Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

NHẮN MÙA THU TRỞ LẠI

TÙY BÚT MÙA XUÂN

Ngày đầu năm user posted image

Không có buổi chiều nào trong năm rộn ràng, vui vẻ như chiều 30 tết. Nào bánh mứt, nào hoa, nào rượu thịt... chuẩn bị cho ngày tết. Bao nhiêu chuyện cố làm cho xong trong chiều năm cũ. Sáng mồng 1 nhẹ nhàng mở cửa đón gió xuân; thắp nén nhang kính cẩn trời đất, tổ tiên, ông bà. Ngồi trên bộ ván kê gần cửa sổ, pha bình trà thật ngon, thư thả thưởng thức hương xuân qua làn sương mai tạt nhẹ vào khung cửa.
Trong sự tĩnh lặng mà ấm áp khói hương này, nếu có cái tai của nhạc sĩ, cách lắng nghe của thi sĩ không chừng nhận ra tiếng tí tách của chồi xuân nảy lộc, tiếng rung khẽ của cánh hoa khoe nhụy. Nếu trời có nắng, ta ngắm nắng xuân. Nếu trời mưa rây hạt một tí vào sáng mồng 1 lại càng hay, vị mưa xuân mới ngọt ngào, rồi suy diễn: năm này chắc là làm ăn khá, khá cho mọi nhà. Lòng người mới dễ chịu làm sao! Nhớ ngày còn nhỏ, không có cái háo hức nào bằng háo hức chờ sáng mồng 1 tết mặc áo mới, đi chơi xuân... Năm nào ba tôi cũng chuẩn bị tiền mới, lì xì mừng tuổi trước, để khách đến nhà chúng tôi khỏi trông chừng... sinh hư. Còn nội cứ dặn đi dặn lại: “Ngày hôm nay đừng làm gì để bị đòn nghen, cẩn thận đừng làm bể đồ đạc nghe chưa”. Bà gieo niềm tin cho chúng tôi rằng ngày đầu năm thể nào thì cả năm cứ thế. Bây giờ lớn, gần hai thứ tóc trên đầu, nỗi lo ấy trong tôi không phải hết mà có phần tăng thêm.
Một năm là ngắn so với ba vạn sáu ngàn ngày, nhưng cũng là dài với ba trăm sáu lăm ngày lo cơm áo, mà dông bão cuộc đời năm nào chẳng nổi lên vài trận, đất trời còn thế kia mà. Vạn sự trong một năm có yên ổn không đều nhìn vào ngày đầu năm này. Thôi thì dành một ngày đầu năm không làm gì cả, để khỏi bận tâm cho ba trăm sáu tư ngày còn lại. Ai cũng nghĩ vậy thành ra buổi sáng đầu năm yên tĩnh lạ thường, đi nhẹ, nói khẽ, mở cánh cửa cũng nhẹ. Có lời chúc xuân cho ai đó cũng hết sức thận trọng và đặt niềm tin cho cả hai, người chúc và người được chúc.
Bao cái tết đã qua, vậy mà ngày đầu năm nào cũng cho tôi cảm giác đất trời tinh khôi, đời mỗi người như mới lại.

user posted imageTết

20 tuổi, 20 năm nó lớn lên giữa miền Nam nắng ấm, ăn 20 cái tết rực rỡ mai vàng. Nhưng năm nào nhà nó cũng có cặp bánh chưng, cũng có dưa hành, thịt mỡ…
Những cái tết đậm chất Bắc, đôi khi gợi lên trong lòng nó một điều gì khắc khoải, nhắc nhớ. Nó biết đó không đơn thuần chỉ là một sự khác biệt với cái tết bánh tét, củ kiệu tôm khô của bạn bè. Những cơn gió bấc lành lạnh đôi khi chợt xuất hiện giữa tết vàng ấm nắng, những sắc đào hồng xác pháo ẩn hiện lẻ loi giữa chợ hoa, nhắc nó nhớ bố mẹ nó đã có 20 cái tết xa quê…
Năm nay, bố mẹ quyết định về Bắc ăn tết. Nó không ngạc nhiên, bởi biết đó là cái mong đợi lâu năm của cả gia đình. Giờ bố mẹ mới đủ can đảm để thoát khỏi công việc, lánh xa những cuộc mời mọc để về cố hương. Từ ngày có cái quyết định đó, những bữa cơm gia đình bỗng rộn ràng chuyện xưa cũ.
Chị Hai tíu tít nhắc lại cái thời chị bé tí, quanh quẩn bên bà xem bà làm mứt, làm hoa giấy. Những câu chuyện từ thời chị 3 tuổi, đến giờ chắc đã phai nhạt ít nhiều nên xen vào những hư cấu, hư cấu của một đợi chờ hạnh phúc. Bố thì im lặng, trầm ngâm, chắc bố nhớ ông, những đêm ngồi luộc bánh, lạnh bên ngoài mà nóng hổi bên trong. Bố nhớ những phong tục cúng kiếng trong gia đình mà hồi nhỏ bố từng cho là phức tạp phải biết, bây giờ có muốn làm để thể hiện thành tâm cũng đã là muộn lắm…
Mẹ rõ ràng là đang nhớ những ngày chuẩn bị tết, cùng ngoại đi chợ phiên mua vải may áo. Rồi những ngày tháng giêng trẩy hội, những lần đi hái lộc cùng chị cùng em. Cả gia đình cùng chiếu lại các đoạn phim hồi ức, rời rạc. Chỉ có nó, thoả sức tưởng tượng mông lung…
Tết Bắc có rộn ràng những chuyến chơi đùa như bọn bạn trong này không nhỉ? Có những đêm giao thừa đi xem pháo bông, ngồi cà phê tầng 13 mà nghe gió lộng, ngắm người nhỏ như kiến bên dưới không nhỉ? À, về Bắc rồi tết này ai đi chơi với “ấy”? Tết Bắc liệu có những phong bao lì xì rực đỏ? Liệu có những ngày họp mặt, ngồi cắn hạt dưa lốp bốp và rôm rả chuyện xưa?
Tết ngoài ấy, chắc sẽ có câu đối đỏ, có tranh Đông Hồ, có bà vấn khăn, nhai trầu bỏm bẻm, có ông rít điếu thuốc lào, nâng chén trà ấm hửng… Tết ngoài ấy, năm nay, chắc sẽ có một đại gia đình ngồi bên nhau nghe chuyện miền Nam…! Tết Bắc, cái gì đó gần gũi mà xa xôi lắm!

user posted imageHương Tết quê

Một ngày cuối tháng chạp cơn gió đông oằn mình mang cái rét cắt da cắt thịt đi gieo rắc khắp mọi nơi, rồi vội vã lẩn trốn mất tăm. Ai cũng phải khoác thêm áo ấm và quở trách cơn gió quái quỷ này… Ấy là lần cuối cùng mùa đông ở lại với người, và có phải vì vậy mà nó muốn gây ấn tượng thật mãnh liệt chăng? Đó cũng là dấu hiệu để người nhận ra: “Chà, mùa xuân đang về!”.
Dễ nhận thấy mùa xuân tràn về với miền quê qua hương trời nồng đượm. Lần để lại cái rét ấn tượng ấy, mùa đông đã kịp trao tay mùa xuân một món quà dễ chịu, đó là cái lạnh căn cắt lẫn cùng với những vạt nắng ươm vàng nhàn nhạt. Mùa xuân đấy! Bắt đầu nhận ra từ nét cười đen ánh vui tươi của bà. Bà nhai trầu bỏm bẻm, hàm răng đen. Bà tám tư tuổi rồi mà vẫn khoẻ, bà mong mùa xuân lắm, để con cháu lại xum vầy.
Ngày đầu xuân, nhận ra khói bếp lúc mẹ đun nấu không còn cuốn theo một chiều nữa mà toả đi khắp hướng. Thì ra gió xuân phấp phới, gió xuân sục sạo vào mái bếp của mẹ, gió xuân như một đứa trẻ tung tăng chạy nhảy. Mẹ la lớn: “Gió hư quá, cay hết cả mắt rồi…”.
Chiều muộn, bố ở ngoài đồng vẫn chưa chịu ra về, lòng thấy lo lo. Mẹ quát: “Có gì mà lo kia chứ, bố mày làm gắng buổi cuối năm để kịp mà đón tết chứ”. Ừ nhỉ, thế mà cũng không nghĩ ra, cuối năm ai cũng hối hả, gấp gáp làm nốt những phần việc còn lại. Té ra xuân về để mọi người càng thêm hăng say công việc của mình.
Hai bảy, hai tám nghe hương tết đã ắp đầy xóm làng. Rục rịch bánh chưng, bánh tét, rục rịch gói nem, gói giò… khi kèo lá dừa, khi chùi lá ổi… lăng xăng, lăng xăng…
Hai chín tết tôi bám theo mẹ vào chợ. Ui cha, đường phố ngợp sắc màu. Chỗ là gian hang tạp hoá đủ loại kẹo mứt, chỗ là hoa tươi khoe sắc. Người người nườm nượp… Bỗng thấy mùa xuân về thật vui!
Tôi và mẹ cùng mang về nhà một cành đào chúm nụ. Thế là đầy đủ tết rồi. Ngày cuối năm, mùi nhang ấm cúng phảng phất trong ngôi nhà yêu dấu. Anh em, con cháu, cha mẹ với ông bà tề tụ bên mâm cơm tất niên - mâm cơm chia tay năm cũ, để ngày mai mùng một tết sẽ bắt đầu cho một năm mới bằng những điều mới mẻ, tốt lành…


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com