Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

hồn ma bóng quế- truyện của hotinham

HỒN  MA BÓNG QUẾ

Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm 

Từ ngày vợ mất vì tai nạn giao thông, suốt hai năm trời, Toàn sống vất vưởng như người không hồn. Mỗi ngày, cứ hết giờ làm việc buổi chiều, Toàn lại tìm đến quán bà Minh gọi dĩa bò khô, ngồi lặng thinh với ve rượu trắng, tới gần nửa đêm mới khật khưởng ra về. Bà Minh là người bán đồ nhậu suốt đêm ở ngã ba đường, nên bà cũng chẳng lấy điều đó làm buồn, cho dù đêm nào Toàn cũng chiếm của bà một cái bàn, một khoảng không gian trong khoảng không gian làm ăn chật hẹp của bà. Thế rồi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, bà Minh quen dần với nỗi khổ đau ủ ê của Toàn, lại động lòng thương Toàn, thỉnh thoảng khi vắng khách vẫn ngồi trò chuyện với Toàn, động viên an ủi Toàn, san sẻ với anh nỗi cô đơn đau khổ. Bà thường khuyên Toàn rằng, tốt nhất là nên bán ngôi nhà đang ở, mua một ngôi nhà mới ở đâu đó, để quên đi những gì thuộc về quá khứ vẫn hằng ám ảnh anh, như vậy mới hy vọng nguôi đi được nỗi đau, để làm lại cuộc đời, vì tuổi Toàn vẫn còn rất trẻ. Nghe Toàn nói, ngôi nhà nhỏ của anh có bán cũng chẳng được bao nhiêu, bà Minh gợi ý, từ nay bà sẽ tặng anh dĩa mồi, để anh lấy tiền đó mua vé số, biết đâu trời đất thần phật lại động lòng thương thì sao. Nói sao làm vậy, đêm hôm sau khi Toàn ra uống rượu, bà Minh nhất định không chịu lấy tiền dĩa mồi, còn Toàn thì cứ khăng khăng đòi trả, và còn nói rằng, nếu bà không lấy tiền thì anh sẽ ngồi đến sáng. Đang lúc hai người chưa ai chịu nhường ai thì có người đàn ông bán vé số đi qua, bà Minh bèn nhận tiền của Toàn mua bốn tờ vé số đưa cho anh, nói rằng bà tặng anh để cầu hên. Nước này thì Toàn chỉ còn biết nhận bốn tờ vé số cùng lời cảm ơn bà Minh rồi ra về. Ai có ngờ đâu bốn tờ vé số ấy lại trúng độc đắc. Toàn nói lộc trời cùng hưởng nên chia cho bà Minh hai tờ. Mới đầu bà Minh từ chối quyết liệt lắm, vì nói rằng bà đã mua cho Toàn thì vé số là của Toàn, bà nhận sẽ không phải với trời đất, e rằng tổn thọ, nhưng rồi cứ bị Toàn thuyết phục mãi, rằng nếu Toàn hưởng phúc một mình, sợ rằng trong phúc sẽ có họa, cuối cùng bà Minh cũng chỉ xin nhận một tờ để cầu phước cho Toàn vạn sự như ý.

Có tiền, Toàn lập tức làm theo ý bà Minh, bán ngôi nhà cũ, ra ngoại ô mua miếng đất cất nhà, sát bên con đường nằm cặp dòng sông cái. Từ đó anh không còn uống rượu nữa, mà chỉ chuyên tâm vào công việc làm ăn hàng ngày. Người đời vẫn nói, họa vô đơn chí phước bất trùng lai, vậy mà từ ngày chuyển về nhà mới, công việc làm ăn của Toàn lại tiến triển tốt đẹp lên trông thấy, tiền vô ào ào như nước chảy. Đêm đêm nằm một mình trong căn phòng trống trải có cửa sổ nhìn ra sông lớn, Toàn vẫn nghĩ rằng ngôi nhà anh cất đúng long mạch, hạp với phong thủy, nên anh mới gặp được vận may trong công việc. Toàn luôn nghĩ trong đầu như vậy, cũng là bởi một điều rất lạ, không hiểu vì sao phòng ngủ của anh lúc nào cũng thoang thoảng một thứ hương thơm dìu dịu, khiến mọi mệt nhọc sau một ngày làm việc của anh đều tan biến đi hết cả, thay vào đó là cảm giác sảng khoái dễ chịu mà xưa nay anh chưa từng có. Nghĩ là có điều gì linh thiêng, nên Toàn thỉnh về nhà một bát hương, rồi đốt nhang khấn rằng, nếu có ai mở lòng phù hộ độ trì cho anh thì xin cứ về để anh thờ cúng. Khấn xong Toàn tắt đèn đi ngủ.

Vào khoảng quá nữa đêm, Toàn giật mình thức giấc, vì nhận thấy có một thiếu nữ xinh đẹp không hiểu bằng cách nào vào được phòng anh, nhẹ nhàng nằm xuống bên anh, rồi vòng tay ôm chặt lấy anh. Lúc đó Toàn không hề thấy sợ, cũng không thấy có điều gì ngạc nhiên đáng phải lo nghĩ, mà chỉ cảm thấy rạo rực nỗi khát thèm của đàn ông. Và rồi rất tự nhiên, cả hai cuộn chặt lấy nhau, đắm chìm với nhau đến mê lịm.

Sáng ngày thấy quần mình bị ướt, Toàn nghĩ rằng đêm qua mình đã nằm mê thấy chuyện ấy, nên anh vẫn yên tâm đi làm như mọi hôm. Nhưng rồi khi đêm đến, khi đã chìm vào giấc ngủ, Toàn lại thấy cô gái xinh đẹp ăn mặc theo lối người xưa đến nằm xuống bên anh, cùng anh vùi vào chuyện chăn gối đến mê lịm. Và rồi đêm nào cũng vậy. Đêm nào hai người cũng lặng lẽ dâng hiến cho nhau đến cùng kiệt sự thỏa mãn, mà ngay cả với người vợ trước đây Toàn cũng chưa bao giờ có được. Một tuần. Hai tuần. Rồi một tháng. Rồi hai tháng trôi qua. Đêm nào cũng như đêm nào, vẫn là sự dâng hiến ái ân mặn nồng bằng xương bằng thịt, bằng cảm giác khát thèm nhau đến cháy bỏng. Ngạc nhiên với chính khả năng đàn ông của mình, Toàn tìm đến quán bà Minh uống rượu, rồi tình thật kể cho bà Minh nghe về căn bệnh mộng tình của mình, với hy vọng bà Minh là người lớn tuổi, biết đâu bà Minh sẽ cho anh được một lời khuyên. Bà Minh nghe xong thì nói. “Vậy là chú phải lấy vợ rồi. Lấy vợ mới giải tỏa được ức chế trong mộng của đàn ông”.

Cuối năm đó Toàn lấy vợ. Nhưng lạ một điều, là ngay cả khi đã làm tình với vợ, cứ quá nửa đêm, người thiếu nữ xinh đẹp ăn mặc theo lối cũ xưa vẫn tìm đến với anh, cùng anh vùi vào trận mây mưa đầy lạc thú, mà chính người vợ trẻ mới cưới của anh, cũng không thể nào đem lại được cho anh điều đó. Từ chỗ ngạc nhiên về khả năng của mình, Toàn đâm ra lo sợ, nên lại đem ra kể hết cho bà Minh. Lần này thì chính bà Minh đã ngoài sáu mươi tuổi cũng phải ngạc nhiên. Bà nói với Toàn rằng. “Nếu đêm nào cũng vậy, thì một là chú bị bệnh phải đi khám bác sĩ, hai là phải rước thầy địa lý đến xem thủy thổ nơi cất nhà, rồi mời thầy cúng đến yểm bùa trấn ngự”. Nói xong, bà Minh còn ngõ với Toàn rằng, nếu Toàn chịu, bà sẽ mời giùm anh một thầy địa lý rất giỏi. Vốn chịu ơn bà Minh bởi mấy tờ vé số, nên Toàn đồng ý làm theo lời khuyên của bà, nhờ bà rước giùm ông thầy địa lý.

Thầy địa lý là một người đàn ông ngoài bảy mươi tuổi đến từ miệt Bảy Núi. Ông này đến ngồi lầm rầm khấn bái, rồi gieo quẻ, rồi nói rằng, chắc chắn dưới giường ngủ của anh có hài cốt của một người con gái trẻ chết khi còn trinh tiết. Nói xong ông còn khẳng định rằng, vợ chồng anh cần cúng bái để di dời hài cốt cô gái ra ngoài lập mộ chôn cất, thờ phụng, vì chỉ có cách đó mới ngăn được cô gái đêm đêm tìm đến với anh. Toàn nghe xong đổ tháo mồ hôi hột, nhưng không còn cách nào khác, nên đành phải nghe theo lời ông thầy địa lý, thuê người đến đào tung căn phòng để tìm hài cốt. Và quả y như lời ông thầy đã phán, khi đào nền căn phòng xuống sâu hơn một mét, người ta tìm thấy một cỗ quan tài bằng gỗ còn rất mới, như thể chỉ mới vừa chôn được một hai năm nay. Gỗ quan tài có màu hổ phách sáng đẹp, vân gỗ lượn như mây vần vũ, lại tỏa ra mùi thơm ngào ngạt rất mặn nồng. Ông thầy địa lý đeo mục kỉnh nhìn ngắm một lúc rồi nói rằng, cỗ quan tài được đóng bằng gỗ Ngọc Am là thứ gỗ quý mà ngày nay không còn nơi nào nhìn thấy, như vậy người nằm trong đó chắc chắn đã qua đời cả trăm năm nay. Mấy người thợ đào đất nghe nói, ai nấy đều tròn xoe hai mắt, nhưng lạ lùng là không ai tỏ ra sợ hãi, vì dường như hương thơm dìu dịu đã giúp trấn an cho họ. Khi mọi người cạy được nắp quan tài, lại thêm một điều ngạc nhiên đến sững sờ, là bởi trong cỗ quan tài có một thiếu nữ trẻ xinh đẹp, mặt mũi, hình dáng và quần áo đúng hệt như người mà Toàn tả lại anh vẫn gặp trong mộng. Thiếu nữ nổi lập lờ trong thứ nước đặc sền sệt có màu hổ phách nâu đậm, bốc lên hương thơm ngào ngạt. Gương mặt thiếu nữ hồng hào như đang ngủ, mái tóc xõa dài đen óng, trang phục vẫn chắc và mới như vừa may xong. Thầy địa lý trầm ngâm một lúc rồi nói. “Cô gái nếu không là con nhà quan thì cũng là con nhà bá hộ, nên mới được ướp xác bằng tinh dầu gỗ Ngọc Am, được quàn bằng quan tài gỗ Ngọc Am, linh hiển thiêng lắm, mọi người nhớ giữ mồm giữ miệng kẻo vạ oan cho cả nhà”. Nói xong thầy địa lý quỳ xuống chắp tay khấn lạy, niệm nam mô mấy câu rồi khăn áo quày quả ra đi. Trước khi ra đi ông còn không quên dặn rằng, mọi người phải quên hết chuyện này từ hôm nay để còn sống đặng với bá tánh trong thiên hạ.

Nói lời nói gió bay là nói vậy, chứ thực tình, đôi khi lời nói ám ảnh lắm. Bởi vậy, những người được vợ chồng Toàn thuê di dời hài cốt, sau khi dời quan xong, không ai dám nhận một đồng bạc, ai cũng nói, tiền ấy xin nhờ vợ chồng Toàn lo nhang đèn cúng kiếng cho cô gái, mong cô phù hộ độ trì cho họ được tai qua nạn khỏi.

Cuối năm ấy vợ Toàn hạ sanh một bé gái đẹp như tiên nữ, đặt tên là Ngọc Lam, nói trại đi tên gỗ Ngọc Am, bởi đứa bé giống cô gái trong huyệt mộ như đúc.

HTT

VÀI TƯ LIỆU VỀ GỖ NGỌC AM MÀ HTT VIẾT TRONG TRUYỆN

Cây Ngọc Am hay còn gọi là Hoàng Đàn Rủ có tên la tinh là Cupressus funebris là loại cây thuộc họ Hoàng Đàn. Trong gỗ có hàm lượng tinh dầu cao được chiết xuất dùng làm mỹ phẩm và dược phẩm. Hiện nay, Ngọc Am thuộc nhóm 1A trong danh mục phân loại thực vật của Bộ NN&PTNT ( việc khai thác gỗ Ngọc Am đã bị nghiêm cấm ).
Gỗ Ngọc Am chỉ xuất hiện ở vùng núi cao Hoàng Su Phì của Hà Giang, gỗ được người dân bản địa khai thác từ các gốc rễ còn sót lại trong rừng. Gỗ Ngọc Am có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, tắm bằng bồn gỗ Ngọc Am giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo. Mùi thơm từ gỗ Ngọc Am xua đuổi côn trùng tạo mùi thơm dễ chịu đặc trưng nếu để trong phòng.
Bên cạnh tác dụng về dược tính, gỗ Ngọc Am được dùng như một biểu tượng tâm linh, các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu... được làm bằng gỗ Ngọc Am được người xưa coi như một biểu tượng giúp xua đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng

Ngọc Am là loại gỗ quý thuộc nối với hóm 1A, hiện nằm trong danh sách đỏ thực vật của bộ NN&PTNT. Hiện nay việc khai thác gỗ Ngọc Am đã bị nghiêm cấm. Người dân chủ yếu khai thác tận thu từ các phần còn sót lại như rễ.
Tinh dầu Ngọc Am có nhiều tác dụng như: diệt khuẩn, khử mùi, xua đuổi côn trùng, giúp tinh thần sảng khoái. Tinh dầu Ngọc Am hòa với nước khi tắm giúp da dẻ hồng hào, giúp cơ thể thải độc tố (ngày xưa chỉ có vua chúa và quan lại có chức cao mới được dùng gỗ này để đóng bồn tắm và làm quan tài)...Theo quan niệm xưa, việc đặt gỗ Ngọc Am trong nhà giúp xua đuổi tà ma, đón rước may mắn và tài lộc. Gỗ Ngọc Am còn được sử dụng rất nhiều trong phật giáo như tạc tượng, làm tràng hạt, điêu khắc lư hương...Do có nhiều tác dụng như vậy nên khi thực dân Pháp đô hộ nước ta đã khai thác gần như hết Ngọc Am trong các khu rừng tự nhiên. Chính vậy gỗ Ngọc Am ngày càng quý hiêm và việc sở hữu một vật dụng làm từ Ngọc Am không phải là dễ.

altalt

bởi: tinhtam trong Dec 7 2011, 12:12 PM

Huyền thoại loại gỗ quý như ngọc

 
Hương ngọc am quyện vào làn da cung tần mỹ nữ xưa khiến các bậc đế vương say đắm, gỗ ngọc am dùng làm quan tài thì cả trăm năm xác thịt vẫn tươi nguyên… Những câu chuyện như thế vẫn được người ta truyền tai từ nhiều đời nay.

Những người già ở xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì, Hà Giang), vẫn nhớ hình ảnh những người Hán to lớn, sống mũi cao dắt từng đàn bò sang đất ta kéo gỗ ngọc am về. Họ dùng những chiếc thuốn sắt dài hai ba sải tay đâm chọc khắp các vực, suối, bờ bãi để tìm ngọc am.

Cuộc săn tìm ráo riết ngọc am ấy đã diễn ra cách đây cả mấy chục năm. Nhiều người đã quên hẳn ký ức về loài gỗ này, tuy nhiên, một vài năm trở lại đây cơn sốt ngọc am lại rộ lên. Người ta thi nhau vào rừng đào bới, moi móc tìm những gốc rễ còn sót lại trong cuộc chặt phá từ cả mấy thế kỷ trước...

Một thân gỗ ngọc am

Ngay bản thân cái tên ngọc am đã làm người nghe mường tượng ra đây hẳn không phải là một loại gỗ thông thường (am là nằm sâu dưới lòng đất). Nếu gỗ sưa được xem như thứ gỗ đắt như vàng ròng, thì ngọc am cũng được ví quý như ngọc bích.

Nhiều đại gia sẵn sàng chi vài chục triệu đồng cho một đoạn thân gỗ lũa ngọc am dùng để trang trí trong nhà hay cả trăm triệu để mua một bộ bàn ghế bằng ngọc am. Thậm chí, nhiều người chỉ cần “bê” một thân gỗ ngọc am chưa đẽo gọt về nhà, cũng được xem là sang và “chơi” lắm.

Ai cũng biết, gỗ ngọc am có màu sáng bắt mắt, hương ngọc am có mùi thơm dìu dịu, nhưng điều đặc biệt khiến đây trở thành thứ gỗ quý được nhiều đại gia lùng sục nằm ở chính những huyền thoại bao phủ quanh nó hàng trăm năm nay.

Loài gỗ dùng cho các bậc đế vương

Dân mê đồ gỗ vẫn thường rỉ tai những câu chuyện nhuốm màu huyền tích về thứ gỗ được mệnh danh “ngọc của rừng”. Ấy là thời xưa, đây là loại gỗ thường chỉ được dùng trong cung cấm của các bậc đế vương, thành phần quan lại, hay thường dân dù có tiền cũng khó lòng sở hữu được.

Một loại bồn tắm được chế từ ngọc am

Gỗ ngọc am được đẽo gọt thành những đồ vật như bồn tắm, giường, ghế, ốp vào tường, thùng xách nước… trong cung vua. Tinh dầu ngọc am dùng để nhỏ vài giọt vào nước tắm là một trong những cách xức nước hoa của các cung tần mỹ nữ. Hương ngọc am quyện với da thịt trắng trẻo của người con gái như một thứ “bùa mê” khiến các bậc đế vương say sưa, ngây ngất.

Thi thể được ướp bằng tinh dầu ngọc am, đặt trong quan tài ngọc am thì đến cả trăm năm xương thịt vẫn tươi, quần áo niệm vẫn còn nguyên không hề rách nát. Khi khai quật mộ lên có khi cách xa hàng trăm mét vẫn ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng, tuyệt nhiên không có mùi gây gây của xương thịt người. Người được chôn cất được tẩm liệm theo phương pháp này được coi là chôn vĩnh viễn, không cải táng.

Xác ướp bằng tinh dầu ngọc am vẫn còn nguyên vẹn

Tuy nhiên, thời xưa không phải ai cũng được phép sử dụng ngọc am để chôn cất, ướp xác. Có một câu chuyện lưu truyền rằng, vua Tự Đức từng biếm chức viên quan Án sát tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Khắc Nguyên vì vị này dám lén dùng tinh dầu ngọc am để ướp xác cho mẹ. Nghĩa là, các triều đại phong kiến quy định rất chặt chẽ việc hạng người nào mới được gìn giữ thi thể lâu dài bằng cách dùng quan tài ngọc am, ướp tinh dầu ngọc am.

Bên cạnh đó, với chi phí đặc biệt đắt đỏ và sự kỳ công của việc tẩm liệm, mai táng, không phải gia đình thường thường bậc trung nào cũng có thể làm được.

Gỗ quý để đuổi tà khí, đem lại sự thịnh vượng

Một công dụng khác khiến ngọc am được các đại gia ráo riết săn tìm, ấy là nó còn là một biểu tượng tâm linh. Các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu... được làm bằng gỗ ngọc am có tác dụng được cho rằng có thể đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng về nhà.

Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, ngọc am có tác dụng chữa bệnh, tắm bằng bồn gỗ ngọc am giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo... Thậm chí, hương ngọc am còn được coi như thứ mùi kỵ côn trùng, khiến ruồi muỗi bay xa.

Một trong số những cây ngọc am quý còn sót lại ở Hoàng Su Phì

Vì những lẽ đó, anh Trần Đức Thuấn, một đại gia có tiếng trong giới sản xuất đồ gỗ Việt Nam, khi sang Trung Quốc kể lại rằng: “Với một đại gia Trung Quốc, người ngoài đánh giá các vị đại gia này không chỉ bởi anh ta có ngôi nhà to cỡ nào, chiếc xe sang ra sao mà chính là anh bày biện gì trong phòng làm việc hay phòng khách.

Một đại gia mà trong nhà, trong phòng làm việc không có mẩu ngọc am hoặc không có vật dụng gì bằng gỗ sưa thì chưa thực sự sành điệu, đẳng cấp”.

Tuy nhiên, ngay cả nhiều người hiện tại sở hữu ngọc am vẫn băn khoăn: ngọc am có thực sự quý giá, có hay chăng những tác dụng phi thường kia hay chỉ là lời đồn thổi, huyễn hoặc.

Ngọc am là loài cây thân gỗ thơm ngát, lá kim mà cầm không đau tay được các nhà thực vật xếp vào họ Hoàng đàn, bộ Thông. Ngọc am có tên La tinh là Cupressus funebris, nhưng dân gian quen gọi là cây ngọc am, hoàng đàn rủ. Người Trung Quốc gọi nó là San mộc, còn người Tày, Nùng ở vùng cao phía đông bắc nước ta gọi là Máy vạc.

Ngọc am có hai loại: vàng và đỏ. Trong đó ngọc am đỏ có mùi thơm hơn cả. Ngọc am có đặc tính, càng già càng thơm, phần gốc thơm hơn phần ngọn, vùi càng lâu dưới đất càng thơm.

Nếu ngọc am để nguyên khối sẽ dễ phai mùi. Khi ấy, chỉ cần xé tước phần thịt gỗ, cắt một thần thân gỗ, hoặc nếu muốn thưởng thức mùi ngọc am ngay tức khắc, có thể dùng nước sôi dội vào.

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com