Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Mai Phong Trang

CÁNH CHIM BẠT GIÓ 5________Tác giả: QUỲNH DAO

Xin chọn danh mục VĂN HỌC để xem các trang trước
Trang 5

Khạc lên một tiếng, cha lấy tay chà mạnh lên mắt, đoạn lầm lũi đứng dậy. Tôi đã biết tính thất thường của ông nên không nói gì, bước lại gần bàn đặt sách vở xuống.
Đã lâu rồi cha vẫn không quên nổi cái chết đau lòng của mẹ. Ngày đó tôi còn nhỏ quá, mới tám tuổi. Cha với mẹ gây lộn ầm ĩ. Sáng hôm sau tôi thức dậy đã thấy mẹ nằm chết cứng trên giường. Đường vết cắt trên tay sâu hoắm, người ta bảo mẹ tôi quẫn trí nên đã tự tử. Từ trước cha tôi vẫn thờ ơ với tôi nhưng sau khi mẹ chết ông ôm tôi vào lòng nghẹn ngào:
- Kỳ con! Cha sẽ làm cho con sung sướng!
Ông đã cưới dì Hoa về để lo cho tôi, một buổi tối cha bị hai người cảnh sát áp giải về nhà, người như chuột lột, hai tay bị còng chặt. Ông hôn lên má tôi và bảo:
- Cha đi nghen con!
Ông can tội giết người để lấy tài vật, cảnh sát đã điên đầu vì không tìm ra món tiền tang chứng. Cha bị sử hai mươi năm tù khổ sai, nhưng mười năm thì được chính phủ ân xá, nhà ngục đã biến cải ông rất nhiều. Còn tôi thì có được sướng như cha mong tưởng đâu! Tôi không đến nỗi đói rách. Dì Hoa tuy khắc nghiệt nhưng không hành hạ tôi, tuy thế án tích của cha tôi lúc nào cũng lởn vởn trong đầu tôi như áng mây đen. Tại sao ai cũng ghi tâm tạc dạ: “Đó là con gái Phương Nhất Gia, đó là con gái tên tù khổ sai.”
Làm con gái một kẻ nổi danh có phải là thích thú đâu? Tội lỗi của cha đã di truyền cho tôi rồi sao? Quá khứ và hiện tại như một tấm thảm giăng móc. Muốn thoát ra, tôi chỉ còn độc nhất là thả hồn vào mộng.
Buổi tối trong nhà thật hoang vắng, tôi ngồi nơi trước bàn nhìn ra khung cửa sổ mở rộng, tiếng ếch nhái kêu ộp ộp ở bãi cỏ trước nhà càng làm cho không khí giống như thảo dã. Ngoài trời mưa rơi lất phất, hơi lạnh theo gió lùa vào làm cho tôi rùng mình. Tuy vậy tôi vẫn mở toang cửa hứng gió thu. Cha đã đi đâu không biết. Ông Hứa, một khách quen của gia đình cũng tới đưa dì Hoa đi ăn cao lầu, khá nhiều người đồn đãi về giao tình giữa hai người, nhưng tôi chẳng để ý. Đối với tôi chuyện đó chẳng thành vấn đề gì, chỉ biết là tối nay tôi được tự do không phải theo dì tới sòng bài nhà họ Khương nữa!
Tay chống vào cằm, một tay tôi lơ đễnh nghịch con lật đật bằng vỏ trứng, lại còn làm hai bím tóc giả và chiếc nón ngũ lông xinh xinh, bộ mặt hề của nó đã giúp vui cho tôi cho đến ngày nó vỡ tan tôi vẫn hỏi nó:
- Bao giờ thì cha tôi về?
Bây giờ thì cha tôi đã về rồi nhưng tôi không hề tìm được hình bóng thân yêu nữa. Khẽ lắc đầu nhìn chú lật đật, bộ mặt vẽ bằng mực tàu với mặt mũi cười toe toét của nó không làm cho tôi vui hơn. Bỏ rơi nó, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ, những giọt mưa đọng trên sợi dây điện dưới ánh đèn đường lấp lánh muôn nghìn sắc như những hạt ngọc trai, chúng tạo thành một xâu chuỗi thật đẹp nhưng không bao giờ có thể đeo được.
Ánh mắt tôi lại dời về cảnh vật bên trong căn phòng dán giấy màu sữa kẻ sọc hình thoi nâu nâu này là giang sơn của tôi trên gác. Đồ đạc chỉ là một chiếc giường con, bàn học với chiếc ghế mây độc nhất, một kệ sách đơn sơ ở góc phòng. Trên bàn, ngoài chú lật đật ra còn chiếc đèn ngủ, chụp đèn bằng giấy rô-đê chính tay tôi xếp lấy. Một chùm hạt châu đủ màu đủ cỡ trên mấy sợi cước trắng cắm trong chiếc ống nhỏ, chúng không ngớt chạm nhau tạo thành tiếng lách cách. Ngoài ra trên cửa sổ giữa những giây trường xuân leo quấn quanh chấn song, tôi còn treo một lẵng hoa nhỏ cắm vài nhánh antigone hồng nhạt lại cột thêm ba cái lục lạc bé xíu. Mỗi khi gió thổi lẵng hoa đu đưa, tiếng lục lạc reo lên nghe vui tai. Cách trang trí nhằm giảm bớt sự cô đơn của tôi, nhưng sao tôi cứ thấy sầu muộn mãi?
Ngồi một lát đã chán tôi nằm dài xuống giường vớ lấy cuốn Thi Tuyển ở đầu giường, lật ra tình cờ tôi gặp được bài thơ ngụ ngôn của Lưu:
Gửi mộng theo gió bay
Hồn cuốn bay theo mộng
Soi gương chiếc bóng gầy
Trách đời sao quá rộng
Buông rèm nghe mưa rơi
Hỡi người sao chưa về?
Cánh sen tàn không nói
Bỏ dở câu hẹn thề!
Đêm qua ngoài sân lạnh
Cành mai cội nở hoa
Ta nhấc hương vào mộng
Ngủ yên giấc năm kia!
Ngân nga được mấy câu tôi lại quẳng quyển thơ vào một xó, không hiểu sao hôm nay tôi lại thấy chán đời và muốn chết chi lạ. Sự trống rỗng của gian nhà làm tôi khó chịu muốn hét lên, ước gì giờ này được nghe Uông Khiết Anh hát! Uông Khiết Anh! Đó có phải là nguyên nhân sự bứt rứt của tôi nãy giờ? Chàng hiện giờ đang ở đâu? Trong căn phòng khách tráng lệ bên Vương Ánh Tuyết diễm lệ? Bội Tần cũng đã quên tôi để tham dự vào đám đông náo nhiệt đó, cả nhân loại này không ai thèm nghĩ đến tôi. Tôi bật khóc rấm rứt:
- Tôi khổ quá! Cô đơn quá!
Tiếng khóc vừa thoát khỏi môi, tôi chợt ngưng lại. Hình ảnh của gã con trai áo xanh lại hiện lên. Thật ra tôi cũng có người thông cảm đó chứ, tại sao cứ nhất quyết chối từ? Để rồi phải khoác danh hiệu cô đơn lên mình. Ngậm ngón tay cái giữa môi, tôi tự nhủ: “Không bao giờ có người tri kỷ của mi đâu! Phương Kỳ ơi! Hắn cũng chỉ là kẻ tán tỉnh lăng nhăng như bao nhiêu kẻ khác, đừng nghĩ đến hắn nữa!”
- Phương Kỳ! Mở cửa! Mở cửa mau!
Tiếng cha thình lình vang lên cùng tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi giật mình, thực tại đã về gõ cửa, ảo mộng vội bay ra cửa sổ biến mất. Chạy vội xuống mở cửa là cha đã đâm đầu vào như chiếc phi cơ bị đạn. Tôi thầm kêu khổ đỡ vội lấy cha, quần áo lấm lem, hơi rượu rực lên, mt tay ông vẫn cầm chai rượu khư khư, phải khó khăn lắm tôi mới dìu được cha ngồi trên chiếc ghế đẩu, vì ông cứ khăng khăng đòi lên nóc tủ chén ngồi. Tôi ra ngoài đóng cửa, lũ trẻ con hàng xóm bu lại xem làm tôi khó chịu. Quay vào tôi thấy cha ngồi ủ rũ trên ghế, chân xoạc rộng, đôi giày lấm bùn thật dơ. Tôi lắc đầu quỳ xuống cởi giày cho cha, cha nhìn tôi cười mếu:
- Tiểu Kỳ! Con có sợ cha không?
- Thôi cha đi ngủ đi, cha mệt rồi đó!
Cha gục gặc đầu, đôi mắt đục ngầu, mái tóc muối tiêu rối như tổ quạ:
- Đúng! Cha mệt thì có chứ say thì không bao giờ nhưng để lát nữa cha đi ngủ. Bây giờ cha phải uống hết chai rượu này, cha vừa làm được một việc khoái chí, cha chả là khoái.
Tôi lo sợ:
- Cha làm gì thế?
Cha đưa chai rượu lên miệng tu một hơi đoạn khà lên một tiếng rồi nheo mắt nhìn tôi:
- Cha đập bể đầu thằng chủ quán Tô Mộc rồi!
Tôi giật nẩy người kêu thất thanh:
- Trời ơi! Sao cha đánh người ta? Ông ấy có sao không? Cảnh sát tới bắt cha thì cha làm sao?
Cha chìa ngón tay lên trời cười hà hà:
- Làm gì mà con cuống lên thế! Cha con anh hùng mà, tao dám ngồi ở quán nó cả buổi, tao dám đi gọi cảnh sát, có đứa nào dám vuốt râu cọp đâu! Bây giờ nó đang lo cho cái đầu như trái dưa bể của nó. Thằng nào thấy mặt cha, mặt mày cũng đều xanh lè hết. Con thấy cha có hách không? Ai cũng sợ cha.
Đây là cha tôi sao? Tôi buộc miệng:
- Ngay chính con còn sợ cha nữa nói chi ai!


Xin chọn danh mục VĂN HỌC để xem trang 6

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com