Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

NHẮN MÙA THU TRỞ LẠI

NHỮNG BÀI CA HÀ NỘI

Những bài ca Hà Nội
  Theo dòng thời gian, đã có một biên niên sử bằng âm thanh về Hà Nội. Đó là những bài ca vượt thời gian, sống mãi trong lòng người nghe.Các nhạc sĩ khi viết về một xứ sở, một miền nào đó thường dùng phương thức mô phỏng phong cách, khai thác chất liệu dân ca địa phương để xây dựng hình tượng âm nhạc. Thực tế, không ít nhạc sĩ đã theo cách này khi viết về Hà Bắc, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Huế... Hà Nội lại thiếu một làn điệu dân ca đặc trưng để có thể dựa vào đó tạo mạch âm nhạc gợi mở sự tưởng tượng của người nghe. Khó như vậy nhưng so với các địa phương, tác phẩm âm nhạc về Hà Nội lại đầy đặn nhất cả về số lượng và chất lượng. Không ít tác phẩm vượt thời gian sống mãi trong lòng người nghe. Khó thống kê hết được những ca khúc viết về Hà Nội.
  
Hình ảnh  của Hà Nội không chỉ hiện hữu ở những tác phẩm trực tiếp về đề tài Hà Nội, mà có khi xuất hiện từ ngọn nguồn cảm hứng từ những tác phẩm ở đề tài khác. Văn Dung không định viết về Hà Nội mà người nghe vẫn thấy Hà Nội trong Những bông hoa trong vườn Bác. Hoàng Vân (và Lê Nguyên) viết về đề tài thống nhất đất nước đương nhiên là đề cập tới Hà Nội: Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Ðỗ Nhuận viết về người công nhân với nguồn cảm hứng là đường phố thủ đô: Em là thợ quét vôi. Trên gác hai của ngôi nhà 96 phố Huế, Hà Nội, Phan Huỳnh Ðiểu bật lên Những ánh sao đêm rất đỗi trữ tình và hào sảng, ngợi ca công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc...
   
Bức tranh rộng lớn về tác phẩm âm nhạc đề tài Hà Nội hầu hết ở thể loại nhạc hát. Có khi ngắn gọn, súc tích: Cả nước hướng về Hà Nội (Trọng Bằng), lại có khi dài hơi như thanh xướng kịch Sông Hồng reo hát (âm nhạc: Hồng Ðăng; kịch bản và lời ca: Dương Viết Á)... Các nhạc sĩ thường chọn ca khúc để thể hiện về Hà Nội, bởi nhạc hát có tính phổ cập, đáp ứng đông đảo nhu cầu công chúng, song còn nguyên nhân nữa chính là nhạc hát có ca từ. Chính ca từ mang lại tính xác định cụ thể, giúp hình tượng âm nhạc nổi bật, khi Hà Nội dường như thiếu một làn điệu dân ca đặc trưng
   
Theo GS.Dương Viết Á: Ngôn ngữ âm nhạc trong những tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội hầu như không toát lên âm hưởng của một làn điệu dân ca nào - một thứ ngôn ngữ âm nhạc chung, nói rõ hơn là ngôn ngữ âm nhạc cổ điển châu Âu. Xu thế này thể hiện khá rõ nét ở những bài hát về Hà Nội được viết theo thể nhạc nhẹ đang thịnh hành. Cái khó là tác phẩm phải làm thế nào để cho bất cứ người nghe nào trên thế giới cũng có thể phân biệt đó là ca khúc viết về Hà Nội, dù không hiểu nội dung lời ca?
   
Trước đây, Ðỗ Nhuận từng có Chào Hà Nội anh hùng sử dụng điệu thức, điệu tính của người Kinh và đúc rút từ chất liệu của dân ca đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Kế đó, Một thoáng Hồ Tây, Phó Ðức Phương đã tìm đến với ca trù. Theo hướng trở về cội nguồn này, Ngọc Khuê khá thành công với Làng lúa, làng hoa bởi người nghe đã cảm nhận được một Hà Nội - ngoại thành và ít nhiều người nghe trên thế giới cũng phần nào nhận ra đây là bài hát về một xứ sở trên đất nước Việt Nam...
   
Theo dòng thời gian, chúng ta đã có một biên niên sử về Hà Nội bằng âm thanh. Trước Cách mạng tháng Tám, Văn Cao với tình yêu và lòng tự hào về truyền thống Hà Nội đã có Ðống Ða Thăng Long hành khúc ca..
   
Những ngày đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp, các nhạc sĩ có sáng tác về Hà Nội, thủ đô của đất nước theo dòng tình cảm thiêng liêng. Ðó là không khí trang trọng trong ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập ở Ba Ðình nắng (Bùi Công Kỳ - Vũ Hoàng Ðịch); là sự uy nghiêm ở Người Hà Nội (Nguyễn Ðình Thi) và lời thề nguyền bắt nguồn từ sâu thẳm đáy lòng yêu quý Hà Nội: Sẽ về Thủ đô (Huy Du). Hà Nội vừa xa, vừa gần đối với những "người ra đi đầu không ngoảnh lại" (Nguyễn Ðình Thi). Cũng vì Hà Nội hiện lên trong nuối tiếc, hồi tưởng nên trong tác phẩm phảng phất một nỗi trăn trở, ưu tư. Chất nhạc mang tính kịch trong Trở về của Lương Ngọc Trác (thơ: Chính Hữu) tựa những đợt sóng lòng của nhớ nhung và sự nén chịu âm thầm. Dù có dịu êm hơn, trong Ðêm trăng nhớ Hà Nội của Nguyễn Ðức Toàn cũng không vượt khỏi niềm trăn trở đối với Hà Nội...
user posted image
  
Lịch sử sang trang, hòa bình được lập lại ở miền bắc, Hà Nội cùng cả nước gánh vác hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Hiện thực sôi động này đã mang tới những cảm nhận mới trong những tác phẩm viết về Hà Nội. Hình ảnh Hà Nội trong lao động với những con người mới được thể hiện bằng vẻ đẹp tinh khôi: Yêu thủ đô, yêu nhà máy (Xuân Giao), Khi con chim chưa hót (Văn Tuyền), Lớn lên với đồng ruộng (Ngô Quốc Tính), Con tàu ba đảm đang (Văn Ký), Hát lúc tan ca (Nguyễn Cường), Bài ca trẻ tuổi Hà Nội (Hồ Bắc)..
  
Mười năm sau, Hà Nội lại bước thẳng vào cuộc chiến đấu trực diện với chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Hình tượng Hà Nội anh hùng trong khói lửa chiến tranh được phản ánh đậm nét và sống động. Một trái bom Mỹ ném xuống đường phố Hà Nội lập tức thành tiếng nổ căm hờn trong lời ca: Hà Nội thủ đô ta đó (Vĩnh Cát), Hà Nội gọi trả thù (Mộng Lân), Mãi mãi sáng ngời trái tim Tổ quốc (Tô Hải)... Mỗi chiến công Hà Nội kết đọng thành niềm tin, niềm tự hào: Gửi đồng chí cao xạ pháo Hà Nội (Lê Quỳnh), Hà Nội ơi, có chúng tôi đáp lời (Diệu Hưng), Tiếng hát từ Quảng Bình (Ðức Hiền), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)... Trong ánh lửa thiêu cháy pháo đài bay, những dòng âm thanh bật lên đầy khí phách: Tiếng hát của Hà Nội hôm nay (Nguyễn An), Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (Phạm Tuyên). Bài ca Hà Nội (1966) là một ca khúc trữ tình thành công nổi bật đã xuất hiện ngay sau khi thủ đô lần đầu tiên biết đến tiếng bom Mỹ. "Nét nhạc không căng thẳng, không là tiếng kèn chiến thắng mà chỉ là những nét trữ tình của không khí đánh giặc ở người Thủ đô" (Vũ Thanh)
  
Khi non sông thu về một mối thì đề tài Hà Nội được khai thác qua góc độ trữ tình; trong chiều sâu của cái tôi: Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Có một chiều như thế Hồ Gươm (Tân Huyền), Cảm xúc tháng Mười (Nguyễn Thành, thơ: Tạ Hữu Yên), Tiếng hát người Hà Nội (Trần Hoàn)... Ngay với Hà Nội ở Lâm Ðồng (Xuân Oanh) ta như đón được những tâm sự sâu lắng của người Hà Nội. Hoặc như Hà Nội - Mùa xuân (Văn Ký) về mối tình của một chàng trai với người con gái "quê dừa"... Khuynh hướng sáng tác về Hà Nội cứ nở rộ mãi theo dòng thời gian: Tôi yêu Hà Nội (Hoàng Vân), Trời Hà Nội xanh (Văn Ký), Mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang), Hà Nội phố xưa (Nguyễn Ðình Bảng), Hà Nội của tôi (Hoàng Phúc Thắng)... Tuy vậy, chúng ta vẫn còn cảm thấy thiếu bởi bức tranh bằng âm thanh về Hà Nội chưa tương xứng với tầm vóc thủ đô anh hùng thời đổi mới.

 


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com