Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

CHUYỆN MA SÀI GÒN VŨNG LIÊM VÀ THỜI E207 của HTT

Lại kể chuyện ma và chuyện thời E 207 của tôi sau chuyến đi thực tế sáng tác
Dzu- htt
 
 
Sáng 14 tháng 10 năm 2011, chúng tôi ăn sáng ở ngã ba An Nhơn thị trấn Vũng Liêm.  Trong lúc chờ thức ăn dọn ra, Bùi Anh Tấn say sưa kể cho tôi nghe những gì đêm qua anh và Phan Trung Thành được ông Trần Văn Nuôi, cán bộ bảo vệ Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể cho nghe. Vẫn là những chuyện tôi đã từng được nghe từ mấy năm trước, thời đi dạy nhạc ở Vũng Liêm, nhưng nay nghe lại vẫn cứ rờn rợn thế nào.
 
Thành nói.
- Em nghe xong sợ tới mức, mắc đái mà không dám đi. Chính ông Tư Nuôi nói, mới cách nay mấy ngày, đang đêm nghe có tiếng người than khóc ủ ê, ổng bấm đèn pin ra ngoài xem có chuyện chi, thì thấy ngay bên chân cầu bắc qua ao cá có bóng người, tới gần thì nhận ra đó là một người đàn bà ngồi xõa tóc ẵm đứa con nít, hai mẹ con đều máu me đầm đìa. Biết là hồn ma hiển linh, ông Nuôi liền năn nỉ, trời sắp mưa rồi, bà ẵm con về đi, không có mắc lạnh bây giờ. Người đàn bà ngẩng đầu lên nhìn ổng một chặp, rồi tự nhiên tan biến vào hư không.
 
Tôi nhớ là tôi đã nghe rất nhiều chuyện đại loại như vậy. Ai kể cũng khẳng định, cái ao trước Khu tưởng niệm cố Thủ tướng là ao Vũng Linh, gắn liền với một sự kiện lịch sử xãy ra từ Năm 1872, khi đốc binh Lê Cẩn và quân sư Nguyễn Giao phục binh ở cầu Vông, giết chết tên quan năm Salicetti, bị quân Pháp mở cuộc hành quân trả thù vô cùng đẫm máu, giết chết hàng trăm người dân vô tội, xác đùa hết xuống cái ao ấy. Người ta nói rằng, thuở ngã ba An Nhơn còn hoang vắng, chỗ Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bây giờ, là một vườn cây rậm rạp, đêm đêm các oan hồn thường hiện lên, người thì đi vất vưởng, người thì ngồi vạ vật, ai cũng máu me đầm đìa, ai cũng ơ hờ than khóc. Hồn ma tập trung đông nhất là xung quanh các gốc cây cổ thụ. Lớp nằm lớp ngồi, lớp đi la lết, lớp leo lên cả các cành cây mà than khóc. Bởi vậy dân làng An Nhơn phải lập đàn cúng tế, đốn bỏ gần hết các cây cổ thụ, rồi trấn yểm trừ tà ma. Chừng nhà nước tiến hành xây Khu tưởng niệm, Tư Nuôi được điều về làm cán bộ bảo vệ, lúc đó trên cuộc đất rộng gần hai héc ta vẫn còn một cây me cổ thụ. Vào những đêm khí trời se lạnh, hồn ma vẫn thường hiện về quanh gốc cây mà khóc. Anh em trong tổ bảo vệ sợ quá, lại phải lén cúng heo quay. Cúng hôm trước, hôm sau một cơn giông nổi lên, cây me bị sét đánh trốc gốc chết cháy. Từ đó người ta không còn thấy hồn ma hiện về nữa.  Tuy nhiên những người yếu bóng vía, thỉnh thoảng vẫn thấy, vẫn linh cảm các hồn ma hiện lên vất vưởng đâu đó; như trường hợp Tư Nuôi vừa thấy cách nay mấy ngày, mà Bùi Anh Tấn và Phan Trung Thành mới kể cho tôi nghe.
 
Chuyện chỉ là nghe kể thế thôi, nhưng cho dẫu tôi có muốn không tin, thì cũng không thể không tin cho được. Biết bao nhiêu người đã cả quyết với tôi, rằng bất cứ ai đến ngủ ở cuộc đất xung quanh ao Vũng Linh, thì ngay giữa ban ngày ban mặt, vẫn cứ bị bóng đè, bị hất té từ trên giường, trên ván ngựa xuống đất. Nhiều người đang ngủ, bổng mê sảng vùng dậy la hoảng rùm trời, mồ hôi đổ tháo ra như tắm, hai mắt mở to thô lố hoảng hốt, mặt cắt không còn giọt máu.
 
Dân gian thường nói, ma cây gáo cáo cây đề. Thế nhưng có phải ở đâu cũng có sẵn cây gáo cho ma đến ở, thành ra ma đành phải nấp vào những cây cổ thụ mà sống. Như  tại khu bệnh viện cũ ở thành phố Vĩnh Long, khi giải tỏa làm quảng trường, người ta có để lại một cây cổ thụ làm kiểng, và trong một thời gian dài, hồn ma vẫn thường hiện lên ở đó. Ma ấy toàn là ma con nít, lít nhít từ một, hai, ba, đến năm, sáu, bảy, tám tuổi. Con thì mặc quần áo, con thì quấn tả, con thì trần truồng nhông nhổng. Là bởi sát ngay cây xà cừ cổ thụ ấy, trước đây là nhà xác của Khoa sản, có không biết bao nhiêu trẻ con chết yểu, bao nhiêu bào thai bị trục phá từ trong bụng mẹ. Đám ma con nít ấy túm tụm trên các cành cây giỡn hớt, có khi còn nhổ nước miếng, còn đái tè xuống đầu người ngồi dưới gốc cây. Có người bạo miệng, la chúng là đồ con nít hư, bị chúng vặc lại, mầy đừng có mà hỗn, tụi tao phải bằng tuổi tía má mầy, bằng tuổi ông bà nội ngoại mầy, phải xưng hô cho biết điều nghe con. Vẫn biết nhà nước có chủ trương cấm mê tín dị đoan, nhưng dân tình tin vào thế giới cõi âm, nên việc họ lập đàn cúng kiếng cầu cho hồn ma siêu thoát, cũng là lẽ thường tình. Như có lần ở Trà Vinh, tôi với Trần Văn Bái, mới bốn giờ ba mươi sáng, đã thức dậy, đi bộ từ trường chuyên Lê Quý Đôn ra chợ phường một ăn sáng, khi ngang qua công viên thị xã, tôi thấy hầu như ở gốc cây sao, cây dầu cổ thụ nào, cũng có cắm các cây nhang đang ngún khói. Khi đến sát nhà bưu điện cũ, tôi sững cả người, bởi thấy một bà cụ đang sì sụp vái lạy dưới gốc một cây sao già. Sau đó bà cụ đứng dậy, lọm khọm bước tới những cây cổ thụ khác, lại thắp nhang, lại cúng bái, thành kính cứ như đang quỳ lạy trong chùa vậy.
 
Sáng ngày 13 tháng 10, cả đoàn sáng tác chúng tôi lên xe đi thực tế tại địa bàn xã cù lao Quới Thiện, viếng phần mộ song thân tướng quân Thoại Ngọc Hầu, thăm gia đình nhà thơ quá cố Truy Phong, khi trở về ủy ban xã, tôi với nhà thơ Vũ Ân Thy, nhà thơ Thanh Yến và Nhật Quỳnh bị mắc mưa, phải đứng trú trong ngôi nhà trống cất kế bờ sông. Nhật Quỳnh chẳng hiểu cơn cớ gì, lại hỏi nhà thơ Vũ Khoa Vũ Ân Thy, rằng anh Ân Thy có tin là có ma không. Vũ Ân Thy trả lời là anh không tin trên đời này có ma, nhưng anh tin là có linh hồn. Thanh Yến nghe vậy liền nói, Yến thì Yến tin chắc là có ma, bởi kể từ khi con trai Yến bị tai nạn qua đời, cháu vẫn thường tìm về nhà bấm điện thoại, bật đèn, bật ti vi, và mở các cửa phòng. Lần đầu tiên Yến biết cháu về nhà, là lần Yến đi xa về, mới lên tới trên lầu, thì nghe chuông điện thoại đổ dồn dập. Đó là điện thoại nội gia, không nối với hệ thống điện thoại của bưu điện, Yến lắp đặt để người nhà có thể gọi cho nhau khi cần. Ngạc nhiên vì biết khi vào nhà, Yến đã khóa cổng và khóa cửa nhà dưới, nên Yến đến ban công nhìn xuống. Nhà dưới hoàn toàn không có ai. Vậy thì ai gọi? Quá ngạc nhiên, nên Yến gọi dì Năm giúp việc ra hỏi, xem thử có phải dì Năm có gọi cho Yến không. Nghe dì Năm nói là dì không hề gọi, tự nhiên Yến linh cảm có gì đó lành lạnh trong xương sống, như thể con trai Yến đang có mặt trong nhà. Vậy là Yến lên tiếng. Con hả? Có phải con tìm về thăm mẹ không? Yến vừa hỏi xong, chuông điện thoại lại đổ dồn một tràng rất dài. Lúc ấy có cả dì Năm đứng đó chứng kiến. Và từ đó, thỉnh thoảng Yến đi đâu về, chuông điện thoại bàn nội gia vẫn vang lên như thế. Rồi thì bóng đèn phòng khách, không ai bật, cũng tự động bừng sáng, rồi tự động tắt đi. Cả ti vi cũng vậy. Đang đêm hôm khuya khoắt, bỗng tự động hát vang lên, rồi có khi lại tự động cắt ngang hông cái rụp. Yến biết chắc chắn, chỉ có con trai Yến mới trở về làm điều đó, vì khi còn sống, cháu rất quấn quýt với mẹ. Vậy nên Yến phải thắp nhang trước bàn thờ, nói rằng con nhớ mẹ thì con cứ về thăm, chứ đừng bày trò nghịch ngợm như vậy, khiến cả nhà phải sợ. Thế nhưng cũng phải tới sau lễ thất tuần, mọi việc mới thật sự chấm dứt, không còn thấy cháu nhấn điện thoại, bật đèn, mở ti vi như trước.  Và cũng kể từ đó, bao giờ có nhuận bút, Yến cũng đặt lên bàn thờ cho con, không hề đụng tới một đồng một cắc. Yến nghĩ rằng, con trai Yến ở dưới âm, cũng rất cần tiền để tiêu xài. Cõi âm cõi dương, cõi nào trong thế giới này mà chẳng cần tiền.
 
Khi nghe tôi kể chuyện này, bà xã Huyền Trang lên tiếng, nói chi xa, hồi ngoại em mới mất, ngày nào má em không nhìn thấy bà ngoại hiện về đi tha thẩn trong nhà. Má nói, ngoại cứ lặng lẽ đi dọc theo các hành lang, đến phòng nào cũng dừng lại, nhẹ nhàng mở cửa phòng, đứng nhìn một lúc rồi lại đi. Ngoại cứ đi đi lại lại như vậy chừng mấy phút, rồi tìm đến cái ghế phô tơi, nằm xuống đọc sách như hồi còn sống. Lúc đó má sợ quá, nhắm nghiền mắt lại, chừng mở mắt ra thì ngoại đã không còn nữa. Sau khi cúng bốn chín ngày xong, hương hồn của ngoại mới siêu thoát hẳn về cõi vĩnh hằng. Huyền Trang còn nói với tôi, nếu gười nhà quá nặng lòng thương nhớ, hương hồn người quá cố sẽ rất khó siêu thoát; bởi vậy, mấy năm trước khi qua đời, nhà thơ Chim Trắng, dường như lui hẳn về sống ẩn dật ở Bình Dương, dặn con cháu chôn cất mình ở đó, để lúc ra đi được nhẹ nhàng.
 
Chuyện linh hồn với chuyện ma, nếu quả thật là có, thì tôi nghĩ rằng, tất cả cũng chỉ là chuyện của thế giới phản vật chất, điều  mà các nhà khoa học đã khám phá ra được, đã chứng minh được sự tồn tại có thật của nó. Vật chất và phản vật chất. Nguyên tử và phản nguyên tử. Hạt và phản hạt. Hay nói theo kiểu văn học như Trần Mạnh Hảo, là thơ và phản thơ. Vậy thì… phản con người là ma chứ còn là gì nữa.
 
Nhớ trận đánh cuối cùng của tôi ở Ấp Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, vào đêm 29 tháng 4 năm 1975. Lúc đầu, theo kế hoạch tác chiến, tôi được lệnh dẫn trung đội đánh bọc vòng ngoài, còn Thơ(Hà Bắc), dẫn trung đội của anh đánh mũi thọc sâu; lúc đó tiểu đoàn chúng tôi(D1- E5- F8- QK8), được lệnh phối hợp với tiểu đoàn bạn, bao vây tập kích một đơn vị của trung đoàn 10 sư 7 Sài Gòn, đang đóng dã ngoại vòng ngoài căn cứ Đồng Tâm. Thế nhưng trước giờ G chừng mười phút, anh Tùng(chính trị viên đại đội(C3- D1), nói với tôi, rằng Thơ cận thị quá nặng, sợ không thấy đường dẫn trung đội đánh thọc sâu, bởi ấp Trung vườn tược cây cối quá rậm rạp, mà đêm lại hậm hực chực mưa, trời rất tối. Vậy là trung đội của tôi chuyển sang nong kinh đánh mũi thọc sâu. Ai dè, cánh C2 bị du kích dẫn lạc đường, khi đến giờ G thì đụng lưng C3 chúng tôi, vào lúc khoảng hai hay ba giờ sáng gì đấy. Khi thấy điểm pháo lệnh đồng loạt tấn công, thì C2 nổ súng, tập trung toàn bộ hỏa lực nả thẳng vào lưng trung đội của Thơ. Nghe tiếng súng, tôi biết ngay là quân ta bắn lộn quân mình, nên ra lệnh cho Phương vô tuyến điện của tiểu đoàn, đi chung với mũi thọc sâu của tôi, liên lạc ngay với C2 yêu cầu dừng nổ súng. Thế nhưng do quá bất ngờ trước tình huống oái oăm này, Phương không thể nào nhớ ra số “nhà” đã định trước(tần số liên lạc đã quy ước khi chuyển sang tấn công). Vốn là cấp trên của Phương, lúc tôi còn là A trưởng thông tin vô tuyến điện của tiểu đoàn, tôi lệnh cho Phương chuyển sang kênh liên lạc trực tiếp, nói thẳng là C2 đang bắn vào lưng C3. Nhưng cả cách liên lạc này cũng không thự hiện được, vì tất cả các máy của tiểu đoàn đang theo bám các đại đội, đều đã chuyển sang kênh quy ước. Khi Phương bắt được liên lạc với C2, thì cả trung đội của Thơ đều đã bị quân ta bằm nát. Lúc rút ra khỏi trận địa, tôi gặp xác Thơ nằm dưới một gốc dừa cụt ngọn, bụng và ngực trống lổng, toàn bộ tim, gan, phèo phổi không còn một chút gì, duy chỉ cái kính cận là vẫn còn đeo trên mắt. Cúi xuốc xốc Thơ lên lưng cõng chạy ra ngoài, tôi thấy Thơ nhẹ hẫng như không. Phương đeo máy chạy phía sau tôi, khóc rống lên hù hụ. “Anh Thơ ơi! Anh Thơ ơi! Sao mà nên nỗi này anh Thơ ơi!’. Lúc đó pháo chụp, pháo phát quang, từ căn cứ Đồng Tâm, từ Cai Lậy, dội xuống đầu chúng tôi như dội bão. Mảnh pháo xé gió rít veo véo ngang qua mặt tôi lạnh buốt. Chớp lửa của pháo chụp nháng xanh lè trên đầu. Cây cối đổ ràm rạp. Đất cát văng vù vù. Vậy mà giữa bời bời mảnh pháo réo rít xé gió ấy, tôi vẫn cõng Thơ chạy thoát ra điểm tập kết, không hề hấn sứt mẻ gì. Đến lúc đó, tôi mới biết, là tôi không còn đủ sức để cõng Thơ chạy thêm được một bước, bởi bình thường Thơ nặng gần gấp đôi tôi. Có lẽ chính Thơ chứ không là ai khác, đã độ cho tôi và Phương, chạy thoát ra khỏi cơn bão pháo cuồng điên hủy diệt trận địa, khi tụi sư 7 Sài Gòn, biết là đơn vị đóng quân dã ngoại của chúng đã bị chúng tôi diệt gọn.
 
Sau 30 tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn tôi về đóng quân tại chợ Vàm Cống, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, lúc này tôi đã chuyển sang làm trợ lý chính trị tiểu đoàn. Vào một đêm, lối hai hay ba giờ sáng gì đó, lúc tôi đang ngủ tại ngôi nhà xưa của ông bà Hai(ông bà ngoại của Mai Thị Giúp và Mai Thị Đỡ), bỗng nghe có một tiếng nổ lớn rất gần, rồi đạn nhọn từ phía ủy ban xã bắn rộ lên từng tràng róng riết, vớ vội khẩu súng, tôi kéo Phùng Gia Thặng lao ngay ra ngoài. Ngang qua trung đội trinh sát của tiểu đoàn, tôi kéo luôn hai tay trinh sát theo mình. Khi chúng tôi đến ủy ban xã, tay trưởng công an xã cho biết, tiếng nổ là tiếng lựu đạn, phát ra từ ngôi nhà phía sau, cách ủy ban xã chừng trăm mét. Tay trưởng công an vừa nói xong, bỗng nghe oành một tiếng nổ chát chúa trên trời, một quầng lửa hực lên chói lóa. Mấy tay du kích xã  nghe tiếng nổ, lại xả súng bắn văng mạng lên trời. Lúc đó không có ai trong ban chỉ huy tiểu đoàn, nên tôi trực tiếp lệnh cho du kích không được nổ súng gây náo loạn, chia bớt một phần ba lực lượng theo tôi. Từ trụ sở ủy ban xã, tôi lên tới ngã ba cây xăng, chỗ nhập vào con lộ đá chạy từ Vàm Cống về Sa Đéc, thì gặp một toán bộ đội của C2 đang đứng giữa đường, dưới chân họ, thấy một xác người to lớn nằm úp sấp trên vũng máu. Chỉ quét đèn pin nhìn qua, tôi đã nhận ngay ra đó là Hoành, trước đây là trung đội phó của tôi, thời tôi còn là trung đội trưởng. Quan sát hiện trường, tôi biết ngay là Hoành bị cướp cò B41, khi vận động lên lộ đá. Từng làm trợ lý bảo vệ tiểu đoàn, tôi nắm bắt tình hình rất nhanh, nên lệnh cho một tay trinh sát tìm cách liên lạc ngay với anh Sáu Hùng(tiểu đoàn trưởng) và anh Thái(chính trị viên tiểu đoàn), xin ý kiến giải quyết tử sĩ. Sau đó tôi giao cho C2 đưa xác Hoành về ủy ban xã, còn tôi đi tiếp tới nơi xãy ra vụ nổ lựu đạn đã đánh thức tôi dậy trong đêm. Té ra đó chỉ là một quả lựu đạn đánh ghen, của ai đó trong xã muốn giết tình địch của mình, nhưng lại làm mất của chúng tôi một người lính từng vào sinh ra tử hàng trăm trận, khi đất nước đã hòa bình thống nhất.
 
Khi anh Thái lệnh cho tôi trở về ủy ban xã giải quyết tử sĩ, tìm hiểu nguyên nhân tôi mới biết, khi nghe tiếng lựu đạn phát nổ, Hoành đã dẫn cả trung đội hỏa lực tiếp cận lộ đá, và ở đó, Hoành bị cướp cò súng B41, do cò súng mắc vào khúc dây nịt dư ra một khúc ở thắt lưng, quả đạn chống tăng đã bung cánh, cắt mất một phần ba đầu của anh ta, ném đi đâu đó, mà trong đêm chúng tôi không thể tìm thấy. Vì phải chôn cất ngay để tránh tai tiếng vào ban ngày, tôi nhờ ủy ban xã liên hệ với Trại hòm, và họ đã biếu không chúng tôi một chiếc quan tài gỗ rất tốt. Sau đó tôi cùng Trần Oanh và tay trợ lý dân vận tiểu đoàn, theo xe GMC của huyện đội, đưa xác Hoành về huyện Lấp Vò chôn cất. Khoảng bảy giờ sáng, tôi từ huyện Lấp Vò về tới Vàm Cống, không hiểu vì lý do gì, tôi không về thẳng nhà ông bà Hai, mà lại ghé qua nhà chú Sáu Tài, ở ngay ngã ba cây xăng, gần với nơi trung đội hỏa lực đóng quân, thuộc ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, cách phà Vàm Cống chừng gần một cây số. Chú Sáu Thành là thợ sửa máy tàu, máy ô tô, là ba chồng của Mai Thị giúp. Xin nói rõ, chồng Mai Thị Giúp từng bị bắt đi lính quân dịch, lúc được về nghĩ phép, đã dùng mủ xương rồng hủy hoại mắt trái, để tránh bị điều ra mặt trận, nhưng không may con mắt ấy lại bị nhiễm trùng, cướp đi mạng sống của anh, Giúp lúc đó mới hai mươi tuổi, nên đã trở lại nhà cha mẹ bên ấp Bình Lợi, nơi tổ chính trị của tôi đóng quân tại nhà ba mẹ và nhà ông bà ngoại của Giúp, còn đứa con tên Tài thì nhà chồng giữ lại. Lúc đó chú Sáu Thành rất quý tôi, và tôi thì trọng tài thợ máy của chú, nên hai chú cháu thỉnh thoảng vẫn uống rượu với nhau. Khi tiểu đoàn(D1- E5- F8- QK8) quyết định thành lập đại đội đặc biệt, để tham gia Hội thi điều lệnh đội ngũ cấp quân khu, chuẩn bị tiến lên xây dựng quân đội chính quý theo hướng hiện đại, được điều làm đại đội trưởng, tôi và Nguyễn Phương Vỹ(chính trị viên) đã về ở tại nhà chú Sáu Thành, bởi vậy tôi với gia đình chú Sáu có rất nhiều kỉ niệm, thế nhưng kỉ niệm về buổi sáng ghé thăm nhà chú Sáu, sau khi đi chôn cất Hoành về, thì có lẽ cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được. Lúc đó chú Sáu kêu con gái tên Hạnh pha cà phê đem lên, còn con gái lớn tên Tuyết thì làm đồ ăn sáng đãi tôi, vì chú biết là tôi vừa phải thức cả đêm. Khi tôi với chú Sáu ngồi nói chuyện, tôi thấy thằng Hiệp khoảng năm, sáu tuổi, cứ thập thò ngoài cửa, dáng vẻ rất bồn chồn, dường như muốn nói điều gì đó. Bởi vậy tôi bước ra cửa, cầm tay nó hỏi, bộ em muốn nói chuyện gì với anh phải không. Thằng Hiệp nói ngay, hồi mơi này em thức dậy ra vườn đứng đái, tự nhiên em thấy có chú bộ đội to cao hiện ra, biểu em nói anh lên sân thượng nhà em, lấy đầu anh ấy xuống đem chôn. Nghe thằng bé nói, tôi giật thót cả mình, lạnh buốt nhoi nhói dọc theo xương sống mấy lần. Khi tôi với chú Sáu, cùng tay trợ lý dân vận tiểu đoàn lên sân thượng, đang tìm quanh quất chẳng thấy gì, thì thằng Hiệp lên tiếng, anh Ba, có cái gì đen đen trên nhánh xoài kìa. Theo tay trỏ của thằng bé, chúng tôi nhận ngay ra đó là một phần đầu của Hoành bị mắc lại, khi rớt từ trên trời xuống.
  
Sau này, cứ mỗi lần ngồi viết về chiến tranh, không hiểu vì sao tôi rất hay nhớ tới Hoành, và rất hay viết về những kỉ niệm thời trận mạc với Hoành. Thường là tôi dựa vào một vài kỉ niệm có thật, rồi hư cấu thêm để đấy tác phẩm đi tiếp con đường của nó. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ là Hoành đã thành hồn ma, ám ảnh tôi, đeo bám những trang viết của tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi với Hoành đã từng có với nhau quá nhiều kỉ niệm, từ thời cùng học trường huấn luyện hạ sĩ quan với nhau, cùng nhau vượt Trường Sơn, cùng nhau tác chiến trong đội hình E 207, sau này là trung đoàn 5 sư đoàn 8. Và khi làm trung đội trưởng, tôi đã nhận Hoành về làm trung đội phó cho tôi, bởi tính ngổ ngáo ngang tàng và thói thích chửi thề nói tục của anh. Và tôi cũng không dám quả quyết, có sự hòa điệu trong thế giới âm dương hay không, mà chẳng hiểu vì sao, rất tự nhiên như là có sợi dây vô hình ràng buộc, Hoành xuất hiện rất nhiều trong các bài viết, truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi. Và cứ mỗi lần tính cách lính trận của Hoành xuất hiện, mạch truyện của tôi trở nên thông thoáng rất nhiều. Ngay từ năm 1977, khi viết truyện ngắn “đồng đội” tại thành phố Cần Thơ, không hiểu có điều gì đó mách bảo, đã xui khiến tôi viết ra khá nhiều mặt trái cuộc chiến tranh vệ quốc mà tôi đã từng tham dự. Tôi nghĩ rằng, chính Hoành và những đồng đội tử trận của tôi, đã buộc tôi phải viết ra điều đó.
 
Vậy thì… vậy thì… có thật là có ma… có thật là có ma không nhỉ!?!?!?...
 
Dzu

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com