Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

về một tấm ảnh quý của Hồ Tĩnh Tâm

trái sang: chị Hồ Lệ Dung, chú Hồ Xuân Sơn(thứ ba), mẹ Dzu, Dzu, cô Bửu, chú Nghiệp, cô Sáu, chú Hồ Xuân Hùng


 

VỀ MỘT TẤM ẢNH QUÝ CỦA HỒ TĨNH TÂM

Rất tình cờ, tôi tìm được một tấm ảnh quý, trong đống sách vở cũ của mình, tấm ảnh chụp từ những năm 80 của thế kỷ trước- thế kỷ 20. Đó là tấm ảnh tôi cùng chị cả Hồ Lệ Dung, chú em Hồ Xuân Sơn, và mẹ, đến thăm gia đình vợ chồng chú Nghiệp, cô Sáu; có cả cô Bửu nữa.

Cầm tấm ảnh trên tay, tôi bồi hồi nhớ lại rất nhiều kỉ niệm.

Trước hết là kỷ niệm mùa hè năm 1970, ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bấy giờ tôi bị lỵ Amip rất nặng, suốt cả ngày chỉ loay hoay đi tiêu, và đi tiêu ra toàn thứ nước nhờn sền sệt, do bệnh kiết gây ra. Bình quân mỗi ngày lên tới bảy mươi tám lần đi tiêu, cho nên tôi phờ phạc và gầy rạc ra, người chỉ còn như cái xác ve. Lúc đó cô Sáu là y tá của Khoa Toán(đại học Sư phạm Vinh), thương tôi là đứa bé ngoan và học giỏi, cô đưa tôi ra khu cách ly, và trực tiếp chăm sóc cho tôi, từ thuốc thang đến việc ăn uống. Tôi nhớ là bệnh kiết phải kiêng gần hết các loại thức ăn, nên hầu như tôi chỉ được ăn cháo trắng với đường, và uống sữa, cả ngày lúc nào cũng cảm thấy đói cồn cào. Trong những ngày ấy, cô Sáu thường xuyên đến thăm khám cho tôi, vì sợ tôi bị suy nhược, biến chứng chuyển sang bệnh khác. Tôi nhớ rất nhiều đêm, cô Sáu còn đến thăm chừng, xem tôi ngủ có được không, có chịu uống hết thuốc hay không.

Sau gần một tháng điều trị thì tôi khỏi bệnh. Tuy nhiên cô Sáu vẫn cho thêm tôi một số thuốc, và dặn tôi phải chịu khó ăn kiêng thêm khoảng một tuần nữa, vì đường ruột của tôi vẫn còn đang rất yếu.

Về nhà được ba ngày thì xã bên có chợ phiên, tôi liền rủ chú em Hồ Xuân Sơn đi chợ xem cho vui. Tới chợ, thấy người ta bày bán mực ống tươi roi rói, sẵn có tiền đi làm thuê trong túi, tôi mua một mớ mực đem về, xào lên đãi cả nhà. Nhớ lời cô Sáu, tôi không dám ăn nhiều, vậy mà ngay sáng hôm sau, bệnh kiết tái xuất đã quật tôi ngã xuống, bởi vì số lần đi tiêu tăng lên gần như gấp đôi.

Biết chuyện, cô Sáu ngay lập tức cho người chuyển tôi lên bệnh xá của trường đại học- hình như ở xã Quỳnh Côi thì phải. Tới đây tôi mới biết, có rất nhiều sinh viên các khoa khác của nhà trường, cũng lâm bệnh kiết lỵ như tôi; có người nằm điều trị đã hơn một tháng, mà vẫn chưa dứt bệnh. Anh sinh viên năm thứ ba Khoa Lý, nằm kế giường tôi, cho tôi biết, chỗ giường tôi nằm, cách đây hai ngày, vừa có một anh sinh viên Khoa Hóa mới chết, vì nhiễm kiết lỵ quá nặng. Anh ta nói rằng, tụi Mỹ nó thả bom sinh học, có chứa lỵ Amip và lỵ Trực trùng, dân mình thiếu thuốc thang, chết nhiều lắm.

Nghe anh ta nói, tôi đâm ra hoang mang, vì tôi cũng có biết về vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, chẳng lẽ tụi Mỹ nó lại gieo vi trùng xuống đầu dân thường, khi mà Hoa Kỳ đã tuyên bố ngừng đánh bom Miền Bắc. Sự lo lắng thái quá, chỉ tổ làm cho cường độ đi tiêu gia tăng, và cơ thể tôi suy sụp rất nhanh.

Thế nhưng đến trưa ngày thứ ba thì cô Sáu đạp xe từ Quỳnh Hồng lên thăm tôi, đem thêm cho tôi một số thuốc đặc trị, mà cô xoay xở kiếm được ở đâu đó, và lại còn gởi gắm tôi cho bác sĩ trưởng trạm xá. Nhờ vậy, tôi được đưa vào diện hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt. Nên nhớ là thời bấy giờ ở Miền Bắc, chế độ tem phiếu phân biệt rất rõ ràng từng loại đối tượng được hưởng, nên khi được đưa vào diện ưu tiên, tôi lập tức được chuyển sang phòng khác, và thuốc thang cũng khác hẳn.

Khi gặp cô Sáu ở Gò Vấp, tôi có nhắc lại chuyện này, cô Sáu đã nắm lấy tay tôi mà nói:

-       Cháu cao số lắm! Cứ yên tâm vậy đi!

Tôi không biết cao số là thế nào, chứ thời còn sống với mẹ ở thành phố Vinh, mẹ đi làm cả ngày, còn ba công tác tận ngoài Hà Nội, nên tôi mặc sức mà lêu lổng cùng trẻ con đường phố. Từ một đứa bé nhanh nhẹn và lì đòn, tôi dần dần leo lên vị trí thủ lĩnh của đám trẻ con cùng trang lứa ở khu phố một. Điều chinh phục của tôi là khả năng đánh đáo ăn tiền rất giỏi, hầu như hễ tôi cầm con cái lên đánh đáo là tôi hốt hết tiền của trẻ đường phố, nên lúc nào tôi cũng sẵn tiền trong túi để mua những cuốn sách mà tôi thích. Thế nhưng chúng bạn lại kiềng nể tôi, vì tôi luôn dám lăn xả vào đánh nhau chí mạng, cả với những đứa mạnh hơn mình, và thường là tôi thắng, sau những bầm dập sứt đầu mẻ trán.

Mỗi lần thấy tôi về nhà với đôi mắt thâm tím, thế nào mẹ cũng trừng trị tôi một trận ra trò, đến rách tươm cả da thịt. Trước những trận đòn như vậy, bao giờ cô Bửu, cô Lý cũng xuất hiện can ngăn; và nếu mẹ tôi có hơi quá tay, thế nào cô Bửu cũng kéo tôi về nhà cô, dấu tôi trong nhà một vài ngày. Và… chính mẹ tôi cũng làm như thế, với thằng Hiệp Ruốc(Nguyễn Tấn Hiệp), con trai của cô Bửu; bởi tôi với Hiệp Ruốc, hai đứa cứ như tay phải tay trái của nhau.

Sau này tôi với Nguyễn Tấn Hiệp cùng đi lính, và cùng nguyên vẹn trở về.

Chính nhờ Nguyễn Tấn Hiệp, mà tôi tìm được đến nhà cô Sáu, sau mấy chục năm bặt tin. Nhờ vậy mà tôi có được tấm hình này.

HTT


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com