Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

NHẮN MÙA THU TRỞ LẠI

Mồng Ba Lễ Thầy


   Sự học, đối với nhiều gia đình, dòng họ ở quê tôi từ lâu đã thành một cái “nghề”, một sự nghiệp - cho dù cam go, khốn khó đến đâu.
Học để làm người. Học để biết lẽ Trời Đất; để biết trên dưới, đúng sai. Tôi còn nhớ như in trong tâm não mình câu ca dao mà thân mẫu đã răn dạy từ khi tôi còn là một cậu bé đi chân đất, mặc quần đùi nâu vá đến trường làng:

Về nhà thưa mẹ, thưa cha
Ra đường phải biết thưa bà, thưa ông”

   Cũng vì chuộng cái sự học như vậy của con cái, mà từ xa xưa, người dân quê tôi tôn sùng công lao, đức độ của những người làm thầy một cách cực kỳ sâu sắc, thành tâm, thành ý vô cùng.
   Bởi những lẽ đó, mà không biết từ bao giờ, người dân quê nghèo của chúng tôi rất coi trọng TẾT THẦY. “Mùng một lễ cha, mùng ba tết thầy”. Đó là câu phương ngữ ở quê tôi xưa, mà có lẽ ngày nay không còn mấy người nhớ nữa. Câu phương ngữ dạy cho chúng ra rằng, trên cõi đời này, người mà chúng ta phải có bổn phận sùng kính, đền đáp hiếu đễ trước tiên là cha mẹ, và tiếp liền sau đó là người thầy học của mình.
   Vào dịp Tết nhất này, thì sau những nghi lễ thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ mình trong hai ngày mùng một, mùng hai tết rồi, thì tiếp đến, ngày mùng ba tết là ngày mà những người học trò xưa, dù lớn dù bé đều dành cho việc đi “TẾT THẦY”.
   Lứa chúng tôi, việc Tết Thầy tuy không còn hưng thịnh như thế hệ ông cha xưa nữa, nhưng nó vẫn còn lưu lại trong ký ức rất sâu đậm. Đó là việc chúng tôi đã Tết Thầy với tất cả sự thành kính, lòng biết ơn.
   Khi tôi chỉ mới học đến bậc sơ học, cứ chiều mùng ba Tết lại được mẹ cho mặc bộ quần áo lụa nâu non mới tinh khôi, rồi tự tay dẫn đến tận nhà thầy học của tôi, là một người bác họ trong nội tộc. Đến nơi, mẹ bắt tôi phải quỳ xuống, chắp tay lại, lạy thầy hai lạy, hứa với thầy chăm chỉ học hành, không được lêu têu nghịch ngợm…
   Còn lễ vật mà mẹ tôi mang theo để dâng kính thầy thì chẳng có gì là cao sang hay giá trị về vật chất là mấy cả. Có năm thì vài ba quả cam tươi đẹp nhất ở trong vườn nhà; có năm thì một đòn bánh tét bọc trong giấy điều hết sức kính cẩn; nhưng cũng có lần mẹ tôi đem biếu thầy học của tôi một đôi gà con…
   Lễ thầy của chúng tôi thuở ấy hoàn toàn tự nguyện và vô tư, trong trẻo lắm. Không mảy may bợn một chút xíu nào sự cầu lợi tầm thường như là xin điểm, xin lên lớp, xin ghi nhận xét học bạ thật tốt, hay này nọ như phần lớn việc học sinh đến thăm và lễ thầy ngày nay.
Về sau, khi chúng tôi đã hơi lớn rồi, lên bậc tiểu học rồi, thì ngày mùng ba Tết, tự chúng tôi từng nhóm học trò hợp tâm tính , rủ nhau đến “Tết Thầy”.
   Không phải đứa nào cũng có lễ vật cho thầy cả mà chỉ một vài hay dăm ba đứa con nhà tương đối đủ ăn trong làng, trong xã là có kèm theo lễ vật như là bánh tét, quả cam hay chục trứng gà…
   Tuy nhiên, cả đoàn chúng tôi hăm hở, nô nức và thành kính vô ngần! Chúng tôi không phải chắp tay lạy thầy như khi đi riêng lẻ nữa; tuy nhiên vẫn có những bạn cứ lạy kính thầy (hay cô giáo) cho kỳ được mới thoả mãn cái tình cung kính mà mình hằng tâm niệm dành trong tâm khảm cho thầy.
   Chúc thầy, lễ thầy xong, chúng tôi tranh nhau đứa thì gánh nước, đứa thì quét tước sân vườn cho thầy, cho cô…
   Không có gì thật to tát, thật nhiều của, lắm tiền trong những lễ vật chúng tôi đem đến nhà thầy trong ngày mùng ba tết ấy cả. Nhưng hình như, theo với sự tích tụ của thời gian và năm tháng, cảm xúc thiêng liêng, lòng tôn kính, sự trang nghiêm trong tâm khảm đối với sự học - thông qua đại diện là người thầy - đã góp phần giúp cho chúng tôi thành những nhà khoa học, nhưng nhà văn, nhà báo, những công dân tốt.
   Sự học ngày nay đã khác xưa. Nhưng, tôi vẫn mong sao, trong quá trình cải cách, ngành giáo dục và cả xã hội, phải làm thế nào đó để hướng đạo cho học sinh và cả các bậc phụ huynh nữa, có được những cái tục lệ tự nguyện và tốt đẹp như trong cuộc đời mà chúng tôi đã may mắn có được trước đây - trong việc tôn kính, ơn nghĩa NGƯỜI THẦY.
   Tôi càng mong mỏi làm sao nếu ngày hôm nay, có ai đó nhớ đến lệ xưa mà đến tết Thầy thì hãy rửa sạch mình để mang theo lễ bạc, lòng thành, đừng tơ vương mảy may cầu lợi để người Thầy thực sự thấy trò đang đem Tết đến cho mình.

User Posted Image

Tranh dân gian Đông Hồ


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com