Tác giả: Anh Động
Có thể nói, không ít thì nhiều, chúng ta ai cũng biết Hà Tiên. Nói đến Hà Tiên, chúng ta nghĩ ngay đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước, đó là hòn Phụ Tử, chùa Hang, núi Mo So, Thạch Động, Đá Dựng, Mũi Nai, chùa Phù Dung, lăng Mạc Cửu, Đông Hồ… Chính vì thế, nói đến Hà Tiên là nói đến cái đẹp của hồ, của biển, của núi non trầm mặc qua bao năm tháng. Cái đẹp của Hà Tiên vừa trữ tình, vừa thú vị; đến thăm một lần, Hà Tiên đã để dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng ta.
Biết Hà Tiên là thế, nhưng ít người biết Hà Tiên còn có một ngày lễ mang tính văn hóa lịch sử,vừa có tính cổ truyền, đó là kỷ niệm ngày thành lập tao đàn Chiêu Anh Các. Tao đàn Chiêu Anh Các được thành lập vào ngày rằm tháng giêng năm 1736, do nhà thơ Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu) làm chủ suý. Tao đàn qui tụ 36 thi nhân (có sách nói 72 thi nhân). Vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, anh em văn nghệ sĩ Kiên Giang và các tỉnh lân cận cùng ngành văn hóa đứng ra tổ chức đêm thơ nhạc để tưởng nhớ đến một tao đàn nổi tiếng từ khi thành lập cho đến tận bây giờ đã làm rạng danh vùng đất vừa đẹp, vừa “thơ”. Kéo nhau ra bãi biển Mũi Nai ngồi quây quần uống rượu, ngâm thơ, vịnh phú, bình luận tác phẩm của người xưa trong không khí thân tình, dưới ánh trăng hoang dại, bàng bạc lọt qua tàn lá mù u rì rào trong gió muối đại dương. Cũng dưới ánh trăng huyền hoặc của đêm nguyên tiêu, xuống một chiếc thuyền, thả trôi trên mặt Đông Hồ lăn tăn sóng, ngân từng dải bạc nguồn trăng xanh. Thơ phú vang lên trên sóng nước, nhịp chèo thi thoảng khua như tiếng phách, tiếng sành đêm, chấm, nhịp cho mỗi câu thơ. Thơ phách âm vang vào núi Tô Châu sừng sững một bờ hồ như bức tường thành uy nghi lẫm liệt. Cũng dưới ánh trăng lồng lộng của ngày tháng đầu năm mới, lại kéo nhau lên núi Bình San ngâm lại những bài cổ thi của các thi nhân trong Tao đàn Chiêu Anh Các. Tiếng thơ man mác như làm lay tỉnh “giấc nồng” của người chủ suý tao đàn xưa là Mạc Thiên Tích đang yên nghỉ tên ngọn núi nhìn ra vịnh biển phía Tây của đất nước.
Song song với lễ kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, Hà Tiên còn có lễ hội tết Nguyên Tiêu. Từ đầu hôm, các trai thanh gái lịch quần là áo lượt nô nức kéo nhau đi khắp các con đường êm ả xưa nay của phố thị. Tiếng nói, tiếng cười râm ran vui cái vui ngày hội của những con người ở một xứ sở được mệnh danh là “Đất Phật người hiền”. Hòa trong dòng các người trai trẻ là các cụ già đang hướng về chùa Tam Bảo ở gần phố chợ, là một ngôi chùa đẹp và to lớn. Nơi đây có tượng phật nghìn mắt nghìn tay. Nơi đây còn vết tích hai bức tường thành cổ bằng đá ong, cao ước 4 mét, dài trên 10 mét và dày khoảng 0,6 mét. Có lẽ các bức tường nầy là di vật còn sót lại của tường thành trấn Hà Tiên vào thời kỳ bắt đầu mở nước tiến về phương Nam của cha ông ta. Nếu có sức hơn, các bô lão và nam thanh nữ tú lũ lượt lên chùa Phù Dung trên núi Bình San lễ Phật. Phía sau chùa Phù Dung có một cái gác khá cao, gọi là gác Chiêu Anh. Đây là nơi sinh hoạt văn nghệ của các nhà thơ trong Tao đàn Chiêu Anh Các ngày xưa. Lễ phật xong, nam thanh nữ tú hái lộc ở chùa (Phù Dung, Tam Bảo) trao nhau như trao tặng điều may mắn, tốt lành cho bạn mình trong ngày đầu năm mới. Còn các ông già bà lão, mỗi người hái một cành lộc cầm tay như cầm niềm hạnh phúc đầu năm của đời mình, gia đình mình.
Lễ hội Tết Nguyên Tiêu ở Hà Tiên là tập quán tốt đẹp đó của nhân dân ta. Thế nhưng ở Hà Tiên lễ hội mang đậm sắc thái tôn giáo và văn hóa đặc thù mà đa phần các địa phương khác ở Nam bộ không có. Từ khi du lịch phát triển, giao thông dễ dàng, cứ từ Tết Nguyên Đán đến kết thúc Nguyên Tiêu, HàTiên tiếp đón đến mấy trăm ngàn du khách. Thế nên bạn còn ngần ngại gì mà không chuẩn bị hành trang lên đường đến tham dự một đêm lễ hội vui cùng với người Hà Tiên cho biết, cho nhớ, cho đậm đặc Hà Tiên hơn!
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com