Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Mai Phong Trang

Cánh chim bạt gió 66____Tác giả: Quỳnh Dao

Xin chọn danh mục VĂN HỌC để xem các trang trước

Trang 66
Con sâu đáng kiếp được vứt vào bụi cây. Khiết Anh vẫn chưa buông tay tôi ra. Thở phào một hơi hoàn hồn rồi tôi mới mắc cở về thái độ nhút nhát của mình, mặt nóng lên len lén nhìn Khiết Anh, chàng đang cười, lâu lắm rồi tôi mới thấy chàng cười. Nụ cười như ánh dương ấm áp thấm nhuần cây cỏ, làm sáng sủa hẳn khuôn mặt u tối của chàng. Tôi ngây người nhìn chàng cười sung sướng đến phát khóc lên được. Cảm giác dịu ngọt thấm dần vào tim, xin cám ơn chú sâu.
Nụ cười trên môi Khiết Anh chợt tắt, chàng lại khô khan như cũ:
- Chúng ta vào nhà đi! Nắng đã lên cao rồi!
Tình yêu như một thứ nước màu nhiệm làm tâm hồn kết hoa, như đất cằn khô gặp cơn mưa xuân. Tôi như thấy mình sống lại thưở ban đầu của tình yêu. Khiết Anh bớt cau có, chàng bắt đầu biết cười dù chỉ là thoáng qua mỗi khi nhìn thấy tôi. Thời gian không dành cho những phút trầm tư câm nín nữa. Chàng ngồi ở bàn chăm chú soạn nhạc, những mảnh giấy ghi những nốt nhạc rối rắm vứt lung tung trên sàn nhà làm tôi thu lượm muốn hụt hơi. Có lúc tôi gặp chàng ôm đàn ghi-ta bấm những tiếng đàn nhẹ với nét mặt say mê hoặc buộc miệng hát nho nhỏ. Tôi vui mừng nói với bà Nhã An:
- Bác thấy không? Anh ấy bắt đầu yêu đời và vui sống trở lại!
Điều kỳ lạ là mẹ chàng vẫn giữ vẻ hoài nghi và bi quan:
- Bác nghĩ là Khiết Anh muốn để lại một cái gì đó
- Cháu không hiểu
- Cháu không nên tìm hiểu. Bác biết nó có đủ can đảm, nó không muốn mọi người chung quanh chịu khổ theo. Có nhiều điều chúng ta biết sẽ thấy đau đớn, thà đừng biết còn hơn!
Tôi không khỏi hoang mang, bà giấu những gì sau những lời đó? Hình như sự tình không phải đơn giản như tôi tưởng. Bà Nhã An ngẫm nghĩ một lúc rồi chợt hỏi:
- Phương Kỳ! Cháu muốn làm vợ Khiết Anh không?
Mặt tôi đỏ ửng:
- Bác cũng hiểu đó là điều mong mỏi duy nhất của cháutu72 lâu rồi mà.
- Nhưng bây giờ làm vợ Khiết Anh chỉ còn là đau khổ, cháu có bằng lòng không?
- Cháu vẫn bằng lòng. Vả lại cháu không tin hôn nhân giữa cháu và anh ấy sẽ đưa đến đau khổ.
Bà vẫn buồn dàu dàu:
- Rồi cháu sẽ thấy! Hơn nữa bác sợ rằng Khiết Anh không dễ dàng chịu kết hôn với cháu đâu!
Tôi kinh ngạc:
- Chẳng lẽ anh ấy đã hết yêu cháu? Cháu không tin.
- Có nhiều điều bắt buộc chúng ta phải tin Phương Kỳ à!
Buổi tối hôm ấy, một buổi tối trời khô ráo và mát mẻ, trong phòng khách vắng người và yên tĩnh. Ngoài vườn tiếng lá xào xạc hòa tiếng ve ngân nga đều đều. Khiết Anh ngồi ở ghế fauteille rộng, chàng tỳ tay vào thành ghế hút thuốc mơ màng, tôi loay hoay bên chiếc máy hát, tìm dĩa nhạc " Hỏa điểu" đặt lên, âm thanh êm đềm uyển chuyển tỏa lan khắp phòng. Bà Nhã An gấp tờ tạp chí đang coi lại, bà hết nhìn tôi lại nhìn Khiết Anh, sau cùng bà từ tốn gọi:
- Phương Kỳ! Con lại đây bác bảo!
Tôi hồi hộp đi tới. Bà đứng dậy với nụ cười hiền hậu đặt tay lên vai tôi và trang trọng nói:
- Phương Kỳ! Trước mặt Khiết Anh bác muốn công nhận cháu là con dâu chính thức của bác.
Khiết Anh như chiếc lò xo bật tung lên rồi lại rơi xuống, chàng hét lớn:
- Mẹ! Mẹ... mẹ có điên không?
Chưa bao giờ tôi thấy Khiết Anh dám vô lễ với mẹ như vậy. Chàng tỏ vẻ cực kỳ kích động, tay bám vào thành ghế, dằn mạnh giọng:
- Không! Không thể có chuyện đó được!
Bà Nhã An vuốt tóc con trai như thể chàng là một cậu bé:
- Con làm gì mà la lớn thế? Con hãy bình tỉnh đi. Trước kia con đã dùng mọi cách cưới Phương Kỳ cho bằng được kia mà! Bây giờ đâu còn gì ngăn trở ý nguyện của con?
- Trước kia là chuyện khác, mẹ đã rõ nguyên do, còn đặt con vào tình thế này làm chi?
- Vì biết rõ nên mẹ mới quyết định như vậy. Khiết Anh! Mẹ muốn đem lại cho con niềm tin, bằng hy vọng chúng ta hãy sống cho trọn vẹn những giây phút nào có thể sống được, tại sao con không xây dựng hạnh phúc với người con yêu?
- Nhưng con không chấp nhận Phương Kỳ làm vợ con. Không bao giờ.
Tai tôi ù đi, chàng không muốn tôi được làm vợ chàng? Tại sao?Tại sao? Nước mắt rơi xuống vạt áo, tôi đưa tay tay lên miệng cắn chặt để ngăn những tiếng thổn thức. Mẹ chàng vẫn trầm buồn:
- Con đừng quên con là kẻ nối dõi duy nhất của dòng họ Uông.
Khiết Anh khổ sở:
- Con xin mẹ! Mẹ đừng nhắc nhở đến bổn phận của con nữa! Làm ơn cho con yên!
Chàng đứng vụt dậy, trong lúc xúc động đã quên mất tình trạng khiếm khuyết của đôi chân. Tôi vừa kêu được hai tiếng: Khiết Anh! Chàng đã ngã nhào. Đỡ vội chàng, tôi khóc:
- Khiết Anh!
Dìu chàng trở lại ghế ngồi, tôi vừa khóc vừa bỏ đi. Khiết Anh nhoài người theo chụp lấy tay tôi kéo mạnh:
- Phương Kỳ! ...
Vòng tay chàng xiết chặt tấm thân mềm yếu. Tôi vẫn cắn móng tay nức nở khóc. Những ngón tay run rẩy của Khiết Anh xoa lên mặt tôi:
- Đừng khóc nữa Kỳ ơi! Nhìn em khóc anh không chịu nổi đâu.
Mặt chàng đã kề sát, đôi mắt thấp thoáng bóng lệ. Chàng gỡ nhẹ tay tôi ra khỏi miệng, môi chàng đã bịt kín tiếng nấc nghẹn. Không gian như tan loãng, linh hồn chợt thoát xác bay bổng lên theo lời ca " Hỏa điểu", cảm giác ngọt ngào in đậm trên môi, nụ hôn đắm say như phép lạ đã gắn chặt hai cô đảo buồn phiền. Nước mắt chợt khô đi. Đây là giây phút diễm tuyệt xóa tan tất cả buồn tủi trong lòng tôi hơn hai tháng qua. Chúng tôi hôn nhau quên cả trời đất, quên sự hiện diện của mẹ chàng. Thật lâu mà Khiết Anh vẫn không chịu buông tôi ra, môi vẫn không rời nhau. Tôi là kẻ thức tỉnh trước, khẽ đẩy chàng ra:
- Thôi đi anh! Mẹ nhìn kìa!
- Mẹ không cười đâu!
Chàng cười nhẹ, ngón tay mân mê làn môi đỏ thắm của tôi như để xin lỗi. Tôi ngước mắt nhìn, làn mi cong vút nhìn chàng ngây thơ:
- Vậy mà em tưởng anh ghét em lắm chứ!
- Anh không bao giờ ghét em nổi cả!
- Thế sao anh không bằng lòng cho em làm vợ anh?
Bóng tối lại trở về trên khuôn mặt Khiết Anh:
- Vì anh yêu em! Hôn nhân và tình yêu trong trường hợp này khác hẳn nhau. Anh không muốn em phải khổ.
- Bên anh em có bao giờ thấy khổ đâu? Hôn nhân với em là tuyệt đỉnh của tình yêu, bao giờ em cũng chỉ mơ ước được làm vợ anh thôi!
Khiết Anh vẫn lắc đầu:
- Nhưng anh không bằng lòng! Dù em có khóc bao nhiêu cũng không lay chuyển được ý anh đâu!
Tôi đặt tay lên đầu gối chàng:
- Em biết rồi ! Có phải tại cái chân này không?
Chàng cười buồn bã:
- Anh không muốn em phải chịu đựng một người chồng tàn phế vô dụng, anh chỉ là cái bướu nặng nề cho em thôi Kỳ à!
- Nhưng lạc đà đã sống nhờ cái bướu của nó!
- Em không phải là lạc đà thì dại dột gì bắt chước nó làm chi? Em dễ khóc như thế này, anh nỡ nào để em khóc hận sau này!
- Nếu anh bằng lòng lấy em, thì em sẽ không bao giờ khóc nữa đâu!
Chàng thoáng vẻ thê lương:
- Không được đâu Kỳ!
Mẹ chàng đột nhiên bước tới trầm giọng:
- Thôi đủ lắm rồi! Con đừng có cứng đầu như thế nữa! Mẹ lấy quyền làm mẹ bắt con phải tuân lời! Nếu con cãi mẹ thì đừng gọi mẹ là mẹ nữa!
Bà đặt bàn tay nhỏ bé của tôi vào trong tay Khiết Anh bắt chàng nắm chặt, đoạn nghiêm nghị nói:
- Phương Kỳ! Khiết Anh! Kể từ giờ phút này hai con chính thức là vợ chồng! Mẹ sẽ tổ chức hôn lễ ngay ngày mai.
Tôi sung sướng muốn vỡ tim trong khi Khiết Anh nhăn nhó trông đáng ghét chi lạ, mẹ chàng nói tiếp:
- Nếu con còn bướng bỉnh nữa thì chính con làm khổ nó đó!
Bà ra khỏi phòng. Còn mình tôi với chàng, tôi níu cổ chàng nũng nĩu:
- Anh nghe mẹ nói chưa?
Chàng như chiếc bong bóng hết hơi, thở dài thườn thượt:
- Thôi được rồi! Anh đành là kẻ thua cuộc vậy!
Thế là kẻ thua cuộc và người thắng cuộc lại quấn quít với nhau trong cái hôn mê đắm. Tôi đã chinh phục những khó khăn để hoàn thành được tâm nguyện của mình rồi!

***
Câu chuyện không phải đến đây là kết thúc vì nếu mọi chuyện trên đời này đều đơn giản thì nước mắt con người đâu có tạo thành ngũ đại dương.
Hôn lễ của tôi và Khiết Anh được cử hành trong vòng thân hữu và hết sức đơn giản. Khiết Anh có vẻ ngượng ngùng lẩm bẩm:
- Anh có cảm tưởng mình là chú rể kỳ cục nhất trên đời!
Tôi ghé sát tai chàng nói thầm:
- Nhưng lại là chú rể dễ thương nhất trần gian này đó!
Chàng cười, đưa tay sửa chuỗi hạt trai lấp lánh trên chiếc cổ trắng ngần như ngọc của tôi:
- Còn em là cô dâu xinh đẹp nhất thế giới!
Tôi chớp mắt:
- Rồi cuối cùng em cũng được làm cô dâu hở anh? Em muốn biết trong lần thành hôn trước anh có tâm trạng ra sao?
Chàng thoáng hồi tưởng rồi nhún vai:
- Anh không rõ! Hình như anh không mảy may xúc động thì phải!
- Còn hôm nay?
- Anh muốn cắn em một cái!
Tôi vội lùi lại nghiêm chỉnh:
- Thôi đi. Anh lúc nào cũng vậy không hà. Bây giờ chúng ta đi ra, nếu không người ta sẽ cười nhạo cho đó!


Xin chọn danh mục VĂN HỌC để xem trang 67

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com