Live to Learn-Live to Fight  & Live to Love

CT

   Trong: Diary
 

Chú rể Tây và cô gái mù

Đoạn kết của mối tình vượt qua nửa vòng trái đất, ngôn ngữ và bất hạnh

TT - Nếu bạn tình cờ gặp một người đàn ông nước ngoài cùng một cô gái vừa mù, vừa mất một cánh tay dìu nhau đi trên đường phố Sài Gòn, có thể đó là Donald Lee Jones và Trần Thị Minh Tuyết. Tình yêu của đôi uyên ương ấy đã vượt qua nửa vòng trái đất, ngôn ngữ và bất hạnh.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

 

Tin Minh Tuyết có chồng làm ấm áp cả thôn nhỏ Xuân Sơn, xã Xuân Trường, ngoại ô TP Đà Lạt. Những người từng hoài nghi về một kết thúc có hậu cho cô "lọ lem" bị mù hai mắt và cụt một cánh tay ấy cũng an lòng cầm trong tay tấm thiệp hồng. Kỳ diệu hơn, chú rể là một người bình thường đã đi tìm cô dâu qua nửa vòng trái đất.

Đám cưới xa

Người mẹ dìu con gái xúng xính trong chiếc áo cưới đi về phía bàn thờ gia tiên. Đôi mắt cô dâu được gắn mi giả cong vút như những người sáng mắt, nhưng cô phải lần dò từng bước. Một cùi tay cô buông hững hờ trong tay áo chiếc áo dài màu hồng của hoa tường vi. Nhìn cảnh ấy, chú rể bật khóc. "Cô ấy đẹp quá!" - anh nói khẽ với giọng tiếng Việt lơ lớ. Dù anh là người Mỹ nhưng lễ cưới vẫn diễn ra theo phong tục VN. Khi nhìn bốn ngón tay còn lại của cô dâu lần tìm ngón áp út của chú rể để đeo nhẫn, mắt nhiều vị khách cũng đỏ hoe.

Đó là cảnh của lễ cưới diễn ra sáng 10-5 tại một ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cuối một con dốc ở ngoại ô TP Đà Lạt. Tại nơi này 22 năm trước, một tiếng nổ kinh hoàng của quả mìn còn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi ánh sáng và một cánh tay của Trần Thị Minh Tuyết. Khi ấy Tuyết là một cô bé 7 tuổi, hồn nhiên, thông minh và có giọng hát trong veo như tiếng suối.

Tai nạn xảy ra, ai cũng nghĩ Tuyết sẽ chôn vùi cuộc đời mình trong góc nhà. Thế nhưng... Khóc. Tuyệt vọng. Rồi gượng đứng dậy. Cô bé ấy đã miệt mài học chữ nổi, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Như bao người bình thường khác, cô thi vào Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngành tiếng Anh. Một lần nữa, không ai tin cô gái ấy có thể học một ngành học gai góc vốn không ưu ái cho người không nhìn thấy ánh sáng. Và một lần nữa, sau khi cầm tấm bằng cử nhân ngoại ngữ, sau khi nhận nhiều cái lắc đầu, Tuyết cũng tìm được cho mình một chỗ làm: tư vấn viên về bảo hiểm xe hơi cho một công ty tư vấn bảo hiểm của Pháp.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ

Cô dâu Minh Tuyết (bìa phải) lần bước đến trước bàn thờ gia tiên - Ảnh: Yến Trinh

Một ngày tháng 5-2007, trong dịp đi du lịch, người đàn ông vừa bay từ nửa vòng trái đất tìm đến công ty tư vấn bảo hiểm xin gặp Minh Tuyết. Anh mang theo hai thanh sôcôla. Anh định dành cho người bạn quen qua mạng Internet ấy sự bất ngờ.

Thế nhưng nhìn cô gái nhỏ bé lần dò đến trước mặt mình, anh bật khóc. Chính người đàn ông ấy bị bất ngờ! Mặc dù đã nghe cô bạn mới kể về bản thân nhưng anh vẫn không tin vào mắt mình. Đặc biệt là nụ cười. Sao cô ấy có thể cười trong khi cô đã gặp nhiều bất hạnh như thế?! Đó là ấn tượng không thể phai trong lòng người đàn ông ngoại quốc.

Anh mang theo nụ cười ấy về Mỹ. Anh kể thật nhiều với bạn bè, với họ hàng về cô gái kỳ lạ mà anh đã gặp ở VN. Ban đầu, anh chỉ nghĩ quen và xem Tuyết như em gái nhưng qua lời kể, ai cũng bảo anh đã yêu rồi. Người đàn ông đã bước qua tuổi 60 chợt nhận ra những mầm xanh của niềm yêu đời đang bén rễ trong tâm hồn từ lâu chai lì cảm xúc. Anh cũng nhận ra mình đã yêu. Người đàn ông ấy thường xuyên lên mạng nhờ Tuyết dạy tiếng Việt. Và bảy tháng sau, anh quyết định sang lại công ty đang làm về sửa chữa xây dựng, cho thuê căn nhà để xách vali sang VN.

Anh thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Mỗi ngày bốn buổi, anh tình nguyện đưa đón Tuyết đi làm. Lúc mới sang VN, chưa rành đường đi, chưa có bằng lái xe máy nên anh dắt cô đi bộ hoặc đi xe buýt. Thời gian còn lại anh học tiếng Việt và hạ quyết tâm "chinh phục" ba mẹ Tuyết.

Ba thở dài. Mẹ lắc đầu khi nghe tới Lee. Vừa mừng cho con có được nơi nương tựa nhưng vừa lo vì Lee lớn hơn Tuyết nhiều tuổi, bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa. Vậy là anh chàng ngoại quốc bắt đầu học phong tục VN, học nấu ăn kiểu VN, kể cả tập ăn mắm tôm, mắm tép. Ngày tết, Lee xách giỏ lên nhà Tuyết ăn tết VN. Lúc ba mẹ Tuyết ra rẫy, anh cũng vác cuốc cùng trồng sú, trồng hoa. Khi sửa nhà, anh cũng sửa điện, trộn hồ… Và cuối cùng, tiếng gọi "ba, má” của chàng trai ngoại quốc đã được chấp nhận.

Sang VN để cưới vợ!

Bây giờ ai hỏi Lee sang VN làm gì, anh đều trả lời bằng một câu tiếng Việt giản dị: "Qua đây lấy vợ!". Nhìn cảnh anh đi chọn từng hạt pha lê, từng hoa thêu đính trên chiếc áo dài cưới, chải từng lọn tóc cho vợ, có lẽ không còn ai nghi ngại về tình yêu ấy. "Không mắt, không tay không quan trọng, quan trọng là chúng tôi yêu nhau" - chàng rể Tây trả lời trong đôi mắt long lanh.

Rời ngôi nhà gỗ ở cuối con dốc nhỏ dài hun hút, tôi nhớ bàn tay của chú rể luôn nắm chặt cùi tay không ngón của cô dâu. Anh kể: "Khi đi trên đường, tôi thấy nhiều ngưi có vẻ sợ cô ấy. Tôi không hiểu. Họ không biết rằng giá trị con người không ở cánh tay hay đôi mắt mà nằm ở khối óc và trái tim. Tôi yêu những suy nghĩ và cuộc sống của cô ấy. Chúng tôi sẽ ở lại VN và muốn giúp đỡ những người khuyết tật". Và tôi nhớ đến tâm nguyện của anh khi nhìn những vườn trà và hoa trải ngút ngàn. Đó là: "Tôi sẽ kể cho cô ấy những gì tôi thấy. Cô ấy chưa bao giờ dám chạy. Tôi sẽ nắm tay cô ấy chạy trên bãi biển và những cánh đồng...".




Không jì là ko thể nhé các bạn.


 

> Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

piachan
Họ tên: NTN
Nghề nghiệp: Sinh viên
Sinh nhật: : 22 Tháng 12 - 1989
Nơi ở: HCMC
Yahoo: shakespeare_a18  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
Anh sẽ là dòng sông Để em là biển rộng Anh sẽ là gió lộng Để em là mây bay Anh sẽ là nắng mai Để em là hoa đỏ Anh sẽ là Lối Nhỏ Để em bước vào đời



Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2025 VnVista.com