Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Tiểu Trúc's Blog

Nỗi lòng chinh phụ tiễn chồng ra trận

1.         Đề tài nỗi nhớ thương của chinh phu – chinh phụ không còn là đề tài mới mẻ đối với các tác giả thời trung đại – thời của những cuộc chiến chinh khói lửa không ngừng nghỉ. Thế nhưng có lẽ thành công nhất trong đề tài này của các tác gia Việt Nam có lẽ chỉ có mỗi Đặng Trần Côn với tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, một khúc ngâm đi vào con tim bao thế hệ người Việt.
Đặng Trần Côn (1715? – 1745) là người làng Nhân Mục, Thanh Trì, ông sống vào giai đoạn Lê – Trịnh, thời mà văn chương chữ Nôm nở rộ với những tên tuổi nổi tiếng như Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái,… nên nhiều người đã tìm cách diễn Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán của ông. Bản diễm Nôm được coi là xuất sắc nhất tác phẩm của Đặng Trần Côn được cho là của nữ sĩ tài hoa Đoàn Thị Điểm chắp bút (cũng có thuyết cho rằng của Phan Huy Ích – vấn đề dịch giả của tác phẩm này vẫn còn đang tranh cãi). Dù tác phẩm được ai diễn Nôm đi chăng nữa thì đó cũng là một sự “đồng sáng tạo” để cho bản diễn Nôm một giọng thơ đầy tình, ý mượt mà và thật gần gũi, giàu sức biểu cảm, đi vào lòng người nhẹ nhàng như lời tâm tình ngọt nào.
2.         Cả khúc ngâm là nỗi lòng người chinh phụ trong những ngày vò võ chờ mong chồng nời chiến trường xa, một nỗi sầu không biết tỏ cùng ai cho vơi bớt nỗi niềm.
Theo chiều dài của khúc ngâm, tâm trạng người chinh phụ thay đổi, biến chuyển, thay đổi dần theo thời gian ngày một dằng dặc hơn trong nỗi đơn côi. Tác giả đã thể hiện một sự tài tình trong việc miêu tả tâm trạng nhân vật trữ tình, điều mà rất hiếm bắt gặp trong văn học trước đó.
Chinh phụ ngâmcó hình thức là một lời độc thoại nội tâm mà vai chính, cũng là vai duy nhất đứng ra độc thoại trong truyện là một người vợ có chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến chủ xướng, kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn buồn tủi phải xa chồng. Tác phẩm mở đầu với khung cảnh của chiến tranh ác liệt và nhà vua truyền hịch kêu gọi mọi người tham gia chiến cuộc. Trong bối cảnh này, nàng chinh phụ tiễn đưachồng nàng lên đường phò vua giúp nước, ra đi với quyết tâm dâng vua “liên thành”, hùng dũng trong chiếc chiến bào thắm đỏ và cưỡi con ngựa sắc trắng như tuyết.
Cuộc tiễn đưa lưu luyến kết thúc, người chinh phụ trở về khuê phòng và tưởng tượng ra cảnh sống của chồng nơi chiến địa. Những xúc cảm về một hình ảnh "lẫm liệt" của chồng phút chia ly đã dần mờ nhòe, thay thế vào đó là nỗi lo sợ khủng khiếp về số phận của chồng giữa chiến trường khốc liệt, đầy oan hồn tử khí, và niềm đau khổ khôn nguôi về thân phận đơn chiếc của bản thân nàng.
Trong phần tiếp theo, câu chuyện chủ yếu diễn tả tâm trạng trăn trở, cô quạnh của người chinh phụ. Đó là việc chồng quá hạn không về, cũng không có tin tức gì, và người chinh phụ đành phải tính thời gian bằng chu kỳ quyên hót, đào nở, sen tàn. Đó là tâm trạng "trăm sầu nghìn não" khi người chinh phụ quanh quẩn trước hiên, sau rèm, vò võ dưới đêm khuya vắng, đối diện với hoa, với nguyệt. Đó là tâm trạng chán chường khi tìm chồng trong mộng nhưng mộng lại buồn hơn, lần giở kỷ vật của chồng mong tìm chút an ủi nhưng sự an ủi chỉ le lói, thấy thân phận của mình không bằng chim muông, cây cỏ có đôi liền cành. Cuối cùng, chán chường và tuyệt vọng, người chinh phụ đã không còn muốn làm việc, biếng lơi trang điểm, ngày đêm khẩn cầu mong được sống hạnh phúc cùng chồng.
Kết thúc khúc ngâm, người chinh phụ hình dung ngày chồng nàng chiến thắng trở về giữa bóng cờ và tiếng hát khải hoànđược nhà vua ban thưởng và cùng nàng sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả.
                                                            (theo wedsite: wikipedia.com.vn)
Mọi nỗi sầu tủi của người chinh phụ bắt nguồn cũng bởi cuộc chiến tranh của triều đình phong kiến khởi xướng mà nàng đành ngậm ngùi tiễn chồng lên đường tòng quân để rồi lặng lẽ chiếc bóng đêm thâu khóc thầm. Sáu mươi bốn dòng thơ đầu tiên đã thể hiện đầy đủ nội dung của một cuộc chia li chinh phu – chinh phụ và nỗi sầu của nàng chinh phụ dậy lên những cơn sóng lòng đầu tiên.
3.         Những cuộc chiến tranh mà triều đình phong kiến phát động không chỉ ảnh hưởng tới riêng ai mà dường như tất cả mọi người điều phải mang lấy những nỗi đau mà chiến tranh gây ra:
Thưở trời đất nỗi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Chiến tranh đau thương mất mát được diễn tả như một trận cuồng phong của đất trời, trời “nổi cơn gió bụi” thì bốn cõi khó ai tránh khỏi. Nhưng ngay ở dòng thơ tiếp theo, tác giả liền chỉ rõ ra nạn nhân ảnh hưởng nhiều nhất chính là “khách má hồng”. Đã sinh ra mang kiếp hồng nhan thì tránh sao cho khỏi những bụi dơ cuộc đời vây lấy, đã “nhiều nỗi truân chuyên” lại còn phải truân chuyên hơn bởi gió bụi chiến chinh:
Ngay khi vừa mới mở đầu khúc ngâm, người chinh phụ đã kêu lên thật bi thương, ngửa mặt lên trời mà trách xanh kia sao nỡ trêu nhau cho đau lòng người:
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Vì ai? Vì ai ư? Có lẽ người chinh phụ, người soạn khúc ngâm, người đọc khúc ngâm, và mọi người đều biết câu trả lời. Đấy chính là triều đình phong kiến với sự ích kỉ, tham lam, tàn nhẫn của mình đã đẩy nhân dân vào những cuộc đao binh, làm cho nhà tan cửa nát, gia đình li tán, những đôi uyên ương chưa hưởng được chút hạnh phúc nhỏ nhoi đã phải phương trời cách biệt, nhớ nhau ở nghìn trùng chân mây.
4.         Dù thương nhau, dù không muốn xa nhau nhưng chiến tranh bùng nổ ra thì phải làm sao bây giờ? Tiếng trống giục giã nổi lên, khói lửa mù trời, người làm trai chữ trung đứng đầu chẳng lẽ ngồi im được sao. Vua không gọi cũng phải vì nước ra đi huống chi đã được tin tưởng thì chối từ làm sao cho đặng?
Chín lần gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Trong xã hội phong kiến, ý niệm về chữ trung ăn sâu vào tiềm thức con người, nhất là đối với đấng nam nhi. Tu thân, lập chí là ước nguyện của mọi người làm trai. Cũng vì chí nguyện ấy mà ngày xưa Phạm Ngũ Lão từng thốt lên rằng:
Namnhi vị liễu công danh trái
Luống thẹn nhân gian thuyết vũ hầu.
Thế nên người chinh phụ hiểu cho nỗi lòng của chồng mình, cũng muốn chồng mình lập được công danh:
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh.
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Đã ra trận dù có “da ngựa bọc thây” cũng cam lòng, dù có Thái Sơn sừng sững cũng coi nhẹ như lông hồng, chữ trung nghĩa, khí tiết sừng sững trong lòng chồng so với chút “tình nhi nữ” của nàng thì thấm vào đâu. Nỡ nào nàng lấy chút tình nhỏ nhỏi của mình để buộc chân chồng, làm cho chồng thẹn với đất trời, với non sông và với chí làm trai của chàng. Mà nếu có muốn nàng giữ chân chàng được không khi mà:
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng, niềm tây sá nào.
Thế là chàng ra đi chinh chiến để lại người vợ trẻ quạnh quẽ nhớ nhung.
5.         Người đi kẻ ở ai mà chẳng buồn. Lệnh vua giục dã lên đường, dù luyến tiếc những dám đâu chùng bước, dù “buổi tiễn đưa lòng bận thê noa” cũng dám đâu nán lại mà phải dứt áo, nuốt sầu vào lòng ra đi:
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vỵ, ào ào gió thu.
Đà quyết tâm ra đi, thề quyết lòng nhưng thử hỏi hồng nhan tri kỉ ngậm ngùi, lã chã lệ tuôn, nếu đứng đấy thì gỗ đá cũng động lòng huống chi người chinh phu đang mặn mối tình nồng. Thế nên đi thì đi nhưng lòng nổi sóng tơi bời, dữ dội dâng lên như gió thu ào ào gầm thét.
Nhưng lòng buồn hơn chắc chắn phải là người thiếu phụ trẻ đang độ tuổi đang xuân, tình đang chín. Nàng để chồng đi nhưng buồn day dứt:
Đưa chàng lòng dằng dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.
Người chinh phụ nặng lòng muốn theo chồng nhưng có muốn cũng đâu được. Muốn theo nhưng có được như ngựa, như thuyền để theo bước chàng trên đường chinh chiến. Lòng cứ muốn chẳng rời chồng nên tiễn đưa nhưng không nỡ rời nhau, cứ dùng dằng, dùng dằng mãi:
Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng.
Nàng dùng dằng vì thương nhưng trong tâm cũng muốn chồng lập được công, muốn chồng được như “Giới Tử, Phục Ba”. Lòng nàng trong buổi tiễn đưa có trăm chiều mâu thuẫn, mắt dõi theo bóng tình quân trong đoàn binh ra trận kiêu hung:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Nỗi sầu của người chinh phụ bắt đầu nổi lên và sâu đậm mãi khi nàng phải đứng lại, nhìn chồng xa khuất mãi:
Hà lương chia rẽ đường này,
Bên đường trông bóng cờ bay ngùi ngùi.
Tác giả thấu hiểu nỗi sầu đến tận cùng, diễn tả từ gốc đến ngọn, không bỏ qua một dấu nhỏ nào trong tâm trạng người chinh phụ.
Chồng đi rồi chính là lúc nàng bắt đầu chính thức trở thành một người chinh phụ. Và cũng từ đây, tâm trạng nàng với những sự nhớ nhung, mong ngóng, chờ đợi, trách móc, hờn dỗi và yêu thương đực thể hiện đầy đủ trong toàn bộ khúc ngâm.
Khi chồng vừa xa khuất, nàng đã hỏi một điều với chính nàng, một điều nàng không dám hỏi chồng vì như thế sẽ bận lòng người ra đi:
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
Nàng hỏi chồng nàng có biết đến nỗi sầu của nàng hay không cũng là chính nàng tự hỏi thân mình rằng: ngày tháng dần trôi nàng sẽ sống sao đây? Sống như thế nào khi nỗi buồn xa vắng người yêu gặp nhấm tâm can nàng, sầu thương đứt ruột? Càng buồn, người chinh phụ trẻ thẩn thờ lê bước chân trở về, vừa đi vừa trông lại.
Người đã xa rồi. Thấy gì nữa đâu mà ngón trông đợi chờ. Tiếng chiêng sáo văng vẳng xa dần, hàng cờ cũng khuất dần. Càng quay đầu nhìn lại càng trăm chiều ảo nảo, “thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.”
Một hiện thực được vẽ ra trước mắt nàng về những tháng ngày đương sắp sửa đến:
Chàng đi thì cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
Người chinh phụ đã cảm được nổi khổ của chồng, nỗi đau của lòng mình. Người đi kẻ ở đều nhớ thương nhau ngoảnh lại nhìn nhau nhưng xa cách muôn trùng:
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biết trải ngàn núi xanh.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Đây được đánh giá là một trong những đoạn thơ hay nhất về diễn tả tâm trạng của “chinh phụ ngâm”. Hay bởi vì cả ý, cả tình được diễn một cách chân thật mà gần gũi.
Hai ngươi li biệt những lúc nào cũng hướng về nhau, dõi theo nhau nhưng thấy gì đâu ngoài mây xanh với núi xanh một màu. Những địa danh “Hàm Dương”, “bến Tiêu Tương” biểu tượng cho sụ xa cách nhưng lúc nào chinh phu – chinh phụ  cũng “ngoảnh lại”, “trông sang”. Đau khổ cho cả hai là khói nước sông Tiêu Tương không cho nàng nhìn thấy Hàm Dương, cây cao chốn Hàm Dương chắn mất tầm mắt chàng trông lại bên Tiêu Tương. Thế nên mới đau xót mà ngâm rằng:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu…
Màu xanh bất tận của dâu xanh trên con đường ánh mắt trông về nhau làm cho nỗi sầu thêm dằng dặc mãi. Để rồi cuối cùng một câu hỏi để lửng lơ “lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Làm sao biết ai sầu hơn ai được. Nhưng nỗi sầu của chinh phu – chinh phụ muôn đời vẫn là “thiên cổ sầu”.
6.         Chỉ với một đoạn mở đầu 64 dòng thơ (ngắn hơn nguyên tác 5 dòng), bản diễn Nôm không nhưng thể hiện đầy đủ tình, ý của tác giả mà còn thể hiện một cách gần gũi, dễ hình dung và nhiều hình ảnh hơn so với nguyên tác.
Nếu mở đầu nguyên tác, tác giả viết:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân.
Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?
Đây là lối khúc ngâm chữ Hán với số câu ngắn dài khác nhau thì ở bản Nôm, dịch giả viết:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Rõ ràng với thể thơ song thất lục bát, dịch giả đã đưa đến cho độc giả những vần thơ đầy nhạc điệu, có sức lay động hơn.
Hơn thế nữa, hình ảnh trong đoạn mở đầu cũng được diễn Nôm một cách sâu sắc, có tính gợi tả hơn.
Sử dụng thể thơ song thất lục bát, dịch giả đã làm cho “chinh phụ ngâm” trở thành một tác phẩm hay, dễ đi vào lòng người hơn.
Hết.


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com