Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Mai Phong Trang

Cánh chim bạt gió 63____Tác giả: Quỳnh Dao

Xin chọn danh mục VĂN HỌC để xem các trang trước

Trang 63
Bàng hoàng tan trong mạch máu, người đàn bà quý phái này không chửi mắng tôi nữa sao? Niềm vui lịm vào trái tim, đôi mắt mở to ngỡ ngàng. Bà Nhã An ngắm tôi:
- Cháu ốm yếu quá! Nếu cháu hồng hào hơn cháu sẽ đẹp biết bao. Vừa thanh cao lại vừa nhu thuận. Khiết Anh quả đã không lầm.
Tôi nhẹ giọng:
- Bác đừng quá khen, thật ra cháu chỉ là một đứa con gái tầm thường.
Bà Nhã An nắm tay tôi như người từ mẫu:
- Người có lỗi là bác, bác đã làm tan vỡ tình yêu của cháu, bắt cháu phải chịu bao nhiêu cơ cực. Bây giờ bác phải đền trả cho cháu, cháu phải được sung sướng và đầy đủ.
Tôi suy nghĩ:
- Cháu không cần gì ngoài một điều: Xin bác cho cháu được ở bên cạnh Khiết Anh.
- Ở bên nó? Phương Kỳ, bác thành thật cho cháu biết Khiết Anh chỉ còn là một bi thảm, gần nó cháu chỉ bị lôi cuốn vào vực thẳm thôi.
- Cháu tin tình yêu sẽ giúp anh ấy qua cơn khủng hoảng, hơn nữa người mất một chân đâu phải đã mất hẳn cuộc sống.
- Nhưng đối với Khiết Anh lúc này đã mất hẳn cuộc sống rồi. Tình yêu của cháu chỉ làm cho nó thêm đau khổ chứ không giúp nó thuần lại được đâu.
- Bác! Nghĩa là sao?
- Nghĩa là cháu nên xa Khiết Anh.
- Xa Khiết Anh? - Tôi lắc đầu nhìn bà với ánh mắt van xin - Nếu bác không bằng lòng nhận cháu làm dâu, cháu cũng không dám cầu xin. Cháu chỉ xin bác cho cháu được kề cận chăm sóc cho anh ấy. Anh ấy đang đau khổ và cô đơn. Cháu làm sao đứng ngoài giương mắt nhìn.
- Khiết Anh bây giờ là một con sư tử hung hăng, nó không đời nào để cháu ở gần nó đâu.
- Bằng chân tình cháu tin rằng có thể khuất phục được tất cả.
- Cháu muốn là người dạy sư tử? Coi chừng đấy! Nó có thể ăn thịt cả cháu. Nó không muốn để ai thương hại mình cả. Tính nó thế nào chắc cháu đã rõ.
- Cháu không thương hại mà cháu thành tâm yêu anh ấy. Khiết Anh đang cần sự nâng đỡ, bác bận việc không thể chăm nom cho anh ấy chu đáo, mướn người làm chưa chắc đã có kết quả. Nếu Khiết Anh đã thực sự tiêu tan hy vọng thì ai sẽ kiên nhẫn chịu đựng. Bác cứ xem cháu là một đứa con gái nghèo tới xin việc làm, nếu thấy không kham nổi công việc nặng nhọc cháu có thể xin thôi dễ dàng cả mà.
- Phương Kỳ! - Bà chép miệng cười khổ - Bác cũng đành liều một phen vậy. Cầu mong cháu đạt được tâm niệm của mình.
Giã từ thế giới náo nhiệt, tôi lại chui vào một chiếc vỏ ốc như cuộc đời loài ký cư với chiếc xách tay nhỏ đựng vài thứ cần dùng và chiếc áo lụa bạch đã cũ. Tôi đến bấm chuông nhà họ Uông. Lòng bùi ngùi xao xuyến, nơi đây đã từng là lâu đài tình yêu, nhưng hiện giờ nó đang là trùng dương bao la chập chùng chờ đợi, liệu tôi có làm được chiếc thuyền vững chắc không?
Bà Lâm đón tôi với nụ cười mộc mạc hiền hậu pha lẫn ngạc nhiên. Bước chân vào phòng khách trải toàn tím, không có gì khác trước chỉ thêm có một chiếc đàn Piano phủ nhung lam ở góc phòng. Người con gái mặc áo vàng và quần nâu đang ngồi trước đàn đóng nắp chợt quay lại nhìn tôi dò xét:
- Chị Phương Kỳ! Mẹ tôi đã sang Nữu Ước để phát mại một số bất động sản. Về phần tôi, tôi muốn biết chị có ý gì khi đặt chân đến nhà tôi?
- Tôi không có ý gì khác ngoài phận sự một người được mời đến săn sóc một bệnh nhân, chắc là bà cũng cho Dạ Tú biết rõ điều đó!
Tú cười thâm trầm:
- Được rồi, tôi cũng tạm tin như vậy. Chị ráng mà giữ cho tròn bổn phận của chị nhé.
Nàng đứng dậy và trỏ tay vào chùm chìa khóa xoay tròn nó một vòng đoạn bỏ ra cửa. Bà Lâm vừa dọn phòng cho tôi vừa nói:
- Cô ấy không được dễ chịu mấy, có hơi làm phách khinh người một chút nhưng cũng tốt. Vả lại cô ấy hay đi chơi không có ở nhà, cô đừng ngại nhé cô Kỳ.
Không hiểu sao cô gái này lại có ác cảm với tôi. Sự có mặt của tôi trong căn nhà này có lẽ không được yên ổn thoải mái nhưng cũng đành chịu. Tôi cần bên cạnh Khiết Anh còn ai đối xử ra sao cũng cam tâm, lẽ sống của tôi bây giờ là chàng. Tôi đã mang tất cả tình yêu tới gặp Khiết Anh. Nhưng hỡi ơi! Niềm tin trong tôi hoàn toàn đổ vỡ. Khiết Anh đã trở thành con người khác hẳn.
Vừa nhìn thấy tôi, Khiết Anh như bị thiêu đốt, chàng vùng dậy, khuôn mặt như một khối mặt trời giận dữ:
- Phương Kỳ! Ai cho cô vác mặt đến đây hả? Đi ra khỏi phòng tôi!
Cố nuốt giận, nói với chàng bằng giọng nói ngọt dịu:
- Khiết Anh, em đến ở với anh đây, cho em sống gần anh nhé? Em muốn được săn sóc cho anh...
Rầm! Tôi giật bắn mình. Bức tượng thần bằng thạch cao trền đầu tủ bay sượt qua mang tai tôi và vào tường bể nát vụn rơi xuống lả tả, còn đang sững sờ Khiết Anh đã chồm dậy phá tất cả các thứ trên bàn ném về phía tôi. Đồng hồ, sách vở, đèn ngủ... có một vài thứ trúng vào người đau điếng. Tôi chịu đau đứng yên hứng chịu, trên bàn không còn gì để ném nữa, chàng đành nhìn tôi tuyệt vọng, phẫn hận:
- Đi ra ngay, tôi cấm cô không được đến quấy nhiễu tôi nghe rõ chưa?
Tôi ngồi xuống nhặt những mảnh đồ vung vãi đặt trở lại bàn. Đôi mắt đen van lơn:
- Đừng đuổi em, tội em mà Khiết Anh. Em muốn được chăm sóc anh, anh đừng...
Chàng gầm lên:
- Tôi xin cám ơn cô. Tôi không cần ai phải lo lắng dùm cả. Đi đi, đi xây tổ uyên ương đi, tôi cóc cần sự thương hại của cô!
- Khiết Anh! - Tôi thiết tha nắm tay chàng - Em không đi đâu hết, em không bao giờ rời xa anh cả...
- Láo! Láo! Đây không phải là hý viện cho cô đóng tuồng! Ai đã trả tiền cho cô nói những lời màu mè giả tạo đó? Mẹ tôi thuê cô tới đây thử vai trò nhân nghĩa chứ gì? Tôi chỉ mới què chứ chưa đui đâu Phương Kỳ. Tôi không dám nhận món quà bố thí của cô đâu, tôi chưa đi ăn mày mà!
- Khiết Anh!
Đôi tay bơ vơ rã rời, mắt tôi rướm lệ. Làm cách nào cho chàng đỡ giận? Khiết Anh như đám cháy lớn đổ thêm dầu:
- Lại nước mắt cá sấu, làm ơn dẹp giùm tôi cái thứ bi lụy giả tạo ấy đi, tôi chưa chết mà, đừng làm trò bịp bợm thêm chướng mắt.
Thống khổ làm buốt tim, tôi bụm mặt chạy ra cửa, chợt đứng khựng lại buông tay - Hèn nhát quá, ta định chạy hay sao? Không! Phải đối đầu với thực tại dù cá nhân có sự ê chề đến đâu đi nữa. Quay lại, tôi bước lại bên chàng khẩn thiết:
- Khiết Anh! Em đã định xa anh, em định bỏ nơi này ra đi tất cả chỉ vì anh, em không muốn cho anh khổ não thêm nữa, nhưng bây giờ không còn gì ngăn trở nữa, em nguyện ở bên anh đến trọn đời.
Khiết Anh như sực tỉnh, phút bất ngờ chàng trả lời tôi bằng ly nước tạt thẳng vào mặt:
- Đi ra!
Lần này tôi không còn đủ can đảm để đứng lại với khuôn mặt ướt nhòa, tôi gục đầu trên cánh tay dựa bức tường ngoài phòng khách bật lên tiếng khóc.

Những ngày sau đó là một chuỗi dài trăm cay nghìn đắng. Khiết Anh coi tôi như một kẻ tử thù, mỗi lần thấy tôi là chàng la hét ầm ĩ, mắng chửi tôi là đồ giả dối làm bẩn mặt chàng. Tôi có miệng mà nói chẳng nên lời trước những cơn giận dữ như bão táp phủ chụp lên đầu tôi. Chưa bao giờ tôi thấy mình vô dụng như thế này. Chẳng biết làm gì khi chàng mắng chửi, chỉ biết khóc và cam chịu.
Những lúc chàng la hét mòn hơi ngủ thiếp đi, tôi lại lén vào phòng thu lượm lại đồ đạc bị chàng phá tan hoang, lượm quần áo chàng vất lấm lem đem đi giặt. Để đền đáp công ơn tôi, khi tỉnh dậy chàng lại đập phá những gì có thể đập phá được, gõ rầm rầm vào tường đồng thời gào thét phẫn nộ. Cơm nước do bà Lâm mang lên, có khi chàng ăn chút ít, có khi chàng đá phăng xuống sàn văng tung tóe. Tình trạng này kéo dài có lẽ chàng sẽ bị kiệt sức, không biết làm cách nào thăng bằng trở lại, tôi như cũng khủng hoảng lên theo.
Hạo Bình tới nhà vào buổi tối, chàng nhìn nét mặt tôi buồn rười rượi thở dài:
- Em định chui vào lửa đến bao giờ nữa hả Kỳ?
Tôi đáp nhỏ trước khi bỏ đi:
- Cho đến ngày em cháy thành tro
Đứng trước cửa phòng đóng kín của Khiết Anh, bao nhiêu nghị lực lại tan rã như mảnh ván thuyền. Chàng đang làm gì bên trong? Chàng có đau khổ như tôi không?
Ba ngày qua tôi không dám gặp mặt Khiết Anh nữa, chỉ đứng chờ chực bên cửa như kẻ tôi đòi. Bà Lâm đem cơm vào, từng tiếng nặng nề như từng nhát búa gõ vào tim tôi, giọng nói của chàng chán chường:
- Bà Lâm, Phương Kỳ đâu? Nàng bỏ đi rồi phải không?
Bà Lâm còn ấm ờ, chàng đã cười chua chát:
- Cũng may là nàng khá thông minh nên đã bỏ đi sớm. Nếu không, có ngày nàng sẽ phải chết sớm vì tôi. Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt ấy, tôi lại không giữ được bình tĩnh, đáng hận thật!
Yên lặng một lát chàng lại tiếp:
- Bà để đó, lát nữa tôi sẽ ăn, bây giờ bà đi ra, tôi muốn ở một mình.
Trở về căn phòng nhỏ ở đầu cầu thang, tôi ngồi đếm từng hạt của tấm sáo dài treo nơi cửa sổ, đêm đã khuya rồi tôi vẫn ngồi đó. Giờ này Khiết Anh đã ngủ chưa? Khoảng cách giữa tôi và chàng thật ngắn mà thật xa xôi muôn trùng. Biết làm sao hút sạch được nước biển để xóa sạch đại dương ngăn cách.
Đột nhiên trong đêm khuya thanh vắng, một tiếng động lịch kịch vang lên phá tan sự tĩnh mịch. Tiếng nạng của Khiết Anh! Tôi tắt vội ngọn đèn nhạt nhìn ra. Đứng dưới ánh sáng mờ mờ hành lang, bóng chàng gầy gầy in rõ. Khiết Anh đang tập sử dụng đôi nạng gỗ một cách vụng về. Chàng chập choạng bước đi, hơi thở mệt vang đến tận tai tôi. Vai nhô cao, một bên ống quần trống rỗng phất phơ, dáng người nghiêng đổ với những bước ngắn không vững. Hình ảnh đáng thương ấy làm tim tôi nhói đau. Chàng không muốn ai nâng đỡ cả hay sao?
Khiết Anh nặng nề nhích đến đầu cầu thang. Chàng dừng lại dùng tay áo gạt mồ hôi trên trán rồi lại tiếp tục lần đi xuống thang lầu. Tôi bật dậy lao nhanh ra hành lang, xuống cầu thang không phải dễ, không khéo... Quả nhiên, một tiếng động vang rầm. Khiết Anh đã bị ngã rồi, tôi chạy vội xuống xót xa.
- Khiết Anh!
Chàng đang lồm cầm bò dậy, chiếc nạng văng ra một góc, có lẻ cái té không làm Khiết Anh đau bằng sự hiện diện của tôi, những thớ thịt trên mặt chàng co rút, tiếng nói bàng hoàng:
- Phương Kỳ! Em vẫn chưa đi sao?


Xin chọn danh mục VĂN HỌC để xem trang 64

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com