Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Quang te`o's Blog

Hot!!!Chuyện từ làng Hạ Bình

Chuyện từ làng Hạ BìnhSmilie

Sau hơn ba thập niên theo đuổi nền kinh tế thị trường, Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức: ô nhiễm môi trường gia tăng, nạn tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản rơi vào nguy cơ “nổ bong bóng”... Tại làng Hạ Bình (tỉnh Phúc Kiến), ô nhiễm môi trường từ một nhà máy đã “đánh” trực tiếp vào đời sống người dân, buộc họ phải lên tiếng mạnh mẽ.

Những mảng tối này được phản ánh trong loạt phóng sự của các nhà báo tờ Wall Street Journal (Mỹ) vừa đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer 2007.

Kỳ 1: “Cuộc chiến” của “bác sĩ chân trần”

Bác sĩ Trương Trường Kiến - Ảnh: WSJ
TT - Trong suốt năm năm qua, người dân ở làng Hạ Bình, huyện Bình Nam, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã quen với hình ảnh một người đàn ông chân mang dép nhựa, tay cầm máy ảnh rảo quanh khu vực Nhà máy Vinh Bình để chụp những tấm hình làm bằng chứng tố cáo việc nhà máy này thải hóa chất ô nhiễm xuống sông.

Đó là bác sĩ Trương Trường Kiến, người đã vận động nông dân đương đầu với nhà máy sản xuất hóa chất kali chlorate lớn nhất châu Á và bước đầu giành thắng lợi.

“Erin Brockovich” của Trung Quốc

Tại làng Hạ Bình, Trương Trường Kiến được biết đến với biệt danh thân mật là “bác sĩ chân trần”, vì ông thuộc diện bác sĩ được chính phủ đào tạo để khám chữa bệnh cho dân làng ở vùng sâu vùng xa, nơi mà các bác sĩ được đào tạo chính qui ít đặt chân đến. Bác sĩ Trương đến làng Hạ Bình vào năm 1984 và làm việc từ đó đến nay. Khoảng cuối thập niên 1990, ông bắt đầu nhận thấy có sự gia tăng đột biến một số loại bệnh ở người dân, như bệnh dạ dày, dị ứng da và hô hấp.

Đáng lo ngại hơn, số trường hợp chết vì ung thư chiếm đến hơn một nửa số ca tử vong vì bệnh ở làng Hạ Bình từ năm 1999-2001. Trong số 24 trường hợp tử vong có đến 17 người chết vì ung thư, trong khi từ năm 1990-1994 chỉ có một người chết vì bệnh ung thư. Xem lại những ghi chú viết tay của mình, bác sĩ Trương sửng sốt khi biết sự thay đổi đó xuất hiện sau khi Nhà máy Vinh Bình bắt đầu hoạt động ở đây.

Đến cây lúa cũng không sống nổi: lúa trồng ở gần Nhà máy Vinh Bình (phải) bị còi cọc, kém phát triển so với lúa trồng ở nơi khác - Ảnh: GreenChina

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những vấn nạn đáng quan ngại nhất từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Theo ước tính của chính phủ, các đô thị và nhà máy đổ ra 40-60 tỉ tấn nước thải và rác vào ao hồ và sông ngòi mỗi năm.

Khoảng 30% con sông của Trung Quốc bị ô nhiễm đến nỗi không thể phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Khoảng 300 triệu người không thể tiếp cận nguồn nước sạch để uống. Nước ô nhiễm của Trung Quốc còn trở thành một vấn đề mang tính quốc tế vì chúng theo các dòng chảy sang Nga và những vùng khác của châu Á.

Nhà chức trách huyện Bình Nam thừa nhận Nhà máy Vinh Bình chịu trách nhiệm trong vụ làm ô nhiễm dòng sông ngay từ những năm đầu hoạt động, nhưng vì là đơn vị đóng đến 1/3 thuế cho địa phương và tạo nhiều công ăn việc làm nên quan chức địa phương thường viện dẫn đó là lý do để phản đối việc đóng cửa nhà máy!

Nhà máy Vinh Bình lúc trước đặt tại Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến. Đến năm 1994, giới chức trách quyết định dời nhà máy về Hạ Bình để tận dụng nguồn thủy điện giá rẻ và thúc đẩy phát triển kinh tế cho làng Hạ Bình. Là nhà máy sản xuất kali chlorate (một loại hóa chất dùng trong thuốc tẩy, pháo hoa…) lớn nhất châu Á, hằng ngày Vinh Bình thải ra sông một khối lượng khổng lồ chất chromium-6 và tuôn ra một lượng lớn chlorine từ các ống khói.

Theo Trung tâm điều tra môi trường tỉnh Phúc Kiến, hàm lượng chromium-6 trong mẫu nước thải của Vinh Bình cao gấp 20 lần hàm lượng cho phép của nhà nước. Khoa học đã chứng minh hít phải chromium-6 có thể dẫn đến ung thư phổi. Theo chính quyền Mỹ, nếu hóa chất này được hấp thụ vào cơ thể sẽ gây tổn hại đến dạ dày, thận và gan.

Không lâu sau khi Vinh Bình đi vào hoạt động, dân làng bắt đầu than phiền chất thải trong nước sông ảnh hưởng xấu đến mùa màng của họ. Những cây tre là nguyên liệu sản xuất tăm và đồ chơi bắt đầu héo úa và chết dần. Ở hạ lưu con sông của làng Hậu Long, tôm cá trở nên thưa thớt, từ sông thường bốc lên một mùi kỳ lạ và mặt sông thỉnh thoảng xuất hiện những lớp váng màu xanh lục.

Năm 1999, sau khi tìm hiểu rõ ngọn ngành, bác sĩ Trương Trường Kiến vận động một nhóm nông dân tiến hành chiến dịch viết thư gửi lên chính quyền. Ông cho biết ông lấy cảm hứng từ phim Erin Brockovich, một bộ phim dựa trên chuyện có thật về một người phụ nữ vận động người dân đấu tranh đòi công lý do bị ô nhiễm hóa chất ở California (Mỹ).

Điều trùng hợp là những người trong phim cũng bị ảnh hưởng bởi hóa chất chromium-6 như người dân ở làng Hạ Bình. “Tôi nghĩ rằng nếu các vị lãnh đạo biết về chuyện này thì họ sẽ tìm cách khắc phục” - bác sĩ Trương nói. Không phải thư nào cũng được hồi âm, nhưng “bác sĩ chân trần” vẫn kiên trì làm cho ra lẽ. Cứ một lá thư không phản hồi, ông lại gửi đơn khiếu nại lên một cấp chính quyền cao hơn.

Trời không phụ lòng người, năm 2001, khi đơn khiếu nại của bác sĩ Trương được gửi lên cơ quan môi trường cao nhất của Trung Quốc thì ông nhận được thư trả lời. Cơ quan này yêu cầu ông tổ chức một cuộc khiếu nại chính thức. Và bác sĩ Trương ngẫu nhiên trở thành một “Erin Brockovich” thứ hai, thực hiện lại đúng những việc mà người phụ nữ này đã làm để đòi công lý. Ông vận động dân làng ký tên kêu gọi Nhà máy Vinh Bình phải ngưng thải hóa chất. Bản sao của tờ đơn thu thập chữ ký vẫn còn được ông giữ tại nhà, trên đó có cả dấu vân tay lăn bằng mực đỏ bên cạnh chữ ký của người dân. Cũng như Erin, bác sĩ Trương cũng thu thập mẫu đất và nước, chụp ảnh những rặng tre chết rồi đăng lên trên trang web của mình.

1.721 người tham gia vụ kiện

Chỉ một năm sau đó, những nỗ lực của bác sĩ Trương đã thu được kết quả. Dân làng tổ chức chiến dịch phát tờ rơi dài ba ngày bên ngoài trụ sở chính quyền huyện Bình Nam, thu hút sự chú ý của báo chí cả nước và trở thành đề tài của một loạt phóng sự điều tra trên đài truyền hình quốc gia. Mùa hè năm đó, Vinh Bình bị liệt vào danh sách 55 nhà máy gây ô nhiễm nhiều nhất Trung Quốc.

Vụ việc đã tạo được độ rung xã hội lớn chưa từng thấy, Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân ô nhiễm ở Bắc Kinh quyết định vào cuộc để giúp dân làng Hạ Bình khởi kiện nhà máy. Dân làng cùng nhau hùn tiền để trả chi phí xét nghiệm vốn lên đến hàng nghìn USD. Mỗi khi thấy chất lỏng hóa học đổ xuống sông, họ lại thu thập chúng đựng trong những chai nhựa phục vụ vụ kiện. Cuối cùng, đã có 1.721 dân làng tham gia vụ kiện này, số lượng lớn nhất trong một vụ kiện liên quan đến môi trường trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, không may mắn như những nạn nhân trong phim Erin Brockovich được bồi thường đến 333 triệu USD, người dân ở làng Hạ Bình chỉ nhận được một số tiền rất ít. Ban đầu, một tòa án cấp huyện xét xử nghiêng về nông dân nhưng đưa ra mức bồi thường rất thấp. Cả hai bên cùng kháng án. Đến tháng 3-2006, tòa án tỉnh Phúc Kiến ra phán quyết buộc Vinh Bình bồi thường thiệt hại 85.000 USD cho những người dân bị ảnh hưởng hóa chất ở sông Hạ Bình, vẫn còn quá thấp so với mức 1,7 triệu USD mà bên khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Tính ra, sau nhiều năm trời theo đuổi vụ kiện, mỗi nông dân chỉ được bồi thường khoảng 50 USD. Đối với bà Từ Thạch Liên, một dân làng bị ung thư, việc thắng kiện chẳng giúp an ủi được bao nhiêu. “Cho dù có được bồi thường thì cũng đã muộn quá rồi. Chẳng đủ để chữa bệnh, chẳng đủ để trả lại tôi sức khỏe” - bà nói. Với một người kiếm sống bằng nghề bán tạp hóa như bà, số tiền bồi thường quả thật chẳng thấm vào đâu.

Dù sao vụ kiện cũng đã đem lại những thay đổi tích cực cho đời sống người dân và việc trồng trọt ở đây. Bác sĩ Trương cho biết số ca ung thư đã giảm và cây cối đã mọc trở lại trên những ngọn đồi một thời cằn cỗi. Tuy nhiên, ông biết “cuộc chiến” của mình vẫn chưa kết thúc. Khi mà những cây tre mới mọc vẫn còn khẳng khiu, khi mà dân làng còn khó khăn tìm đầu ra cho các loại rau họ trồng do người tiêu dùng vẫn còn tâm lý lo sợ, thì ông còn tiếp tục đối đầu với nhà máy. Vì một lý do đơn giản, như lời ông nói: “Tôi là bác sĩ, đây là trách nhiệm của tôi”.

SHAI OSTER - MEI FONG (Wall Street Journal)
(Sơn Nguyễn - Thanh Trúc trích dịch )

___________________________________

Những biện pháp hành chính đã không có tác dụng tại rất nhiều địa phương vì tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Nền kinh tế Trung Quốc đã quá lớn và phức tạp, khó có thể quản lý hiệu quả nếu chỉ thông qua các sắc lệnh.

Kỳ tới: Lỗ hổng quản lý


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com