Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Lớp 6A5

"Thời thơ ấu" của tôi

Thời thơ ấu của tôi êm đềm trôi bên dòng Hương Giang lững lờ, xanh biếc. Với những buổi chiều nằm dài trên thảm cỏ xanh thả hồn theo những cánh diều xa. Với những buổi trưa trốn ngủ rủ nhau chia phe chơi trò đánh trận giả, mà “súng” là những ống tre nhỏ và “đạn” là những nụ hoa mận rụng trắng đầy sân. Và những buổi sáng sớm ra bờ sông múc nước đổ đầy vào từng hang nhỏ, hồi hộp ngồi chờ tóm cổ những chú dế than, dế lửa bị ngộp nước trồi lên…



Thời thơ ấu - Huy chương Vàng Liên Hoan Ảnh Nghệ Thuật toàn quốc lần thứ 19 - 1997


Bọn con gái thì chơi đồ hàng, ngồi túm tụm dưới bóng cây, với dụng cụ nấu bếp và những thức ăn chủ yếu là… tưởng tượng. Những sợi bún là những cánh hoa bưởi xé dài, miếng ớt là một phần của cánh hoa dâm bụt mọc đầy bên bờ ao, còn hành ngò là những cọng cỏ non xắt nhỏ. Chỉ thế thôi mà cứ rộn tiếng chào mời, rồi còn giả bộ đưa lên miệng húp xì xụp, xuýt xoa suốt buổi...

Tất cả toàn là những đồ chơi tự chế và dựa vào trí tưởng tượng thơ ngây. Thế mà chúng tôi đã từng chơi say mê trong suốt thời thơ ấu...

Còn bây giờ, các con tôi chỉ mong bố mẹ đi công tác xa để mang quà về cho chúng là những đồ chơi hiện đại, điều khiển bằng điện, bằng pin, tất cả đều hoàn hảo giống y như một sản phẩm thu nhỏ.

Có những gia đình vừa khá lên đã vội vàng ngọai hóa cho "cục cưng" của mình từ những đồ dùng lặt vặt nhất, nào là phấn rôm Johnson’s, tã giấy Hello Baby, ngay cả cái bô cũng trỗi lên khúc nhạc nước ngoài.

Chính những đồ chơi hiện đại và tư tưởng vọng ngoài của cha mẹ đã một phần làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ, đã làm mai một những trò chơi mang đậm tính dân dã, mộc mạc của trẻ em ở nông thôn Việt Nam.

Như để hoài niệm về thời thơ ấu của chính mình, tôi đã nhiều lần bày trò chơi dế với các con trong những lúc rỗi rảnh. Những lúc đó, tôi không khác gì chúng nó: cũng cãi nhau, cũng đòi "oa xịt", nghỉ chơi khi có đứa ăn gian…

Và rất ngẫu nhiên, trong một lần đến thăm trường Mẫu Giáo Măng Non 2, Quận 10, tôi đã bắt gặp nhiều cháu đang xúm nhau vỗ tay reo hò cổ vũ, ở giữa vòng tròn là hai con dế đang vểnh râu, giương mắt ngơ ngác nhìn… bọn trẻ. Thì ra chúng không biết chơi trò đá dế!

Thế là sáng hôm sau tôi vác máy ảnh theo với một tứ ảnh đã thoáng hiện trong đầu. Tôi thủ sẵn mấy con dế chia cho các cháu để làm thân, rồi bứt tóc cột vào đầu dế, quay và thổi để chọc cho dế "sung" lên.

Khi bọn trẻ đã say mê với những con dế, thì lúc ấy tôi lặng lẽ rời cuộc chơi và lùi dần ra. Gắn ống kính telé 210mm vào máy, mở khẩu độ 4, tốc độ 1/60 giây, nín thở... Và cứ thế, tôi bấm máy liên tục, liên tục… Tôi không nhớ rõ khoảng chừng năm hay mười phút gì đó, tôi đã đốt sạch hết một cuộn phim 36 kiểu. Cuối cùng tôi đã chọn được một khoảnh khắc để tạo nên cái "hồn" của "Thời thơ ấu", đó là lúc đứa bé gái phùng tròn má và đứa bé trai trề nhọn môi đang thổi say sưa vào hai con dế.

Hậu cảnh là những chiếc xích đu nhiều màu sắc, dù đã bị xoá nhoà nhưng vẫn có phần hơi rối, vạt nắng trên sân hơi sáng làm hút mắt người xem.

Sau khi công bố giải, loáng thoáng một số ý kiến cho rằng trò chơi đá dế là không nhân bản (!). Tôi nghe và chỉ cười, nhưng trong đầu tự hỏi sẽ không biết trả lời sao với các con về tính nhân bản trong những lễ hội chọi trâu, đấu bò, đá gà, câu cá...


Bài viết đã đăng trên Báo SGGP, 1997.
Tất cả ảnh minh họa đã được tác giả Thái Phiên đăng ký bản quyền.

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com