Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

VÕ VIẾT TRƯỜNG

Hiệu trưởng biểu diễn beatbox và những cái ngáp

Hiệu trưởng biểu diễn beatbox và những cái ngáp trong lễ khai trường

 

(TNO) Chuyện thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) biểu diễn beatbox và nhảy trong buổi lễ khai trường đã trở thành “hiện tượng” gây xôn xao, thích thú trong cộng đồng mạng mấy ngày qua.

 

Hiệu trưởng nhảy beatbox và những cái… ngáp trong lễ khai trường 1
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - Ảnh: Cao Tường

Sẽ không phải là điều gì quá gây ngạc nhiên đến thế nếu buổi khai giảng của các trường không khô cứng và quá nặng về lễ nghi. Ngày 5.9, trên các trang mạng xã hội tràn ngập không khí ngày khai trường, bố mẹ nào đồng hành cùng con cũng muốn chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm. Nhưng ít thấy sự háo hức, hân hoan của con trẻ mà sự mệt mỏi thấy rõ hơn trên nhiều những khuôn mặt còn “búng ra sữa”.

Có phụ huynh chứng kiến lễ khai giảng “nhạt” quá, thay vì chỉ chăm chăm chụp ảnh con mình thì đã chụp ảnh những đứa trẻ đồng loạt… ngáp trong lễ khai trường, đưa lên trang mạng xã hội và đặt tên cho loạt ảnh đó là “Cuộc thi ngáp”.

Ai xem những bức ảnh này đầu tiên cũng phải bật cười nhưng rồi sau đó là xót xa và buồn bực. Họ hiểu rằng chẳng phải những đứa trẻ kia đêm trước thiếu ngủ mà vì lễ khai giảng phải “thế nào” thì chúng mới kém hào hứng và không tập trung như thế.

Hỏi kỹ ra mới biết, lễ khai giảng khô cứng đã đành, trước đó học sinh đã phải ngồi xếp hàng tập trung ngồi chờ ngoài sân trường đúng một tiếng rưỡi đồng hồ chỉ vì quan khách (là lãnh đạo và chuyên viên cấp vụ của Bộ Giáo dục Đào tạo) đến muộn.

 

Hiệu trưởng nhảy beatbox và những cái… ngáp trong lễ khai trường 2

Hiệu trưởng nhảy beatbox và những cái… ngáp trong lễ khai trường 3
Màn biểu diễn của thầy Bình khiến học sinh thích thú - Ảnh: Cao Tường

Hầu hết buổi lễ kéo dài lê thê trong cái “nắng tháng tám, rám quả bòng”, những bài diễn văn dài dằng dặc kể về thành tích giáo dục của thành phố, của quận, rồi của trường. Những bài phát biểu không phải được viết cho học sinh mà để báo cáo với quan khách tham dự với số liệu có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu giáo viên dạy giỏi cấp nọ, cấp kia; những danh hiệu mà nhà trường nhận được.

Chưa hết, những bài phát biểu ấy dù đến đoạn căn dặn học sinh và mở đầu thánh thót: “Các em học sinh yêu quý!” nhưng cũng chẳng có câu nào “hạ tông” để học sinh có thể nghe và hiểu được, đặc biệt là những em lứa tuổi tiểu học. Các em được nghe những lời căn dặn rằng: hãy ra sức phấn đấu để thực hiện tốt nghị quyết số này, của cấp kia; các em được dặn rằng hãy lập thành tích để chào mừng đại hội này, rồi kỷ niệm bao nhiêu năm gì đó của quận, của thành phố, của ngành…

Người lớn nghe cũng còn chẳng thấy háo hức gì nữa là con trẻ. Chúng có căng tai ra nghe cũng chẳng thể hiểu được người lớn đang nói gì, dặn gì với chúng. Những ngôn từ đao to búa lớn cứ thế trôi tuồn tuột đi, chỉ có cơn buồn ngủ thi nhau ập đến. Và thế là: ngáp… ngáp!

Đáng “sợ” nhất là những trường được đón những khách VIP về dự khai trường, học sinh phải hy sinh tất cả những ngày nghỉ hè tươi đẹp cuối cùng để “quần quật” đi tập… khai giảng. Nào là diễu hành, nào là nghi thức, làm sao để vung tay thật đều, thật cao. Ai ở đâu ngồi đúng vị trí đó, khi nào bảo vỗ tay là phải vỗ thật to…

Bao nhiêu lãnh đạo các cấp là bấy nhiêu bài phát biểu, bài nào cũng na ná nhau về nội dung, kết cấu. Học sinh chỉ ước: thời gian trôi đi thật nhanh để không còn bị "tra tấn" bởi cảm giác nóng bức, ngột ngạt; trời thì nắng mà cứ phải ngồi giữa sân trường trong bộ đồng phục với chất liệu chủ yếu là nilon thì thật kinh khủng!

Một bà mẹ có con học tiểu học ở Hà Nội sau khi đưa con đi khai giảng về “tám” với các mẹ cùng cơ quan: trường con bé nhà mình cả buổi khai giảng chỉ thấy học sinh vui nhất là lúc cô tổng phụ trách nói: “Buổi lễ khai trường đến đây là kết thúc”, học sinh không ai bảo ai vỗ tay reo hò ầm ĩ, còn các cô giáo thì nhìn nhau gượng cười.

Sau khi nghe câu chuyện của mẹ này, các ông bố bà mẹ khác cũng ồ lên: Trường con tôi cũng thế! Trường con em cũng vậy!…

Đó còn là chưa nói đến chuyện khai giảng chỉ là hình thức khi mà học sinh thực ra đã đi học trước đó cả tháng trời.

Trong khi đó, một bà mẹ Việt đang sống ở Mỹ, lên mạng chia sẻ rằng: ngày khai giảng thực chất là ngày đầu tiên đi học của năm học mới (first day of school year). Trong ngày này, từ hiệu trưởng đến nhân viên bảo vệ đứng ở cổng trường chào đón học sinh và phụ huynh với những nụ cười và cái ôm thân thiện nhất…

Trở lại câu chuyện thầy hiệu trưởng biểu diễn beatbox trong lễ khai trường, thầy Nguyễn Quốc Bình, chủ nhân của cơn “sốt” mấy ngày qua chia sẻ với báo chí: Buổi lễ khai giảng thường khô cứng và phần lễ kéo dài quá, rất nặng nề. Tôi chỉ muốn tham gia một tiết mục văn nghệ với các em để tạo không khí vui vẻ cho ngày lễ khai giảng. Với suy nghĩ đó, tôi đã vui vẻ thực hiện điệu nhảy của mình. Cũng xin bật mí, tiết mục beatbox tôi học từ chính học trò của trường.

Thầy Bình cũng tâm sự: Trong rất nhiều năm làm nghề, tôi đã cố gắng rất nhiều để thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn nhận của mình về học sinh, để làm sao mình có thể hiểu học sinh hơn. Tôi luôn mong muốn làm sao mình và học sinh gần gũi hơn, thân thiện hơn và bình đẳng hơn. Những điều này có lẽ trước kia nhiều người và ngay cả tôi cũng nghĩ khác. Thường là thầy giáo là phải đạo mạo, nghiêm khắc. 

“Nhưng cuộc sống dạy tôi và cả trong những lần được trao đổi học tập những phương pháp giáo dục của nước ngoài đã cho tôi thấy nếu thầy giáo chỉ đạo mạo, nghiêm túc mà không đúng lúc, đúng chỗ thì cũng chưa thể thành công”, thầy Bình nói.

Còn học sinh của thầy thì khỏi phải nói chúng hân hoan, thích thú thế nào. “Bạn em ở trường khác bảo: chúng tớ ghen tị với cậu vì trường cậu có hiệu trưởng như thế, cả năm sẽ có nhiều điều để vui”, Hưng, một học sinh của trường này tự hào kể lại.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” - cụm từ mà những bài diễn văn khai giảng năm nay đồng loạt nhắc tới - có lẽ cần bắt đầu từ chính những buổi lễ khai giảng. Cần tổ chức như thế nào để thực sự là ngày lễ hội của học trò, vì học trò, chứ không phải vì bất cứ mục đích gì khác.

Tuyết Mai


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com