Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Ý Lan

Nhân giống thành công một loài lan... mất tên

TS Dương Tấn Nhựt.

Giữa tháng 9 này, TS Dương Tấn Nhựt - phó phân viện trưởng Phân viện Sinh học Đà Lạt - chính thức công bố: Đã nhân giống thành công lan hài đỏ bằng phương pháp vô tính. Cụ thể hơn, bằng cách "gây vết thương kết hợp nuôi cấy mô trong môi trường lỏng". Với sự chủ trì của vị tiến sĩ 37 tuổi này, lần đầu tiên trên thế giới, lan hài đỏ đã được nhân giống thành công bằng phương pháp vô tính. Với thành công đó, TS Nhựt đã mạnh dạn công bố với thế giới phương pháp của mình thông qua các tạp chí khoa học nước ngoài và anh cũng hy vọng đây là "công cuộc" đi tìm lại tên cho một loài hoa của Việt Nam đã mất bởi người Pháp "cầm nhầm".

Câu chuyện thế kỷ

TS Nhựt kể: "Gần một thế kỷ qua, không ai phát hiện loài hoa này ở Việt Nam và cứ ngỡ rằng nó đã bị tuyệt chủng. Thế rồi cách nay... cũng đã hơn mười năm, chúng lại được tìm thấy ở vùng rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận. Nhưng, vấn đề đáng quan tâm đó là loài lan hài đỏ đã mất hẳn tên...".

TS Nhựt cho biết: Năm 1886, một nhà phân loại học thực vật tên là Pfirzer đề nghị gọi Paphiopedilum để chỉ các cây lan hài châu Á và đã được chấp nhận. Theo kết quả nghiên cứu của Pfirzer, lan hài Châu Á có 46 loài. Nhưng hiện nay, người ta thống kê châu Á có đến trên 60 loài. Trong đó, hình như chỉ duy nhất lan hài đỏ là có hương thơm. Đây là loài đặc hữu, được CITES (Tổ chức Bảo vệ Động, Thực vật Hoang dã Thế giới) đưa vào Sách Đỏ nhằm giữ gìn một nguồn gien thiên nhiên quý hiếm.

Tuy nhiên, với Việt Nam, loài hoa này đã bị mất bản quyền.

"Đây là một trong những loại đặc hữu của Việt Nam, được Guillaumin mô tả lần đầu vào năm 1924 dựa trên mẫu vật được nuôi trồng ở Pháp. Đó là những cây lan được quân nhân Pháp mang về từ Bắc Việt Nam trong những năm 1913-1914. Từ 1922-1993, 70 năm qua, không ai phát hiện chúng ở Việt Nam và tưởng chừng như chúng đã bị tuyệt chủng. Nhưng đến năm 1993, trên Tạp chí Tìm hiểu hoa lan, có những bài viết...". Đó là những dòng chữ trong quyển luận văn của một sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (do TS Nhựt hướng dẫn).

Một tạp chí số ra gần đây có bài viết "Việt Nam đã mất độc quyền: Một loài lan hài đặc hữu" của tác giả Quang Thắng: "... Năm 1993, ông Nguyễn Thiện Tịch, một cán bộ giảng dạy ở ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho đăng trên đặc san Tìm hiểu hoa lan hình vẽ và các đặc điểm của cây hoa lan hài P. Delenatii. Anh Dương Công Trạng, một tay chơi lan nghiệp dư, đọc được cuốn Tìm hiểu hoa lan này và anh cũng bàng hoàng không kém, vì trong vườn lan mà anh sưu tập từ rừng có một cây lan hài đang nở hoa giống hệt những gì mà ông Tịch mô tả. Anh liền liên hệ với ông Tịch. Ông Nguyễn Thiện Tịch, người được giới chơi lan đánh giá là một trong những người định danh phong lan giỏi nhất Việt Nam hiện nay, liền tức tốc đi xe đò lên nhà anh Trạng ở thị trấn D'ran, Đơn Dương, Lâm Đồng. Ông Tịch cũng sửng sốt trước vẻ đẹp hoa lan hài này và xác nhận đúng là cây lan hài hồng P. Delenatii".

Như thế có nghĩa là loài "kỳ hoa dị thảo" này đã tái xuất hiện ở Việt Nam và vấn đề có ý nghĩa hơn thế là các nhà khoa học Việt Nam đã vào cuộc.

Tương lai cho loài hoa mất tên

Chậu lan hài hồng trong Phòng thí nghiệm của Phân viện Sinh học Đà Lạt.

TS Nhựt cho biết: "Trên thế giới, người ta đã tiến hành nghiên cứu hoa lan hài từ rất sớm nhưng cho đến lúc này vẫn không có nhiều báo cáo mô tả về những phương pháp nuôi cấy vô trùng trong nhân giống lan hài vì mẫu cấy của loài này rất khó bảo quản. Các nhà nghiên cứu chỉ mới thành công ở phương pháp nhân giống hữu tính với lan hài đỏ, còn vô tính thì hoàn toàn chưa...".

TS Nhựt còn cho biết: Nhân giống vô tính (in vitro) như việc "gây vết thương" chính là kỹ thuật kích thích "chồi ngủ" trên thân lan hài "thức" dậy, việc nuôi cấy mô trong môi trường lỏng cần phải bổ sung một nồng độ thích hợp chất điều hoà tăng trưởng cho cây. Phương pháp nhân giống vô tính trên cây lan hài đỏ thành công đã mở ra một triển vọng mới về kinh tế vì thị trường thế giới hiện đang rất ưa chuộng giống hoa lan hài đỏ của Pháp. Vấn đề lúc này là làm sao chúng ta thiết lập cho được một quy trình nhân giống vô tính thương mại đối với đối tượng lan hài đỏ. "Các nhà kinh doanh và các nhà khoa học cần gặp gỡ nhau trên lĩnh vực này." - TS Nhựt nói.

"Trong những chuyến đi thực địa của mình, tôi cho rằng vùng rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận hiện đang là "cái nôi" của lan hài đỏ Việt Nam. Ở đó, nạn phá rừng diễn ra khá tàn khốc. Tôi sợ rồi sẽ có một ngày loài "kỳ hoa dị thảo" hài tiên (lan hài đỏ được gọi tên theo một câu chuyện cổ tích) thực sự không còn ở môi trường tự nhiên." - TS Nhựt cho hay.

TS Dương Tấn Nhựt hiện khá "nổi" trong giới khoa học, không những của Việt Nam mà còn cả thế giới. Riêng ở Đà Lạt, người chơi hoa và trồng hoa kinh doanh không lạ gì tên tuổi Dương Tấn Nhựt bởi nó gắn liền với tên của các loài hoa trong những năm gần đây. (Theo Lao Động) 


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com