Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

THỦY QUÁI HỒ TÂY Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm

THỦY QUÁI HỒ TÂY

 

 

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm

 

1.

 

Thuở còn đầu húi ca rê, tôi là một lõi tì đường phố, móc túi thuộc hàng siêu hạng; chúng bạn, dù có đứa hơn tôi vài ba tuổi, cũng cứ phải lác mắt, phục tôi vào hàng sư phụ. Sàn sàn với nhau, ngôi vị không tính bằng năm ra đời, mà tính bằng tài nghệ và chiến tích, chiến lợi trên chiến trường. Chiến trường tung hoành của chúng tôi, tất nhiên là bến xe, bến chợ, các cửa hàng mậu dịch; máu lửa nhất là cửa hàng bách hóa tổng hợp Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân, ga Hàng Cỏ, và những chuyến xe điện leng keng trườn ì ạch  trên đường ray giữa phố.

 

Chúng tôi không tha bất cứ một ai, khi mà họ lọt vào tầm mắt. Ngu ngơ nhất là những chú tân binh một sao, hai sao. Chỉ cần nhoáy một cái, là chúng tôi có thể khoắng sạch những thứ gì các chú có trong túi áo, túi quần. Thế nhưng lính mới tò te, họ có gì mà khoắng. Chỉ khi nào buồn chân ngứa tay, lại cần ngay vài đồng đánh đáo, chúng tôi mới  hạ cố quan tâm tới những chú binh nhất, binh nhì này. Khó xực nhất là mấy bà đi chợ, đi mua sắm.  Đài các thì họ đeo cái túi xách trước bụng, bên trong đựng cái ví đầm; tay lúc nào cũng nắm khư khư miệng túi. Đụng vào là các bà lập tức ngoác mồm la tru tréo, to còn hơn cả tàu lửa hú còi vào ga. Nhìn phong lưu thế, nhưng các bà mà chửi thì… văng tục không chừa một thứ gì các bà có trong người.  Ngữ này đánh thó bạc tiền của họ không dễ, nhưng trúng quả nào là đậm quả đó. Tha hồ rủng rẻng. Mấy bà già cả thì hay lận tiền trong cạp quần. Có khi còn may cả cái túi ngay trước bụng. Nói thế thôi, chứ khi các bà đã nổi máu tranh giành chen chúc mua sắm, sự chèn ép đụng chạm là không thể tránh khỏi, mình chỉ cần nhanh tay nhanh mắt, cuỗm của họ cái này cái nọ không khó gì. Khi đã nẫng được túi tiền trong tay, mình phới ngay đi chỗ khác, dẫu các bà có nổi máu tam bành, réo cả ông bà ông vãi ra chửi thề độc địa, thì thiên hạ phải nghe, chứ mình nghe đâu mà sợ.

 

 

Lúc đó tôi mười lăm tuổi, sống với bà ngoại ở gầm cầu Long Biên. Bà tôi điếc lác, hai mắt kèm nhèm, tuổi ngoài bảy mươi, nên có thể ngồi chịu đựng giông bão rầm rầm của những đoàn tàu nghiến bánh sắt kèn kẹt trên đầu, yên phận bán nước chè xanh, chè ấm, chứ còn tôi, tôi cứ tha hồ đi rong, tự do như một Ga vơ rốt của Hà Nội.  Bà tôi chẳng việc gì phải quan tâm tới một thằng bé được mệnh danh là đại ca Ga vơ rốt, vì nó có thể tự kiếm lấy cái bỏ vào miệng nhai. Lũ chúng tôi đứa nào mà chả thế. Chẳng có ai thèm quan tâm tới lũ trẻ gầm cầu chúng tôi cả. Chúng tôi mới thật sự là chủ nhân của đường phố, chủ nhân của thủ đô, theo cách mà người ta mệnh danh cho chúng tôi: đám du thủ du thực mất dạy.

 

 

Ban ngày chúng tôi tụ tập la cà, trổ đủ mọi ngón nghề đánh thó mà kiếm sống. Đứa ít, đứa nhiều, có đứa ông tổ Đạo Chích ghét, không ban cho đồng xu. Chẳng sao cả. Chúng tôi sống có trên dưới ngôi bậc đàng hoàng, gian khổ cùng chia, sướng vui cùng hưởng. Lúc mất mùa thì gặm bánh mì suông. Lúc được mùa thì ưỡn ngực xếp hàng ăn phở.  Ngôi thứ chỉ là để coi trọng chiến công, chiến tích của nhau; còn ăn uống hưởng thụ  thì sòng phẳng. Công bằng gấp trăm ngàn lần cách mà người ta phân biệt chế độ tem phiếu lúc bấy giờ.

 

 

Sập chiều, chúng tôi thường kéo về sân Long Biên, hào hứng tham gia những trận đá bóng nảy lửa. Các anh thanh niên chiếm gần hết cái sân đất. Lũ nhóc chúng tôi chỉ được một khoảnh nhỏ, nhưng chỉ ngần ấy cũng đủ để chúng tôi tranh hùng với với các bang cái khác nhau. Bóng bay vùn vụt. Chân tay giò cẳng tha hồ vung lên loạn xạ. Đá bóng với đấm đá chỉ là một; thế nhưng cũng phạt manh, phạt việt vị đàng hoàng.

 

 

Trong một trận thi thố với lũ trẻ Đồng Xuân, chúng tôi đã nổi máu xông vào nện nhau chí tử. Lúc đó tôi bị một thằng bé to cao gần gấp đôi vật xuống đất, vung tay đấm vào bất cứ chỗ nào trên mặt tôi. Biết mình thế nào cũng bị nó đấm lòi mắt, tôi liều mạng chịu đòn, lừa thế dùng cả hai bàn tay bóp cổ thằng trâu đực ấy. Nó cứ đấm, còn tôi cứ bóp. Nó nằm phía trên nện xuống. Tôi nằm phía dưới gồng mình xiết cổ nó. Hai bên quyết giết nhau thật sự. Khi hai mắt tôi đã sưng vù, tóe hoa cà hoa cải, có lúc tôi đã định cất tiếng van xin nó tha cho, nhưng máu anh hùng của bậc đại ca gầm cầu đã kịp chặn ý nghĩ hèn hạ ấy. Tôi quyết trong lòng, dù chết cũng phải bóp cổ thằng trâu đực tới cùng. Đám trẻ con đang hỗn chiến, thấy hai chúng tôi quyết giết nhau bằng được, đã bỏ cuộc bu lại xem chúng tôi vật lộn. TIếng hò hét ran trời. Cả mấy anh thanh niên cũng kéo tới. Cũng hò hét cổ súy. Tôi loáng thoáng nhìn thấy, có cả một đứa con gái mặc cái áo tím hoa cà, đầu thắt hai bím tóc, cũng khom người, chống hai tay lên hai đầu gối, nhìn chúng tôi không chớp mắt. Lúc này, máu mũi và máu miệng của tôi đã chảy ra rất nhiều, thấy mằn mặn. Trong lúc tưởng chừng gần bại trận ấy, bỗng nhiên tôi nhìn thấy hai mắt thằng trâu đực trố ra bạc trắng, lưỡi thè ra một khúc bờn bợt, vậy là tôi quật sức, gồng người vật nó nằm ngửa xuống dưới. Xung quanh tiếng reo hò dậy trời như sấm động. Ở thế mã thượng, tôi cưỡi trên bụng nó, tay trái đè xuống cục yết hầu nó, tay phải vung lên nhằm hai mắt nó mà trả thù cho hai mắt của tôi, rồi trả thù cho cả miệng và mũi đẫm máu của tôi. Cuộc hạ sát sẽ không dừng lại, nếu như tôi không nhận ra hai tay nó tự nhiên xoãi ra bất động. Cú đấm cuối cùng đã vung lên, nhưng tôi đã không giáng xuống gương mặt trắng nhợt của đối thủ.

 

 

Lúc đứng dậy khạc nhổ máu và đờm ra khỏi miệng, có anh thanh niên cởi trần, ngực căng như hai tảng thớt đá, bước lại gần tôi.

 

 

- Cho bắt tay người anh hùng cái nào!

 

 

Một cách rất tự nhiên, tôi chia bàn tay phải cho anh. Anh dùng cả hay tay nắm lấy tay tôi  bóp nhẹ.

 

 

- Chú em thật đáng mặt anh hùng hảo hán. Đi bún thang với anh nhé!

 

 

Thế rồi anh chở tôi bằng cái xe đạp Urago của Pháp, đến cuối đường Thanh Niên, chỗ gần đê sông Hồng, khao tôi một tô bún thang đặc biệt, đầy tú hụ, no đến cành hông.

 

 

- Anh tên là Quân. Nhà ở Dịch Vọng. Sáng mai em ra trước cổng đền Quán Thánh, anh chở về chơi cho biết nhà.

 

 

2.

 

Làng Dịch Vọng bấy giờ heo hút ở ngoại ô Hà Nội, nhà cửa lốm đốm mái ngói âm dương rêu mốc, và mái tranh xỉn màu sùm sụp. Nhà anh Quân lại càng heo hút ở cuối làng, nơi giáp với mặt hồ dày đặc những sen là sen. Trên bờ um tùm lau sậy. Con đường ngoằn nghoèo từ làng ra nhà anh là đường đất. Hai bên hết lau sậy lại tới cây dại, bị phủ kín bởi dây mâm xôi, dây chạc chìu, dây tơ hồng, và một thứ dây gì đó nở chi chít những chùm hoa nhỏ li ti màu tím. Lui sâu vào phía trong là những trũng đất sình lầy đầy cỏ dại, và những gò đất cây cối rậm rạp như rừng. Chính điều này lại hớp hồn một đứa bé đang tuổi vị thành niên hiếu kỳ như tôi. Ngay từ đầu đặt chân tới đây, tôi đã sướng mê tơi, bụng nghĩ thầm: giá như mình được sống luôn ở đây với anh Quân thì tuyệt.

 

Anh Quân cũng sống với mẹ già. Bà cụ cũng khoảng tuổi bà ngoại tôi, mắt mũi cũng đã kèm nhèm, hai tai lại còn hơi lễnh lãng; cả ngày cụ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước cho con. Còn anh quân thì lặn hụp dưới lòng hồ kiếm sống. Dân làng Vọng gọi anh là thủy quái Hồ Tây. Anh mà đã nhìn thấy cái tăm cá nào, con cá đó đừng hòng thoát khỏi tay anh, cho dù nó có nặng cả vài chục ky lô gam, hay cả trăm ky lô gam chăng nữa. Anh bơi đùng đùng, mỗi sãi tay, sức rướn nước cả nửa mét, cơ bắp nổi cuồn cuộn. Anh ngụp lặn như rái cá, mỗi hơi lặn dài gấp mười lần nín hơi của tôi.

 

 

Kết thân với anh Quân một thời gian, tôi nghe lời anh, bỏ hẳn nghề móc túi, bỏ luôn đám bạn bè bụi đời trên đường phố, chuyên tâm theo anh học nghề giăng câu, kéo lưới bắt cá. Khoái nhất là tôi được anh dạy cho cách lặn dài hơi, dài tới mức, người đứng trên bờ nếu nín hơi theo, họ phải nín tới vài lần, và thế nào cũng nghĩ, có khi tôi đã chết chìm dưới lòng hồ.

 

 

Khi thấy tôi đã sỏi nghề lặn hụp, anh Quân bắt đầu giao cho tôi việc lặn xuống đáy hồ đặt mồi, dụ bắt những con cá trắm to cả trăm kí. Mồi ấy là những rỗ ốc bươu, được đổ vào một cái hố mà mình đã khoét dưới đáy hồ. Tất nhiên phải là ốc bươu còn sống, mà ốc còn sống, nếu thả xuống đáy hồ, tất nhiên nó sẽ bò lang thang đi hết, vậy cho nên phải tìm cách giữ nó lại một chỗ với nhau, bằng cách mua da trâu về nấu thành a dao sền sệt, quết với mỡ bò, trộn đều lên vỏ ốc. A dao sẽ dính chặt vào vỏ ốc, còn mùi mỡ bò chính là mồi dụ các cụ cá đen trùi trủi mò ra khỏi ổ, tìm đến kiếm ăn. Những con ốc khi đổ xuống hồ, con này sẽ ăn ao dao trên vỏ con kia, nên chúng chẳng việc gì phải bò đi đâu, chúng trở thành món mồi  hấp dẫn các cụ trắm đen, to đến mức, người dân gọi là cá thần, hay thủy quái.

 

 

Những cụ trắm to cỡ từ trăm ki lô gam trở lên, ban ngày thường nấp lì trong ổ, ở một khu nghĩa địa toàn mả đá, chìm sâu dưới lòng hồ, chỉ từ gần nửa đêm đến gần sáng, các cụ mới mò ra khỏi ổ kiếm ăn. Anh em chúng tôi ngồi  trên thuyền, quan sát tăm cá. Nếu tăm ục mạnh với những bong bóng lớn, nghĩa là cụ trắm thủy quái đã đến, bây giờ chỉ còn việc giăng lưới, đánh động thật mạnh xuống mặt nước, khiến cụ trắm hoảng sợ bỏ chạy văng mạng, và thế nào cũng dính lưới, vì anh Quân có tài đoán rất đúng đường  chạy của những thủy quái đen kịn này. Đêm nào dính  được cụ trắm đen trên trăm ki lô, kể như đêm đó trúng đậm, chỉ mới mờ sáng, tự nhiên đã có bạn hàng từ chợ Đồng Xuân,  tìm đến mua đứt mua đoạn. Tiền bán cá, bao giờ anh Quân cũng  chia hẳn cho tôi một nửa, cứ như tôi với anh bằng vai phải lứa với nhau vậy. Có tiền, tất nhiên là tôi đưa hết cho bà, nhờ thế bà tôi có tiền thuốc thang chữa bệnh, bữa cơm của hai bà cháu cũng khá hẳn lên.

 

 

Biết tôi theo anh Quân kiếm tiền, bỏ hẳn trò móc túi, bà tôi mừng lắm. Đã thế, anh Quân lại còn dạy tôi biết đọc biết viết, bà tôi sung sướng tới nở cả mặt mày. Một hôm, bà dúi vào tay tôi xấp tiền, bảo tôi đi mua lấy hai bộ quần áo với đôi săng đan mà đi, chứ lớn rồi, ăn mặc rách rưới và đi chân đất, coi mất thớ con người. Tôi cầm tiền lang thang ra chợ Đồng Xuân, chọn mua cho mình hai bộ quần áo và một đôi săng đan da, mà số tiền chỉ vợi đi chưa tới một nửa, vậy là tôi mua luôn cho bà một bộ quần áo màu nâu gụ, và một cái khăn trùm đầu bằng len.

 

 

Khi trở về, gần đến chân gầm cầu Long Biên, tự nhiên tôi nhìn thấy cô bé có hai bím tóc, đã chỏi tay, đứng lom khom nhìn tôi và thằng mập đánh nhau thuở nào. Hôm nay cô ấy mặc cái áo màu tím hoa cà, vẹo cả người xách một xô nước. Không hiểu sao tôi đã bước đến và nói.

 

 

- Để đấy, đây xách cho.

 

 

Cô bé ngạc nhiên nhìn tôi, nhưng rồi vẫn để xô nước xuống cho tôi xách hộ về nhà. Nhờ thế mà tôi biết, cô bé cũng sống với bà, và bà ngoại cô bé cũng sống bằng nghề bán nước chè xanh bên vệ đường. Từ đó, ngày nào đi xách nước cho bà, tôi cũng xách luôn cho cô bé vài xô nước, xong xuối tôi mới đến Dịch Vọng với anh Quân.

 

 

Vào một buổi chiều, khi hai anh em bơi thuyền ra giữa hồ để thả mồi ốc, anh Quân nói với tôi.

 

 

- Này, ngày mai chú mày đi học bổ túc nhé, chú mày cứ khai lớp bốn, họ sẽ cho học lớp bốn, chỉ hai năm là chú mày tốt nghiệp cấp hai, có thể xin làm công nhân nhà máy,  hay học một trường trung cấp gì đấy. Chứ theo nghề bắt cá này, rồi cũng đến lúc họ cấm, họ bắt mình đi tù vì tội trộm cá.

 

 

Sáng hôm sau, khi xách nước cho cô bé, tôi nói với cô bé là chiều nay tôi sẽ xin đi học lớp bốn bổ túc. Cô bé nghe xong thì hỏi.

 

 

- Thế em xin học lớp bốn cũng được chứ?

 

- Chắc là được, nếu như em cũng biết đọc biết viết, biết cọng trừ nhân chia.

- Biết chứ. Em đã học hết lớp ba từ lâu lắm rồi. Khi bà ngả bệnh, em mới nghỉ ở nhà giúp bà bán nước đấy.

 

Vậy là ngay chiều hôm ấy, tôi với cô bé lên Dịch Vọng, đăng ký xin học lớp bốn. Người ta chỉ yêu cầu chúng tôi đọc thử một trang sách, giải vài bài toán, rồi ghi danh chúng tôi vào lớp học. Lớp học ban đêm, từ bảy giờ tối tới mười giờ tối, nên nhiều hôm trời mưa, cả hai chúng tôi đều ngủ lại nhà anh Quân. Khi tôi với anh Quân chèo thuyền đi bắt cá, cô bé ở nhà nấu cháo cá, để lúc trở về, hai anh em có cái ăn khuya. Và số tiền bán cá bắt đầu được chia làm ba phần bằng nhau.

 

 

Cảm động nhất, là việc anh Quân đã mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ, cũng hiệu  Urago đàng hoàng. Anh nói.

 

 

- Thấy chúng mày đi bộ nhếch nhác quá, gặp cái  xe người ta bán rẻ, nên anh mua luôn. Từ nay chỉ vèo một cái, là chúng mày đã từ gầm cầu đến được nhà anh. Tha hồ mà thích nhé.

 

 

Tất nhiên là thích, lại còn oai nữa, lại còn được người ta nhìn theo lác con mắt, vì bấy giờ, cả tôi với cô bé đều đã lớn; thoạt nhìn, ai cũng tưởng hai đứa là bồ bịch, tình nhân tình nha. Kết với nhau trên chiếc xe đạp đẹp đến thế kia mà.

 

 

Khi chúng tôi thi tốt nghiệp cấp hai bổ túc, cũng là lúc mẹ anh Quân qua đời.

 

Bà cụ ra đi rất nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng đến  không ngờ.

Sáng hôm ấy, bà cụ nói với Nga(tên cô bé tóc bím).

 

- Hôm nay con Nga đi chợ mua cho bà con gà mái hoa mơ nhé. Cả ít trái cây và bó hoa nữa, nhớ là hoa cúc trắng nhé. Bà muốn làm mâm cơm cúng ông.

 

 

Bữa cơm ấy, bà cụ ăn mặc rất chu chỉnh. Sau khi cúng và ăn xong, bà cụ lên giường  nằm ngủ, rồi cứ thế lặng lẽ ra đi.

 

 

Cuối năm ấy, anh Quân đăng ký lên đường nhập ngủ. Tôi với Nga xin vào làm công nhân nhà máy điện Yên Phụ.

 

 

Chuyện bắt thủy quái trắm đen hồ Tây Vĩnh viễn chấm dứt.

 

 

HTT

 

 

 

 


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com