . Ở đó, nhà thơ đã mượn  hình ảnh cây tùng để gửi gắm nỗi  khát khao của mình: Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/Một mình lạt thuở ba đông…  Cây tùng của Nguyễn Trãi cũng như những hình ảnh kia, không thể nhầm lẫn với "rừng tùng" nói chung trong văn học. Có thể nói, thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi  mang một vẻ đẹp độc đáo vì nhà thơ đã hóa thân, hóa hồn vào trong đó.
           Nếu như trung tâm chú ý của nhà thơ ở những câu đầu là màu sắc, hương thơm của cảnh vật thì ở những câu sau, nhà thơ lại hướng tới âm thanh - những âm thanh của niềm vui: tiếng lao xao chợ cá nơi đông người vàtiếng ngân vang của những "nhạc sĩ mùa hè". Những âm thanh đó hòa trộn vào nhau gợi hình ảnh một cuộc sống trù phú, thanh bình, yên ả của làng quê trong cảnh đất nước được giải phóng. Thế nhưng, lắng sâu trong những âm thanh đó, trong tiếng lao xao chợ cá từ xa vọng lại, tiếng cầm ve trong buổi chiều tà, dường như ẩn chứa một nỗi bâng khuâng thầm kín trong tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ. Và nỗi niềm của Nguyễn Trãi được bộc lộ  trực tiếp  trong hai câu kết:   Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng  Dân giàu đủ, khắp đòi phương.         
          Nguyễn Trãi khát khao có được cây đàn của vua Thuấn ngày trước để ca ngợi cuộc sống hôm nay. Câu thơ 6 chữ kết đọng điều tác giả hằng mong mỏi, tâm niệm suốt đời. Thì ra, trong cảnh nhàn nhà, Nguyễn Trãi trước sau vẫn là "Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông". Thêm một lần nữa, ta hiểu cái "rồi hóng mát"  ở câu mở đầu bài thơ chỉ là một cách nói. Tâm hồn ông không bao giờ ngơi nghỉ. Thân có nhàn nhưng tâm chẳng bao giờ nhàn. Khát vọng thường trực của ông là được đem tài năng, sức lực của mình cống hiện cho dân, cho nước. 
           
6. Như chúng ta đã biết, trongQuốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bảo kính cảnh giới số 43 (gương báu răn mình) thuộc loại thơ mang tính giáo huấn. Nhưng không phải bài nào cũng có nội dung giáo huấn trực tiếp. Bài số 43 là một bài như vậy. Ý nghĩa giáo huấn của bài thơ thể hiện một cách gián tiếp, xuyên thấm qua hình ảnh, giọng điệu bài thơ. Đọc bài thơ, ta không tìm thấy một lời răn dạy trực tiếp nào, chỉ thấy một tiếng lòng thiết tha, một khát vọng lớn muốn khẳng định mình, muốn cho người dân đất Việt khắp nơi được sống hạnh phúc, ấm no. Vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng sống của nhà thơ luôn ám ảnh trong tâm hồn mỗi chúng ta. Đó chính là lời giáo huấn sâu sắc nhất, có "hiệu quả" nhất mà bài thơ mang lại. Từ cách hiểu đó, thiết nghĩ không nên đặt nhan đề cho bài thơ là Cảnh ngày hè mà nên giữ nguyên nhan đề như nó bấy lâu nay đã từng tồn tại .
     
        Chúng tôi luôn ý thức một cách sâu sắc rằng, thấu cảm và truyền thụ được cho học sinh cái hay, cái đẹp  của một bài thơ trữ tình tinh tế, sâu sắc như bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi là một công việc hết sức khó khăn. Một tác phẩm hay không bao giờ là một tác phẩm dễ hiểu, đơn nghĩa. Vẻ đẹp tinh tế của nó luôn tiềm ẩn, mở ngỏ cho mọi sự tìm tòi, khám phá. Vì vậy, những ý kiến trên đây của chúng tôi chỉ là một trong những cách hiểu, một hướng tìm tòi. Qua thực tế giảng dạy bài thơ trên ở lớp 10 trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy về cơ bản, các em  có hứng thú học tập và tỏ ra tiếp nhận được những giá trị cơ bản của bài thơ. Chính điều đó đã giúp chúng tôi tự tin hơn về cách hiểu và hướng khai thác trên đây của mình. 
        
-----------------
*1. Nhan đề bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 được tác giả SGK đặt lại là "Cảnh ngày hè". ( Xem thêm: Phan Thị Thanh Vân, "Đôi điều trao đổi về văn bản và hướng khai thác bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi",  Hội thảo khoa học dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo chương trình và sách giáo khoa mới, BGD & ĐT, trường Đại học Vinh- Sở GD&ĐT Nghệ An, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh- Sở GD&ĐT Thanh Hoá, Nxb Nghệ An, 2007). 
2.Nguyễn Đình Chú- Nguyễn Lộc chủ biên, Văn học 10, tập 1 (Sách giáo viên), Nxb Giáo Dục, H. 2000. tr 97.
3 . Sdd, tr 98.
4 . Lã Nhâm Thìn, Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb Giáo Dục, H. 1997, tr 151.
5 . Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H.1976, tr 453
6.
.Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, Nxb Văn -Sử -Địa, H 1956, tr 43
7. Nguyễn Sĩ Cẩn, Mấy vấn đề về phương pháp dạy thơ văn cổ Việt Nam,  Nxb Giáo Dục, H.1984, tr 131
8. Nguyễn Ngọc San, Thử bàn về vấn đề phiên Nôm Bài tham gia Hội nghị chữ Nôm Quốc tế (Ngày 12-14 tháng 11, năm 2004),Thư viện Quốc gia Việt Nam  

Trackback URL: http://www.vnweblogs.com/trackback.php?id=28221</SPAN></BLOCKQUOTE>

BÌNH LUẬN, TRAO ĐỔI:   
 VỀ VĂN BẢN & HƯỚNG KHAI THÁC BÀI THƠ 
         BẢO KÍNH CẢNH GIỚI SỐ 43

         CỦA NGUYỄN TRÃI

                            
(MB: Đây là bài viết mà tôi đã gởi qua Email tới HVvà đã được HV post lên "Gió Lộng Chiều Xanh "...)

                   Thật là tuyệt! Đã lâu rồi tôi chưa được đọc bài trao đổi với đồng nghiệp về văn bản và nhận thức văn bản  ở mức độ lý thú như thế này!
          
   Trong 06 mục của bài viết, mỗi mục đều có chính kiến rõ ràng và sâu sắc. Đó là kết quả từ thực tiễn trong nghiên cứu giảng dạy một cách thấu đáo và trách nhiệm của người Thầy trước học sinh, trước những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tiền nhân chứ không chỉ như những người soạn sách …
1)               Về hiểu văn bản ngữ nghĩa trong cấu trúc văn bản: Độ vênh đến sai lạc về nghĩa có thể thấy được ở từ tịn tiễn…Bởi chỉ căn cứ vào tính chất đối của cặp câu thực( c3, 4) thì cái còn (c3) :Ở trên hiên, thạch lựu vẫn còn phun trào như lửa, như bầu nhiệt huyết của Nguyễn Trãi  (mặc dù khi ấy ông không còn được tin dùng như xưa nữa!). Thế mà ở dưới ao, sen đã tịn mùi hương!(c4). Cái vế đối chan chát ấy (giữa còn và mất) nó cần một sự lý giải thỏa đáng hơn để hiểu tâm trạng của N.T : Phải chăng vào lúc cuối hạ sang thu của cuộc đời, cảnh ấy là tình đấy: Khát khao cống hiến mà  lại bị triều đình quên lãng… [Tôi cũng chưa thật rõ lắm về ý khai thác cái mất và còn mà Thanh Vân đã viết trong bài: …” Hoa sen đã "tịn" mùi  nhưng trong tri giác của nhà thơ vẫn ngát hương thơm (nói "không" là để nói "có ", nói đã "hết" nhưng trong tri giác của nhà thơ vẫn còn) ”.]
2)               Cặp câu luận (5-6), hướng khai thác của TV như thế là rất hợp lý "Thế nhưng, lắng sâu trong những âm thanh đó, trong tiếng lao xao chợ cá từ xa vọng lại, tiếng cầm ve trong buổi chiều tà, dường như ẩn chứa một nỗi bâng khuâng thầm kín trong tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ. Và nỗi niềm của Nguyễn Trãi được bộc lộ  trực tiếp  trong hai câu kết:  “ Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng  Dân giàu đủ, khắp đòi phương.”]
                 Lại xem về kết cấu văn bản và thể loại thì cái vui
Lao xao chợ cá…” (c5) nó chọi với cái buồnDắng dỏi cầm ve…”(c6); Ông vui buổi sớm với chợ cá, nơi dân đen tảo tần vui sống ( Chứ ai họp chợ cá vào buổi chiều!) nó đối chọi với cái ông buồn vào buổi tà dương khi hướng về phía lầu son gác tía nào đó…Như vậy ta đã rõ khi hướng đến cái kết của bài với khát khao cháy bỏng của N.T Khát khao tiếng Ngu cầm để Dân giàu đủ khắp đòi phương…
3)                Nhìn toàn cục bài “BKCG-43” được viết bằng chữ Nôm để ngân lên âm thanh của tiếng Việt thân yêu , nhưng ta không thể không nói tới cách tân , Việt hóa thể thơ 7 chữ của TQ :Chính hai câu lục ngôn rất quan trọng: mở đầu và khóa đuôi bài thơ với thanh điệu, nhịp điệu biến đổi hoàn toàn đã thổi vào bài thơ cái giọng điệu đầy trăn trở của một Con Người có tâm hồn “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông” lo cho dân, cho nước….Cũng chính vì vậy mà tôi rất tán đồng với TV rằng: Ai xui người ta đổi tên bài thơ như thế? Phải chăng đó là do cảm nhận chủ quan của người biên soạn sách? Cảnh tình mùa hè sao có thể thay thế cho cái tựa của chùm BKCG vốn bản chất của nó đã đầy trăn trở !
4)               Cuối cùng, rất cám ơn TV về bài viết đặc sắc này và xin phép tác giả cho tôi được đăng lại trên blogs của tôi để đồng nghiệp khác và học trò của tôi tham khảo .Cũng xin mượn lời của TV (một nhận định rất hay) để làm kết phần bình luận này
” Từ cách nhìn ấy, có thể thấy "chủ âm" trong giọng điều của bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 không phải là niềm vui rạo rực trước thiên nhiên trong cảnh ngày hè mà là một niềm thao thức lớn trong tâm hồn nhà thơ, một khát vọng cháy bỏng được khẳng định mình, được đem hết sức lực, tâm huyết của mình, cống hiến cho dân,cho  nước.     “  

                                                                                                                                                                                 14/9/2007  

bởi: Hồ Tĩnh Tâm trong Sep 15 2007, 05:26 PM

Chà, thế là các bạn đã có được diễn đàn Dạy văn Học văn khá lý thú rồi đấy. HTT từ lâu đã không còn dạy văn nữa, nhưng cái chuyện cải cách việc dạy văn vẫn cứ canh cánh trong lòng. Thực ra thi tài và thiên tài của cụ Nguyễn Trãi lớn lắm, chúng ta đưa vào chương trình chưa đúng những bài thơ bài văn bày tỏ được nỗi niềm tâm tư của cụ, để học sinh hiểu được tài năng và đức độ của cụ với non sông gấm vóc mà cụ hằng yêu đến thao thức từng đêm. HTT từ năm 1977, khi về Cần Thơ, bỏ nghiệp Trắc đạc theo văn, đã khoái câu này của Nguyễn Trãi:

Không sợ say ngã xuống dòng sông
Chỉ sợ dòng sông không dậy sóng

Án Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi đã được giải, nhưng còn oan Nguyễn Thị Lộ đã ai hóa giải cho đâu. Sự công bằng của lịch sử đòi hỏi phải giải quyết điều ấy.

Hạnh Vân nhớ không? Có thời chúng ta khẳng định Xuân Diệu là nhà thơ tình nổi tiếng, mà lại cho học sinh học bài "Ngói mới". Với Nguyễn Trãi, phải cho học sinh học những tác phẩm đầy trắc ẩn trong tâm sự của cụ khi lui về Yên Tử sống với tre trúc, chim gù, suối reo và cái cần câu của bậc lão trượng "lấy dân làm gốc"- "Lật thuyền mới biết dân như nước".
Nguyễn Trãi nói rồi mà: "Nét mặt hom hom có tí rượu mới sanh vầng hồng". Nói thật, cụ Nguyễn Trãi viết thơ về rượu rất giỏi, và đó cũng là những bài thơ ẩn chứa đầy tâm sự đau đáu nỗi đau nhân tình cửa Ức Trai sao khuê tỏa sáng. Nếu chương trình không chọn dạy những bài đó thì hãy ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu nỗi niềm tâm sự đau đời của thi hào dân tộc.

Hạnh Vân nhớ cho rằng, vị công thần số một, người dâng Bình Ngô sách, vực dậy cả cuộc khởi nghĩa Lam sơn từ khi "thóc không một cân", "quân không một đội", phải giết cả ngựa chiến để ăn, đến lúc thế mạnh "trúc chẻ tro bay", "ngày 18 Liễu Thăng thất thế, ngày 20 Liễu Thăng cụt đầu, ngày 25 bá tước Lương Minh đại bại tử vong, ngày 28 thương thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn"... vậy mà khi cơ đồ được dựng, chỉ được phong trật hàm hạng 78 trong triều với cái tên vua ban Lê Trãi. Nguyễn Trãi thấy hết nên mới lui về Côn Sơn với tên Ức Trai. Đây là giai đoạn cụ nghiền ngẫm thế sự nên thơ hay không tưởng được.

Hạnh Vân hãy ngoại khóa cho học sinh các lớp 12 điều này nhen!

Cám ơn Hạnh Vân - Mạnh Bình và các thầy cô, các anh chị đã quan tâm tới đại thi hào của dân tộc!
--------------------------------------
Trên đây là lời bình của anh Hồ Tĩnh Tâm trên blog " Gó Lộng Chiều Xanh".
MB[/u]

bởi: nguyễn kim anh trong Sep 17 2007, 03:18 PM

Suy nghĩ về dạy và học văn Học sinh muốn gì từ việc học văn đó là câu hỏi cần các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh quan tâm. Biết rằng tất cả các môn học đều góp tạo phần nên “phông văn hoá” cho mỗi người, nhưng một môn đem đến nhiều nhất những xúc cảm đẹp và tạo vốn văn hoá, làm nên khả năng ứng xử văn hoá chính là môn văn. Song thực tế hôm nay có như vậy? Tôi xin giới thiệu dưới đây bài viết đầy tâm huyết của một học sinh về môn văn hôm nay… Mỗi năm cứ đến mùa thi đại học, bên cạnh những câu chuyện ồn ào và nóng hổi, đặc trưng của kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh, người ta lại có thêm dịp để bàn về cái sự dạy và học Văn của thầy cô và học sinh thời nay. Những câu chuyện thì cứ kéo dài từ trang báo này sang trang báo khác, và từ năm này qua năm khác, nhưng tựu chung lại cũng chỉ để nói lên một điều: môn Văn phải có sự thay đổi. Và quả đúng như vậy! Người ta vẫn bảo các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá… là cứng nhắc, là khô khan, là không bay bổng, hấp dẫn. Vậy thì cái bay bổng và hấp dẫn ấy hẳn phải nằm ở môn Văn, môn học vẫn được tự hào mang trọng trách bồi đắp, tô điểm tâm hồn học sinh suốt từ khi bước chân vào ghế nhà trường. Nhưng sự thật thì sao? Là người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những tiết văn đều đều trôi qua trong cảnh thầy cô đều đều đọc, học sinh đều đều chép, là mỗi kỳ thi đại học lại có thêm những “ áng văn” bất hủ xuất hiện như thể truyện cười trên các mặt báo. Từ chuyện một thí sinh lên án gay gắt Chí Phèo bỏ Thị Nở đi... lấy vợ đến vụ một sĩ tử khác quả quyết cho rằng vợ chồng A Phủ sinh sống đâu đó gần... rừng Xà Nu. Người ta đọc, người ta ngạc nhiên, rồi người ta cười, sau đó người ta lại day dứt, suy ngẫm và người ta nói: “Phải cải cách! “Mấy lần thay đổi sách giáo khoa, nhìn vào chỉ thấy hình thức đẹp lên thật, nhưng nội dung thì vẫn vậy, có chăng chỉ là sự xáo trộn, lược bỏ, lắp ghép thêm thắt vào mà thôi. Cái mà môn Văn thật sự cần là một sự cải cách khác, cải cách trong tư duy dạy và học. ấy là: Văn học phải là sự kích thích và cổ vũ cho sáng tạo, chứ không phải là sự áp đặt theo những lối mòn. Tôi còn nhớ cách đây gần một năm, nổi lên một cuộc bàn tán rộng răi về một bài văn “lạ” của Ngọc Minh, học sinh của lớp 10 chuyên Văn đại học sư phạm Hà Nội. Bài văn có đề tài rất lý thú: bàn về sự thành công trong cuộc sống. Nếu chỉ xét riên về kĩ thuật, bài văn này cũng không hẳn là quá nổi bật, nhất là với một học sinh chuyên Văn, và câu chuyện cũng cho ta cảm giác có nhiều nét giống những mẩu chuyện ca ngợi cuộc sống như trong bộ sách “Hạt giống tâm hồ”. Cái làm người ta ghi nhận và ca ngợi ở đây chính là tâm huyết và sự sáng tạo của cả cô lẫn trò trong “tác phẩm” ấy. ấn tượng đầu tiên về bài văn chính là lời phê rất dài của giáo viên: “Cám ơn em đã cho cô một bài học đúng vào lúc cô cần nhất. Em đã thực sự thành công rồi đấy!”. Là một học sinh đã làm không biết bao nhiêu bài Văn, tôi vẫn thấy không khỏi thán phục và ghen tị trước lời phê đầy tâm huyết và gần gũi ấy. Liệu có bao nhiêu lời phê chân tình như thế đến với học trò? Một người bạn của tôi từng nói, rất thật rằng: “Thà nhận được một bài kiểm tra điểm kém mà kèm theo là một lời phê xác đáng, chỉ bảo góp ý tận tình còn hơn là những điểm chín, điểm mười bên cạnh ô “lời phê” trống trơn. Thật vậy, cái đầu tiên học trò cần là thầy cô đã bỏ công suy ngẫm về bài làm của mình như thế nào, chứ không phải là một con số đỏ chót hay một lời nhận xét vô hồn. Cái cảm giác hệt như rời khỏi bàn cân và dỏng tai nghe lời phán: “Thân hình hoàn toàn bình thường, đề nghị luôn luôn giữ sức khỏe, cảm ơn”! Từ câu chuyện kể trên để nhìn vào hiện trạng chuyện ra đề Văn bây giờ. Trước hết cứ trông xem đề thi đại học không biết tự khi nào người ta truyền tụng nhau câu thơ: “ Ngán thay thi cử nước ta / Đầu vào Thị Nở đầu ra Chí Phèo”. Với ý là thở than cho cái sự loanh quanh luẩn quẩn của đề thi: cứ bám lấy một vài tác phẩm trọng tâm mà hỏi, phải chăng là để dễ đánh giá, cho điểm? Liệu những Nam Cao, Nguyễn Du có thấy vui không khi thấy những tác phẩm của mình năm nào cũng được đem ra phân tích, ngợi ca, nhưng là kiểu phân tích, ngợi ca đã ra đời và đóng khuôn vuông vức từ chục năm trước đó? ấy là lối mòn! Người ta bây giờ hay chép miệng than là giới trẻ ngày nay sống hời hợt, vật chất, lười suy ngẫm, và kết quả hiển hiên là những điểm phẩy thấp lè tè của môn Văn. Có thật thế không? Vài năm gần đay rộ lên một trào lưu của giới trẻ lan truyền qua mạng - viết blog - nhật kí trên internet. Lướt qua những trang nhật kí ấy, nhiều người phải ngạc nhiên vì những bài viết cực hay và đậm cá tính của chủ nhân. Có những trang blog thu hút hàng triệu lượt xem vì sức quyến rũ rất riêng của những chủ nhân trẻ tuổi, mà chưa chắc đã là học - sinh - giỏi - Văn. Một giờ giảng văn, học sinh ngồi ngoan ngoãn chép theo giáo viên đọc, để rồi đến lúc làm bài kiểm tra lại bê nguyên những gì đã chép vào bài làm, hệt như những con rô -bôt làm việc theo quy trình bất biến, với hi vọng được điểm 7, điểm 8 cho trên trung bình. Rồi lại tự hỏi vậy như thế nào thì được điểm 10 Văn? Phải chăng là một bài làm phẳng phiu, sáng sủa, câu chữ ngay ngắn thẳng tắp, đầy - đủ - ý, phân - tích - sâu, nhìn chung là “hoàn hảo” như những dòng phân tích trong văn mẫu hay trong vở ghi? Tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Banzăc: “ Đọc sách là cả hai người cùng sáng tác “. Hai người - đó chính là tác giả và người đọc, không chỉ có mình tác giả sáng tạo nên tác phẩm, mà người đọc cũng dựa trên những tinh hoa ấy mà suy xét, đâm chồi nảy lộc những cảm thức, tâm đắc của riêng mình. Văn học phải là sự kích thích và cổ vũ cho sáng tạo, chứ không phải là sự áp đặt theo những lối mòn. Trần Việt Hà Lớp 11A1 chuyên Hoá Đại học Quốc gia

bởi: Nguyen Kim Anh trong Sep 17 2007, 03:24 PM

Toi la Nguyen Kim Anh- giao vien day van tai HN. Toi rat hoan ghenh va lay lam thu vi khi co thay NMB voi viec lam kha y nghia tren mang. Tuy nhien toi mong muon thay se giu duoc lau y dinh ban dau cua minh. Toi muon cung thay trao doi chuyen mon. Nhat la nhung bai kho, bai hay. De ra mat toi xin gui bai viet cua 1 hs HN ma toi co duoc cung mot giao an bai giang lop 11. Xin gui den thay loi chao tran trong !

bởi: nguyenmanhbinh trong Sep 17 2007, 04:09 PM

Rất cám ơn Nguyễn Kim Anh đã ghé vô trang này và nhất là thịnh tình của bạn! Nếu có thể ược, chúng ta cùng trao đổi về văn và công việc của nghề thì còn gì bằng!
Tôi cũng rất mệt mỏi với kiểu dạy hs chỉ cần chúng thuộc những ý của bài(mà đó chắc chắn sẽ là nội dung mà đề sẽ cho thi..); và bực bội vì kiểu ở tất cả các hội đồng thi khi chấm chỉ " Đếm ý ăn điểm... Giáo viên chỉ cần" đọc chép, hoặc... chép chép" là hs có thể đậu. Trách nhiệm và ý thức nghề nghiệp, và nhất là cái tâm với văn chương hình như cứ cạn dần trong nhiều GV văn chứ kg phải chỉ mỗi ở học trò...
Tôi đồng ý với bạn rằng: HS không đến nỗi khô khan như khi chúng viết bài trên lớp nếu ta đọc những trang blogs của các em. Tôi còn nhận ra rằng: Chúng rất có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng bởi những điều chúng quan tâm .
Dạy văn theo cái đà này, theo cấu trúc cương trình " dạy chạy học chạy..." thì ... hậu quả nhỡn tiền ta đã biết.!
Nếu có thể được, tôi cũng sẽ gởi tài liệu GD qua mail để bạn tham khảo và góp ý Chúc bạn Có Nhiều Niềm Vui và hạnh phúc !

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com