Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

kì ngộ Lý ngựa ô- hotinhtam

 

KÌ NGỘ LÝ NGỰA Ô

Hồ Tĩnh Tâm

Đêm 21 tháng 3(2012) gần như tôi thức trắng. Đến 7 giờ sáng, do lật đật lên đường nên tôi không kịp ăn sáng, dù biết rằng trưa nay thế nào cũng đụng độ lớn tại Vũng Liêm. Ra khỏi nhà mới sực nhớ, chiều hôm qua tôi vừa cài lại Windows nhưng chưa cài Microsoft Word, vậy là phải ghé Hưng Thịnh nhờ cài đặt. Còn sớm nên tiệm vi tính Hưng Thịnh chưa có người làm, nhưng biết tôi cần gấp, nên đích thân ông chủ phải ra tay. Tưởng nhanh mà cũng phải gần 8 giờ mới xong.

Chạy đến ngả ba vào Mang Thít, nhìn thấy nhiều hàng quán đề bánh canh, hủ tiếu, cháo lòng, tự nhiên tôi cảm thấy đói cồn cào, và thèm ăn một tô cháo lòng kinh khủng. Thế nhưng tôi vẫn ráng chạy đến gần thị trấn Vũng Liêm mới dừng lại ăn sáng, vì tôi nhớ, có lần tôi đã ăn cháo lòng rất ngon ở một quán gần nhà Hoàng Na(lúc bấy giờ là giám đốc xý nghiệp thuốc lá Vũng Liêm. Và quả nhiên tôi đã tìm được quán cháo lòng bình dân ấy. Bởi vậy, mãi 9h10 tôi mới đến được Ủy ban Nhân dân huyện Vũng Liêm. Cuộc họp giữa các văn nghệ sĩ với UBND huyện cũng chỉ mới vừa bắt đầu.

Tôi sẽ không kể lại công việc của ngày đầu tiên ở huyện, vì chúng tôi chia nhỏ ra thành từng nhóm, theo yêu cầu thâm nhập thực tế sáng tác của từng người, để tản về các địa phương khác nhau. Tôi chỉ kể chuyện tôi đã phải vật lộn với con ngựa sắt của tôi như thế nào, trong cuộc hành trình lý ngựa ô đầy thú vị của tôi.

Sau buổi ăn trưa, tôi rủ nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Trạm vào phòng khách Ủy ban đánh một giấc, rồi hai anh hem qua Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bởi tôi cần khai thác thêm một số tư liệu, mà trong chuyến đi thực tế lần trước, tôi biết, mình không hỏi về những chi tiết nhỏ nhặt này là vô cùng sai lầm, bởi chính những chi tiết nhỏ đời thường, lại làm nên một nhân cách lớn. Tiếc là do không báo trước, tôi đã không gặp được anh Ba Nuôi(bảo vệ Khu tưởng niệm), mà chỉ gặp được các anh Mười Kết, Văn Chiến, là cán bộ phụ trách Khu tưởng niệm.

Xong việc, tôi cùng Vương Trạm về Cầu Đá, thăm vợ chồng anh Kim Sương, và hứa với anh Vương, là thế nào cũng ghé Tân An Luông, thăm em gái họa sĩ Nguyễn Lưu. Thế nhưng tại nhà anh Kim Sánh, chúng tôi đang nhâm nhi chuyện cũ, thì con trai lớn của anh chị lại từ Vĩnh Long về tới. Cháu tên Kim Sơn, đại úy công an ở tỉnh, có vợ dạy sử ở Trường THPT thị trấn Vũng Liêm, và đã có với nhau một đứa con trai, khoảng sáu hay bảy tuổi gì đấy. Gặp tôi, cháu a lô mời bạn, bày binh bố trận rất linh đình. Cuộc tao ngộ tự nhiên hóa thành chiến dịch, thế cho nên tôi không thể dứt ra được, đành thất hứa với anh Vương , chuyện ghé thăm em gái Nguyễn Lưu. Có lẽ vì buồn, nên anh Vương lấy cớ đèn xe yếu, sợ chạy đêm không thấy đường, nên xin phép ra về trước, lúc 18 giờ gì đó. Phần tôi, tôi ở lại thêm vài chục phút, rồi cũng chào tạm biệt mọi người.

Ra khỏi nhà anh Kim Sương, tôi một mình vừa chạy xe vừa dự tính trong đầu những gì sẽ phải viết, mà trong đó, thế nào cũng phải nhắc tới duyên kì ngộ, đã tác hợp anh chị với nhau, sanh được bốn người con, toàn đặt tên bằng chữ S. Kim Sơn, Kim Sánh, Kim Sang, Kim Sướng. Cháu Kim Sánh bây giờ đang định cư tại Mĩ. Cháu Kim Sang ở úc. Cháu Kim Sơn là con trai cả, đang công tác ở Sở Công an. Còn cháu Kim Sướng thì đang học năm cuối đại học Âm nhạc. Con trai Kim Sơn là Kim Sung. Con trai Kim Sánh thì tôi quên hỏi tên, nhưng tôi độ, thế nào tên của cháu cũng bắt đầu bằng chữ S. Nghĩa là cả nhà anh Kim Sương, đã hội đủ tám chữ S. SS SS SS SS = sửa soạn sẵn sàng sắp sửa sung sướng. Là nói cho vui thế thôi, chứ gia đình anh Kim Sương bây giờ, niềm vui hạnh phúc đã quá đầy đủ. Ở nông thôn mà cơ ngơi nhà lầu bề thế, tiện nghi đầy đủ, nước phông ten chảy ào ào, gia đình lại toàn uống nước lọc- mỗi lần mua sẵn cả chục bình lớn, trong nhà có cả một dàn âm thanh cực tốt, với đầy đủ các nhạc cụ, từ organt, ghi ta sô lô, ghi ta săng, ghi ta bát, trống điện tử, dàn đèn màu, dàn phun khói… toàn thửa từ Hoa Kì đem về. Ấy là tôi chưa kể, anh chị còn nuôi trong nhà hai con bẹc giê vào loại khủng, một con Phú Quốc, thêm cả một đàn khuyển, mà tôi quên không hỏi mấy con, chỉ biết là khi tôi đến, chúng sủa ông ổng rum trời, khiến anh lính bộ binh họ Vương, từng đương đầu với thiết giáp M48 cũng sợ rúm cả giò.

Tôi chạy được khoảng chục phút thì phải bật đèn pha. Chừng đó tôi mới ngộ ra. Tôi sáu mươi mà còn bị chói mắt bởi đèn xe ngược chiều loang loáng, họ Vương bảy mươi, chắc chỉ có nước bò trên đường, nếu không cáo lui về sớm. Và cũng từ lúc này, con ngựa sắt cổ lổ của tôi bắt đầu dở chứng. Mới đầu là tiếng lạch xạch của dây sên(xích) càng ngày càng to, và xe chạy có vẻ lì ra, không bốc lên được khi tăng ga. Rồi thì tiếng máy nghe lịch sịch, khiến tôi nghĩ tới chuyện hết xăng. Nhưng xăng thì tôi mới đổ hồi sáng này năm chục ngàn, hết thế nào được. Vậy là tôi nghĩ tới chuyện xe có thể hết nhớt, vì từ lâu xe vẫn bị xì nhớt, mà từ sau Tết tới nay tôi chưa thay nhớt. Quả nhiên đúng như vậy. Xe đang chạy bỗng hực lên một tiếng, rồi đứng sựng giữa đường. Người đàn ông đang chạy sau tôi lách kịp qua vượt lên, dừng xe trách, “ông chạy xe kiểu gì kì cục”. Nghe tôi nói xe bị chết máy, anh ta hỏi, ‘có cần giúp gì không?”. Tôi cám ơn rồi nói, không sao đâu, anh cứ mặc tôi. Tôi xuống xe châm thuốc hút, chờ cho máy nguội rồi chạy tiếp, vì bệnh này tôi đã gặp vài lần. Xe hết nhớt cũng như người hết máu, dẫu còn năng lượng cũng không hoạt động được. Đêm đen óng và mát kì lạ, nhưng tôi vẫn không khỏi hoang mang, nếu máy xe không hoạt động, giữa đoạn đường trống như vầy, tôi biết xoay xở làm sao. Bà xã có lần chạy xe của tôi, đã nhắc tôi phải đem xe đi đại tu, chứ không thì nằm ụ giữa đường có ngày. Nhưng tính tôi thì… bây giờ tôi phải trả giá giữa đoạn đường đêm trống vắng. Hút xong điếu thuốc, tôi cong lưng đạp máy mấy lần xe mới chạy được. Rút kinh nghiệm vụ xém bị đâm từ phía sau, lần này tôi chạy sát vệ đường, nên cứ bị sụp ổ gà lụp hụp rất khó chịu. Nhưng thà là như vậy, còn hơn nguy cơ bị xe Honda, xe tải đâm từ phía sau, bỏ mạng như chơi. Thế nhưng cũng chỉ được khoảng cây số thì xe chết máy, đứng sựng ngay lại, cứ như không hề có chút quán tính nào. Hộp số kêu cạch một tiếng, to như đã vỡ toang ra, khiến tôi toát cả mồ hôi. Nhìn bên phải thì… trời ạ, thế nào mà xe lại chết máy ngay trước cửa tiệm sửa xe. Cái tiệm khá lớn, có bán cà phê và cả hàng tạp hóa. Hai vợ chồng trẻ đang ngồi ăn cơm. Nghe tôi hỏi đổ nhớt, anh chồng dừng ăn lấy nhớt đem đến, kiểm tra thì xe tôi không còn miếng nhớt nào, anh ta nói, “chú mà chạy chút nữa thì máy xe cúp bê luôn, khỏi chạy”. Cô vợ cũng dừng ăn, nói với tôi, “dây sên của chú chạy nghe lạch cạch vậy mà chú dám chạy à, nguy hiểm lắm”. Lúc này tôi chỉ cần về nhà, nên cám ơn họ rồi đi ngay. Bấy giờ tôi mới biết, cái tiệm sửa xe này nằm rất gần ngả ba dẫn vào huyện Mang Thít.

May cho tôi là từ đây, dù đèn xe của tôi rất yếu, nhưng suốt đoạn đường lại có đèn cao áp, vì đã sắp đến thị trấn Long Hồ. Nhưng tôi chạy được khoảng hơn chục cây số, thì hộp sên nghe khua lạch xạch rổn rảng, tuy máy xe vẫn nổ, nhưng xe không chạy được nữa. Ơn trời. Chiếc xe lần nữa lại chết máy ngay tiệm sửa xe , nhưng ngặt đời là tiệm đã đóng cửa, tắt đèn. Nhìn thấy có người đàn ông đang nằm võng ở nhà sau, tôi gọi to, “anh làm ơn giúp tôi với, xe tôi tuột dây sên rồi’. Lại may cho tôi. Người đàn ông nghe gọi đã đứng ngay dậy, bật đèn bước ra, mở tấm lưới sắt, dắt chiếc xe của tôi vào tiệm. Từ nhà sau, chàng trai con người đàn ông cũng bước ra. Chàng trai xiết ga mấy cái, ngẩng đầu nói, “xe chú bệnh nặng lắm, dám chừng banh hết mấy ổ dĩa với dây sên rồi”. Nói xong, chàng trai mở banh hộp dây sên, chỉ cho tôi xem mấy cái dĩa răng đã mòn tới sát vành dĩa. Tôi nói, chú đi công tác, không đem theo tiền, cháu làm ơn giúp chú, sao cho xe chạy được về tới nhà, mọi chuyện tính sau. Chàng trai ngắm nghía một lúc, rồi lấy lấy ra một dĩa bánh răng nhỏ thay vào, nói với tôi, “chú chạy đỡ, nhưng nhớ phải thay hết mấy thứ cháu nói nhen, không có lại mắc kẹt dọc đường”. Thú thật lúc này tôi rất hoang mang, trong túi còn chưa tới trăm rưởi, chỉ sợ không đủ tiền trả cho cha con nhà họ. Đêm hôm khuya khoắt, biết bám víu vào đâu.

Nhưng hết sức bất ngờ, thay cả cái dĩa bánh răng mới cáo, cả công xá, chàng trai chỉ lấy của tôi có hai chục ngàn.

Và… bây giờ, tôi ngồi kể lại chuyện này, thay cho lời cám ơn của tôi, với những người thợ sửa Honda tốt bụng, mà tôi đã may mắn gặp trong đêm 22 tháng 3(2012).

anh chàng này là bạn Kim Sơn- cũng là đại úy công an

đây là nơi Dzu tấp vào đổ nhớt xe- gần ngả ba vào TT Mang Thít

Vương Trạm - Dzu - Kim Sơn

vợ chồng anh Kim Sương

anh Kim Sương và con trai

Dzu- htt

Kim Sương

Vương Trạm

hoa đại(hoa sứ- hoa chăm pa) ở nhà anh Kim Sương

hoa hồng ở nhà anh Kim Sương

hoa sen nhà anh Kim Sương

ngôi nhà của anh chị Kim Sương

chị Kim Sương

nhân vật "Lính già vui vẻ" của Dzu vào năm 1988

chị Kim Sương lúc nào cũng vui vẻ tiếp đón Dzu

râm bụt vàng

râm bụt hồng phấn

Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang xây dựng

cán bộ quản lý Khu tưởng niệm

dự kiến hết tháng 6 năm 2012 sẽ hoàn chỉnh xây dựng Khu tưởng niệm để 23 tháng 11 sẽ khánh thành nhân dịp sinh nhật cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

nhà thờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

phòng ngủ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

nước mía trên đường sáng tác- chỉ 4 ngàn đồng một ly

bữa cơm trưa 22 tháng 3 năm 2012

có cả rắn bằm cuốn lá nhào đấy- rượu cứ ê hề

phía sau Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

cán bộ Khu tưởng niệm

nhà thờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

tình bạn

bữa ăn ngon

Kim Hạnh- bìa phải- nghệ sĩ ngâm thơ

anh Sơn- Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Vũng Liêm

ly rượi ngon trên đường thâm nhập thực tế sáng tác của Dzu


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com