Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

hồi ức bánh dày

hồi ức bánh dày- Hồ Tĩnh Tâm

hotinhtam | 12 June, 2012 00:03

alt

 

Sau khi tiểu đoàn vượt sông Trăng biên giới vào Miền Nam, suốt cả một thời gian dài chinh chiến, chết chóc triền miên, tôi chẳng còn có thời gian đâu để mà nhớ tới bánh dày nữa. Cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi tiểu đoàn về đóng quân ở ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, một hôm thấy cô con gái vợ chồng ông chủ nhà nơi tôi ở trọ, xay bột nếp nấu chè trôi nước, tôi mới sực nhớ tới bánh dày, nhớ tới người phụ nữ đẹp, ngồi giữa cánh đồng khoai tây vừa thu hoạch để bán bánh dày, tự nhiên tôi nhớ Miền Bắc tới nao cả lòng dạ, và thèm được ăn bánh dày kinh khủng.

 

alt

 

̀I ỨC BÁNH DÀY

Hồ Tĩnh Tâm

 

Sáng 10 tháng 6(2012) vợ tôi đi chợ Trường An mua bánh cuốn cho con gái, đem về cái bánh giò, hỏi tôi có ăn không. Vì đã ăn sáng bằng cơm nguội nên tôi lắc đầu. Khi vợ tôi bóc cái bánh giò ra, mùi bánh bốc lên thơm phức, quyến rủ lạ lùng, nhưng không hiểu tự nhiên vì sao tôi lại hỏi, chợ Trường An có bánh dày không. Vợ tôi nói, chợ Trường An là chợ nhiều người Bắc, ở đó đầy các món Bắc, như thì là, cần ống, rau đay, su hào, mắm cáy, cà pháo, cà bát, nước mắm rươi… anh thích ăn bánh dày hôm nào em mua cho.

 

Nghe bà xã nói, hình ảnh cô hàng bán bánh dày ở Hà Tây mà tôi gặp ngày nào, lập tức hiện lên, cứ như chỉ mới vừa hôm qua đây thôi. Đó là lần tiểu đoàn 3(đoàn 568 Quân khu Tả Ngạn) chúng tôi, được chuyển bằng xe Jin ba cầu từ Hải Dương về Hà Tây đóng quân ba ngày, để chuẩn bị vào Nam. Sáng ngày thứ tư, chúng tôi tập kết tại một bãi đất trống gần ga tàu lửa. Tôi không nhớ rõ là ga nào, chỉ nhớ ga ấy thuộc huyện Thường Tín. Trước khi đến điểm tập trung, tiểu đội tôi đã ăn sáng từ lúc mới năm giờ. Nhưng lính tráng đang tuổi lớn thì ăn nhiều đến bao nhiêu cũng đói, nên chúng tôi gặp bất cứ thứ hàng quà nào cũng mua. Ăn cho hết tiền, chứ vào đến chiến trường rồi, thì tiền Miền Bắc cũng chẳng để làm gì. Đang lúc dạo lòng vòng chờ tàu, thốt nhiên tôi nhìn thấy trên cánh đồng khoai Tây đã thu hoạch, có một đám lính đứng xúm xít rất đông. Vì tò mò nên tôi chạy đến xem thử. Giời ạ! Một cô hàng bán bánh dày trắng như bông bưởi, đẹp đến ngơ ngẩn. Tuổi chắc khoảng ngoài ba mươi chút đỉnh. Mái tóc dày đen bóng, chảy xoã trên đôi bờ vai tròn trịa. Đôi bàn tay mềm mại với những ngón thon dài. Đôi môi đỏ mọng, luôn nở nụ cười tươi rói, với hai hàm răng trắng, đều tăm tắp. Cặp mắt to đen, lúng liếng ánh nhìn như hớp hồn. Thảo nào mà lính ta bu đen bu đỏ, mua xong cứ đứng đấy mà ăn, mà ngắm. Vài ngày nữa họ vào tới chiến trường rồi, kiếm đâu ra một người đàn bà đẹp như vậy mà ngắm. Tôi cũng chen vào mua được cặp bánh, không nhớ rõ là một hào hay hai hào gì đấy, chỉ nhớ bàn tay của cô ấy cầm cặp bánh đưa cho tôi quá đẹp, chỉ nhớ hai cái bánh quá đẹp, vừa tròn, vừa trắng, cặp ở giữa miếng chả lụa hồng hào quá thơm. Bánh dày ấy, ngoài Bắc gọi là bánh dày chay, vì trong bánh không có nhân, khác với loại bánh dày nhân đậu xanh và mỡ lợn thái hột lựu.

 

Tiết trời hôm ấy rất lạnh, vì đang là mùa đông, bởi vậy ăn cái bánh dày dẻo quẹo càng thấy ngon hơn nhiều. Thêm nữa là bánh dày của người đẹp , chỉ cần nhìn đã thấy ngon lên bội phần. Bấy giờ thốt nhiên tôi nghe ai đó nói, “đúng là bánh dày Quán Gánh, danh bất hư truyền thật”. Cái tên bánh dày Quán Gánh của xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây, đeo dính trong đầu tôi từ dạo ấy. Và cũng từ dạo ấy, không hiểu sao, cứ lâu lâu tôi lại nhớ tới bánh dày, nhớ tới cô bán bánh dày ở Thường Tín. Hai cái thúng trong đôi quang mây, ủ đầy những cái bánh dày nho nhỏ, trắng muôn muốt, có dán những mảnh lá chuối cắt hình tròn. Cô hàng bán bánh dày ngối trên cái đòn gánh. Người đẹp, đến dáng ngồi cũng đẹp, đến đôi bàn tay cầm bánh cũng đẹp. Nhiều đêm đói quá, tôi nằm trên võng mơ thấy đang ăn bánh dày ngon lành, sáng ra miệng mồm đắng nghét. Ngủ ở rừng Trường Sơn, xung quanh toàn cây cối, nước quý như vàng, nên có ai dám đánh răng, súc miệng, thành ra ăn sáng với hai miếng lương khô cứng còng, nhai trệu trạo như nhai đất, nuốt muốn không trôi cuống họng.

 

Thế rồi chúng tôi cũng vượt được dãy Trường Sơn, tiến thẳng vào đất nước chùa tháp, dừng lại đóng quân tại sóc Tà Nu, tỉnh Sroai Viêng. Duyên phận thế nào, tiểu đội thông tin vô tuyến điện của tôi, lại được đóng quân trong ba ngôi nhà dân, có vẻ như thuộc thành phần khá giả, mà ngôi nhà tôi đóng quân, lại có cô gái đẹp như tiên trên trời giáng thế. Tuyệt vời hơn là cô gái trắng trẻo này lại nói được tiếng Việt, lại là người có học, nói tiếng Hoa tiếng Pháp nhanh lau láu. Nhờ vậy tôi làm quen với cô gái được hơn một tuần, đã có được mớ tiếng Khơ Me kha khá, có thể đi tán gái trong phum sóc được rồi. Mình cứ nói, dẫu có nói sai thì các cô gái cũng hiểu. “Mắt con trai, tai con gái” mà. Nhờ vậy, vào mùa Lễ hội Đoóc Om Boóc năm ấy tại Tà Nu, tôi lân la đi thăm hết nhà này tới nhà khác, rồi lại cùng giã xôi nếp với họ để làm bánh phồng. Cô gái đẹp con chủ nhà, nghe tôi kể về bánh dày, đã cho tôi cả một nắp ăng gô Trung Quốc đầy bột xôi, với cả đậu xanh và thịt mỡ. Để có chả, tôi dùng móc sắt đi móc tắc kè trong các bọng cây me nước. Đi chừng hai tiếng đồng hồ, đã bắt được đâu khoảng gần ba chục con. Tôi nấu nước sôi trụng tắc kè làm vảy, rồi mổ bụng, chặt bỏ đầu và bốn bàn chân, rồi bằm nhuyễn đem rán lên làm chả. Bánh dày của tôi là thứ bánh dày đặc biệt, ngon không chê được chỗ nào. Chính cô gái đẹp con chủ nhà, khi ăn cũng luôn miệng khen tấm tắc. Vậy mà nhiều chàng lính trong tiểu đội lại không dám ăn chả tắc kè mới lạ chứ.

 

Sau khi tiểu đoàn vượt sông Trăng biên giới vào Miền Nam, suốt cả một thời gian dài chinh chiến, chết chóc triền miên, tôi chẳng còn có thời gian đâu để mà nhớ tới bánh dày nữa. Cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi tiểu đoàn về đóng quân ở ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, một hôm thấy cô con gái vợ chồng ông chủ nhà nơi tôi ở trọ, xay bột nếp nấu chè trôi nước, tôi mới sực nhớ tới bánh dày, nhớ tới người phụ nữ đẹp, ngồi giữa cánh đồng khoai tây vừa thu hoạch để bán bánh dày, tự nhiên tôi nhớ Miền Bắc tới nao cả lòng dạ, và thèm được ăn bánh dày kinh khủng. Kìm không được lòng mình, tôi hỏi xin một ít bột nếp, một ít đậu xanh, với miếng thịt mỡ, tự làm cho mình mấy cặp bánh dày. Bánh làm xong, tôi đem hấp trong nồi cơm cho chín. Cô gái chắc là thương nỗi lòng nhớ quê của tôi, chạy ra chợ mua cho tôi cây giò lụa. Khi cô gái đưa cây giò lụa, tôi nói đùa, “sao cô Ba không mua cho tôi mấy con cà cuống”. Cô gái chắc không biết cà cuống, nên hỏi tôi cà cuống là con gì, liên quan gì tới bánh dày mà mua. Tôi kể cho cô gái biết, ở quê tôi cà cuống là quý lắm, vì túi dầu của nó vừa thơm vừa cay, pha vào nước mắm ăn bánh cuốn thì không gì bằng, làm nhân bánh dày hương thơm sẽ đầy quyến rủ, hôm nào tóm được vài chú cà cuống, tôi sẽ trổ tài làm nước mắm cho cô Ba biết(xin lỗi, tôi nói mấy chú cà cuống, vì chỉ cà cuống đực mới có túi dầu). Để giúp cô gái biết cà cuống, tôi bỏ cả buổi sáng chủ nhật ra đồng tìm bắt cà cuống, nhưng tịnh không nhìn thấy con nào. Quái lạ, Nam Bộ ruộng đồng mênh mông, sao lại ít cà cuống hơn ngoài Bắc nhỉ. Bánh dày Quán Gánh thơm ngon nổi tiếng, chính là nhờ vào nếp làng Quán Gánh, con cà cuống ở đồng làng Quán Gánh.

 

Sau này tôi được ăn bánh dày ở nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ thấy ngon hơn cái bánh dày cô gái Thường Tín- Hà Tây- bán cho tôi.

 

HTT


nói thêm về bánh dày

hotinhtam

Lúc Dzu còn nhỏ, rất hay được mẹ kể cho nghe về các món ăn, và dạy cho cách nấu các món ăn, cách làm các món bánh, mứt, vì lúc này chị cả của Dzu đi học xa, các em còn quá nhỏ, mẹ đi làm cả ngày, nên muốn giao phó việc nấu nướng ở nhà cho Dzu. Hồi đó mẹ thường làm đủ thứ bánh, duy chỉ bánh dày là chưa bao giờ làm, nhưng thỉnh thoảng theo mẹ đi chợ phiên, Dzu vẫn hay được mẹ mua cho một hai cái bánh dày để ăn cho biết. Khi hai mẹ con ngồi chồm hổm ăn bánh dày ở chợ, mẹ nói rằng, muốn có bánh dày ngon, phải kiếm cho được nếp thơm, nếp ròng, nếp rặt. Khi đồ xôi, không để xôi quá khô hay bị nhảo. Khi dùng chày quết xôi, phải giã cho thật nhuyễn, thì bánh mới mịn, mới dẻo.
 
Sau này lớn lên, Dzu mới biết thêm rằng, nhân bánh dày muốn thơm ngon, cần phải có tinh dầu cà cuống, vì dầu cà cuống thơm nhẹ, thơm bền, và có vị cay cay, ăn thấy tê tê nơi đầu lưỡi. Và cũng nhờ hay đi đây đi đó, Dzu biết rằng, trong triết lý ẩm thực của người Việt, bánh dày là món quà quê để ăn chơi, chứ không phải để ăn thật cho no, nên khi ăn, cũng phải ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ, để tận hưởng độ dẻo thơm, dẻo mịn của nếp, tận hưởng hương vị thơm bùi của đậu xanh, vị beo béo của thịt mỡ cắt nhỏ thành hột lựu. Bánh dày ngon là bánh mà khi cầm lên tay thấy dẻo mịn, nhưng không bị dính, và toả ra hương thơm dìu dịu của gạo nếp. Khi cắn miếng bánh phải nghe được mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ của nhân, mùi thơm phảng phất của thịt mỡ, và đặc biệt là vị cay hơi tê tê nơi đầu lưỡi của tinh dầu cà cuống. Và cuối cùng, do bánh dày là món ăn chơi, nên chớ vì bánh ngon mà ăn ngốn ăn ngấu, thùng bất chi thình, ăn cho đến no căng cả rốn. Phàm thực quá, còn biết gì là món ngon do trời đất ban cho.
 
alt
 
alt
 
cái bánh dày này có nướng sơ qua lửa than, để có thể cầm ăn trực tiếp mà không bị dính tay
 
alt
 
Hội làng thường có bánh dày, xôi, oản
 
alt

người ta thường thoa mỡ lên lá chuối để gói bánh dày

bánh dày thời nay đang dần xa lạ với Lang Liêu

hotinhtam

Ngày nay làm bánh dày rất dễ, vì bột nếp có bán sẵn ngoài chợ, chỉ cần mua về pha nước nhồi thành bột, rồi làm nhân bánh theo ý muốn và sở thích của minh, rồi dùng nồi hấp điện, hay nồi hấp nấu trên bếp ga. Muốn có màu thì mua màu thực phẩm pha vào bột, hoặc cũng có thể tự tạo màu thiên nhiên, bằng cách lấy lá dứa thơm, lấy đậu đen, đậu đỏ... nấu thành nước màu mà pha vào bột nếp. Tôi thấy có người còn dùng cả lòng đỏ trứng gà, dùng cả sửa tươi hay sữa đặc pha vào bột. Bánh dày ngày nay vì thế, càng ngày càng có nhiều biến tấu rất phong phú. Vấn đề tựu trung là ở chỗ, bánh dày là bánh được tạo ra từ gạo nếp, còn hình dáng vuông tròn, hay hình trái cây, hình con thú... là do ở sự khéo tay của bạn. Nhưng các bạn nên nhớ cho rằng, trong triết lý văn hoá của tổ tiên, bánh dày bánh chưng là tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất, nên nếu bạn biến tấu nhiều quá, bánh dày sẽ mất đi ý nghĩa nguyên sinh ban đầu của nó. Làm như thế, chắc chắn hương hồn Tiết Liêu(Lang Liêu) nơi chín suối sẽ buồn lắm đấy.
 
alt
 
Kiểu ăn bánh dày của người Nhật. Họ ăn bánh dày với sữa và chè đậu đỏ. Mấy miếng bánh dày màu xanh bên trái là do người Nhật trộn bột nếp với bột trà xanh. Miếng bánh dày màu vàng nhạt bên phải là do trộn bột nếp với bột đậu xanh. Loại bánh dày này độ thơm dẻo của gạo nếp bị giảm đi rất nhiều.
 
alt
 
alt
 
alt
 
mấy trái hồng giòn bên trái, cũng có thể là bánh dày đấy. Người ta chỉ cần nặn bánh theo hình trái Hồng, rồi dùng màu thực phẩm để vẽ(tô màu). Khi tôi đóng quân ở ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cô gái con bà chủ nhà là Xuân Hồng, thợ may, nhưng thêu thùa và nấu nướng rất giỏi. Cô ấy làm thứ bánh gì đó giống hệt như quả thông, quả ớt sừng trâu màu xanh, màu đỏ, đẹp tới mức tôi chỉ dám nhìn chứ không dám ăn, vì ăn thì tiếc lắm. Cùng đóng quân trong nhà hai mẹ con cô Xuân Hồng lúc đó, ngoài tôi ra, còn có anh Trần Oanh(quê Hải Dương), anh Phùng Gia Thặng(quê Thường Tín- Hà Tây. Lúc đó chúng tôi thuộc tổ chính trị tiểu đoàn- D1, E5, F8, QK9.

bánh dày đây

hotinhtam

Ngày xưa để làm bánh dày, công việc vất vả, đòi hỏi phải vận nhiều công sức nhất, là việc dùng chày, cối để giã xôi. Do xôi là thứ dẻo như cơm nếp, dính như cơm nếp, nên chày giã xôi cứ phải liên tục thoa mỡ lợn. Việc này thường do đàn ông đảm nhiệm. Còn đàn bà thì lo việc đồ xôi, làm nhân và nặn bánh. Do vậy mà khi có Lễ làng, người ta thường mở Hội làm bánh dày, trai gái cùng hợp sức làm với nhau, nên không khí vui như Tết. Nếu bạn hỏi vì sao bánh dày thấy ít được bày bán như các món bánh quà quê khác, thì điều đó cũng là dễ hiểu, do việc giã xôi qúa tốn công sức và mất thời gian, mà khi bán cũng không kiếm được mấy tiền lời.
 
Cái bánh dẻo hiện đại hình vuông bây giờ, nhân bên trong có thịt, có trứng, có mứt bí đao, mứt hột sen... Suy cho cùng cũng chỉ là biến tấu của bánh dày chứ gì. Nếu bạn dùng bánh dày chay xắt lát, nấu với súp gà, súp heo... thì nó đích thị phải gọi là súp bánh dày. Và như vậy, chè xôi nước cũng là chè bánh dày; rồi thì bánh cam, bánh rán, cứ theo đó mà suy, cũng là bánh dày tuốt tuột. Bởi bánh dày ra đời từ thời vua Hùng Vương thứ sáu cơ mà.
 
alt
 
bánh dày cúng Trời - Đất
 
alt
 
em bé và cái bánh dày
 
alt
 
alt
 
 
alt
 
cán bột làm bánh dày trà xanh của người Nhật
 
alt
 
sản phẩm bánh dày trà xanh đã hình thành
 
alt
 
alt
 
đây mới thiệt là bánh dày cổ truyền Việt Nam

Bánh dày

catbien | 12/06/2012, 05:53

catbien

Bánh dày là món ăn dân tộc thấm hồn non sông từ xưa để lại
Bài viết của anh thật tình cảm cùng bao kỷ niệm chan chứa.

 

thachcau | 12/06/2012, 07:22

Một kỷ niệm đẹp của người lính chiến. Nhớ bánh, nhớ đồng đội, nhớ vất vả gian truân...
Nhưng, có lẽ nhớ nhất là có cô em da nõn nà, môi mọng đỏ và bàn tay nà nuột!
Bánh dày ơi, sao vừa đẹp , vừa thơm, vừa ngon! Nhưng chạnh chút đắng lòng!

gởi Cát Biển

hotinhtam | 12/06/2012, 11:46

Chào Cát Biển.
 
Vâng. Bánh chưng, bánh dày là hai món quà quê mang đậm nét hồn Việt. Theo truyện cổ tích Việt Nam, thì hai món bánh này là do Hoàng tử Tiết Liêu(Lang Liêu), con trai thứ mười tám của vua Hùng đời thứ sáu làm ra, và lưu truyền đến hôm nay, trở thành một món ăn không thể thiếu trong các ngày Lễ Tết, trong các ngày giỗ chạp, đám hỏi, đám cưới... và cả trong đam ma nữa. Về triết lý ẩm thực, bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất. Lá chuối xanh bên ngoài, tượng trưng cho sự chở che, đùm bọc của trời đất. Nhân bánh ngũ vị ở trong, tượng trưng cho sự nuôi dưỡng con cái của cha mẹ. Thế nhưng theo đà phát triển của nền công nghiệp hiện nay, do cách làm bánh dày quá vất vả, nên bánh dày càng ngày càng thấy vắng mặt trên các chợ làng. Còn ở những nơi đô thị sầm uất, tìm đỏ mắt chưa chắc đã gặp bánh dày mà mua. Tuy nhiên nền văn minh cây lúa thì sẽ còn tồn tại mãi, nên giá trị của lúa gạo sẽ không bao giờ mất đi, cho dù con người có phát triển đến bất cứ một đỉnh cao tri thức nào. Vì vậy, một khi con người còn phải dùng lúa gạo, thì con người vẫn phải gắn bó với lúa gạo, tìm cách chế biến từ lúa gạo, ra những sản phẩm nuôi sống con người. Bởi điều này, mà bánh dày cổ truyền ngày càng phát triển biến tấu thành muôn vàn sản phẩm khác nhau, nhưng tựu trung vẫn phải lấy gạo nếp làm nguyên liệu chính. Cát Biển nhiều lần vào Nam, chắc đã có dịp thưởng thức bánh cam, chè trôi nước? Nếu không bỏ vào nồi nước đường, nếu không rán lên và áo lớp đường bên ngoài, thì đó chính là bánh dày chứ gì nữa.
 
Trời đất biến hoá. Lòng người đổi thay, thì bánh dày cũng phải có sự đổi thay về hình thức, cho phù hợp với nhu cầu đời sống mới của con người. Đơn giản vậy thôi. Và đó cũng chính là một thứ triết lý nhân sinh của con người trong cõi trời đất. Và cứ theo triết lý nhân sinh mà suy, trong ý thức hệ về triết lý ẩm thực của nền văn hoá Việt, thì cho dù nến văn minh Đại Việt, có phát triển cao đến đâu, cũng không thể bỏ được gạo tẻ, gạo nếp, cũng không thể bỏ được bột gạo tẻ, bột gạo nếp. Và vì như vậy, chắc chắn bánh dày vẫn mãi mãi là một món mang đậm hồn quê trong nền văn hoá ẩm thực nước nhà.
 
Chúc Cát Biển luôn Vui Khoẻ.
 
alt
 
cái bánh dày này được gói bằng lá sung
 
alt
 
bánh dày kẹp chả quế
 
alt
 
bánh dày chay hình chữ nhật, gói bằng giấy bóng của người Nhật Bản. Bánh được gói kín trong bọc chân không nên có thể để được rất lâu. Dzu đã được ăn nhiều thứ bánh của người Nhật, và để ý thấy rằng, cách làm bánh của người Nhật rất giống với cách làm bánh của người Huế, nên các loại bánh dân gian của họ thường nhỏ, chứ không to đùng đoành như bánh chưng, bánh tét.
 
alt
 
alt

gởi thachcau

hotinhtam

Chào anh thachcau.
 
Nhiều khi những kỉ niệm rất nhỏ, mà lại rất khó quên anh ạ. Trong cuộc đời rong rêu, lang thang đây đó của tôi, tôi đã gặp biết bao nhiêu những kỉ niệm nhỏ nhoi như thế. Khi chạnh nhớ thì ngồi xâu chuỗi lại mà viết. Riêng về chuyện bánh dày này, khi tôi kể cho bà xã nghe, bả nói, nhớ quá thì mua bánh ít trần mà ăn. Chừng đó tôi mới ngộ ra, bánh ít trần trong Nam, thực chất cũng chỉ là biến tấu của bánh dày chứ gì. Bởi bánh ít trần cũng là bánh làm từ bột nếp, chỉ khác bánh no tròn như trái quýt, bên trong có loại nhân chay(đậu xanh, dừa nạo), có loại nhân mặn(thịt lợn, mộc nhĩ, hành mỡ...). Bánh chay, hay còn gọi bánh lạt, ăn cặp với nước cốt dừa, là món dùng cho người ăn chay. Bánh nhân thịt, hay bánh mặn, ăn cặp với nước cốt dừa, nước mắm, có khi còn ăn kèm với rau thơm. Bởi vì điều này mà vợ tôi nói rằng, tôi nên viết là "biến tấu của bánh nếp" mới chính xác. Nhưng tôi bảo thủ ý kiến riêng của tôi, để bênh vực Lang Liêu, nên cứ gọi là biến tấu của bánh dày. Với nữa, nhờ chế ra bánh chưng, bánh dày, mà hoàng tử thứ mười tám mới được vua cha là Hùng Vương thứ sáu truyền ngôi báu cho. Chuyện về biến tấu của bánh dày thì nhiều lắm, có khi cần phải mở một cuộc Hội Thảo Bánh Dày ở cấp quốc gia đấy anh ạ.
 
Còn về người phụ nữ ngồi bán bánh dày trên cánh đồng khoai tây đã thu hoạch của hợp tác xã, nơi rất gần một ga xe lửa xép ở Thường Tín- Hà Tây- nếu cô ấy còn sống, tôi nghĩ cô ấy cũng đã giải nghệ, không còn gánh bánh dày đi bán được nữa, bởi tính theo thời gian, giờ này cô ấy cũng đã ngoài bảy mươi tuổi. Nghĩ mà tiếc cho nhan sắc đời người phải không anh.
 
Còn mấy người đồng đội cùng sống với tôi trong nhà hai mẹ con cô Xuân Hồng ở ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thì tôi có nghe nói, anh Trần Oanh đã cưới cô Xuân Hồng, Phùng Gia Thặng đã về hưu ở thành phố Cần Thơ. Hai người đồng đội này đều lớn tuổi hơn tôi, nên chắc chắn họ đều đã ngoài 60 tuổi cả rồi. Và vì họ cưới vợ trước tôi mấy năm, nên tôi nghĩ, giờ này cả hai đều đã lên chức ông nội, ông ngoại.
 
Riêng về đám lính trong tiểu đội thông tin vô tuyến điện của tôi, thì tới giờ này, tôi cũng chưa liên lạc được với ai, không biết ai còn ai mất, ngoại trừ anh Nguyễn Văn Mỹ hy sinh ngay trước mắt tôi, trong trận chống càn ròng rả suốt một tháng trời tại bờ bao Mỹ Hoà- Mỹ An- Đồng Tháp. Chiến tranh luôn có những bất ngờ không lường trước được, tuy nhiên sống chết vẫn có số đấy. May mắn cho tôi là trước tết Canh Thìn vừa qua, tôi đã gặp được các anh trong Ban Liên lạc E207, nên khi nghỉ hưu, có thời gian, thế nào tôi cũng lần ra bạn bè.
 
Nhưng thôi, hè này lên Sài Gòn, thế nào tôi cũng mua bánh dày để chụp hình, vì ở Sài Gòn, bánh dày lại được bày bán nhiều hơn ở nhà quê mới lạ chứ. Có lẽ vì Sài Gòn hôm nay, không còn là Sài Gòn của riêng dân Sài Gòn nữa, mà là Sài Gòn của dân cả nước. Ở đó, thượng vàng hạ cám, thứ nào cũng có, cũng có thể tìm mua được.
 
Chúc anh ngày Chúa nhật Vui Khoẻ nhen.
 
alt
 
giã xôi nếp làm bánh dày
 
alt
 
alt
 
miếng bánh dày trà xanh
 
alt
 
làm nhân bánh dày
 
alt
 
bánh chưng bánh dày
 
alt
 
mẹt bánh dày này mới đích thị là bánh dày quà quê đầy chất dân dã

Re: hồi ức bánh dày- Hồ Tĩnh Tâm

PQA | 12/06/2012, 14:26

Mến gửi thầy giáo - nhà văn Hồ Xuân Tâm

"...Cái tên bánh dày Quán Gánh của xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây, đeo dính trong đầu tôi từ dạo ấy. Và cũng từ dạo ấy, không hiểu sao, cứ lâu lâu tôi lại nhớ tới bánh dày, nhớ tới cô bán bánh dày ở Thường Tín..."
"...Quái lạ, Nam Bộ ruộng đồng mênh mông, sao lại ít cà cuống hơn ngoài Bắc nhỉ. Bánh dày Quán Gánh thơm ngon nổi tiếng, chính là nhờ vào nếp làng Quán Gánh, con cà cuống ở đồng làng Quán Gánh..."
-------------------
"Ai qua Quán Gánh Phủ Tường
Bánh dày cà cuống đã thơm lại lành."
Đúng là các cụ nhà ta đúc kết cấm có sai: Miếng ngon nhớ lâu.
Hóa ra thầy giáo Tâm nhà ta đã có thời kỳ rất gắn bó với đất Thường Tín, Bắc Hà... (Quốc Anh đã có thời kỳ sinh viên học dưới Quán Gánh đấy - (1 năm đầu Đại học Pháp lý cũ)).
Cà cuống ở miền đồng bằng sông nước Nam Bộ cũng nhiều đấy chứ ạ. Tuy nhiên, do việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, cà cuống không còn điều kiện sinh sôi phát triển như trước kia nữa. Có lẽ do điều kiện lịch sử miền Nam đã sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật sớm hơn miền Bắc (trước giải phóng), nên cà cuống ở trong đó cũng ít hơn ở ngoài này, nhà văn nhỉ ?
Giờ thì cà cuống (còn gọi là con sâu quế) thực sự là đặc sản hiếm lắm rồi. Ôi một thời...
Qua đọc và góp vài lời vui với tản văn của nhà văn. Chúc nhà văn và gia đình luôn mạnh khỏe, nhiều niềm vui.
Chân thành,
Phạm Quốc Anh - TheThames09
PS: Nếu có dịp "ngài" ra Hà nội, Quốc Anh sẽ đãi "ngài" thỏa thuê bánh dày Quán Gánh (hiện đại) đấy !

BÁU VẬT CỦA ĐỜI

RÔ | 12/06/2012, 18:41

            TỐC LÊN TOÀN NGỌC NGÀ
            THẢ XUỐNG ĐẦY DUYÊN DÁNG
            EM TỪ ĐÂU SINH RA
            KHIẾN ĐẤT TRỜI BẢNG LẢNG

gởi PQA

hotinhtam

Chào Phạm Quốc Anh.
 
Lâu lắm rồi mới lại trò chuyện với nhau, mà lại trò chuyện về ẩm thực mới thú vị chứ. Hơn nữa lại đúng vào cái món có liên quan chút xiu đến con "cà cuống chết đến đít còn cay". Vậy cho nên Lão Dzu xin được nói thêm chút xíu về con cà cuống, con "sâu quế", con "sâu nước", "con rận rồng- long sắt", con côn trùng ruộng, từng được coi là món sơn hào hải vị, món dùng để cung tiến nhà vua, món mà vào thời Triệu Đà, nước ta hàng năm vẫn phải đem sang cống nạp cho Hán triều.
 
Trong bài viết của mình, Dzu có nói thời đóng quân ở Vàm Cống, Dzu đã tìm đỏ mắt mà không kiếm được một con cà cuống ngoài ruộng, khác hẳn với thời 1971, Dzu thấy các chợ ở Hà Nội, người ta bày bán hàng mẹt cà cuống. Lúc bấy giờ các món bánh cuốn(mà nhất là bánh cuốn Thanh Trì), bún thang, chả cá(đặc biệt là chả cá Lã Vọng)... là các món không bao giờ thiếu được chén nước mắm cà cuống, bởi không có nước mắm cà cuống thì mất khách như chơi. Thực tình lúc bấy giờ Dzu chưa cảm được hương vị tinh tế của nước mắm cà cuống đâu, chỉ thấy các món ấy ngon, vì lâu lắm mới được ăn một lần, mà lại ăn vào lúc bụng đói mèm đang sôi ùng ục. Thời ấy, đến củ khoai lang nướng cũng ngon nữa là bánh cuốn. Còn bánh dày thì Dzu cũng chỉ coi như mấy món quà quê là bánh đa, bánh đúc, có điều nó ngon hơn là nhờ có kẹp thêm miếng chả lụa hay chả quế, vì thời ấy, viêc bữa cơm có thịt lợn, thịt gà là vô cùng hiếm hoi. Mãi sau này Dzu mới biết, người Quán Gánh dùng tinh dầu cà cuống làm nhân bánh dày. Và cũng mãi sau này Dzu mới biết, lúa gạo Hải Hậu ngon có tiếng(nhất là gạo tám xoan), nên bánh dày nào mà được làm từ gạo nếp Hải Hậu thì đặc biệt dẻo và thơm. Chẳng biết người Quán Gánh có dùng nếp Hải Hậu để làm bánh dày không.
 
Lại nói về cà cuống. Bẵng đi một thời gian dài, sống ở Cần Thơ và Vĩnh Long, hầu như Dzu không còn nghĩ tới con cà cuống nữa. Thế rồi  vào năm 1992, Dzu xuống thị xã Trà Vinh dạy nhạc, một đêm ngồi nhậu với người bạn dạy Lý ở trường chuyên của tỉnh, tên là Trần Văn Bái, tự nhiên thấy một con cà cuống rơi đánh bịch một tiếng ngay trước mặt. Dzu ngạc nhiên hỏi, "ủa, ở đây cũng có cà cuống à?". Trần Văn Bái trả lời, "cà cuống đâu mà chẳng có, ông ngồi chút xíu, cà cuống theo đèn bay vào rớt đầy cho coi". Quả nhiên đêm đó Dzu ngồi giữa lòng thị xã mà "Đại Lãn chờ sung", bắt được tất cả bốn con cà cuống. Như vậy Dzu mới nghiệm ra rằng, có lẽ dân Nam Bộ không mấy quan tâm tới cà cuống, chứ không phải đồng đất Nam Bộ không có cà cuống. Bởi môi trường sinh sống của cà cuống là đồng ruộng, ao hồ, nơi có nhiều loài thuỷ sinh làm thức ăn cho cà cuống, điều mà thiên nhiên đặc biệt ưu đãi cho Nam Bộ.
 
Dzu cám ơn lời mời bánh dày "hiện đại" của Phạm Quốc Anh nhen. Lúc nào ra Hà Nộ̣i Dzu sẽ gọi. Gặp nhau biết đâu tức cảnh sinh tình, vịnh bút được bài thơ cà cuống, bài thơ bánh dày của Lang Lèo(Lang Liêu- người kế nghiệp vua Hùng Vương thứ sáu). Còn bánh dày "hiện đại", e rằng hơi khó làm thơ.
 
Chúc Phạm Quốc Anh Vui Khoẻ.
 
alt
 
nếp thơm rặt giống Hải Hậu, trắng đẹp như làn da con gái tuổi xuân thì
 
alt
 
sản phẩm từ gạo nếp của làng Quán Gánh- Nhị Khê- Thường Tín- Hà Tây.
 
altalt
 
bột đậu xanh làm nhân bánh dày
 
alt
 
góc bếp để đồ xôi
 
alt
 
giã xôi bằng máy để giải phóng bớt sức lao động làm bánh dày

chào thầy

maihuynh | 12/06/2012, 19:40

Hôm nay con lai gởi thầy 1 bài thơ nữa. Thầy ơi! Con chưa có dịp ăn bánh dày. Nhưng con nghĩ, con sẽ ăn....
Ở giữa

Anh ơi!
Em đã có một niềm vui khác
Với một người khác anh
 Anh ơi!
Tình anh trao em quá chân thành
Sao đành em bỏ chân thành ấy đi?
Người ta cũng tốt chi bằng
Bước đi chẳng đặng
Quay về không xong
Thôi thì tình kia em chôn vùi
Tình anh, em giữ trong lòng
Ngày anh pháo nổ, xe hoa
Em xin gởi câu chúc mừng đến ai..


Gởi maihuynh

hotinhtam

Chào Mai Huỳnh.
 
Lại thêm một bài thơ buồn rười rượi. Mong rằng đây là thơ của Mai Huỳnh, chứ không phải là chuyện đời của Mai Huỳnh. Nhưng nếu là chuyện đời đi chăng nữa, thì cũng chẳng có gì ghê gớm, khiến mình phải buồn mà bỏ bê công việc. Bởi lẽ vui buồn cũng chỉ là chuyện thường nhật của đời người. Mà chuyện buồn về cuộc đời, văn nhân thi sĩ Việt Nam, đã có ai buồn hơn thi sĩ Hàn Mạc Tử chưa? Nỗi buồn với nhà thơ, hình như nó lại là cứu cánh cho thơ đấy. Nhiều người, khi nỗi buồn càng thấm đẫm thì thơ lại càng hay. Cuộc sống mà tẻ nhạt, mà không có niềm vui, nỗi buồn chen vào nhau, thơ khó có đất sống lắm. Bởi vậy, cuộc sống dù có buồn đến mấy, cũng đừng sợ nhen Mai Huỳnh. Bản lĩnh của người làm thơ thể hiện qua ngòi bút một phần, qua ý chí và nghị lực sống một phần. Mai Huỳnh cứ thế mà viết, nhất định sẽ có ngày, Mai Huỳnh phải giật mình trước thơ của chính Mai Huỳnh đấy. Hãy tin vào bản thân mình. Hãy vượt qua chính mình. Hãy khai thác hết tiềm năng sẵn có của mình mà sống, mà lao động, mà sáng tác. Trời cao không bao giờ phụ lòng người đâu. Tương lai nằm trong lao động của trí óc và hai bàn tay đấy.
 
Bây giờ nói về bánh dày nhen. Bánh dày đúng nghĩa cổ truyền của dân tộc, là bánh dày được làm ra từ xôi giã cho kì đến nhuyễn và mịn, nó chỉ thuần tuý là bột nếp, không có bất cứ một thứ gì ở bên trong. Câu chuyện bánh chưng, bánh dày ra đời từ thời Việt cổ, thời các vua Hùng dựng nước, lúc đó dân ta đã làm gì biết toán học, mà có khái niệm về hình vuông, hình tròn. Bởi vậy triết lý trời tròn, đất vuông, của bánh dày(tròn) tượng trưng cho cha(dương), của bánh chưng(vuông) tượng trưng cho mẹ(âm), rất có thể chỉ là sự áp đặt triết lý âm dương ngũ hành của người đời sau, chứ vào thời vua Hùng Vương thứ sáu, Lang Liêu(Lang Lèo, Tiết Lang), làm sao biết được thế nào là hình tròn, thế nào là hình vuông. Thầy ví dụ thế này, Mai Huỳnh thuộc giới tri thức trong xã hội, có học đàng hoàng, có khái niệm rõ ràng về vuông tròn đàng hoàng, nhưng liệu Mai Huỳnh có thể gói được một cái bánh chưng cho thật vuông không? Còn thầy thì thầy chịu bó tay đấy. Thế nhưng nếu dùng lá chuối gói bánh tét, thì khi cuộn lá chuối gói lại, tự khắc nó tròn theo dạng hình ống đấy. Thầy đố Mai Huỳnh chỉ dùng tay, mà gói được đòn bánh tét thành một hình khối hộp chữ nhật đấy. Còn bột nếp lúc đang nhảo và dẻo, Mai Huỳnh cứ nắm một nắm đặt lên bàn, tự nhiên nó sẽ chảy đều ra bốn phía thành hình tròn- như thể giọt nước nhỏ xuống mặt bàn sẽ chảy đều ra xung quanh thành hình tròn vậy. Theo lẽ đó, hoàng tử Lang Lèo khi gói gạo nếp làm bánh chưng, không chắc gì ông gói được thành hình vuông đâu, mà Lang Lèo cứ gói cho thật chặt, rồi nó muốn ra hình gì thì ra. Theo thời gian, với sự hiểu biết và khéo léo của mình, tổ tiên chúng ta mới gói được cái bánh chưng vuông vức như ngày nay. Thầy nói vậy, bởi mãi đến thời Hồ Quý Ly lên làm vua, nhà vua văn võ kiêm toàn này, mới là vị vua đầu tiên trong lịch sử nước nhà, xây được một kinh thành hình vuông(gọi là thành nhà Hồ), để trở thành ông vua Việt Nam đầu tiên giỏi về toán học.
 
(còn tiếp)
 
altaltalt
 
alt


alt

 
alt

Gởi maihuynh- tiếp theo

hotinhtam

Như vậy, rốt cùng lại, thầy muốn nói với Mai Huỳnh rằng, để bày tỏ lòng tri ân, hiếu thảo với cha mẹ, hoàng tử Lang Lèo đã nghĩ ra cách dùng gạo nếp, để nguyên hạt, gói thành bánh chưng, dùng xôi giã nhuyển nắm thành bánh dày, tặng cho cha mẹ, bày tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Ý nghĩa này nghiêng về triết lý phồn thực nhiều hơn là triết lý âm dương Mai Huỳnh ạ. Chắc Mai Huỳnh còn nhớ, trong bài giảng đầu tiên của thầy, thầy có nói vào thời công xã nguyên thuỷ, khi trình độ lao động sản xuất và trình độ tổ chức xã hội còn ở mức sơ khai, con người sống hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, còn trong giai đoạn quần hôn(thời mẫu hệ), người sinh ra chết nhiều hơn bội lần người sống, nên con người tất nhiên ngã hẳn vào triết lý phồn thực, sanh càng nhiều con càng tốt(vua Hùng vương thứ sáu có tới 20 hoàng tử), nên họ đặc biệt coi trọng việc duy trì nòi giống, bởi vậy mà họ thờ Jony và linga- điều mà ta đã tìm thấy trong rất nhiều totem bái vật tổ của người Việt cổ, như trên mặt trống đồng Ngọc Lũ chẳng hạn. Chắc Mai Huỳnh còn nhớ bao nhiêu cặp nam trên, nữ dưới trong tư thế duy trì nòi giống chứ? Theo thầy, triết lý bánh chưng, bánh dày chính là ở đó. Trời ở trên là dương, đất ở dưới là âm. Hạt gạo là cội nguồn cuộc sống của một dân tộc, đã khẳng định được giá trị trường tồn của nền văn minh cây lúa nước. Hoàng tử Lang Liêu đã ý thức được giá trị của hạt gạo, làm ra bánh chưng, bánh dày dâng tặng cha mẹ, nên mới được vua cha truyền ngôi cho; và chúng ta hôm nay mới có được truyện cổ tích bánh chưng, bánh dày mà đọc, mà cảm được hương vị thơm ngon của bánh chưng, bánh dày.

 
alt
 
alt
 
bánh dày trà xanh của người Nhật
 
alt
 
bánh dày được đựng trong hộp và gói trong bọc ni lông
 
alt
 
đồ xôi- một cách chưng cách thuỷ gạo nếp đã ngâm nước qua một đêm
 
altalt
 
những công đoạn làm bánh dày

nói thêm về bánh dày với Mai Huỳnh

hotinhtam

Mai Huỳnh ơi, Mai Huỳnh nói chưa được ăn bánh dày, thì thầy phải hiểu là Mai Huỳnh chưa được ăn bánh dày theo đúng kiểu bánh dày của hoàng tử Lang Liêu(Tiết Liêu, Lang Lèo), chứ biến tấu của bánh dày thì chắc chắn Mai Huỳnh đã ăn nhiều lắm. Bởi lẽ bánh dày là thứ bánh đơn giản nhất, nhưng cách làm lại tốn công sức nhất, trong tất cả các loại bánh được làm ra từ gạo nếp, vì nó đơn giản chỉ là xôi đâm nhuyễn, chứ không hề có thêm bất cứ một thứ gì khác. Như vậy, từ gạo nếp, ông bà, tổ tiên chúng ta đã làm ra đủ thứ bánh thơm ngon, như bánh ít, bánh ít trần, bánh trôi nước(chè trôi nước), bánh gai, bánh cam, bánh rán, bánh dẻo, bánh phồng, bánh kẹp... và có một thứ bánh gì đó mà thầy đã ăn, đã nhìn thấy người ta làm, bằng cách lấy đuôi heo chà lên cái chảo nóng cho ra mỡ, rồi dùng rây để rây bột nếp khô lên, sau đó đổ củ đậu(củ sắn) xắt nhỏ thành sợi với thịt bằm(đã xào chín với tiêu, hành), rồi bỏ thêm một ít dừa nạo, cuốn tròn lại. Chẳng lẽ trong mấy thứ đó, Mai Huỳnh lại chưa ăn thứ nào hay sao?
 
Bây giờ để giúp Mai Huỳnh có thể tự làm bánh ít trần chay mà ăn cho biết, thầy chỉ cho Mai Huỳnh cách này. Mai Huỳnh ra chợ mua một ít bột nếp, đem về nhào thành bột(nhớ đừng để bột khô quá hay nhảo quá), rồi nắn thành những viên tròn cỡ như quả bóng bàn, sau đó dùng bàn tay ép cho nó dẹp xuống, rồi bỏ vào xửng hấp chín. Vậy là có bánh dày. Muốn ăn ngon hơn thì kẹp vào giữa hai miếng banh dày, một miếng chả lụa hay chả quế(còn không thì kẹp với thịt ram, thịt nướng mà ăn, cũng chẳng chết thằng Tây nào đâu mà sợ). Còn đơn giản hơn nữa thì chấm với muối tiêu hay muối ớt mà ăn. Còn muốn cực kì đơn giản thì cứ thế mà ăn. Nhưng Mai Huỳnh nên nhớ rằng, bánh dày đúng cách của hoàng tử Lang Liêu là bánh được làm ra từ xôi giã cho thật nhuyễn. Điều này lại càng dễ, vì khi nào nhà nấu xôi, Mai Huỳnh xới ra một chén, bỏ vào cối đâm tiêu mà giã, chỉ sợ Mai Huỳnh đang giã bị mỏi tay bỏ cuộc thôi.
 
Bật mí nè:
Nếu Mai Huỳnh có nhã ý đem lên Vĩnh Long ngồi ăn chung với thầy cho vui, thì nhớ xào thịt heo ba rọi với củ sắn xắt thành hột lựu nhỏ, cùng với nấm mèo, tiêu, tỏi, hành, ớt để làm nhân nhen. Thầy là Lão Dzu Hồ thích rong rêu lãng tử, nên chỉ khoái ăn mặn, chứ không thích ăn chay. Nếu nhà có rượu ngon thì xách theo một lít, thầy trò mình cưa đôi luý tuý một bữa cho đã, cho biết người ta đứng dậy bằng gì.
 
alt
 
đây là bột nếp mua ngoài chợ, hay là xôi đồ giã nhuyễn rồi nhỉ?

 
alt
 
bánh dày có nhân mặn đấy
 
altVnVista I-Shine
© http://vnvista.com