Nếu để chỉ ra một thứ gia vị chung cho con người và đất đai, thì tôi sẽ nói đó là muối. Âu cũng bởi sự mặn mà, ở bất kỳ đâu đều cần thiết và có ý nghĩa.
Hồi trước, người quê làm nhà chủ yếu nền đất. Để cho đất nén được chặt thì phải vãi muối hột lên trên rồi dùng cái chầm nện xuống. Nếu không vãi muối thì mặt nền luôn có một lớp bụi quét mãi vẫn còn; hoặc vào mùa hạ thì nền đất bị nẻ ra do thời tiết khô khan. Muối từ đó là thứ keo kết nối.
Mỗi lần đặt mâm lên cúng, bao giờ ông nội cũng nhủ để một chén muối hạt bên cạnh chén gạo. Chén muối khi ấy là thức cúng để cáo với thần linh tiên tổ, đại ý mong muốn ơn trên phù hộ cho con cháu sống tình cảm mặn mà. Trong bài hát Quảng Trị Yêu Thương, nhạc sĩ Trần Hoàn cũng từng viết "nhớ những ngày hạt muối cũng chia đôi" để tô đậm tình cảm san sẻ của nhân dân Bình Trị Thiên thời khói lửa, và cho đến hôm nay vẫn vậy!
Người Quảng Trị có cách nói đùa hóm hỉnh thế này. Hễ cứ thấy ai nấu ăn bị mặn là trêu: "Ngày ni ngoài chợ mua một bao muối được tặng thêm một bao muối à?". Có bữa mạ o Vi nấu keng bù bị mặn. O Vi nói trêu: "Mạ ơi, con nghe nói ngày ni ngoài chợ mua một bao muối được tặng thêm một bao muối phải không?". Mạ o Vi buồn lắm nhưng chỉ mắng yêu: "Rứa thì đi tìm ai nấu không mặn mà kêu Mạ!". Chao ôi, quả là một bài học thấm thía mặn mòi như... muối! Có ai biết rằng, người quê tôi nấu chi cũng "giả đò" lỡ tay cho nhiều muối để ăn cho đỡ thức ăn, tại nghèo khó mà ra rứa đó.
Ai đã từng ăn mắm của người Quảng Trị mới biết cái mặn, mặn kinh khủng! Mắm không mặn răng gọi là mắm được? Mắm cà, mắm chêng, mắm đu đủ, mắm thính... đều mặn. Muối đem vào làm mắm phải là muối hột. Người làm mắm phải là người "có tay", bởi nếu không thì hũ mắm sẽ hỏng. Cái hay của muối trong hũ mắm là ở chỗ, cứ mắm càng mặn càng để được lâu. Muối từ đó thành ra chất liệu để giữ gìn.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần bị ngã hay va đầu vào tường, mạ đều nhai một ít muối hột rồi xát lên chỗ xa bị xướt đó. Muối khi ấy là liệu thuốc giảm đau và giúp da không dính vết sẹo. Từ đó tôi biết thêm rằng, hạt muối mặn mòi kia còn có thể tẩy gột những điều không mong muốn.
Khi sang xứ lạnh, tôi gặp lại hành động nêm muối ấy. Vào mùa tuyết rơi, người ta đẩy những xe chở muối vãi dọc lối đi. Tuyết nén chặt thường hoá băng rất trơn trượt, phải vãi muối vào để làm cho mặt lối đi có độ nhám. Khi đó, muối thành ra thứ gia vị giúp con người đứng vững giữa cuộc đời.
***
Người Việt mình vốn quý trọng tình cảm, hễ nhắc đến tình cảm luôn có thêm hai chữ "mặn mà". Ừ, hai chữ ấy cũng từ muối mà ra! Bởi muối là thứ gia vị kết nối, giữ gìn và nâng đỡ nhau
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com