Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

hồ tĩnh tâm

kí ức cầu vồng của Hồ Tĩnh Tam




ỨC CẦU VỒNG
Hồ Tĩnh Tâm
 
Trong đời, tôi đã không biết bao nhiêu lần nhìn thấy cầu vồng. Lúc ở miền biển. Lúc ở miền núi. Lúc ở đồng bằng. Cầu vồng với tôi trở nên thân thương kì lạ.
 
Một lần đi làm phim từ cù lao Dài trở về, trên chiếc xe bốn chỗ, ngồi ghế sau chỉ có tôi với Quế Minh. Ghế trước, họa sĩ Trần Minh Thái ngủ gà ngủ gật, sau một ngày trời phải tham gia vào nhiều cảnh trong bộ phim tư liệu nhiều tập, về dòng kinh Vĩnh Tế. Bác tài trẻ tuổi chăm chú dõi nhìn cung đường. Tôi với cô gái trẻ là dân văn chương thơ thẩn, nên dù có thấm mệt đến đâu, đều thức dõi nhìn ra cửa xe để ngăm phong cảnh. Khi xe chạy băng qua một cánh đồng ngút ngát, thuộc huyện Vũng Liêm, trời đã ngã hoàng hôn tím lịm. Hình như có điều gì đó bức xúc, nên Quế Minh xoay sang nói với tôi.
 
- Thầy biết không? Bao giờ từ quê trở về nơi công tác, khi đến Quảng đường này, em đều thấy cầu vồng, vậy mà hôm nay sao không thấy. Lạ thiệt! Hay tại mình đi ô tô há thầy?
 
Tất nhiên cầu vồng thì liên quan gì đến đi ô tô hay đi honda, đi xe đạp, nó chỉ liên quan đến trời có mưa hay là không mà thôi. Cầu vồng luôn xuất hiện sau những cơn mưa mà. Đoàn chúng tôi đi làm phim vào mùa khô, cả một ngày phơi nắng chang chang, trời khô rang thế này thì làm gì nhìn thấy cầu vồng.
 
Có vẻ như đoán được ý tôi, Quế Minh lại nói:
 
- Không! Đoạn đường này liên tục xuất hiện cầu vồng vào buổi chiều thầy ạ, dù là mùa nào cũng vậy. Có lẽ do hơi nước bốc lên nhiều, độ ẩm không khí cao, nên cầu vồng xuất hiện. Có lần nào qua đây vào buổi chiều mà em không thấy cầu vồng đâu.
 
Ừ nhỉ, cô giáo Anh Văn này, trước đây từng là sinh viên bộ môn âm nhạc của tôi, biết đâu cô ấy nói đúng. Trường tôi lúc đó buộc sinh viên tất cả các ngành sư phạm đều phải học nhạc lý căn bản, bởi vậy mà tôi có dạy Quế Minh 135 tiết về âm nhạc. Quế Minh là một cô gái xinh xắn, thông minh, dễ thương, và khá ư là tinh tế, lúc nào cũng mơ mơ màng màng. Ra Trường, em về Bình Minh dạy học, rồi được điều về trường Đảng của huyện. Chẳng biết bằng cách nào, mà thơ em tự nhiên hay lên kì lạ; rồi em lại còn viết tiểu thuyết nữa. Và rồi, em trở thành đồng nghề và đồng nghiệp với tôi, số lượng tác phẩm cứ dày lên theo năm tháng, thành tích sáng tác cứ đầy lên theo năm tháng. Quả thật, tôi cũng rất tự hào về cô sinh viên xinh xắn của mình, mỗi khi có dịp cùng đi thực tế sáng tác với em.
 
Quế Minh à, em cũng chính là một cầu vồng xuất hiện trong cuộc đời thầy đấy thôi.
 
Nghĩ vậy, tự nhiên tôi nhớ lại một câu chuyện đã xãy ra từ rất lâu, lúc tôi học lớp bảy tại vùng sơ tán, thuộc vùng bán sơn địa Thạch Thành, Thanh Hóa. Bấy giờ tôi là một thằng nhóc mới lớn, từ thành phố Vinh lên sống với người Mường, học chung lớp với nhiều anh chị người Mường, trong đó có chị Nụ mười chín tuổi, đẹp như đóa hoa thằng đăng bên bờ suối. Xin lỗi là lúc đó tôi đã biết cảm và biết nhận thức về cái đẹp rồi đấy. Tôi cảm ở chị Nụ từ gương mặt, đôi mắt, mái tóc và cái cổ cao ba ngấn, đến cả đôi bờ vai, đôi bàn tay, đôi chân, cùng tấm thân thắt đáy lưng ong thon đẹp. Dường như trời đã ban phước cho ai thì ban cho tất cả. Chị Nụ đẹp tới mê mẩn tất cả trai bản về nhan sắc, giọng nói lại mượt mà, ánh nhìn lại sâu và dịu, cứ như hút hồn tất cả những ai lạc vào đó. Đã thế chị lại thông minh và mẫn tiệp, giỏi toàn mà lại thích văn thơ; chị với tôi hợp nhau cứ như từng giọt mưa, tia nắng. Về chị Nụ, tôi đã nhớ lại và viết ra không biết bao nhiêu bài viết và truyện ngắn gởi đang báo và in thành sách. Trên blog này, tôi cũng có giới thiệu một vài truyện viết về chị. Bạn đọc tinh ý sẽ dễ dàng nhận thấy, bởi tất cả truyện ngắn của tôi đều thường khởi đi từ những sự thật trong chính cuộc đời tôi.
 
Tôi đã từng được chị Nụ nhiều lần mời về nhà chị ăn cơm. Nhà chị ở một bản Mường gần rừng Quèn Sắt, ngôi nhà chìm lút giữa rừng luồng cao vun vút, mà tút tít phía sau cánh rừng luồng mênh mông ấy, là cả một rừng mơ bạt ngàn. Bố chị vốn là một thợ săn lừng danh nhất bản, đã một mình bền chí tạo dựng cơ nghiệp cho con gái, kể từ khi mẹ chị qua đời. Với dân phường săn, đây là một chuyện lạ, bởi rất hiếm dân phường săn nào chỉ sống với một vợ duy nhất. Các anh chị lớn đã ra riêng, nên trong nhà chỉ có hai bố con và một con chó Lài lông vàng, to cao lừng lững như con bê, và cũng già nua, mù lòa như bố của chị. Ông cụ rất quý tôi, kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về một thời săn nai, săn cọp. Vết sẹo sâu hoăm hoắm vắt ngang gương mặt ông, là móng vuốt của một con gấu đã tát trúng khi ông quần nhau với nó. Trong “Rừng hoa mơ”, tôi có kể về chuyện này khá kĩ.
 
Lần ấy tôi với cái Thanh đi củi về, khi đến ngang nhà chị Nụ, tôi đã ghé vào để xin nước uống. Cái Thanh leo lên sàn, đến bên bếp lửa líu lo đủ thứ chuyện học hành với ông lão thợ săn, còn tôi thì một mình đi ra rừng mơ. Khi nghe tiếng thác đổ ầm ào phía cuối rừng mơ, cũng là lúc tôi sững người nhận ra chiếc cầu vồng cong vút, vắt ngang qua dòng thác đang phun tung tóe những bờm nước trắng xóa. Và… điều mà tôi không thể nào tin nổi, là… chị Nụ xinh đẹp đang đứng trên một tảng đá đen bóng, khỏa thân ngời ngợi dưới nắng chiều đỏ rực, đưa cả hai cánh tay trắng muôn muốt lên, hất xõa suối tóc dài óng ả về phía sau. Chị giống như một nốt nhạc, hay một đóa sen, một đóa thằng đăng, hay một con chim công, hiển hiện dưới vòm cầu vồng lung linh bảy sắc. Ngực tôi đau thắt lại, như có ai nắm lấy trái tim mình mà bóp, hơi thở bay biến đi đằng nào, toàn thân căng cứng.
 
Tôi đang đứng chôn chân như trời trồng sau một gốc mơ cổ thụ, thì có ai đó dùng bàn tay bịt lấy miệng tôi, nói rất nhỏ.
 
- Đi!... Đi nào!... Xấu lắm!...
 
Đó là cái Thanh, nó năm lấy bàn tay tôi, nhè nhẹ kéo tôi đi hút vào rừng mơ đang giữa mùa hoa nở, trắng xóa cả cánh rừng.
 
Suốt cả đời, làm sao mà tôi quên được giây phút ấy, quên được chiếc cầu vồng, quên được chị Nụ mười chín tuổi. Quay nghiêng về phía Quế Minh, tôi thấy ráng chiều cuối ngày ánh lên trong đôi mắt em như lửa.
 
HTT

http://s697.photobucket.com/albums/vv332/tamtamtinh/?action=view¤t=dongnhi.gif

Quế Minh- Đông Nhi



VnVista I-Shine
© http://vnvista.com