Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

NHẮN MÙA THU TRỞ LẠI

Bí ẩn và đa nghĩa ...mèo

Bí ẩn và đa nghĩa … mèo
Là 1 trong 12 con giáp - ngoại trừ Trung Quốc, mèo được thay bằng con thỏ - với người phương Đông nói chung, mèo mặc nhiên là con vật linh thiêng.
   Những người sinh tuổi mèo, nhìn chung có thể khá hài lòng. Nhưng trước khi xem con mèo tượng trưng cho điều gì trong tâm thức người Việt, ta hãy thử dạo qua một vài nền văn hoá lớn xem ở đó con mèo được đối xử ra sao?
   Ở Nhật Bản, mèo là con vật báo điềm dữ. Người Nhật tin rằng mèo có khả năng giết chết đàn bà và nhập hồn vào thân xác họ.
   Ở Ấn Độ, mèo tượng trưng cho kẻ khổ hạnh đi tìm phúc lạc.
Trong khi đó, không giống như ở Nhật Bản hay Ấn Độ, người Trung Quốc bám chặt mặt đất hơn thì tin rằng con mèo là sứ giả của điềm lành. Nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, người ta còn mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng.
   Người Campuchia thường dùng mèo như vật dâng cúng (hoặc vị đại diện làm cầu nối) trong các lễ hội cầu mưa. Như vậy ở đất nước Chùa Tháp, con mèo luôn được nhớ đến khi có hạn hán.
   Người Ai Cập cổ đại khắc họa mèo như một vị thần có khả năng ban phúc và bảo hộ.
   Trong tâm thức người Celtes, mèo chỉ chiếm được vị trí khá khiêm tốn, thậm chí bị canh chừng như một kẻ nhiều xảo trá, tâm địa khó lường.
   Trong thế giới đạo Phật, mèo bị xem là kẻ vô cảm, không biết xúc động. Về mặt này, nó bị gán cùng một giuộc với rắn - tinh quái và lạnh lùng - trong một số nền văn hóa phi Phật giáo.
   Đạo Hồi dành cho mèo một vị trí của kẻ được trọng vọng, ngoại trừ mèo đen. Người Hồi giáo tin rằng con mèo có bộ lông đen mượt (cùng với cặp mắt xanh lè) là kẻ có nhiều ma thuật.
   Trong một vài nền văn hóa ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ. Tại đây, người ta coi mèo tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt được mục đích. Vì thế, trong trường hợp mèo bị giết thì chỉ có “vì nhu cầu linh thiêng” mới biện hộ được. Nhưng ngay cả khi có đủ lý do để giết mèo, thì vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những nghi thức được qui định chặt chẽ bởi cộng đồng, thậm chí là luật pháp.
   Sở dĩ có sự không đồng nhất trong quan niệm về mèo, ngoài vấn đề văn hoá, có lẽ còn bởi sự mâu thuẫn ngay từ hình thức bề ngoài của con mèo. Nó là con vật đẹp nhưng bí ẩn; uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy sự vờ vĩnh; vẻ đài các là không thể phủ nhận, từ màu sắc, độ óng mượt của bộ lông, cho đến mỗi bước đi, nhưng kèm theo cũng là khả năng cắn xé tàn bạo, giết con mồi trong chớp mắt. Thậm chí có nơi mèo bị nguyền rủa, coi như kẻ chuyên phục dịch chốn Âm phủ cũng vì những khả năng ghê rợn ấy.

   user posted image
  
   Bây giờ ta thử xem trong tâm thức người Việt, con mèo được gán cho những biểu tượng gì? Rõ ràng nó là kẻ giúp việc khá đắc lực trong đời sống hàng ngày: Bảo vệ nông sản, đồ vật khỏi bị lũ chuột tấn công. Thậm chí trong một vài trường hợp, mèo còn có khả năng kiếm thức ăn cho con người.
   Trong trường hợp đó, mèo giống như người bạn tốt. Nhưng có lẽ từ vẻ thâm hiểm bề ngoài, cùng với những nét tính cách 2 mặt mà nó không mấy khi được đón tiếp nồng hậu, hoặc nhận được sự tin cậy. Người ta không mấy khi chờ đợi vào sự trung thành của mèo như trong trường hợp của con vật khá gần gũi khác là chó. Người ta thậm chí còn tránh mèo như tránh một kẻ không biết mang đến niềm may mắn. Bí ẩn ở đây chính là con vật rất có ích với con người trong đời sống, lại bị coi là kẻ báo hiệu điềm gở? Trong nhiều lễ hội mang tính thiêng liêng, chẳng hạn lễ hội cầu hồn, mèo còn bị xua đuổi chí chết. Nhà nào có người chết mà không cử người canh giữ mèo, để chúng nhảy qua xác người chết, là báo hiệu một thời kỳ vô phúc, nhiều hoạn nạn sắp đến.
   Dường như tất cả đều tin rằng “Mèo đến nhà thì khó”. Thậm chí nó còn bị coi là con vật lười nhác, ích kỷ, khoảnh độc, gieo rắc sự nghi kỵ, thù hận. Một thực tế cay nghiệt cho mèo là nó chỉ thực sự hấp dẫn, có thiện cảm khi lao thẳng vào con chuột với những móng vuốt sắc nhọn. Nhưng ngay từ hành động khả ái nhất này cũng đã hàm chứa sự ghê tởm của kẻ đổ ụp cái chết xuống đầu người khác từ phía không thể đoán trước.
   Trong văn học nghệ thuật, nhất là mảng dân gian, mèo thường đóng vai nhân vật phản diện. Người ta phủ nhận mọi sự tu dưỡng của mèo! Mèo già... chỉ có thể hóa cáo, một cấp độ còn cao hơn về sự suy đồi đạo đức, bởi cáo bị ví như kẻ gian xảo, tiểu nhân. Khi cần diễn đạt sự hư hỏng, người ta nghĩ ngay đến những con mèo hoang (mèo mả), sống lang thang ở những nơi tăm tối, nhơ bẩn.
   Ngay bản thân từ mèo khi được dùng trong ngữ cảnh bình thường của đời sống, dùng một cách “vô tư”, cũng không hàm ý một cái gì nghiêm túc, tử tế. Nói chung, hình tượng mèo phần lớn gắn với những gì đáng phê phán. Trong trường hợp phải ẩn dụ kín đáo, thì mèo biểu tượng cho thói khuê các không phải lối, ám chỉ những người sống không đúng với vị thế, tư cách của mình. “Mèo khen mèo dài đuôi”. Thông thường hơn cả là người ta gán con mèo cho những gì gần với sự thô lậu về tính cách.
   Vì thế, nó luôn là hình tượng dùng khi cần đả kích chế giễu. Đặc sắc nhất về mặt hài hước gắn với mèo, có lẽ là bài đồng dao: “Con mèo mà trèo cây cau...”. Con mèo ở đây chứa tất cả những phẩm chất của một kẻ võ biền, cậy quyền lực nhưng ngu dốt và lố bịch. Thế còn ở những mức độ kín đáo và thâm Nho hơn, thì mèo bị xem là mầm mống của những tai họa. Chẳng hạn như trong câu: “Chuột cắn dây buộc mèo”, “Chuột gặm chân mèo”... Nếu một bên là sự khờ khạo (hoặc cao ngạo), dốt nát... thì bên kia không gì hơn là biểu tượng của tai họa vĩnh viễn!
   Nhưng có lẽ con mèo trở thành hình tượng bất hủ về sự hung ác, nguy hiểm, đáng ghét hơn cả chính là ở bức tranh “Đám cưới chuột”. Nội dung bức tranh có thể còn nhiều cách hiểu - như đa phần những tác phẩm nghệ thuật - có thể rộng lớn, thú vị và sâu sắc hơn nội dung tố cáo thói tham tàn của các bậc “đèn Trời” được mệnh danh là “cha mẹ dân”, hoặc đả kích thói hèn hạ của đám nịnh thần... nhưng nếu chỉ xét những nội dung dễ thấy ấy thôi, thì con mèo cũng không có mảy may cơ hội được hiểu như một kẻ vô tội, vô can hay lương thiện. Ở góc độ nào, nó cũng là nhân vật xấu xa và đáng sợ, cần phải cảnh giác bằng cách tránh xa.
   Nhưng cái gì cũng mang tính thời gian của nó. Hình tượng mèo không phải là bất biến, ngay cả khi nó phản ánh những giá trị văn hóa. Rất có thể mèo đang được lòng những người trẻ tuổi ưa mạo hiểm và không bị câu nệ với những chuẩn mực. Không ít người trong giới trẻ, những kẻ thích thú với thể hiện bản ngã, đã nhìn thấy ở con mèo một tượng trưng siêu việt của trí tuệ. Ngay cả hình tượng kẻ du đãng cũng không còn chỉ bị gán cho nghĩa xấu. Tại sao lại không thấy ở nó hiển hiện một biểu tượng cho khát vọng của kẻ không chấp nhận sự an bài, yêu bản thân mình, thích sống theo cách mình muốn.
   Cũng có thể đọc ra thông điệp về một gã nghệ sĩ đề cao tự do và cá tính. Nó không chấp nhận sự đơn giản, một chiều. Và nếu điều này không phải chỉ là suy diễn, thì cũng có thể hi vọng mỗi khi đến năm con Mèo cầm cái thế gian, sẽ có những biến đổi lớn lao: Hoặc khép lại những điều tồi tệ (như trường hợp năm Ất Mão với sự kiện cuộc chiến khốc liệt nhất của dân tộc đã chấm dứt), hoặc mở ra thời kỳ cả nước quyết tâm Đổi Mới và thực hiện một cuộc thoát nghèo ngoạn mục, bắt đầu từ năm Đinh Mão.
Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hi vọng vào năm Tân Mão nhiều sự kiện.
Theo TTC


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com