Tế bào gốc và tương lai của bệnh nhân đột quỵ
Đã từ lâu, cấy ghép tế bào gốc bào thai của người để điều trị tổn thương não cho bệnh nhân đột quỵ là mục tiêu của giới khoa học. Một nghiên cứu mới ở chuột đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn: Các tế bào ghép có thể di chuyển tới vùng não tổn thương và hình thành tế bào thần kinh thay thế.
Tế bào gốc bào thai biến thành tế bào thần kinh.
Bước tiếp theo của các nhà khoa học là chứng minh những tế bào trên có thể đảo ngược chứng bại liệt ở loài gặm nhấm này trước khi thử nghiệm ở động vật linh trưởng và con người. Gary Steinberg thuộc ĐH Standford (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ''Mặc dù chưa thể sử dụng tế bào gốc để điều trị tổn thương não cho con người song đây là một bước tiến lớn''.
Đột quỵ là nguyên nhân tàn tật chính ở người trưởng thành và gây tử vong đứng thứ ba tại Mỹ. Nó xảy ra khi mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng tới não bị nghẽn hoặc vỡ. Sau đó, tế bào não bắt đầu nghẹt thở và chết. Các chuyên gia hy vọng tế bào gốc có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau và sẽ thay thế mô não tổn thương.
Nhóm của Steinberg đã trích tế bào gốc thần kinh từ các phôi người 16-20 tuần tuổi và nuôi chúng bằng các hoá chất kích thích tăng trưởng để tạo ra hàng triệu tế bào phục vụ quá trình cấy ghép. Bảy ngày sau khi phẫu thuật để gây đột quỵ cho chuột, các nhà nghiên cứu đã cấy khoảng 300.000 tế bào vào não chuột. Một tháng sau, 10.000 tế bào ghép vẫn sống trong não và gần 50% trong số này đã biến thành tế bào thần kinh.
Các tế bào còn lại trông vẫn giống tế bào gốc hoặc đã biến thành astrocyte, một loại tế bào não hỗ trợ tế bào thần kinh. Điều đáng chú ý là một số tế bào di chuyển vài milimet khỏi địa điểm tiêm, hướng về phần não tổn thương. Đây là những tín hiệu tích cực, theo nhận xét của nhóm. Họ cho rằng tế bào gốc đã định vị được điểm tổn thương, tiến dần tới đó và biến thành các loại tế bào cần thiết để sửa chữa thương tích.
Steinberg nói rằng tế bào gốc bào thai có nhiều lợi thế hơn so với tế bào gốc phôi thai và trưởng thành. Tế bào gốc trưởng thành tồn tại trong não song khó có thể lấy được chúng và khả năng sống sót sau cấy ghép thấp hơn cũng như ít linh hoạt hơn. Tế bào gốc phôi người, được lấy từ giai đoạn phát triển rất sớm, có tiềm năng biến thành mọi loại tế bào trưởng thành. Tuy nhiên, chúng gây tranh cãi về mặt đạo đức tại Mỹ và chỉ có một số lượng hạn chế dòng tế bào gốc phôi thai được dành cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, còn nhiều việc cần làm. Hàng trăm triệu tế bào cần được nuôi cấy để phục vụ cho quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người. Vẫn chưa rõ liệu các tế bào này có khả năng sinh trưởng tới mức đó hay không. Thời kỳ nuôi cấy kéo dài có thể làm chậm sự tăng trưởng của tế bào và làm cho chúng đột biến gien ngẫu nhiên.
Một biện pháp khác là bổ sung gien vào tế bào gốc để kích thích sự tăng trưởng và ngăn ngừa dị tật di truyền hình thành. Những tế bào bị biến đổi như vậy có thể được sử dụng để điều trị đột quỵ và các chứng rối loạn suy thoái thần kinh khác, như Parkinson và Alzheimer.