Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Lớp 6A5

Những thầy cô của tôi...

Trong cái mớ hỗn tạp mà tôi gọi là "kho tưởng niệm thời học sinh" của mình, những năm tháng cấp 1 và cấp 3 là ấn tượng hơn cả, nhưng đã nói là bài tổng kết thì phải viết cho có lớp lang trật tự, cẩn thận và trung thực từ nhỏ đến lớn luôn. Và khi bắt đầu viết, tôi phải ngạc nhiên không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ rõ tên từng giáo viên đã dạy qua mình như thế!!!

Tôi còn giữ một tấm hình chụp tập thể lớp "chồi" của mình. Những khuôn mặt ngây thơ trong sáng, những nụ cười mở rộng vô tư. Mỗi lần xem lại, tôi cứ thắc mắc mãi một điều : "Sao hồi bé, mỏ mình chu dzữ thần ta?". Tôi còn khám phá một điều thú vị, rằng có 3 bạn trong ấy sau này học chung trường cấp 1 với tôi, 2 bạn khác thì chung trường cấp 2 và một bạn nữ cách đây 5 năm tôi vô tình gặp lại, chỉ thấy quen quen và mĩm cười chào đại mà không nhớ nổi đó là bạn học của mình thời... mẫu giáo. Nghĩ đến thấy vui lạ.

Cô C., người chăm chúng tôi năm ấy hiện vẫn chưa chuyển chỗ ở. Ngày trước thi thoảng tôi vẫn gặp cô, mỗi khi về thăm xóm cũ, nhưng cô cháu không nhận nhau. Tôi biết cô sống tốt như một nữ tu, nên tôi thấy mến cô nhưng đó không phải là cái nhìn của một đứa học trò trước cô giáo của mình. Không, cô C. chưa từng dạy cho tôi bài học nào cả.

Năm lớp 1 _ cô O.

Cô O. là một người rất đẹp. Tôi còn nhớ rõ cô có 1 khuôn mặt trái xoan, nước da trắng nõn và 1 mái tóc dài ngang lưng đen mượt. Nhưng tôi không thích cô. Ngày xưa, cô hay cầm thước gõ vào đầu đốt ngón tay tôi vì tội cầm bút bằng tay trái. Tôi không thích đi học nên vì việc ấy tôi càng không muốn đến lớp. Nhớ hồi đó, ngày nào đám bạn cũng phải qua dzụ dzỗ tôi tới trường chung cho... dzui.

Năm lớp 2 _ cô Y.

Cô Y. là người mà tôi đã mang ơn. Năm đó tôi bị nổi mề đay. Nghỉ học suốt 1 tuần, uống đủ loại thuốc tây mà tôi vẫn không khỏi bệnh. Khi hay tin, cô đến tận nhà trao cho tôi 3 lọ thuốc bắc, tôi dùng có 3 ngày thì hết hẳn. Rồi sau đó, mỗi ngày tôi sang nhà cô để được kèm phần kiến thức tôi bị thiếu hụt. Ngày ấy, cả trường đều biết tôi là học trò cưng của cô. Cô thương tôi, tôi thấy. Riêng tôi, nghĩ về cô, chỉ là một nỗi nhớ miên man ngọt ngào mà thôi.

Năm lớp 3 _ thầy H.

Thầy H. là người mẫu tôi chọn để vẽ nên hình ảnh về một giáo viên lý tưởng. Tôi không nhớ rõ ngày xưa còn bé, tôi nghĩ sao về thầy, chỉ nhớ nó rất ấn tượng. Có lẽ một phần vì thầy đứng lớp dạy chúng tôi độ hơn 1 tháng, thời gian quá ngắn để hiểu rõ cảm nhận của mình, vì vậy mà phương pháp giảng dạy mới mẻ của thầy tạo sự bất ngờ đến khó quên và tình cảm nồng nàn của thầy khiến tôi nhớ mãi.

Cũng năm lớp 3, thay thế cho sự ra đi của thầy H. là sự xuất hiện của cô T.

Tôi xem cô là sát thủ trường học. Cô mang lại một không khí chết chóc, sợ hãi bao trùm lên tất cả đám học sinh chúng tôi. Với suy nghĩ đơn giản thời ấy, có thể gọi đó là quãng thời gian sống trong địa ngục. Năm đó, tôi là đứa học sinh duy nhất đứng ra làm nhân chứng cho một lá đơn kiện cô tội ngược đãi học sinh. Dĩ nhiên bên nguyên đơn thua kiện. Nhỏ bạn tôi, người mà ba má nó đã viết đơn thì ngay lập tức ung dung nghỉ học để ở nhà đi chơi. Riêng tôi thì ở lại... chịu trận. Đó là năm học duy nhất tôi bị phê hạnh kiểm trung bình trong Học Bạ. Nhưng dù cô muốn trù dập tôi cỡ nào thì vẫn không đủ sức để triệt tiêu tôi, cùng lắm chỉ làm được vài chuyện tôi không xem trọng là bao thôi. Nói thật lòng, tôi căm thù cô. Căm thù cho đến cái ngày của 8 năm sau đó, tôi nghe được tin cô bị tước bằng Sư phạm vì có phụ huynh gửi đơn kiện lên đến Quận, tự nhiên tôi thấy thương hại cô. Ờ thì, cứ coi như khoảng thời gian đó là một vết lem trong đời học sinh của tôi vậy.

Năm lớp 4 _ cô V.

Đó là người mà tôi yêu mến bằng tất cả tấm lòng. Là người đã thắp sáng ước mơ trong tôi. Và là người giáo viên duy nhất tôi ôm hun trong đám cưới của mình.

Năm lớp 5 _ cô S.

Cô là người cuối cùng khiến tôi nổi máu nóng lên và quyết định dồn sức mình làm một việc mà người khác khinh thường không nghĩ tôi có khả năng hoàn thành. Năm ấy là năm đầu tiên nảy sinh kỳ thi ... tốt nghiệp tiểu học. Những ngày học thêm cuối năm, với cái roi lăm le trong tay, cô làm tôi phát rét chẳng học hành gì được. Hôm trước kỳ thi, cô nhắn nhủ (đe doạ nhiều hơn) rằng 3 học trò cưng của cô thì phải nằm trong top ten của trường, còn đám hậu đậu chúng tôi chỉ cần không rớt lộp bộp thôi chứ cô chẳng trông mong gì hơn. Những việc cô làm trong suốt năm học cộng với câu nói ấy đã khiến tôi tức giận. Tôi bước vào phòng thi trong tư thế của một người lính đi đánh trận (nghe hơi hình tượng quá, nhưng thật sự lúc đó tôi cảm tưởng mình như đang chiến đấu vậy). Tôi đậu thủ khoa trường. Ngày lấy phiếu điểm, thấy tôi, cô kêu lại (hình như định khoe khoang với các giáo viên đứng kế bên), tôi chỉ gật đầu chào rồi lủi thẳng về nhà. Tôi cười suốt ngày hôm đó, chưa bao giờ thấy lòng hả hê đến vậy. Sau này, khi có dịp biết về cuộc sống của cô, hiểu được tâm huyết và nỗi lòng của cô, tôi không thấy ghét cô như ngày xưa nữa, chỉ giận, ừ, tôi vẫn không thể thương cô được.

Năm lớp 6 _ không ấn tượng ai hết.

Năm lớp 7 _ cô giáo dạy Sinh, người đã mang đến cho tôi một tư tưởng mới. "Sống như con gái. Hành động như con gái. Nhưng biết quyết định như con trai". Tôi đã làm theo và chưa bao giờ thấy hối tiếc.

Năm lớp 8.

Cô giáo dạy Sử, người đã mang đến cho tôi niềm tự hào được là 1 người Việt Nam.

Cô H., giáo viên chủ nhiệm, người khiến tôi day dứt mãi đến giờ. Bao năm trôi qua rồi, cô vẫn nhớ từng gương mặt mốc của 45 đứa học trò lớp 8A1 thuở nào. Nhỏ bạn tôi, một trong số ít đứa còn về thăm cô mỗi năm nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo kể rằng, cô vẫn nhắc chúng tôi, thậm chí vẫn nhớ tên và có thể miêu tả được bộ dạng của từng người. Không biết sao cô nặng lòng với chúng tôi đến vậy? Không biết sao cô yêu chúng tôi nhiều như thế? Hy vọng một ngày không xa, tôi có thể tự tin về đứng trước mặt cô khẳng định một câu: "Con đã thành đạt rồi cô ơi.", để chứng minh cho lời tiên đoán của cô ngày trước. Ừ, sẽ có một ngày ...

Năm lớp 9.

Cô giáo dạy Hoá, người tôi nhận định là giáo viên tâm huyết thực sự với nghề nghiệp. Ban đầu cô từ chối không chịu đứng lớp dạy chúng tôi bởi vì cái lớp A9 lẹt đẹt kia cần sự hướng dẫn của cô hơn. Chưa có giáo viên nào la mắng chúng tôi thậm tệ như cô vậy. Cô coi chúng tôi là một lũ vẹt thông minh nhưng đầu óc thì không có sức sống, quá quan tâm đến điểm số mà chẳng màng xem chất lượng kiến thức mình tiếp thu thế nào.

Từ những lời cô nói, tôi thấy thích tập thể A9, cái lớp bị coi là con ghẻ của trường với toàn thành phần cá biệt. Tôi đã ước sao mình có được một tập thể như vậy. Và tôi đã toại nguyện.

Năm lớp 10.

Mới đầu năm, chân ướt chân ráo, lơ ngơ láo ngáo, tôi đã viết 1 tờ đơn (có thu thập chữ ký đàng hoàng) gửi lên BGH để xin đổi giáo viên dạy Văn. Đương nhiên việc ấy không thành công. Tôi học được một điều: châu chấu không thể đá xe. Dù việc làm của tôi là đúng, người ta biết, người ta cũng không thừa nhận. Tôi chợt thấy mình cần phải lớn, không hẳn là trưởng thành mà phải cứng cáp hơn để đối đầu với họ. Thế là tôi nhìn thầy cô của mình với ánh mắt của một người có thư thế đứng ngang hàng.

Cô giáo dạy Văn ghét tôi ra mặt, phải nói là thù hận luôn á. May mắn là tôi vẫn sống sót trôi qua năm học đó một cách an toàn.

Năm lớp 11.

Cô giáo dạy Văn là người đã khuyến khích lòng yêu thích văn chương của tôi. Cô là người duy nhất chấp nhận phong cách viết văn không giống khuôn mẫu và không giống ai của học sinh. Cô cho phép chúng tôi mở sách vở nghiên cứu khi làm bài kiểm tra, thậm chí là được phép đem về nhà làm luôn. Đó là lần duy nhất tôi thức trắng đêm ngồi hoàn thành bài phân tích một đoạn thơ dài 5 tờ giấy đôi của mình. Kết quả tôi nhận được quả thật rất nức lòng, cô sửa từng lỗi chính tả, chỉnh ý câu, đánh dấu phần phát triển ý hay... Nói chung, tôi biết cô đã đọc rất kỹ bài làm của tôi, chứ không đơn thuần lướt qua, cho điểm và phê một câu "Văn tốt. Ý hay". Mỗi khi nhắc lại năm lớp 11, cả lớp tôi đều gọi tên cô. Cô không phải là giáo viên mà chúng tôi yêu mến, nhưng là người chúng tôi luôn nhớ đến. Nếu vô tình một ngày gặp cô đi trên đường, chúng tôi sẽ lên tiếng chào chứ không lủi mất dạng hay làm lơ đi thẳng như đã làm với vài giáo viên khác.

Năm lớp 12. Một năm sóng gió.

Năm học mở đầu bằng một sự kiện ly kỳ. Trong hai tháng hè, với 10 lần họp hồi đồng giáo viên thì lớp tôi đã có 5 lần đổi giáo viên chủ nhiệm. Không ai chịu nhận trách nhiệm, người này đùn đẩy người kia với đủ mọi lý do. Thời gian học hè, chúng tôi được cập nhật thông tin mỗi tuần và hồi ấy ai cũng háo hức, dám chừng nhà trường cho lớp tôi tự quản lý cũng nên. Ngày 25 tháng 8, chúng tôi phải vào trường nhận lớp mà đến 20 tháng 8, chức giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi vẫn còn bỏ trống.

Ngày 24, thầy T. đưa đầu chịu trận. Cả lớp biết tin, ai ai cũng hồi hộp nôn nóng xem vị anh hùng kia là ai, ghê gớm cỡ nào. Chưa đến ngày khai giảng, chưa đứng lớp dạy chúng tôi một ngày nhưng chỉ qua 3 hôm học quân sự, tất cả lũ chúng tôi đã "tâm phục khẩu phục" thầy. Và chúng tôi âu yếm gọi thầy tiếng "bố" thân thương. Chúng tôi đã yêu thầy như yêu người cha thứ hai của mình.

Sự đời thật khó ngờ.

"Bố" dạy chúng tôi hơn 1 tháng thì đổ bệnh, không thể đứng lớp được nữa. Có thể 1 mình "bố" không đủ sức kìm cương 47 con ngựa chứng, dù quả thật "bố" đã nối 1 sợi dây liên kết chúng tôi lại với nhau. Nhắc về "bố" chúng tôi không thấy sự kính trọng mà là một tình cảm thân thương, yêu quý chân thành.

Cô A., người nặng nợ với lớp tôi năm lớp 10 thay thế cho sự ra đi của "bố". Đúng là cô thù chúng tôi thật nên cô coi lớp tôi như 1 gánh nặng không thể trút bỏ. Ngày biết tin "bố" không còn chủ nhiệm, tôi xuống phòng hiệu trưởng khóc lóc năn nỉ (1 hành động hiếm hoi vượt tầm kiểm soát ), cô A. biết chuyện đã bĩu môi cho rằng tình cảm của tôi dành cho thầy không thể đơn giản là tình thầy trò. Từ lâu tôi không nghĩ đến chuyện khinh thường một ai nhưng lúc nghe câu nói ấy, tôi tự cho phép mình khinh thường cô.

Suốt một năm học sau đó, những việc cô làm, những điều cô nói đã cho tôi một cảm giác rằng, tôi có thể tiếp tục khinh thường cô mà không hề cảm thấy tội lỗi.

Năm lớp 12 còn có thầy Toán, thầy Lý, cô Hoá, cô Anh, thầy Sử là những người đã đến với lớp tôi bằng cả một tấm lòng. Những người đã nhìn thấy ở chúng tôi những trái tim tuổi trẻ, tuy bốc đồng mà đáng quý. Sau này mỗi khi gặp lại, tôi vẫn kêu thầy kêu cô nhưng không phải với một thái độ kính trọng mà là mối thiện cảm dành cho những người lớn tuổi hơn mình.

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com