Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc

alt

Nữ chiến sĩ A4- B5- C552- tổng đội 55 TNXP đang san lấp mặt đường bên miệng một hố bom(đây là tấm ảnh cuối cùng của mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, do phóng viên Hoàng Văn Sắc chụp vào tháng 6 năm 1968, tấm ảnh đẹp bởi bố cục, bởi độ tương phản đen trắng, vừa cho ta thấy người, vừa cho ta thấy hai lần bóng người in trong hố bom tĩnh lặng, phẳng như mặt gương).

alt

 


NGÃ BA ĐỒNG LỘC- NGÃ BA TÂM LINH NGÃ BA HUYỀN THOẠI

Hồ Tĩnh Tâm



Trên trái đất này có rất nhiều ngã ba, nhưng duy nhất chỉ có một ngã ba tâm linh đã mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, là Ngã Ba Đồng Lộc, nơi có mười cô gái hy sinh cùng một lúc, khi đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe ra chiến trường tiếp viện. Đó là Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Trần Thị Hường, và Võ Thị Hà mười bảy tuổi. Tất cả ra đi khi tuổi đời mới đôi mươi mười tám, chỉ vì một quả bom định mệnh, rơi trúng vào miệng hầm nơi các chị đang trú ẩn, vào khoảng 14 giờ 30, ngày 24 tháng 7 năm 1968. Sự sống đã hóa thành bất tử. Mất mát đau thương đã trở thành niềm uất hận và niềm tự hào của biết bao thế hệ, làm nên những giá trị lịch sử thiêng liêng, mãi mãi trường tồn với thời gian.


Nghĩ về ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, nhân vào đọc một entry của Lệ Thành trên vnweblogs.com, tự nhiên tôi cứ rưng rưng muốn viết về một điều gì đó, trước sự ra đi của mười cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc, nơi mà mỗi lần đi thực tế sáng tác xuyên Việt ngang qua, bao giờ tôi cũng ghé lại, cũng ngậm ngùi lau nước mắt, khi nghe kể về họ, khi suy nghĩ về sự ra đi của họ, và suy nghĩ về cuộc đời này. Có gì đó thiêng liêng lắm, khi tôi nhìn thấy những cây bồ kết, những quả bồ kết đang đung đưa trong gió. Hình như tôi nhìn thấy mái tóc xanh dài chảy xõa như suối, cùng giọng hát ngọt ngào của chị Trần Thị Hường, người được mệnh danh là chim sơn ca của quê hương Hà Tĩnh. Và hình như tôi còn nhìn thấy cả dáng vóc nhỏ nhắn của chị Võ Thị Hà, với cuốn sách trên tay, đang ngồi viết thư cho mẹ, bên miệng một hố bom đầy nước. Và thế rồi, tự nhiên nước mắt của tôi cứ ứa ra từng giọt, khi từ thẳm sâu trong tôi, tôi nghe dội lên tiếng đồng đội của chị Cúc đang thảng thốt gọi tìm, “Cúc ơi, Cúc ơi, em ở mô, em ở nơi mô Cúc ơi”. Tiểu đội mười người, chín người đã xếp thành một hàng ngang nằm đấy, còn Hồ Thị Cúc, không biết đang bị chôn vùi ở đâu, hay tan biến vào đâu trên đất đai Ngã Ba Đồng Lộc. Đau lắm! Đau lắm! Chín bỏ làm mười răng được!“Cúc ơi, Cúc ơi, em ở mô, em ở nơi mô Cúc ơi”.


Mười cô gái, mười linh hồn cao đẹp, đã mãi mãi thăng thoát trong cõi đời này. Họ mỗi người một gương mặt, một hoàn cảnh, người nhỏ nhất mười bảy tuổi, người lớn nhất hai bốn tuổi, tất cả đều trinh trắng tuổi xuân thì con gái, tất cả đều có chung một hoàn cảnh là nghèo khổ như nhau, với tuổi thơ cắt cỏ chăn trâu, băm bèo nấu cám, còn dang dở chuyện học hành, đã nghe theo tiếng gọi non sông, hăm hở lên đường tòng quân nhập ngũ, sống chết cùng nhau giữa trọng điểm chiến trường quanh năm bom đạn. Ai có thể hình dung được, chỉ một ngã ba rộng chừng sáu cây số vuông, mà liên tục mỗi ngày mỗi đêm, hàng đàn máy bay phản lực Mỹ điên cuồng kéo đến, thi nhau trút đủ các thứ bom có sức hủy diệt lớn nhất, cày xới tung lên từng thước đất. Mỗi mét vuông đất đá nơi đây, phải hứng chịu bình quân tới hơn ba quả bom, từ bom bi, bom phá, bom khoan, bom từ trường, đến bom xăng, bom lân tinh, rồi bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom tầm nhiệt… đủ các thứ bom hiện đại nhất, mà nước Mỹ giàu có và hiếu chiến có thể sản xuất được vào thời bấy giờ. Vậy mà con người vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn làm nên những huyền thoại, về một ngã ba kỳ diệu, khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng thán phục, về sức sống mãnh liệt của những con người đang quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.


Ngã Ba Đồng Lộc là cái túi bom trong chiến tranh chống Mỹ xâm lược, là nơi hứng chịu mức độ chiến tranh ác liệt nhất, tàn khốc nhất trong cả nước, chính bởi tính yết hầu trọng điểm quan trong của nó, trong huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường Miền Nam chiến đấu. Tại thắt nút cổ chai này, địch quyết phá còn ta quyết giữ, hai bên đối đầu trên trời dưới đất từng giờ từng phút, từng ngày từng đêm; sự sống và cái chết đặc sánh lại, căng thẳng tới mức không còn có thể căng thẳng hơn. Địch với hàng đàn phản lực tối tân nhất, cùng những tên giặc lái sừng sỏ, có kinh nghiệm hàng ngàn giờ bay. Còn chúng ta chỉ là những chàng trai, những cô gái, tuổi mười tám đôi mươi, với trái tim yêu nước, và đôi bàn tay đôi bàn chân bám chặt mặt đường. Ai thắng ai? Đó là thách thức lớn nhất của cuộc đối đầu lửa máu, giữa một bên là hỏa lực điên cuồng, còn một bên là tình yêu rực lửa. Tổ quốc hay là chết. Tất cả vì Miền Nam thân yêu. Bản anh hùng ca đẹp nhất, bản tình ca về đất nước tuyệt nhất ở nơi ngã ba này, được dựng lên bởi những con người bằng xương bằng thịt, trong đó có mười cô gái, mà lịch sử sẽ không bao giờ quên tên các chị, âu yếm gọi các chị là mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc.


Chị Nguyễn Thị Nhỏ, hai bốn tuổi, bằng tuổi chị Tần, chị Cúc, nhưng là người nhỏ nhất trong tiểu đội, bởi mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ khi còn nhỏ, phải sống nhờ vào người chị nghèo chỉ hơn mình vài tuổi. Tôi nhớ chị Nhỏ, bởi ngày chị lên đường nhập ngũ, người chị ruột xoay xở mãi mới kiếm được một bộ quần áo tươm tất, tuy hơi cũ nhưng chưa bị vá miếng nào, để cho em đem theo mặc lấy vía, cùng một mo cơm vắt với gói muối mè, rồi bồng đứa con thơ tiễn đứa em mới chớm mười bảy tuổi lên đường ra trân. Nhỏ bé quá. Côi cút quá. Nghèo sao mà nghèo đến thắt ruột thắt lòng. Nghèo đến mức, đang tuổi xuân thì con gái, mà không có được một cái gương để soi mặt hàng ngày.


Chị Võ Thị Hà, đứa em út của tiểu đội, người sống nghiêng về nội tâm, thích đọc sách và ghi nhật kí, mới chớm sang tuổi mười sáu đã tìm cách xin lên đường nhập ngũ. Ngày nào cũng vậy, cứ hết ca trực bám mặt đường làm nhiệm vụ, Hà lại lủi ra đâu đó ngồi đọc sách và hý húi ghi lại mọi chuyện trong ngày. Trong một lần về thăm nhà, mẹ chị cho chị mấy con gà con, chị đem về đơn vị nuôi, chúng nở thành bầy đông đúc. Nhớ tới mẹ, chị đã xin phép đồng đội lựa ra một con gà mái, đem về nhà để báo với mẹ, bầy gà của A4 vẫn sinh sôi giữa nơi chiến trường ác liệt nhất. Thế rồi vào chiều ngày 24 tháng 7 năm 1968 định mệnh ấy, con gà mái mà Hà đem về báo công với mẹ, tự nhiên lại vỗ cánh cất tiếng gáy như gà trống. Người mẹ giật mình nói với đứa em gái của Hà, chắc chị mày có chuyện không may rồi. Vâng! Chuyện không may, chuyện đau đớn nhất đã xãy ra, không chỉ với Hà, mà còn cả với chín người đồng đội, thuộc A4, C552, tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tĩnh. Võ Thị Hà đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi mười bảy, tuổi đẹp nhất trong đời con gái.


Tôi biết là tôi không đủ tư liệu, để có thể viết hết về mười cô gái anh hùng ở Ngã Ba Đồng Lộc, nhưng tôi không thể không viết đôi dòng về Hồ Thị Cúc, người tiểu đội phó hai bốn tuổi, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ngàn Phố, người đã cùng với A trưởng Võ Thị Tần, chỉ huy tiểu đội bám đường phá bom, san lấp mặt bằng để xe ta ra chiến trường tiếp viện. Trong ngày định mệnh 24 tháng 7 ấy, máy bay Mỹ đã mười lăm lần ném bom xuống Ngã Ba Đồng Lộc. Và lần thứ mười sáu, với chỉ một chiếc máy bay quành lại, nhưng chết chóc đã bao trùm, làm nên nỗi đau lịch sử. Hôm đó là ngày mà tiểu đội bốn của Võ Thị Tần và Hồ Thị Cúc đã cạn nguồn lương thực, phải cử năm người lên tuyến trên nhận gạo, thực phẩm và quân trang quân dụng, còn lại mười một người đều ra mặt đường bám trận địa làm nhiệm vụ. Chị Trần Thị Hào do phải ở lại tập văn nghệ ra sau, nên đã may mắn thoát được quả bom oan nghiệt. Trưa hôm ấy không có gạo, các chị phải luộc sắn, chấm muối vừng ăn thay cơm từ lúc mười giờ, để ra thay cho các chị trực bám đường ca sáng. Mỗi người một củ sắn thì làm sao mà no, nhưng họ vẫn phải đội hàng loạt bom để san lấp mặt đường, để đếm từng quả bom rơi xuống trận địa, cắm cờ đánh dấu cho công binh đến phá. Khi tốp máy bay thứ mười sáu, sau khi dội hàng loạt bom dồn dập đã kéo đi, tất cả mười cô gái trẻ trung xinh đẹp, lập tức từ nơi ẩn nấp xông lên, bắt tay vào nhiệm vụ san đường, bất ngờ một chiếc bay vòng trở lại, cắt hai quả bom ném xuống, một quả đã rơi trúng ngay miệng hầm nơi các cô đang ẩn nấp. Tiếng nổ kinh hoàng. Lửa phực lên phừng phừng. Bụi khói mù mịt. Đất đá văng rào rào như bão. Tiểu đội nữ đang trên đường ra thay ca ào đến. Bộ đội từ các nơi ào đến. Nhân dân từ trong xóm ào ra. Tất cả xăn tay áo đào bới. Tất cả gào lên khóc gọi các cô. Nhưng… chỉ còn lại là sự lạnh lùng đến rợn người, chín cô gái nằm đấy với thân thể dập bầm. Còn… Hồ Thị Cúc thì không thấy đâu. Cúc ơi!  Cúc ơi! Em ở mô Cúc ơi! Những tiếng gọi thổn thức. Những tiếng khóc nghẹn ngào. Những tiếng cuốc tiếng xẻng vẫn đào bới trong tuyệt vọng. Cúc ơi!  Cúc ơi! Em ở mô Cúc ơi!... Ba ngày sau mọi người mới tìm thấy chị, ở cách đó hơn hai mươi mét, bị vùi lấp trên núi Trọ Voi. Chị ra đi trong tư thế ngồi xổm chúi về phía trước, mũ cối với ngôi sao thanh niên xung phong vẫn đội trên đầu, cây cuốc dùng san lấp mặt đường nằm ngay bên cạnh, mười đầu ngón tay rách tướp, vì đã cố gắng đào bới để tìm cách thoát ra ngoài.


Tất cả mười cô gái ra đi mà chưa kịp ăn bữa cơm chiều, còn buổi trưa chỉ mỗi người một củ sắn luộc. Tất cả ra đi trong đói trong khát, vì tháng bảy ở Can Lộc- Hà Tĩnh, ở dải đất Miền Trung khô cằn, đang là mùa gió Lào thổi cháy từng vạt cỏ. Tất cả ra đi. Tất cả đã  ra đi. Nhưng buổi sáng hôm sau, khi tổ chức đưa tiễn họ về nơi yên nghỉ cuối cùng trên núi Dịa, chỉ có chín người, còn Hồ Thị Cúc thì vẫn chưa tìm thấy. Tác giả Yến Thanh có mặt lúc đó, đã lặng lẽ lau nước mắt, viết vội bài thơ đọc thay lời ai điếu. Tôi xin phép tác giả giới thiệu lại bài thơ này cùng bạn đọc.


CÚC ƠI


Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu?

Đất nâu lạnh lắm

Da em xanh

Áo em thì mỏng

Cúc ơi! Em ở đâu?

Về với bọn anh

Tắm nước sông Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn

Ở đâu hỡi Cúc?

Đồng đội tìm em

Đũa găm cơm úp

Gọi em

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi


25.7.1968

(Nguyễn Thanh Bình- Hà Tĩnh)


alt


mười cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc


hotinhtam


alt

Chị Võ Thị Hà
Sinh ra ở thị trấn Đức Thọ, Hà vốn là cô gái không quen lao động nặng. Cha Hà – ông Võ Trọng Lạc quê gốc ở thị trấn Đức Thọ gặp bà Trần Thị Khuyên quê Bến Thuỷ- Vinh. Hai người cưới nhau và sinh được 5 người con. Hà là con thứ ba.


alt

Chị Nguyễn Thị Xuân
Chị Nguyễn Thị Xuân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố chị là đảng viên 1930 – 1931. Tuổi thơ của Xuân gắn liền với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 3 gian, cái bếp con con và mảnh sân vuông vắn trước thềm.


alt

Chị Hà Thị Xanh
Sinh ra ở vùng quê Đức Hoà - Đức Thọ, Xanh vốn là cô gái hiền lành, ít nói nhưng làm việc thì rất chăm. Xanh đậm người, khoẻ mạnh, làm việc gì cũng xốc vác, hay nhận việc khó về mình.


alt

Chị Trần Thị Hường
Chị Trần Thị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp. Cha chị là vệ quốc quân hy sinh năm 1953 ở mặt trận. Khi ông hy sinh, Hường mới 4 tuổi, mẹ Hường đang có mang em Lý.


alt

Chị Trần Thị Rạng
Sinh ra tại xóm chài Thọ Thuỷ - Đức Vĩnh – Đức Thọ, từ nhỏ cô bé Rạng đã tỏ ra can đảm, ít nói song tinh nghịch. Thời thơ ấu Rạng theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La.

mười cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc


hotinhtam

alt

Chị Võ Thị Hợi
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc – Can Lộc, nơi có dãy Hồng Lĩnh quanh năm mây vờn và ngôi chùa Hương cổ kính nằm ẩn mình trên đỉnh núi, từ nhỏ, cô bé Hợi đã cảm thấy yêu quê hương, yêu ruộng đồng yêu những người dân quê mộc mạc,” Một nắng hai sương”.


alt

Chị Dương Thị Xuân
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân - Đức Thọ, trong một gía đình đông con, chị Xuân sớm ý thức được trách nhiệm người chị cả của mình. Là con gái đầu lòng nên Xuân khá vất vả.


alt

Chị Nguyễn Thị Nhỏ
Cùng sinh năm 1944 như chị Tần, chị Cúc, nhưng Nhỏ có một hoàn cảnh tương tự Cúc. Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi Nhỏ từ tấm bé.


alt

Chị Võ Thị Tần
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo đói nhưng giàu lòng yêu nước, lại được sự giáo dục của nhà trường nên chị Võ Thị Tần đã sớm hình thành lý tưởng cách mạng, lối sống giản dị, tiết kiệm, chịu đựng gian khổ để học tập.


alt

Chị Hồ Thị Cúc
Cúc cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Nương Bao - xã Sơn Bằng – Hương Sơn, bên con sông Ngàn Phố trong xanh. Cúc vừa đầy một tuổi, nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã cướp mất người cha, bà nội Cúc và bao người khác trong làng.

Re: chút tâm tư về mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc

lethanhklaus | 28/04/2013, 23:50

Anh Hồ Tịnh Tâm Kính Mếm !
 Bài thơ " Lời của mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc " đã nói lên những hoài vọng và những trăn trở của họ của những người đã hy sinh vì tổ quốc và cũng là nhức nhối của chúng ta mong ước đất nước ngày một tươi đẹp . Con thuyền cách mạng đã cập bến bờ .Trên chặng đường lịch sử của đất nước đã phải đổ biết bao xương máu của dân tộc mới có được như ngày nay . Những người con anh hùng đã  đem hết sức mình dâng cho tổ quốc với niền tin trọn vẹn đất nước liền một dải toàn dân no ấm không có kẻ bóc lột không có kẻ giầu người nghèo .Đã tưởng xưa đánh tư bản thì đất nước mình không còn tư bản nữa .Vậy mà những đồng tiền xương máu của dân của nước bây giờ lại bị ăn cắp để nuôi ấu chúa tư bản như thế có nhìn được không ? Bằng đồng tiên xương máu của dân của nước người ta đục khoét moi rỗng rồi lấy đi mua chức mua quyền rồi lại ngồi vào ghế lãnh đạo để làm hại đất nước nếu chúng ta không kên quyết loại bỏ những loại người đó thì thử hỏi sự nghiệp của cách mạng đã được đổi bằng xương máu sẽ ra sao trong tay những loại người này .Hẳn bác Hồ và tất cả những thế hệ đã lấy thân mình hy sinh sẽ rất đau lòng
Cuộc kháng chiến chống My trường kỳ gian khổ hy sinh mất mát để có ngày nay nhưng cho ai ? cho những người tư túi để họ giầu có .Để dân vẫn khổ lớp trẻ thiếu học hành người ốm không có bệnh viện lương y không còn là từ mẫu  đạo đức thoái hóa tệ nạn xã hội những thứ rác rưởi các nước người ta vứt đi thì nay nước mình tràn ngập vì sao ? Thật đau lòng . Em cảm ơn anh đã gửi cho em bức chân dung của Bác Hồ .Nhìn tấm ảnh của Bác em đã khóc .Hẳn lúc này Bác đang bệnh mà đất nước còn chia cắt .Tấm gương của Bác cho tất cả chúng ta học tập .Thế nào la " Trí Công Vô Tư  " cả một đời vì dân vì nước. Em thấy hô khẩu hiệu nhiều lắm nhưng họ không thấy hổ thẹn với lương tâm không trong sạch trước vong linh của Bác Hồ và những người đã vì họ vì tổ quốc mà hy sinh . Một lần nữa em cảm ơn Anh bằng cả tấm lòng quý mến của mình ! Kính chúc Anh sức khỏe và luôn tràn ngập cảm xúc cho sáng tác ! Em Lệ Th


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com