Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

 

alt

MỘT THỜI BÁNH CUỐN
Hồ Tĩnh Tâm

 

Sáng nay, Ly Ly mua về cho tôi một hộp bánh cuốn, nói, tôi cần ăn sáng nhẹ, để trưa còn ăn được cơm. Nhìn hộp bánh cuốn ấy, không hiểu tự làm sao tôi lại nhớ mẹ, nhớ cái lần mẹ dạy tôi đổ bánh cuốn, ở Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Hoá, lúc tôi chỉ mới mười mấy tuổi.

Bấy giờ lào vào mùa đông năm 1967. Trời rét đậm kéo dài đã nhiều ngày, mấy anh em chúng tôi được nghỉ học để trú cái lạnh miền bán sơn địa đã xuống dưới 100C. Thương mấy đứa con bị lạnh tới tím tái cả da thịt, nứt cả môi, mẹ vào làng mượn cái cối xay bột, đem về xay bột làm bánh cuốn.  Gạo cung cấp của nhà nước lúc ấy rất dở, lại phải độn tới năm chục phần trăm là bột mì, hoặc ngô, hoặc khoai sắn phơi khô, nên mẹ đã mua về mấy cân gạo dự, là gạo lúa mùa rất ngon ở Thanh Hoá. Tất nhiên mẹ chỉ ngâm một phần, còn thì để dành nấu cháo ăn sáng cho mấy anh em chúng tôi.

Là con trai lớn, tôi phải tiếp mẹ xay bột. Công việc này chẳng lý thú chút nào, vì xay bột rất mỏi tay, rất mệt. Lý thú và hấp dẫn chính là việc tôi được mẹ cho đổ thử mấy mẻ bánh cuốn. Công việc rất đơn giản, nhưng không hề dễ chút nào, với một đứa con trai mười lăm tuổi lộc ngộc như tôi.

Nồi đổ bánh là một cái soong nhôm lớn, bên trên có căng miếng vải diềm bâu trắng. Tôi chỉ việc múc nước bột từ chậu thau đổ lên miếng vải, rồi chà cho bột mỏng ra, bỏ vào đấy món xào, gồm có giá với thịt ba chỉ xắt mỏng thành sợi, sau đó đậy nắp lại chờ cho bột chín, rồi dùng đũa cả cuốn lại thành bánh. Đơn giản vậy mà tôi làm cứ trật duộc mãi. Thứ nhất là tôi tráng bánh không tròn trịa, không mỏng đều như mẹ. Thứ hai là tôi cuốn bánh không chặt, không đẹp được như mẹ; dù cố gắng tới mức phải thò cả tay vào để cuốn, cái bánh vẫn cứ xệch xạc, oặt oà oặt oẹo, chẳng ra làm sao.

Mẹ nói:

- Con phải rưới bột nhẹ tay một chút, Phải chà bột thật tròn từ trong ra ngoài. Khi đổ nhân cũng chỉ cho vừa phải. Cái gì cũng phải từ từ thong thả, cũng phải vừa vừa thôi. Nóng vội thì việc gì cũng hỏng.

 

Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu vạn dặm đường, nhưng bài học từ việc đồ bánh cuốn, mẹ dạy tôi dạo ấy, có lẽ suốt cả cuộc đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên được.

 

HTT


alt

MẤY MÓN ĂN CỦA TÔI

alt

mì nấu bù ngót để giải nhiệt mùa hè

alt

bạn nhớ phải rửa sạch và vò mềm bù ngót- để mát hơn tôi đã nấu với thịt cua đồng đấy

alt

cơm với muối rong biển

alt

muối rong biển rất giàu iot- ăn quen sẽ ghiền

alt

mỗi bữa Dzu chỉ cần một tô nhỏ là đủ

alt

đây là cơm ăn với mắm kho thịt và cá rô, cà tím

alt

mỗi bữa ăn uống một ca thuốc Nam cùng vài viên thuốc Tây, chục viên thuốc Tể

alt

thuốc do lương Y Huỳnh Quang Thanh cho

alt

mỗi toa rất nhiều nên phải dùng nồi mớc sắc được

alt

mỗi toa uống một ngày, hết thì xin nữa

alt

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ VÀO TRANG NÀY!


Vũ Quốc Khánh | 17/05/2011, 11:36

Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu vạn dặm đường, nhưng bài học từ việc đồ bánh cuốn, mẹ dạy tôi dạo ấy, có lẽ suốt cả cuộc đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên được.
.....................
Anh Hồ Tĩnh Tâm quý
Đúng là lời mẹ chẳng bao giờ phai nhạt trong lòng con. Anh đã nói hộ rất nhiều người.
Tôi cũng vậy.
Đêm trường đỏ những tâm nhang
Con như thấy mẹ vẫn đang lần hồi.
Chúc anh luôn vui.
Nhìn các tô anh chụp ngon quá hè.
Chịu khó uống thuốc nhé.

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

vothuong1455 | 17/05/2011, 12:05

vothuong1455

Đọc nhớ dĩa bánh cuốn trước quân khu 7 quá anh Tâm ơi .
Anh nhớ uống thuốc đều nhé
Chúc anh mùa Phật đản an lành

gởi Vũ Quốc Khánh

hotinhtam | 17/05/2011, 12:56

hotinhtam

Chào anh Vũ Quốc Khánh!

Vâng, anh nói đúng anh Khánh ạ. Thỉnh thoảng, tự nhiên vô cớ tôi vẫn nhớ mẹ. Còn như gặp điều gì đó, thì tôi lập tức hình dung ra ngay hình bóng mẹ tôi.

Mẹ tôi đã gần 90 tuổi rồi, sức đã yếu lắm. Cũng như chuối chín cây vậy.

Đêm trường đỏ những tâm nhang
Con như thấy mẹ vẫn đang lần hồi.

Cám ơn hai câu thơ đề tặng của anh nhen!

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

bảythi | 17/05/2011, 13:00

Anh là một người đa tài. Tui không sai khi đoán được anh là tuổi Nhâm Thìn! Giỏi cả nấu nướng.
Tui rất khoái ở phương Mam món cá lóc xóc trụi nướng rơm cả con, bày ra lá chuối, chấm với muối ớt.
Ước có dịp ghé U minh hay đâu đó, thỏa thích món đó với rượu cuốc lủi hạ thổ lâu ngày.
Hạnh phúc phải biết anh Tâm hè!!!

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

bảythi | 17/05/2011, 13:05

Anh Tâm nè.
KHi nào anh ra HN. anh ghé nhắn COM bên trang tui. Tui hẹn anh, hai anh em ta đi nhậu một bữa dài dài tâm sự. Thịt rắn? Hay Ba ba sông?Cá sấu, hay thịt Lạc Đà?Thịt cừu nướng?Kỳ đàbảy món? hay Mộc Tồn sả ớt, lá mơ? Tuỳ anh chọn.

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

hotinhtam | 17/05/2011, 13:06

hotinhtam

Chào Tuyết Nga!

Cám ơn Tuyết Nga đã quan tâm nhắc nhở nhen!
Anh vẫn sắc thuốc uống đều mỗi ngày.
Mà thứ thuốc này lạ lắm. Uống riết lại đâm ghiền như ghiền nước trà vậy, không uống là thèm.

Anh nhớ lại buổi tối trước cổng nhà khách QK7 rồi. T176 hay T76 gì đấy. Anh và mấy người bạn chờ em về ăn cơm.

Nhanh thật!
Mới đó mà đã thành năm nảo năm nào hả em?

Em vui và khoẻ nhen!
Anh phải chuẩn bị để đi dạy buổi chiều.

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

Tùng Minh | 17/05/2011, 16:31

Bài viết của anh đã nói hộ tâm tư tình cảm của rất nhiều người, tình cảm và những điều ân cần chỉ bảo của mẹ luôn đi theo ta suốt cuộc đời anh nhỉ. Ngoài người mẹ ra người đàn bà thứ hai là vợ. Chị chăm lo cho anh thật tuyệt vời, chính vì thế anh phải tự chăm sóc sức khỏe của bản thân cho thật tốt để khỏi phụ tấm lòng của những người thân anh nhé! chúc anh mau bình phục.

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

Cầm Sơn | 17/05/2011, 19:37

Bánh cuốn, một món ăn có từ xa xưa của người đồng quê. Nhưng bây giờ thì là món ăn quý tộc rồi. Anh Hồ Tĩnh Tâm lại còn là một nhà ẩm thực học siêu đẳng nữa đấy!

Bánh cuốn

catbien | 18/05/2011, 09:24

catbien

Một thời bánh cuốn bao kỷ niệm anh ạ.
Chúc anh vui khoẻ.

gởi Bảy Thi

hotinhtam | 18/05/2011, 10:13

hotinhtam

Chào anh Bảy Thi!

Thấy anh là tôi nhớ tới những tấm ảnh anh chụp Hồ Gươm, có đề tựa thơ của anh trên đó. Thật sự đó là những tấm ảnh đẹp, có hồn vía ngàn năm Thăng Long văn vật. Tất nhiên là tôi cũng nhớ thơ của anh, vì anh viết nhanh, viết nhiều, viết hay, và thường cứ như là anh ứng tác ngay trên bàn phím, khi viết comments cho bạn bè. Lâu nay, quả thật tôi chỉ đọc thơ của anh, qua các comments trên blog của bạn bè, chứ ít đọc trực tiếp trên blog của anh, vì tôi cũng ít có thời gian đọc các blog lắm. Thế nhưng tôi rất nhớ những bài thơ viết về mùa đông Hà Nội của anh. Hiu hiu heo may trên mái phố. Cây cơm nguội. Cây sấu. Cây xà cừ. Cái chăn đắp lên nỗi nhớ, trong căn phòng của một người đêm đêm thao thức, với bạn bè, với quê hương, với Hà Nội. Tôi đã làm quen với cô giáo Mai Thao từ blog của anh, hình như từ câu chuyện về đôi giày giữa anh và Mai Thao. Nó là một kỉ niệm nhẹ nhàng và rất đẹp. Tiếc là lâu nay tôi cũng ít vào blog của Mai Thao để đọc. Có gì đó bâng khuâng, nao nao nhớ về thời gian ấy, anh Bảy Thi ạ.

Vâng! Mẹ sinh tôi vào năm Nhâm Thìn(1952) bão lụt, tại khu gò mả Mai Cạnh của làng Gia Độ, nếu mẹ tôi không liều mạng vượt lũ vào làng tìm cậu tôi ra giúp, nếu không có âm hồn của người chết chở che, có lẽ cơn hồng thuỷ đã kéo tôi ra Cửa Việt, và tôi sẽ chẳng bao giờ được tìm về “thành phố” âm hồn, nơi tôi đã sinh ra. Lúc đó ba tôi là bộ đội ở chiến khu Ba Lòng, mẹ tôi là du kích, là cán bộ phụ nữ xã, nên phải trốn ra sống lẩn lút ngoài gò mả; và Mẹ đã một mình hạ sanh ra tôi trong sấm rền, chớp giật, trong mưa gió tơi bời. Tôi là đứa con của đất, của nước, được sinh ra giữa âm hồn bảo bọc của những người đã khuất, tôi yêu quê Nghèo Quảng Trị của tôi đến tận cùng từng hơi thở.

Nếu Bảy Thi có dịp vào Nam, nhớ hú gọi tôi một tiếng (0166 3 088 755), chắc chắn sẽ có cá lóc nướng trui!

Photobucket

Photobucket

Dzu và nhà văn Anh Đào trong một chuyến hành trình xuyên Việt, lên tận Pha Long, lên tận Simacai, để ăn mèn mén và uống rượu Sín Cheéng.

Photobucket

em gái Nguyễn Ngọc Tư đấy

Photobucket

nhà thơ Thu Nguyệt và nhà văn Ngô Khắc tài ở đền Hùng

Photobucket

nhà thơ Song Hảo tại nhà Lò Cao Nhum ở bản Lác

gởi Bảy Thi

hotinhtam | 18/05/2011, 11:56

hotinhtam

Chào Bảy Thi!

Nghe anh nói mà mắc thèm! Toàn những thứ cao lương mĩ vị cả đấy. Ăn một miếng thì nhớ đời, bởi sự thâm hụt ngân sách quá lớn với giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên tôi biết, cánh văn nghệ sĩ đôi khi ăn chơi cũng “ngông” lắm, bất kể cả trời đất- miễn là cứ đã đời đi đã, rồi sau ra sao thì ra. Thế mới là văn nghệ sĩ. Mới ngông như văn nghệ sĩ. Mới nghèo như văn nghệ sĩ.

Tôi nhớ năm 2000, khi tôi cùng nhà văn Trần Thôi đến 17 Trần Quốc Toản, thăm nhà văn Phạm Minh Thư, Minh Thư nói, “em lỡ hẹn đưa con gái đến bác sĩ khám bệnh, cháu bị viêm tai giữa, để em gọi nhà em đến tiếp anh, trưa nay thế nào thì thế, anh cũng phải ăn cơm nhà em”. Thế rồi nhà văn Văn Chinh đến, chúng tôi rồng rắn một đoàn, có nhà văn Dạ Ngân, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Dzu và Trần Thôi, đến một quán lớn trên đường Lê Duẫn(gần ga Hàng Cỏ). Anh Văn Chinh nói, “thịt cầy, thịt cầy, hôm nay tôi đãi bạn Miền Nam, phải thịt cầy mới được”. Tôi nghe thịt cầy thì phát hoảng. Miền Nam mới thịt cầy, Miền bắc chỉ thịt chó, chứ làm quái gì có thịt cầy. Cầy là cầy hương, một con cả triệu đồng(giá hồi đó là cả một đống tiền). Hoảng quá, tôi phải nắm tay anh bồi, kéo lại nói nhỏ vào tai, “thịt chó nhé, cứ món nào ngon thì dọn ra, nhưng chỉ chó chứ không cầy đâu nhé”. Vui quá, tưng bừng chó với nhau, Văn Chinh quên béng mất là đang xơi thịt chó chứ không phải thịt cầy.

Bảy Thi thấy đấy! “Em ơi Hà Nội chó”, chứ có ai hát “Em ơi Hà Nội cầy” đâu.
Có dịp, ta kéo ra đê sông Hồng thịt chó- chỗ gần Chèm, hay gần dưới chân cầu Thăng Long cũng được.

Tôi lại nhớ lần khác, tôi cùng với tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh(Viện báo chí) đến thăm nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, anh Tạo dẫn đến hồ Giảng Võ, uống bia với gỏi cá mè nướng. Món này độc chiêu ở chỗ, cá mè ông chủ giăng câu dây, câu trộm ngay dưới hồ; được con nào, nhà hàng nướng ngay con nấy, rồi các em Hà Nội thơm mùi quê lúa Thái Bình, thơm mùi hoa phượng Nam Định, thơm mùi hoa gạo Bắc Ninh, đứng sau lưng cuốn gỏi cho ăn.

Mà nhà cái ông “làng quan họ quê tôi” ở Diễn Châu này, ông ấy có thú ẩm thực ngộ kì đời. Hôm nhậu trên tầng bốn nhà ông ấy, ông ấy tự tay áp chảo từng miếng thịt bò to như bàn tay, ông ấy tự chặt giò heo hầm măng, từng cục to như nắm đấm. Rượu Smirnop(tôi sửa lại, nhờ đọc comment của Bảy Thi mà nhớ ra, và biết là tôi đã viết sai) thì rót ra cốc có chân, xắt ớt sừng trâu thả vào, mỗi cốc hai miếng ớt, một lát chanh; khi uống thì lấy lát chanh khác, chấm muối bột, quệt quanh miệng cốc, rồi nhấm làm bốn lần. Tôi có thói quen ực một cái, bị coi là ngưu ẩm.

Hồi tôi ra Hà Nội học Nhạc, Nhạc viện Hà Nội gởi chúng tôi ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Hoạ TW, anh bạn nhạc sĩ quý tôi, dặn trước ông chủ Tứ Hải(gần trường cán bộ đoàn TW- Trường Lê Hồng Phong) dành cho 16 cái giụm chó(quý lắm nhé!). Ấy vậy mà tôi có ăn được đâu. Chân chó chứ đâu phải chân gấu, toàn da với xương. À, mà biết đâu, chân chó bổ hơn chân gấu thì sao? Có thế anh bạn tôi mới phải dặn trước chứ. Tôi đúng là quê một cục. Thôi thì tôi cứ món nhà quê, tôi nấu lấy tôi ăn. Mời luôn Bảy Thi nhé!

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Re: một thời bánh cuốn để nhớ- hotinhtam

baythi | 18/05/2011, 12:17

Quay qua đây, biết thế nào anh cũng trả lời tui một bài dài gan ruột. Vậy là anh với tui đồng niên. Mà lạ, cái tuổi Thìn dễ nhận ra nhau lắm. Năm kia, năm ngoái lên Phú THọ, gặp Cầm Sơn, tui cũng nghĩ ông bạn này thế nào cũng Thìn! Y chang luộn!!! Xuống HN, gọi đi quán Dê núi. Lên Phú Thọ, Thịt trâu, thịt bê tươi! Còn dặn lên nữa sẽ đãi Lợn cắp nách, Gà chín cựa! Hehe. Tui ở HN, phải nói nhà hàng nào, ăn gì, món gì là tôi biết trọi. Nhất là ba thứ mồi với Tinh chất của ngũ cốc! Tính tui nhậu là phải mồi. Không mồi hại gan ruột! hehe.Mồi càng ngon, càng đắm đuối dắt, thì cái cay dễ dzô! Haha. Tui cũng mến lão Công Hùng (tuy chưa gặp 'hắn', chắc ít tuổi hơn anh em mình), có dạo gọi mời đi nhậu, nhưng tiếc là tuột mất, chiều "hắn" lên đò rồi! Từ đấy đến giờ nghĩ có khi là chưa có cái duyên gặp và chuyện trò. Nên đành vậy! Tui đã nhậu với Lãm(Huế) Nguyên Hùng(SG) nhưng mấy chả không dám nhiều (có thể là làm khách cũng nên) Tùng Minh (Đèo Cón) Bác Hai Ngô Khoai, nhưng cũng chỉ là coi như chưa. Hôm Hà Nguyên ra đây có gặp, nhưng ổng đi theo tua và với bà huyện, nên thời lượng không đủ cho một cuộc nhậu. Còn tui chuyện làm mồi ở nhà cũng là chuyện nhỏ. Đã từng làm thịt một con cừu 47 kí, làm cho 30 bạn ăn nhậu, với các món sườn nướng, thăn cừu nướng, Cơm cừu nấu theo kiểu đạo hồi! 21 người nhậu chỉ uống hết 7 chai Smirnop và 20 chai vodka loại 0,5 lít(vào dịp WORLDCUP 2002). Anh đã xơi thịt cừu nướng chưa?
Mấy món tự tay anh làm đã biết tay nghề anh rồif! Tuổi Thìn mà lại!
Chúc anh vui

gởi Tùng Minh

hotinhtam | 18/05/2011, 12:20

hotinhtam

Chào Tùng Minh!

Anh Tùng Minh biết không? Cái đận tàu bay Mĩ ném bom Miền Bắc, ba tôi liên tục đi công tác chỉ đạo các nông trường gia tăng sản xuất, để “hết lòng vì Miền Nam thân yêu”, nên mẹ phải một mình tha mấy anh em chúng tôi đi sơ tán. Lúc đó chị tôi lại đang học ở Liên Xô, thành ra mẹ dạy cho tôi đủ điều. Mười mấy tuổi, nhưng tôi biết làm mứt dừa, mứt bí, làm bánh ga tô, bánh bao, biết nấu đậu hủ, làm đậu phụ, đổ giá… Nghĩa là, từ một đứa con nít nghịch như quỷ, tôi trở thành một Jan Kim Cúc trẻ con, nấu gì cũng ăn được(có điều ngon thì không dám nói).

Anh Tùng Minh thấy đấy. Mẹ tôi ảnh hưởng tới tính cách của tôi rất nhiều. Trước hết là tính hay lam hay làm, tính tảo tần, tiết kiệm, và chịu thương chịu khó. Từ một đứa trẻ con thành phố, mười mấy tuổi tôi đã biết vào rừng lấy củi, biết chặt nứa đem về đánh tranh lợp nhà… Tất cả là một tay mẹ tôi dạy dỗ. Nếu giọng văn của tôi, đôi khi có chút gì hài hước, đó cũng là tính cách trạng Quảng Trị, mà mẹ truyền lại cho tôi, qua những câu chuyện mẹ kể về làng, về bà con cô bác. Tất nhiên là tôi phải biết ơn mẹ. Còn bây giờ thì thêm bà xã.

Tôi vẫn nhớ uống thuốc mỗi ngày. Tùng Minh cứ yên tâm!

Photobucket Photobucket

Photobucket Photobucket

Photobucket

gởi Cầm Sơn

hotinhtam | 18/05/2011, 12:50

hotinhtam

Chào anh Cầm Sơn!

Bánh cuốn ở Vĩnh Long cũng rẻ anh ạ, vì chỉ có mấy miếng chả(mà tôi e rằng có thể pha cả bột gạo hay bột mì trong đó). Bánh cuốn Thanh Trì mới đích danh là bánh cuốn, và tất nhiên phải có nước mắm cà cuống nữa mới đúng điệu.

Tôi nhớ có lần, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Duy ghé Thanh Hoá. Chẳng những tỉnh uỷ cho cả đoàn hai chục người ngủ nhờ ở nhà khách, mà sáng ra, họ còn chiêu đãi một chầu bánh cuốn, ngon như hò sông Mã, anh em dô tá dô tà đã đời; tha hồ cho anh Nguyễn Duy bốc thơm quê hương người anh hùng Lê Lợi(quên tiệt mất gốc gác câu chuyện “ăn rau má phá đường tàu”).

Theo tôi, bánh cuốn muốn ngon, trước hết cứ phải gạo ngon cái đã. Mà gạo ngon thì nhất xứ có lẽ là gạo Hải Hậu- Nam Định. Trong này, gạo Tám Xoan Hải Hậu, không phải cứ có tiền là mua được đâu nhé! Bà xã tôi phải can me siêu thị coopmart, lâu lâu mới mua được một bịch năm kí. Và cũng lâu lâu mới dám ăn cơm gạo Tám, chứ vợ chồng giáo viên, đào đâu ra tiền mà thường xuyên gạo Tám.

Ra Hà Nội, thế nào anh em mình cũng đi ăn bánh cuốn Thanh Trì một bữa(anh nhớ lận lưng theo gù rượu làng Vân nhé!)

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

gởi Bảy Thi

hotinhtam | 18/05/2011, 14:49

hotinhtam

Chào anh Bảy Thi!

Bảy Thi đúng là ngự lâm cao thủ trong làng blog, với đúng nghĩa của chữ ấy. Viết nhanh viết khoẻ, ấy là một. Viết đủ đề tài, loại thể, ấy là hai. Viết đều, viết cho nhiều người, ấy là ba. Và thêm điều hơn cả ba điều đã nói ở trên, ấy là “đức” hay rượu, và “tài” xào, nấu, chiên, kho, hầm, luộc- một đặc tính trời
ban cho các đấng thi sĩ mày râu. Nói về điều này tôi nhớ, sinh thời cụ tản đà, thỉnh thoảng lại lận lưng chai rượu, bọc muối ớt, bơi ra hòn đảo đá giữa sông Đà, nạy hàu để nhấm rượu. Có lần anh bạn ở Quảng Ninh, mời tiên sinh ra Hạ Long tỉnh dưỡng làm thơ, nhưng có việc của Nhà dây thép, phải đi công tác mấy ngày, lúc trở về, thấy tiên sinh say ngủ lăn lóc góc nhà, còn nền nhà thì bị đào tung lên cả một mảng. Hỏi thì được tiên sinh Nguyễn Khắc Hiếu trả lời tỉnh bơ, nhà sẵn rượu, sẵn thức nhắm, ngặt điều thiếu răm răm, nên tôi xới miếng đất để trồng.

Nay Dzu nghe nói, Bảy Thi vật cả con cừu 47 kg, ra tay xả thịt, chế đãi bạn bè mấy món, thì quả là thi nhân bát bửu, thiên hạ thuộc vào hàng đệ nhất thi ẩm. Dzu tôi đi nhiều nơi, ăn nhiều món, uống nhiều thức, nhưng có hai món tiên sinh Bảy Thi nhắc tới mà tôi chưa biết, ấy là thịt lợn cắp nách và thịt cừu(kể cả cơm cừu nấu kiểu đạo Hồi).

Nhớ một lần chúng tôi bị đá lở làm kẹt xe ở đèo Pha Đin, đám xe tải mua con lợn núi, chỉ độ hơn chục cân, chọc tiết làm thịt, rủ ngồi chơi uống rượu; nhưng lợn còn đang cạo lông, thì xe chúng tôi là xe nhỏ nên qua được, bởi vậy mà không biết con lợn ấy có phải là lợn cắp nách hay không? Hỏi thì Nguyễn Ngọc Tư nói chắc như đinh đóng cột, nó là lợn cặp nách chứ lợn gì.

Nghe nói em trai tôi có cái nhà bỏ không ở gần chùa Bộc(Bộ cấp cho chú ấy lâu lắm rồi), có dịp tôi ra Hà Nội, mình tụ tập bạn bè ở đấy, mua đồ về ra tay chế món này món nọ, tưng bừng với nhau cho thật đã. Hoặc đến nhà anh rễ của tôi, vì anh ấy sống độc thân, muốn phá phách gì cũng dễ. Còn không thì mình kéo vào Ninh Bình, tôi có chú em con ông cậu ở đấy, nhà nó có cả ao cá, tha hồ mà câu. Có điều tửu lượng cỡ bạn bè Bảy Thi, một trận mà phang hết 7 chai smirnop và 20 chục chai vodka(loại 0,5 lít) thì chắc tôi phải kiếng bằng sư phụ, vì dạo này tôi xuống cấp trầm trọng.

Thế nhưng gì thì gì, cũng cứ phải tưng bừng cùng Bảy Thi một trận. Bạn bè tôi ở Hà Nội, cũng vào hàng anh hùng thảo khấu, chẳng kém gì giang hồ Lương Sơn Bạc.

Cứ gặp nhau rồi tính.
Nói kiểu Nga là: HÃY ĐỢI ĐẤY!

Photobucket

nhà thơ Thu Nguyệt

Photobucket

nhà thơ Song Hảo

Photobucket

nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Photobucket

tại quảng trường Lai Châu

Photobucket

Dzu và nhà văn Chu Lai

Photobucket

nhà văn Đào Thắng và em gái Mộc Châu

Photobucket

nhà văn Trần Thôi và em gái Huế


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com