Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

Đằng sau số phận người đàn bà góa

<a href="http://photobucket.com" target="_blank"><img src="http://i211.photobucket.com/albums/bb245/trangtrangbichnguyet/DSC08125b.jpg" border="0" alt="Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket"></a>

Truyện ngắn:

 

ĐẰNG SAU SỐ PHẬN  NGƯỜI ĐÀN BÀ GÓA

 

                                                                         Hồ Tĩnh Tâm

 

Chiều nào tôi cũng thấy một người đàn bà luống tuổi dẫn con ra đứng thơ thẩn bên đường. Hỏi ra mới biết, đó không phải là mẹ con, mà là bà ngoại chơi với cháu.

Người đàn bà chừng ngoài năm mươi. Đứa cháu độ lên bốn, lên năm. Bà thì tóc điểm bạc, da mặt nhăn nheo, mắt phảng phất buồn. Cháu thì hồng hào, mập mạp, đôi mắt to đen, ngời sáng. Người bà đứng im lặng như gốc cây già cỗi nhìn theo đứa cháu chơi tha thẩn.

- Ồ, mẹ và con của bà khùng đó mà!

Nghe người ta nói vậy, tôi tò mò muốn biết.

 

Dọc theo con hẻm nhỏ trồng xương rồng, tôi đến trước một căn nhà nhỏ lợp tôn.

Một con chó lông xù màu xám chạy ra hít hít chân tôi, rồi chỏng mõm lên trời tru thê thiết. Từ xó xỉnh nào không biết, thằng bé đột ngột xuất hiện. Nó bận xà lỏn, cởi trần, đứng dạng chân, nghếch đầu hỏi:

- Chú tìm ngoại mua vịt phải hôn?

- Ừ! Mua vịt. Sao giỏi qúa vậy?

- Hồi mơi tới giờ, đã hai người tới hỏi mua. Chú nữa là ba.

- Thằng hay thiệt. Nhà còn vịt không?

- Nhóc! Nhà còn nhóc vịt! Vô trỏng hỏi ngoại á.

Nói xong nó quay lưng nhảy cà tửng vô nhà. Tôi lật đật theo sau.

- Ngoại, ngoại à! Có người ta kiếm mua vịt nè!

Không  có ai trả lời. Thằng nhỏ nắm tay tôi, kéo vòng ra sau nhà.

- Chắc ngoại ở sau vươn qúa hà. Ra ngoải coi.

Nó lại lon ton chạy trước. Tôi lại lật đật theo sau.

Thằng bé thiệt ngộ. Lùn tỉn và tròn vo như hột mít. Cái đầu đen thui những tóc. Tay chân tròn lẳn. Gương mặt coi sáng như trăng rằm. Đang đi bỗng nó chựng lại, chỉ tay nói:

- Mẹ con khùng. Bả tắm đó, thấy hôn?

Đúng là có người đàn bà đang tắm. Nửa người chìm dưới mương, nửa người nổi lên khỏi mặt nước, phô hai bầu vú thây lẩy, ngồn ngộn. Tôi mắc cỡ, ngó lơ đi chỗ khác, nói nhỏ:

- Mình vô trỏng đợi ngoại hè!

- Đi luôn! Ngoại sau vườn chớ đâu!

Thằng nhỏ nói như ra lịnh. Nó chụp tay tôi, lôi đi tiếp. Thú thật, tôi vừa mắc cỡ, vừa muốn ngoái coi cho biết mặt người đàn bà khùng ra làm sao mà có đứa con liến khỉ làm vậy. Cái nghề viết văn, muốn tả đặng người ta thì phải coi cho biết mặt. Tôi đang ngứa ngáy vì máu tò mò thì đã nghe sau lưng có tiếng gọi the thé.

- Ê! Ê!

Đối diện với tôi là người đàn bà tồng ngồng, trắng lôm lốp, không ra cao không ra thấp. Chị ta há hốc mồm nhìn tôi, ngạc nhiên như thấy người từ cung trăng rơi xuống. Cái mồm méo xẹo, nhưng hai hàm răng lại trắng nõn. Tay chân múp míp, hơi phủ một lớp lông vàng lớt phớt.

- Xấu, xấu! Mẹ ở truồng, xấu! Đi đi!

Thằng bé buông tay tôi, đẩy vào bụng mẹ nó, đuổi đi.

Lợi dụng thời cơ trời cho, tôi đánh bài chuồn ngay tức khắc. Lỡ người đàn bà khùng điên ấy ôm lấy mình, hô hoán ầm lên, có mà chết. Người điên cái gì mà không dám làm. Thiệt phước ông bà ông vải, xui khiến thằng bé cứu mình.

Tôi mới ra tới ngõ, còn đang thở thì ngoại nó về tới.

- Chú Hai tới nhà có việc chi không?

- Dạ, không! Con tới nhà hỏi dì còn vịt bán không ?

- Mời chú vô nhà ! Chú tính bắt mấy con ?

Tôi theo ngoại thằng nhỏ vô nhà.

Căn nhà xây bằng gạch thẻ không tô, thấp tè, tối om. Tôi phải chớp mắt mấy cái mới nhìn được rõ mọi thứ. Giữa nhà là cái bàn thờ sơ sài, làm bằng miếng ván treo tòn teng dưới hai sợ dây chì, buộc thả từ cái xà ngang nằm mút trên đầu bức vách. Bên trái có bộ ngựa dày cui, nhưng đã bị mối mọt ăn thủng lổ chổ. Bên phải là chiếc võng buộc xéo qua hai cây cột. Còn trong buồng… mờ mịt, không thấy gì.

- À, ngoại ở đây mà kiếm hoài.

Thằng nhỏ vừa nói vừa chạy à vào lòng ngoại nó.

- Có bánh không ngoại? Con tưởng ngoại chặt củi sau vườn.

- Mồ tổ cha bây! Thấy mặt là đòi. Nè, cầm lấy.

Cầm cái bánh ít trong tay, thằng nhỏ thót lên bộ ngựa, ngồi thả hai chân đòng đưa. Nó ăn chóp chép, coi ngon lành. Vừa ăn nó vừa đưa ngón tay dính bánh lên miệng mút chùn chụt; đầu hết nghiêng bên nọ lại ngoẹo bên kia ; đôi mắt long lanh, cháy lên sự thỏa mãn.

- Lên năm rồi. Cháu ngoại đó chú à! Cưng như cục vàng!

Thấy chủ nhà vui vẻ, tôi bắt chuyện :

- Vậy chớ ba nó làm ở đâu, dì Hai?

Hỏi xong, tôi giật mình, không đâu lại chọc vào ổ buồn nhà người ta. Nhưng may quá, ngoại thằng nhỏ nói tỉnh bơ :

- Ôi, khổ lắm chú ơi! Mẹ nó khùng. Chuyện dài lắm. Thôi, chú ngồi uống nước để tôi ra bắt vịt.

 

Ngoại thằng nhỏ nói tiếng Nam nhưng quê mị ngoài Bắc. Bà gặp ông hồi ông đi tập kết. Chồng bà là bác sĩ, nhưng không có thuốc gì trị được bịnh khùng của đứa con gái đầu lòng.

Cô ta không đẹp cũng không xấu. Người nhỏ thó nhưng tròn trịa. Gương mặt tròn với đôi mắt lúc nào cũng mở to, thất thần. Mái tóc đen dày nhưng rối bù. Nước da trắng hồng. Bộ ngực đầy đặn. Cái miệng khá đẹp, nhưng khi há ra thì méo xệch, thảm hại.

Sau giải phóng, bà theo ông về quê. Tiếng về quê nhưng bà con hàng họ chẳng còn ai. Thị xã cấp cho căn nhà nhỏ, có vuông vườn hơn công. Với đồng lương bác sĩ của chồng, lương cấp dưỡng của vợ, họ sống cũng tàm tạm. Khách khứa thường xuyên lui tới. Trong những tiệc rượu, ai cũng tỏ ra tội nghiệp cho cô con gái ngó bộ dễ thương mà bị khùng.

Cuộc sống của họ đang yên lành thì bỗng ông bác sĩ lăn đùng ra chết một cách bất đắc kỳ tử. Đã vậy, đứa con gái tự dưng có bầu. Hỏi ăn nằm với ai nó cũng nói không biết, cứ ngú nga ngú ngớ.

Người thì nghi nó bị hiếp lúc đang tắm. Người thì nghi nó bị bạn của ông đến thăm, lợi dụng lúc vắng chủ nhà, đè ra làm tình. Cái nào bà nghĩ cũng có lý. Con gái con đứa, lớn tồng ngồng mà đi tắm toàn lội xuống mương truồng thuồng luồng như nhộng. Nói mấy nó cũng không nghe, cứ chứng nào tật ấy, lì như con ngựa điên. Ngay cả lúc cái bụng đã chang bang, bầu vú đã căng sữa tròn lẳn, nó cũng cứ phơi phơi truồng ra như vậy. Nói vô phép, thằng đàn ông nào nhìn thấy mà không ngứa con mắt, mà không thèm. Nhất là những thằng đã ngà ngà hơi men. Thiệt khổ cho bà.

Cửa nhà sa sút từ đó.

Những ngày nó mang nặng đẻ đau, bà khốn khổ muốn trào nước mắt. Hôm nó chuyển bụng, phải nhờ tới hai người dàn ông lực lưỡng mới khiêng được nó lên xe lôi, áp tải chở tới bệnh viện, bởi nó la hét và giãy đạp dữ lắm. Lúc trong cơn vượt cạn, nó lại càng la khóc, gào thét, giãy đạp, cào cấu; lại phải nhờ chính hai người ấy kìm giữ chân tay mới qua được chặng mẹ tròn con vuông.

Người khùng có biết gì. Sanh con cũng như gà đẻ trứng. Sau cơn rên khóc, quằn quại là hết. Tất cả chỉ một tay bà chăm sóc cháu. Tới bữa thằng bé đói sữa, bà phải dụ con gái lên giường, vạch áo cho thằng bé ngậm núm vú mút chùn chụt. Khi thằng bé mọc răng, bị ngứa chân răng, nó cứ nhè vú mẹ mà nhay, mà cắn. Người mẹ bị đau liền hất ra không cho con bú. Bà phải dùng sức vật con gái xuống giường, bắt nó phải nằm im. Thằng bé khát sữa nhoài lên bú hùng hục, nghiến vú mẹ như chó con nhay vải. Mẹ nó càng hất ra, thằng bé càng chòi đạp. Mẹ nó đánh, thằng bé gào khóc. Bà ngồi giữ tay con gái mà nước mắt chan hòa

Của nả trong nhà có bao nhiêu, lần hồi cũng đem bán tống bán tháo cho hàng xóm. Bà có cần gì tivi, cassette. Miễn sao nuôi được cháu qua cơn thơ dại. Khổ tới đâu bà cũng cắn răng ráng chịu. Vui gì việc con gái mới mười sáu tuổi đã bị hiếp có bầu. Xấu hỗ với mọi người, bà giấu diếm tất cả, lặng lẽ một mình thu vén hết mọi chuyện. Đêm đêm, khi gà gáy, bà đứng im bất động trước bàn thờ chồng, nghẹn ngào cầu khấn hương hồn ông có linh thiêng thì về phù hộ độ trì cho con cháu. Ngọn đèn dầu hôi lắt lay hắt bóng bà xuống nền nhà run rẩy. Khói nhang nghi ngút. Nước mắt đầm đìa.

Khổ nhất là những lúc thằng nhỏ lạnh bụng, tiêu chảy về đêm. Mẹ  nó ngủ mê như chết. Thằng bé nằm khóc u ơ. Bà phải lọm khọm thay đồ, lau chiếu, pha nước nóng lau mình cho cháu. Người mẹ mới mười sáu tuổi lại khùng, có biết gì; coi như bà phải thay con làm mẹ.

Bán hết đồ đạc trong  nhà, chỉ còn sống dựa vào đồng lương, bà phải bữa cơm bữa cháo. Được đồng nào cũng phải dành dụm mua giò heo hầm thu đủ để con gái ăn cho có sữa. Hết tiền, bà qua hàng xóm xin đọt lang về luộc. Nghe nói thứ rau nào lợi sữa, bà cũng lặn lội tìm mua hoặc xin cho bằng được. Khổ mấy bà cũng chịu, không than thở với ai một lời. Bà cố che giấu nỗi khổ của mình.

Nhưng cây kim giấu dưới đáy biển cũng có ngày bị lộ, huống hồ đứa con sinh đẻ chình ình ra đó. Có mấy chị em cùng làm cấp dưỡng với bà biết chuyện, góp lời khuyên:

- Chị làm đơn xin công đoàn trợ cấp di. Hoàn cảnh chị vầy đây, không ai nỡ lòng từ chối.

Lá đơn đầu tiên ra đời.

Công đoàn trợ cấp cho khoản tiền mua được hai chục lon sữa bò.

Tới chừng con gái tắt sữa, lá đơn thứ hai ra đời. Công đoàn trợ cấp cho khoản tiền ít hơn, mua được mười lon sữa.

Tới lần đứa cháu bị cảm lạnh sưng phổi, lá đơn thứ ba lại phải ra đời.

Ông Chủ tịch công đoàn vừa cặm cụi ghi sổ, vừa thở dài ngao ngán:

- Khổ lắm bác ạ! Đã giải quyết cho bác nghỉ phép ăn lương, bác lại còn làm đơn xin trợ cấp; trợ cấp mãi, người ta nói lên đầu lên cổ Ban chấp hành chúng tôi là thiên vị. Thôi, lần này cháu bệnh, giải quyết cho bác lần chót bằng tiền qũy riêng của công đoàn, nằm ngoài chế độ thăm nuôi cho phép. Lần sau, khó khăn thắt ngặt qúa thì bác qua bên cơ quan ông xin thử xem được không. Chỗ tình xưa nghĩa cũ, thế nào họ chẳng giúp.

Cuộn tròn mấy ngàn bạc trong tay, ra tới cửa, bà nghe tiếng  cô thư ký đánh máy, nói  như quất vào tai:

- Không biết điều chút nào. Tiền chung mà làm như của riêng không bằng.  Lúc nào cũng xin xỏ. Chỉ được cái giỏi làm đơn xin trợ cấp.

 

Nhưng họa phúc tái lai. Càng túng thiếu, đứa cháu càng bịnh nặng. Uống mãi thuốc Tây, người nó xọp đi, chỉ còn da bọc xương; khuôn mặt teo quắt, thô lố hai con mắt mở thao láo, sâu trủng như hai cái hố. Nước da vàng khè, xanh lét. Tay chân khẳng khiu như hai ống sậy. Không xin không được, bà lại phải viết lá đơn thứ tư.

Ông Chủ tịch công đoàn ngã đầu lên thành cái ghế xoay bọc nệm, lúc lắc đầu chán nản.

- Trời ạ! Khổ qúa ! Không giải quyết cho bác thì bác trách móc công đoàn không quan tâm, giải quyết thì sai nguyên tắc. Ai lại trong vòng ba tháng trợ cấp tới bốn lần cho một người. Thôi được, thế này vậy, tôi giới thiệu bác qua tài vụ ứng trước tiền lương.

Bà cầm miếng giấy viết tay của ông Chủ tịch qua phòng tài vụ, năn nỉ thế nào cô thủ qũy cũng không chịu.

- Công đoàn giới thiệu làm sao rút được tiền trong qũy lương. Chỉ có lệnh thủ trưởng. Mà cũng chưa chắc đã có tiền mặt. Bên kế toán đang lo lập dự trù cho liên hoan tổng kết. Chi ngoài luồng, chưa biết giật khoản nào sang. Khó lắm dì ơi !

Vất vả chạy chọt, cạy cục van xin tới gãy lưỡi, cả tuần sau bà mới cầm được miếng giấy có chữ ký của ông thủ trưởng.

Lĩnh tiền xong, mới ra tới cửa, bà đụng mặt ông tổ trưởng công đoàn bộ phận. 

- Hên qúa ! Bữa nay mới gặp được dì Hai. Sẵn có tiền, dì đóng luôn tiền cứu trợ đồng bào lũ lụt. Tổ mình không khéo mất thi đua vì dì trễ nãi qúa ! Nào, ủng hộ bao nhiêu dì ký vào đây ! Thấp nhất cũng hai ngày lương.

Cầm tờ giấy chi chít những chữ ký ngoằn ngoèo, bà nói, giọng run run :

- Hay anh thư cho ít ngày… Cảnh nhà tôi khó qúa, thiếu chịu bác sĩ mấy chục ngàn… Hết tiền, ổng không chịu chích thuốc cho thằng cháu…

- Thôi mà, có đáng là bao! Tiền hảo tâm, mình không đóng, thành ra mình không có nghĩa với đồng bào hay sao.

Bà ký xong, đếm tiền đưa cho ông tổ trưởng.

- Chu cha, ủng hộ gì mà có mấy đồng bạc! Người ta cười chết! Thấp gì cũng phải bằng mức bình quân. Bác không thêm ít tiền nữa, tổ mình bị xếp hạng chót cho mà coi !

Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Thật là chó cắn áo rách. Thằng nhỏ bị sưng phổi quá nặng, phải nhập viện.

Đưa cháu đi thì được, nhưng con gái ở nhà ai coi. Nó mà bị lợi dụng ễnh lên lần nữa thì… Tiền viện, tiền nhà. Trăm dâu câu một mối. Nước cùng, bà phải tìm đến cơ quan giải bày.

Ông chủ tịch công đoàn chán nản.

- Thật hoàn cảnh bác không biết nói làm sao. Vào viện bây giờ tốn kém, bác thì lại nghèo. Thật khó nghĩ. Thôi, chiều bác tới nhà tui, tui cho mượn tạm ba mớ lo cho cháu. Còn  nhà cửa, để tui nói con Ba qua coi giùm ít bữa.

Nhưng chiều đó bà chưa kịp đi thì chị bạn cùng làm bếp đã tới.

- Đây, tui cho bác mượn mấy chục, lúc nào có thì trả; còn khoản này bác cầm lấy. Chỗ chị em với nhau, bác đừng ngại. Chẳng gì tui cũng có ao cá với bầy heo.

Sông sâu nước cả. Sóng dồi thuyền khẳm. Thằng nhỏ bị kiệt sức vì bịnh nặng và suy dinh dưỡng kéo dài, phải chuyển tuyến lên viện thành phố.

Lại người bạn làm bếp đến cứu bà.

- Nghe nói bác tính bán bộ bàn ghế. Người ta trả vậy là mua ăn cướp. Quân khốn nạn! Lựa lúc người ta hoạn nạn, ăn giựt trên đầu trên cổ. Bác để đó tui nói con cháu nó mua cho. Giá cả sòng phẳng. Làm người mà thất nhân tâm, tới chừng chết, xuống âm phủ không nhắm được mắt.

Bà bạn móc trong túi ra mớ tiền.

- Chỗ này là chị em trong tổ hùn lại giúp cho bác. Chờ xin được công đoàn có mà nổ con mắt. Cái gì cũng phải bàn bạc, họp tới họp lui, thông  qua ông này ông nọ. Lại còn đơn từ rối rít cả lên. À, mà sáng mai ông giám đốc lên thành phố họp, tiện thể bác xin qúa giang cho đỡ tốn. Xe rộng rinh, thể nào ông chẳng cho. Còn tiền bàn ghế, tối tôi dẫn con cháu qua, nó đưa cho.

Ông chủ tịch thấy bà bày tỏ ý định xin đi nhờ xe, phẩy tay nói như đuổi:

- Xe giám đốc đi họp, bác quá giang sao được; dọc đường ổng còn phải ghé chỗ này chỗ nọ. Có mấy chục bạc, mua quách vé ngoài mà đi. Tánh ông khó xưa nay, lỡ ông nổi quạu thì chết cả đám.

Xua tay như đuổi tà, ông chủ tịch nói tiếp:

- Mà mấy thằng chả bịnh viện cũng kỳ. Xe cấp cứu đâu sao không chuyển bệnh  nhân. Làm ăn kiểu quan liêu mà bác không chửi cho vào mặt. Vậy mà cũng hô hào lấy dân làm gốc. Gốc cái con mẹ họ chớ gốc.

Bà thất thểu ẳm đứa cháu ra đường đứng đón xe. Trời nắng như đổ lửa. Nắng đốt thằng bé khóc hu hơ, bà phải mớm chai nước sôi để nguội cho nó. Xe hơi chở ông giám đốc và ông chủ tịch chạy ngang qua. Cả hai đều đeo kính đen to như chụp lấy mặt. Một lằn khói đen xịt ra khét lẹt.

Trời không nỡ hại người nghèo. Thằng  bé nằm viện hơn một tuần thì tai qua nạn khỏi. Về nhà đã chịu ăn, chịu bò, chịu cười, chịu lẩy. Mới vài tuần đã phổng ra. Ai tới thăm cũng mừng cho bà.

Bà chặm nước mắt:

- Tôi tưởng số nó mong manh không qua khỏi. May nhờ được bạn bè, cô bác giúp đỡ, được các bác sĩ ở trển họ tận tình.

 

Đứa cháu lớn dần, bà đi làm trở lại. Nhưng thỉnh thoảng cũng bữa đực bữa cái nghỉ ở nhà lo cho cháu.

Từ ngày thằng nhỏ biết đi, biết nói, mẹ nó cũng tự dưng đâm ra hay cười hay giỡn. Thỉnh thoảng hai mẹ con vật nhau chơi đùa trên bộ ngựa. Thằng bé bắt chước bà thọc lét mẹ, mẹ nó cười nắc nẻ như trẻ con. Thấy cháu khôn lớn, bà nghĩ tới chuyện phải đưa cháu về quê cho bà con biết mặt. Nhưng đào đâu ra tiền. Bà nghĩ nát óc. Quanh năm chỉ nung nấu ước mơ đưa cháu về quê thăm xóm giềng họ mạc. Khắp miếng vườn, hở chỗ nào bà cũng trồng sả. Bà trồng cả ra ngoài đường. Thứ đó dễ trồng, mau tốt, bán cũng kiếm được chút đỉnh. Tối tối bà nhận lác về xe sợi. Hai bàn tay chai lại. Những cục chai to như hột bắp.

Làm lụng cả ngày cả đêm, trông bà quắt queo, già đi cả chục tuổi. Mái tóc đang xanh bỗng bạc trắng như bông gáo. Con gái từ sau lần sanh nở, phổng phao hẳn ra. Thằng cháu chịu ăn, lớn như thổi. Mẹ con nó chơi với nhau như chị em. Cười rinh rích tối ngày.

Rảnh rỗi, bà ngồi lại nựng cháu:

- Ừ, cún con hay ăn chóng lớn, rồi ngoại đưa về quê thăm bà cố.

Bà kể cho cháu nghe về dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ. Bà kể về con đê xanh rờn những lũy tre và bãi cỏ. Bà kể cho cháu, nhưng là để cho chính mình vơi đi nỗi nhớ thôn Hạ của bà. Cái thôn nhà cửa san sát, tường nọ dính tường kia. Nhà nhà đều mái ngói cổ phủ rêu. Cái thôn có nghề gò đồng, gò nhôm nổi tiếng từ ngàn đời. Suốt ngày, lúc nào cũng âm vang tiếng búa gò soong nồi chí chát. Thứ tiếng ồn ả theo nhịp mà bà không bao giờ quên được. Nó đốt lòng bà như lửa.

Nằm ôm đứa cháu trên võng, bà vừa vỗ về vừa hát: “Con cò bay lả bay la, bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng”. Cổng làng bà thật đẹp. Mái cong vút, lợp bằng ngói âm dương. Cổng tam quan, rêu phong phủ dày cổ kính. Ra khỏi cổng là bắt đầu con đường đất đỏ chạy thẳng vút ra đồng. Một bên là đường, một bên là dòng nông giang đầy ắp nước. Hai hàng xà cừ chạy sóng đôi dọc theo con đường như hút tận vào đâu đó xa lắm. Giữa cánh đồng có cây muỗm cổ thụ, tán lá xanh rờn, phủ bóng mát suốt ngày. Bà con làm đồng thường ngồi dưới gốc cây tránh nắng trưa hè. Mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, cò trắng ở đâu bay về, đậu trắng trên cây. Tiếng kêu qùa qùa đầy ắp cả không trung.

Thôn Hạ quê bà có thứ na ngon ngọt không đâu bằng. Trái chín, da căng mọng, trắng ngà. Bóc ra nhìn những múi na thơm nức, thấy trắng đục màu sữa, chen dày như xếp, ai cũng thèm. Chim theo mùa na rủ nhau bay về, tíu tít, ríu rít suốt ngày trong vườn.

Vào mùa lúa chín, làng quê thơm nức mùi thóc vàng giòn  giả sân phơi, mùi rơm rạ đánh đống, cao như những cái nấm khổng lồ. Tiếng chày giã gạo lúa mới rậm rịch đêm đêm. Mùa này, trai gái trong làng thường hò hẹn với nhau ra bờ đê tâm sự.

Nằm hát ru đưa cháu ngủ, mà nỗi nhớ quê nhà cháy bỏng trong tim khiến bà rơi nước mắt.

- Đứa cháu ngây thơ hỏi:

Bà ơi! Sao bà chảy nước mắt?

- Ngủ đi con! Lớn lên đi xa nhà con sẽ biết thế nào là nỗi nhớ.

Đứa bé thiếp dần đi trong lời ru của ngoại.

 

Càng trống vắng bạn đời, càng nhớ quê tới nao lòng. Bà gặp ông chủ tịch công đoàn, ngỏ lời nhờ ông xin giùm cho bà nghỉ phép.

- Chà, nghỉ phép sao được. Năm nay bác đã nghỉ lai rai qúa nhiều rồi. Chắc phải sang năm mới giải quyết cho bác được.

Cầm lá đơn của bà, ông chủ tịch tỏ ra ái ngại.

- Hơn nữa, bác tính lại coi, bác thì nghèo, mà việc về quê lại qúa tốn kém!

- Chú thông cảm ! Đã mười mấy năm tôi chưa được về thăm quê. Chẳng biết ngoài đó bà con giờ làm ăn, sinh sống ra sao. Với nữa, thằng cháu nhà tôi cũng lớn rồi, tôi muốn đưa cháu về cho bà con biết mặt.

- Ôi dà, bác tưởng vậy thôi. Mình nghèo về thăm quê, không qùa cáp gì, người ta cười cho. Tiếng là vô Nam mà kiết.

Không có tiền phép, nỗi hy vọng về thăm quê của bà tan như mây khói.

Từ đó, để vơi đi nỗi nhớ nhà, chiều chiều bà thơ thẩn dẫn đứa cháu ra đứng chơi ngoài đường. Mỗi chiếc xe chạy qua, bà đều ngoái cổ nhìn theo và nghĩ : chẳng biết nó có chạy luôn ra Bắc hay không ?

Nỗi nhớ làm bà héo hắt và bắt đầu sinh bệnh.

Một hôm, ông chủ tịch công đoàn mời bà lên nói chuyện.

- Bác ạ, ban giám đốc thấy bác đã già rồi, sức khỏe lại yếu, nên định cho bác nghỉ hưu non  hưởng trọn cục tiền. Không biết ý bác thế nào ?

Bà biết là sự việc phải như vậy. Nhà nước đang chủ trương giảm biên chế, mà bà thì vừa già vừa yếu, lại vừa hay phải nghỉ việc ở nhà nuôi cháu. Thôi thì đành chứ sao.

Nghỉ hưu với bà là coi như hết. Thế giới chỉ còn thu nhỏ trong ngôi nhà chật hẹp. Bà xoay qua nuôi gà nuôi vịt. Xoay qua chạy chợ bán từng mớ rau để sống qua ngày.

Thằng cháu thì nhỏ, đứa con gái thì khùng, không đỡ đần được việc gì nên chuyện. Thường đêm, bà nằm nghĩ, lỡ mình có bề gì, không biết mẹ con nó ra sao. Chỉ nghĩ có vậy mà lạnh cả xương sống, sợ bắt run người. Bà tìm đến hỏi thầy bói xin một quẻ. Thầy bói xem xong, nói rằng, số bà không qua được tuổi sáu ba, con cháu sẽ phải lụy láng giềng mà sống.

Bà giấu kín, không cho ai biết lời tiên đoán khủng khiếp ấy. Bởi vậy bà sống âm thầm như chiếc bóng, chỉ lo sao tích cóp từng đồng bạc để gởi ngân hàng. Ăn bà không dám ăn. Mặc bà không dám mặc. Bà nhịn đói tới mức gầy vêu vao như con cò hương. Bữa cơm bao giờ cũng lễnh lãng mấy lá rau với dĩa muối sả. Đứa cháu lâu lâu mới được miếng thịt, còn thì tép mòng, cá lòng tong kho mặn. Nhưng ngày nào bà cũng có qùa cho cháu ; lúc thì cái bánh ít, lúc thì củ khoai.

Nghe đâu bà đã dành dụm được gần năm chỉ.

Năm chỉ  là to với bà. Nhưng khi bà nghỉ việc, chừng ấy với hơn chục triệu đồng hưu trí, con bà, cháu bà sẽ sống làm sao. Đời  người ta sao  mà bạc. Thời ông ấy còn làm quan ở bệnh viện, biết bao nhiêu người mỗi ngày cầu cạnh. Cả thủ trưởng của bà, cả ông chủ tịch công đoàn của bà. Vậy mà nay đã ra người dưng nước lả, ai gặp bà cũng như gặp tà ma. Họ sợ bà níu véo, họ sợ bà xin xỏ, nhờ cậy. Thôi thì trăm sự nhờ ở bề  trên. Biết đâu trời có mắt.

 

Trời có mắt thật.

Vào một chiều  lắc rắc mưa, bà đang ngồi rị mọ lau lại mấy cái bằng khen đã mờ ố của ông, thốt nghe có tiếng xe máy ngoài ngỏ. Nhìn ra, thấy ràng ràng vợ ông thủ trưởng cơ quan xách một cái giỏ lớn, nở một nụ cười rất  tươi bước vào.

- Chèng ơi, chị sống ở đây hồi nào tới giờ tôi  đâu có biết. Mà nghỉ ông  xã nhà tôi cũng tệ, mãi việc cơ quan, cấm  bao giờ cho tôi biết chị có cháu trai nối dõi.

Thằng bé thấy có khách thì lăng xăng chạy lại, leo thót lên lòng bà.

Vợ ông thủ trưởng  xoa đầu  đứa bé.

- Thằng này được mấy tuổi rồi phải không ? Cô có quà cho con nè !

Người đàn bà phốp pháp lôi trong giỏ ra một hộp bánh bằng thiếc, mấy bịch kẹo ; rồi lại còn nào là đường, là sữa, là bột ngọt. Lại còn cả gói trà mạn. Nhà bà hồi nào tới giờ có uống trà đâu. Sao mà khéo chu đáo quá vậy.

Bà nắm lấy tay vợ ông thủ trưởng, nói như để giải bày nỗi thắc mắc trong lòng :

- Thím Tư à, thím đến thăm hay có việc gì không ?

Vợ ông thủ trưởng cười rất tươi :

- Chị Năm nè, chị không biết đó thôi, chứ chỗ ông nhà tôi với chồng của chị, trước đây cùng là lính chiến khu D cả đấy. Hồi ấy ông nhà tôi ở cục tham mưu,  chồng chị là y sĩ trong thành thoát ly. Đồng đội với nhau mà mãi hôm nay tôi mới biết hoàn cảnh chị cơ ngặt như vầy. Đây, chị cầm tạm mấy trăm nghìn lo cho sắp nhỏ.

Vợ ôn

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com